khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Những cảm nghĩ đầu tiên về nước Mỹ của một du khách Việt Nam



Chim hải âu và nỗi sợ hãi

Cảnh mà tôi thích nhất ở Mỹ là được nhìn từng đàn chim sẻ, chim bồ câu và đặc biệt là chim hải âu rất dạn dĩ và thân thiện với con người. Lúc đầu khi muốn tiếp cận với chúng, tôi cứ luôn miệng nói "Đừng sợ, đừng sợ" nhưng tôi thấy hình như chúng không biết sợ hãi là gì? Khi trong tay tôi có mấy miếng bánh mì là cả đàn lập tức sà xuống bu chung quanh để ăn. Có con dạn dĩ hơn còn sà xuống và "chớp" miếng bánh mì từ tay tôi tha đi mất tiêu. Từ đó tôi luôn luôn nhớ để dành bánh mì cho chim ăn, vì đó cũng là một niềm vui đầy thú vị mà ở Việt Nam không có được. Mẹ con tôi chụp hình với chim hải âu và cảnh cho chim ăn không biết bao nhiêu lần mà vẫn chưa thấy chán. Các loài chim ở Mỹ hình như không hề sợ hãi con người, có lẽ vì không ai làm hại chúng. Khác với ở Việt Nam thấy bóng con người ở đâu là chim vội vỗ cánh bay xa, chậm bay thì có thể biến thành chim rô ti hay chim nướng cho mấy quán nhậu mọc ở khắp nơi. Ở Việt Nam không chỉ có chim mới mắc bệnh sợ hãi, mà con người cũng nhiễm bệnh này khá nặng. Tôi nói vậy là vì nhớ đến câu chuyện một tối ở hotel, sau một ngày đi chơi mệt mỏi, tối về ai cũng muốn tắm rửa cho mát mẻ. Bạn tôi vô tắm trước, nhưng khi tắm xong đóng lại vì vòi nước cũ quá nên bị rớt ra, không xài được nữa. Bạn tôi đòi gọi tiếp tân để họ cho người lên sửa, nghe vậy mẹ con tôi sợ hãi can ngăn:

- Thôi bây giờ 10 giờ tối hết giờ làm việc rồi, đừng gọi cho mất công mà còn bị rầy
Con tôi còn chêm vô:


- Gọi lên có khi họ còn khép mình vô tội phá hoại tài sản rồi bắt mình đền thì chết

Bạn tôi trả lời :

- Đừng sợ, sao cái gì cũng sợ vậy? Không gọi lên sửa rồi làm sao mấy người có nước tắm

- Thì kiếm cái ly hứng nước ở vòi rồi lau mình sơ sơ cũng được mà!

Nhưng bạn tôi không đồng ý và cương quyết gọi cho tiếp tân. Tôi lo lắng thầm nghĩ : "Con nhỏ này gan quá, nói không chịu nghe lời, rồi đây sẽ rắc rối tùm lum cho mà xem." Trong bụng tôi bắt đầu đánh lô tô, tôi lo niệm Phật cho "tai qua, nạn khỏi". Khi bạn tôi gọi điện thoại xong, tôi hồi hộp hỏi:

-Họ nói sao? có la rầy gì không?

Bạn tôi cười ngất:

-La gì mà la, họ sẽ cho người lên sửa ngay để mình có nước tắm liền.

Tôi bán tín bán nghi:

-Thiệt vậy sao?

Một lát sau có tiếng gõ cửa và một ông thợ vào xem xét, ông trở ra và hẹn sẽ đi lấy đồ mới tới thay liền. Quả thật một lát sau ông ta trở lại không phải chỉ thay cái vòi nước mới mà thay luôn cả bông sen mới, vì cả 2 đều quá cũ. Trời ơi tôi mừng quá, vội lấy tiền tip cho ông ta. Đây quả là chuyện lạ vì nó hoàn toàn khác với hotel ở Việt Nam mà tôi đã từng trải qua.

Bạn tôi cười nói:

- Thấy chưa? Mấy người ở Việt Nam dưới chế độ cộng sản lâu quá rồi nên nhiễm bệnh “cái gì cũng sợ”. dù đó là việc đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình mà cũng sợ không dám nói.

Mấy mẹ con tôi bây giờ mới thực sự hoàn hồn hết sợ bèn thi nhau kể lại tâm trạng sợ hãi lúc nãy mà lăn ra cười bể bụng. Đúng là bịnh "cái gì cũng sợ" đã ăn sâu vô tâm khảm người dân Việt Nam từ lúc nào không biết. Bây giờ nhờ qua Mỹ mẹ con tôi mới học được bài học "đừng sợ". Nghĩ lại cái xã hội gì mà từ chim tới người ai cũng mắc bệnh sợ hãi trầm trọng. Đơn giản như việc chạy xe ngoài đường, chẳng phạm tội gì, bị công an ngoắc vô là sợ rồi, lo móc tiền ra để "lót tay" cho thoát nạn. Bởi vậy thấy công an đâu là lo né tối đa như chim thấy thợ săn. Nhớ lại chuyện sửa vòi nước lúc nãy, tôi vừa thấy "quê" vừa thấy tức cười. Đúng là xã hội Mỹ văn minh có khác, quyền lợi chính đáng của con người luôn được đáp ứng nhanh chóng. Cuộc sống nếu vắng bóng những "nỗi sợ hãi" thì thật hạnh phúc biết bao! Tối đó được tắm với vòi nước và bông sen mới, thấy "đã" làm sao, được hưởng cảm giác mát mẻ, thoải mái, chứ ở Việt Nam gặp trường hợp này chắc là phải hứng từng ly nước nhỏ mà lau mình sơ sơ rồi. Cám ơn nước Mỹ đã cho tôi bài học "đừng sợ"; nhưng không biết ít bữa về lại Việt Nam cái bịnh cũ này có tái phát không? Thực ra dạo gần đây ở VN đã có nhiều người vượt qua những nỗi sợ hãi để lên tiếng đòi hỏi và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình như phong trào “dân oan” hay “chúng tôi muốn biết”. Tôi mới biết chuyện này khi qua Mỹ, ở VN mọi chuyện đều bị bưng bít hết. Nhưng quan trọng là những đòi hỏi chính đáng ấy có được đáp ứng không? Dân chủ thực sự hay chỉ là "bánh vẽ" thể hiện qua điều này.
“Free” và đúng giờ

Khi đi thăm Balboa Park (San Diego) tôi tưởng phải mua vé vào cửa ai dè “free”. Đã vậy lại còn free xe tram phục vụ du khách lên ngồi chở đi vòng vòng xem cảnh đẹp, vì công viên rộng mênh mông, nếu đi bộ thì chắc phải than thở như TCS: “Ôi! hai bàn chân mỏi..." Chữ “free” đáng yêu làm sao, dù được hiểu theo nghĩa “Tự Do” hay “miễn phí”, nghĩa nào cũng đáng yêu hết! Mà chẳng phải mình tôi yêu đâu, có lẽ du khách nào đến Mỹ cũng đều yêu như tôi thôi. Khi đến thăm “Golden Gate”, cây cầu nổi tiếng của San Francisco mà tôi nghe tiếng từ khi còn học Anh văn ở trung học lận. tôi tưởng cầu nổi tiếng lâu đời muốn thăm thì phải trả tiền vé, nhưng lại cũng “free” luôn. Bởi vậy dân Mỹ siêng năng đóng thuế vì tiền thuế đó được chi vào những lợi ích công cộng, chứ không chui vào túi các quan tham nhũng như ở Việt Nam.

Bên cạnh đó tôi thấy dịch vụ nào liên quan đến người Mỹ đều rất đúng giờ, ngay cả lịch trình xe tram miễn phí cũng rất đúng giờ. Tôi rất thích mục này, vì đâu có ai thích chờ đợi, hơn nữa đúng giờ là một cách biểu hiện mình biết tôn trọng người khác. Người ta thường nói "thời giờ là vàng bạc" cho nên mình không nên phung phí vàng bạc của người khác, đó là một thái độ có văn hóa. Người Việt Nam mình tự nhận là có 4000 năm văn hóa nhưng lại xài giờ cao su hơi nhiều kể cả ở Mỹ nên mới có câu : “Không ăn đậu, không phải Mễ. Không đi trễ, không phải Việt Nam"
Ý thức tự giác và lịch sự

Xa lộ Mỹ có lúc cũng kẹt xe dữ dội hay vào giờ cao điểm các đường trong thành phố cũng bị kẹt xe, nhưng tất cả các xe đều nối đuôi trật tự lớp lang, không có xe nào "xé rào" vượt ẩu, hoặc leo tràn lên lề như ở Việt Nam, rồi mạnh ai nấy lách. Ở các ngã tư tôi không hề thấy có bóng dáng cảnh sát giao thông, mọi người tự giác tuân theo tín hiệu đèn xanh đỏ. Nếu gặp ngã tư có 4 bảng Stop, các xe tự động dừng lại, và lần lượt theo thứ tự, xe nào đến trước, đi trước, đôi khi tôi còn thấy họ ngoắc tay nhường nhau đi trước. Ngay cả những buổi tối về khuya, lác đác ít xe chạy hoặc không có xe, khi gặp đèn đỏ hoặc bảng Stop họ vẫn ngừng lại đúng luật. Hình như sống trong xã hội mọi người từ trên xuống dưới đều biết biết tôn trọng luật pháp, nó trở thành một nề nếp tốt ăn sâu vào thói quen của từng người. Ai cũng làm vậy, không thể làm khác được. Không như ở Việt Nam toàn xài “luật rừng”, “luật tùy tiện” hay “luật COCC” bắt đầu từ cấp cao rồi ảnh hưởng lan dần tới cấp dưới, ai cũng lo lách luật hay không muốn giữ luật, nên xã hội mới “bát nháo” như hiện nay. Mới đây nghe nói có "thư ngỏ" tố cáo nhà nước vi phạm pháp luật, bắt người vô tội (nhà văn Nguyễn quang Lập già yếu) vì dám viết những sự thật, được hằng ngàn nhà văn, nhân sĩ, trí thức... tham gia ký tên, nhưng những loại "thư ngỏ" này "gửi thì nhiều" nhưng chẳng bao giờ được phản hồi, y như gửi cho "bù nhìn".
Nói tới đời sống xã hội, tôi nhận thấy người Mỹ cư xử rất lịch sự như khi tới những địa điểm thăm viếng cảnh đẹp. Lúc thấy tôi và bạn tôi chụp hình cho nhau, có một bà mẹ đẩy xe nôi đi ngang, ngừng lại và đề nghị chụp giùm cho bọn tôi. Hay như khi đi vào Aquarium thấy bọn tôi có vẻ “lơ ngơ”, họ tiến đến hỏi thăm có cần họ giúp gì không? Hình như họ đoán mình có nhu cầu cần giúp là họ sẵn lòng giúp. Đi đâu lỡ bỏ quên đồ, quay lại đồ vẫn còn đó. Thật là tử tế! Những lúc chúng tôi lạc lối hay có thắc mắc gì họ đều tận tình giúp đỡ. Điều này giúp tôi hiểu tại sao người Mỹ làm từ thiện mạnh nhất thế giới. Tôi cảm thấy cuộc sống ở đây sao đầy tình người, dù nước Mỹ là nước tư bản chứ không phải là nước thuộc "thiên đường xã hội chủ nghĩa" mà Việt Nam mình đang mơ ước đạt tới.(Lạ một điều là dù chửi Mỹ rất hăng, nhưng con cháu các cán bộ đảng viên cao cấp đều tìm đường qua Mỹ du học hay định cư luôn).


Nói tới cuộc sống tình người ở Mỹ, tôi muốn gửi lời cám ơn chân thành đến sự đón tiếp nồng hậu của các bạn quen biết gần xa, kể cả người chưa quen biết (như chị M, bạn của bạn tôi), cô S. lặn lội lái xe mấy tiếng từ San Diego - OC để gặp tôi một lát... Các bạn làm tôi cảm thấy mình quá "đắt hàng" và rất "ấm áp" dù trời CA đã bắt đầu trở lạnh. Có lẽ mọi sự rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại, xin cám ơn "tấm chân tình" các bạn đã tặng, làm tôi rất vui và ấm lòng dù đang ở "xứ lạ quê người". Các bạn và những người Mỹ tôi gặp trong chuyến đi này đúng là “the beautiful people”.

Trên đây là một vài cảm nghĩ của tôi khi lần đầu tiên đặt chân đến đất Mỹ, có thể như người mù sờ voi. Hơn nữa ở đời không có gì hoàn hảo 100%, bạn có thể đồng ý với tôi hay không, điều đó không quan trọng, vì đây chỉ là những cảm nghĩ riêng mà tôi muốn chia sẻ với các bạn sau vài tuần trải nghiệm thục tế trên đất Mỹ. Nó cũng giúp tôi "giải mả" vì sao ai cũng thích đi Mỹ.

God Bless America

Tạm biệt America, mong có ngày gặp lại

Kỷ niệm chuyến đi Mỹ đầu tiên

Cuối năm 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét