khktmd 2015
Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015
Người Hoa Kiều ở Phố Cổ Hà Nội - Tác giả Trần Du Sinh
Nội chiến Bắc Nam đã qua đi gần 40 năm. Đã có biết bao buồn vui khơi lên từ đống tro tàn của cuộc chiến. Có những vết thương đã lành và cũng có những vết thương sẽ không bao giờ hết đau. Có những người đã được lưu vào sử sách nhưng cũng có nhiều người bị lãng quên, trong đó có Việt Nam Hoa Kiều, nói theo cách nói của người Hoa để phân biệt với hải ngoại Hoa Kiều sanh ra ở các lân bang khác của Trung Hoa lục địa.
Truyền thông và văn chương Việt Ngữ cũng ít khi nói về Hoa Kiều tị nạn từ cuộc nội chiến Bắc Nam. Có lẽ vì chính trị vốn nhạy cảm, và cũng có lẽ vì phong trào chống Trung Cộng đang dâng cao trong cộng đồng Việt ở hải ngoại cũng như người dân trong nước trong năm 2014 với điểm nóng Biển Đông.
Người Hoa Kiều di dân đầu tiên mà tôi biết tới là người đầu bếp của một nhà hàng Tàu ở Châu Âu. Ông vượt biên bằng tàu sắt có sự thoả thuận của chính quyền mới sau năm 1975, chứ không bỏ chạy trên những chiếc ghe đánh cá mong manh như đa số người Việt tị nạn khác. Họ trả tiền để đi vượt biên, cũng trải qua nhiều gian truân với biến cố họ gọi là "nạn kiều". Đa số Việt Nam Hoa Kiều khi qua hải ngoại lại dùng tiếng Hoa để liên lạc nhau, và không dạy cho con cái tiếng Việt nên nhiều em sanh ở trời Tây Mỹ, mang họ Việt nhưng chỉ biết tiếng Hoa bồi.
Qua tới Quận Cam thì tôi biết được người Hoa Kiều là một trong những người đầu tiên dựng nên Little Saigon với Thương Xá Phước Lộc Thọ và chợ bán đồ ăn Châu Á.
Người Hoa khắp thế giới luôn có những hội tương tế đồng hương hay bang hội để giúp nhau lập nghiệp, tạo dễ dàng cho việc gom vốn để mở chợ, nhà hàng, cơ sở thương mại với hệ thống tài chánh riêng. Đây cũng là nét khác của cộng đồng Hoa Kiều so với cộng đồng Việt, vì họ gắn bó và hỗ trợ nhau nhiều hơn. Đây cũng là nền tảng của các Phố Tàu khắp thế giới: tình đồng hương và chữ tín trong tài chính và kinh doanh.
Hoa Kiều ở Chợ Lớn hay ở các tỉnh của Việt Nam vốn là dân tị nạn từ Trung Hoa qua các thời đại. Họ vốn là dân trọng thương, từng gánh chịu hậu quả của chiến tranh đói khát, nên khi qua đến quê hương mới, họ ít dính tới chuyện chính trị, âm thầm làm ăn, chăm lo cho gia đình và mở rộng cộng đồng thông qua những sự tương tế giúp đỡ đồng hương và họ hàng.
Sau này khi coi cuốn phim phỏng tác từ tác phẩm của nhà văn gốc Hoa, Amy Tan, có tựa đề "Phúc Lạc Hội" (The Joy Luck Club), tôi được hiểu thêm về người Hoa tị nạn trước chiến tranh Việt Nam ở bên Tàu. Tôi yêu thích cuốn phim đó cũng vì tài diễn xuất tuyệt vời của nữ tài tử Kiều Chinh, một tượng đài điện ảnh Việt vượt thời gian, trong vai một người mẹ Hoa tị nạn ở Mỹ bỏ lại hai đứa con gái sanh đôi trên đường tị nạn. Cũng nhờ cuốn phim này mà tôi yêu cái thành phố San Francisco, nơi có khu Phố Tàu cổ xưa nhất thế giới ở Hoa Kỳ làm bối cảnh của bộ phim nổi tiếng này.
Sau này học về kinh doanh, tôi ngưỡng mộ doanh gia Trần Đức của công ty Huy Fong Foods chỉ chuyên làm tương ớt. Ông là Hoa Kiều tị nạn từ Việt Nam và cũng từng đi lính cho miền Nam. Tôi biết tới ông qua một bài phỏng vấn. Ông nổi tiếng vì đã làm ra một sản phẩm gốc Việt phổ biến nhất thế giới. Đó là chai tương ớt Sriracha có nhãn hiệu con gà trống, nó có mặt ở bất cứ nơi hẻo lánh nào trên thế giới có nhà hàng Tàu hay Việt, và đây cũng là sản phẩm gốc Việt mà nhiều đồng nghiệp Mỹ của tôi biết tới nhiều nhất, nhờ khoái đi ăn phở. Họ đều hỏi tôi chỗ mua để đem về nhà ăn với mì gói hay xúc xích.
Uy tín và đạo đức kinh doanh của ông Trần Đức đã được cả thế giới kiểm chứng, vì chất lượng ổn định và giá cả không hề tăng trong vòng mười năm, dù năm nào Hoa Kỳ và kinh tế thế giới cũng có lạm phát.
Trong khi đó, ở Sài Gòn, năm nào cơm bình dân cũng tăng vào dịp Tết và không bao giờ xuống lại, dù khách hàng chính là thành phần sinh viên và dân có lợi tức thấp trong xã hội. Tính ra ở điểm này thì giới làm ăn thuần Việt ở Việt Nam chắc phải đợi nhiều thế hệ nữa mới có được đạo đức kinh doanh của ông Trần. Từ chuyện đạo đức và triết lí kinh doanh của ông thì người ta cũng hiểu được vì sao người Hoa Chợ Lớn và miền Nam ngày xưa làm ăn thành đạt và thịnh vượng.
Nhưng những người Việt gốc Hoa trên đều có xuất xứ miền Nam, đều nói giọng Nam với một chút âm tiếng Hoa trong cách phát âm các phụ âm thuần Việt tạo nên cái lơ lớ rất đặc trưng. Giọng người Hoa ở miền Nam cũng rất quen thuộc với người Việt qua các bộ phim Hồng Kông được lồng tiếng ở hải ngoại.
Còn người Hoa Kiều tôi sắp kể ra đây lại đến từ phố cổ Hà Nội, nói giọng Hà Nội chuẩn của thời chưa pha tạp Bắc Trung Bộ và họ hàng của lính Trường Sơn kéo về. Anh phát âm tiếng Bắc nghe rất hay, và nói tiếng Hoa cũng hay không kém. Chuyện tôi gặp anh cũng rất tình cờ.
Một tối tháng Mười hơi lành lạnh hơi sương từ Vịnh Kim Sơn, tôi đi ngược từ phía cầu tàu, dọc theo con đường Broadway để tìm tới Phố Tàu. Cách đây đúng mười năm, cũng vào mùa này, cũng trên con đường này, tôi thả bước về phố Tàu để tìm ăn một tô hủ tiếu. Phố Tàu San Francisco sau chừng ấy năm cũng vậy, cũng là những cửa hiệu cũ, những cửa hàng bán đồ rẻ tiền made in China, và cũng những khuôn mặt nhăn nheo của người già. Người Hoa lớn tuổi thường xuống phố đi chợ, cũng là nơi gặp gỡ đồng hương, nên Phố Tàu thường có nhiều người già Á Châu hơn người trẻ. Có lẽ đối với Mỹ con gốc Châu Á, phố Tàu quá dơ bẩn và buồn chán đối với họ. Nếu không thèm đồ ăn Tàu chắc là họ sẽ không tới đây để làm gì. Người qua đường ở đây đa phần là dân du lịch hay khách vãng lai, chứ không phải thế hệ Tàu con kiểu Mỹ con, mà dân Tàu di dân gọi là ABC (American-Born Chinese). Tôi tạm dịch là "Tàu con".
Phố Jackson vẫn vậy, vẫn cũ kỹ với nhiều hàng quán ghi ẩm thực Hồ Nam hay Tứ Xuyên rất đông khách. Nhìn xuyên cửa kiếng vẫn thấy nó cũ kỹ với bàn ghế cũ sắp xếp hơi bề bộn, thiếu không gian cho người thích ngồi nhâm nhi ly rượu vang và hoài niệm mười năm tình cũ với Cựu Kim Sơn như tôi.
Rồi từng quán cứ lướt qua không vương vấn, cho tới khi tôi thấy chữ "ẩm thực Đông Dương" (Cuisine Indochine). Chữ Đông Dương có ý nghĩa gợi nhớ rất nhiều với tôi, cũng nhờ hai cuốn phim nổi tiếng của điện ảnh Pháp mà tôi đã coi qua và mua đĩa gốc làm kỷ niệm và kho tư liệu. Phim thứ nhất mang đúng một chữ "Indochine", nghĩa là "Đông Dương", do huyền thoại điện ảnh Pháp là nữ tài tử Catherine Deneux và tài tử gốc Việt Phạm Linh Đan thủ diễn hai vai nữ chính.
Cuốn phim thứ hai là "Người tình" (L'amant) do tài tử Hồng Kông Lương Gia Huy đóng vai chính với cảnh miêu tả ân ái quá sức gợi tình với nữ tài tử Pháp Jane Mảch trong vai cô nữ sinh trung học người Pháp yêu một công tử Hoa Kiều từng đi du học ở Tây về. Phim có kịch bản từ một tác phẩm văn chương nổi tiếng cùng tên. Một kiệt tác văn chương và điện ảnh có số phận đặc biệt với lịch sử thuộc địa của xứ An Nam. Cái lịch sử này làm tôi ám ảnh về sự trù phú của miền Tây thời thuộc địa với những địa danh và điển tích "Công Tử Bạc Liêu", không như mấy anh chàng miền Tây thời xã hội chủ nghĩa nghèo khô đến nỗi không đủ tiền cưới vợ, để rồi có hàng trăm ngàn cô gái miền Tây phải lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc hay ăn sương khắp Đông Nam Á.
Chữ "Indochine" đã đủ mạnh để kéo tôi bước vào quán không một chút đắn đo. Vào tới bên trong, tôi hơi khá ngợp trước vẻ sang trọng tao nhã của quán, dù bên ngoài cũng cũ kĩ như mấy nhà hàng Tàu khác. Nhìn qua là biết quán vừa mới tân trang với thiết kể nửa Tây nửa Việt sang trọng dưới ánh đèn vàng rọi lên nhiều thớt gỗ cùng màu. Quầy tính tiền cũng là một bar rượu có dáng dấp của một nhà hàng hiện đại, và không gian bày biện rộng rãi kiểu Tây. Quán đúng là một sự hoà hợp Đông-Tây giữa phố Tàu cũ kĩ, một điểm nhấn của một vùng đất lịch sử. Cái tên quán cũng khá Tây: Begoni Bistro.
Chọn cái bàn ngay cửa sổ nhìn ra phố nhỏ, tôi gọi món Tây: cá hồi nướng phô mai và khoai tây chiên, cùng với một ly rượu Bordeaux để tưởng nhớ tới những cuốn phim thời Pháp thuộc. Món cá hồi nướng lò vừa tới để lại hương vị rất tươi, ngọt nhẹ nhưng không có vị tanh của thịt cá, cộng với chút béo ngậy của phô-mai tan chảy và chút nước sốt kiểu Tây làm tôi không thể tìm ra điểm nào để chê. Đã khá lâu rồi tôi mới ăn sạch một đĩa đồ ăn theo khẩu phần Mỹ như vậy. Miếng cá khá lớn nằm trên một cái đãi cũng khá lớn ban đầu đã cho tôi cảm giác là sẽ ăn không hết.
Khá no bụng nên tôi ngồi nhâm nhi vị chát của ly rượu đỏ. Bỗng một người ăn vận kiểu đầu bếp ghé tới, trên tay cầm một chai rượu đỏ cùng một nụ cười hiền hậu. Anh nhìn trạc ngoài ngũ tuần, nhìn có vẻ hơn tôi độ chục tuổi. Anh trờ tới hỏi thăm xem tôi có thích món ăn do anh làm hay không, và cái đĩa sạch trơn trên bàn đã thay câu trả lời.
Thoáng một chút thì anh đã biết tôi là người Việt, vì tôi đang đưa hình món ăn của anh lên trang Facebook để chia sẻ cùng bạn bè. Anh mời tôi một ly rượu và chúng tôi bắt đầu nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Anh nói giọng Hà Nội rất hay, và trong từng cách nói và chọn từ đều khác với tiếng Bắc của phát ngôn viên VTV hay các phim miền Bắc, nghe có vẻ gần với ngôn ngữ của Bắc 54 hơn, dù vẫn còn dùng nhiều thổ âm và tiếng lóng rặt Bắc Kỳ 75. Có lẽ anh chưa bao giờ là Bắc Kỳ 54, vì anh sanh ở Hà Nội sau cái thời điểm chia cắt lịch sử đó.
Khi biết tôi từ Quận Cam tới, anh khen ở Quận Cam đồ ăn ngon, phở ngon nhưng lại khăng khăng mời tôi ăn một tô phở Bắc. Tôi từ chối lịch sự vì quá no nhưng thấy vẻ nhiệt tình và kiên trì của anh nên tôi gật đầu. Anh quay lại bếp để “tiếp thị” cho tôi một tô phở thuần Bắc.
Một tô phở gà nóng hổi được bưng ra, khói bay nghi ngút. Bánh phở tươi, gà chặt khá mảnh, ở giữa tô phở là nhúm hành và rau thơm, và đặc biệt là không có dĩa rau kèm theo. Anh giải thích rằng, phở Bắc ở Hà Nội không ăn kèm với giá cộng hay ngò gai, cũng không có hành trần nước béo như người miền Nam vì nước phở phải trong, không đậm mùi nước lèo, và nếu cho giá hay rau nhiều vào vì sẽ mất đi hương vị gốc.
Nghe cũng có lí, nhưng đúng là tô phở Bắc nhìn thanh cảnh hơn tô phở Nam, nhất là phở đặc biệt của Quận Cam với đội ngũ hầm bà lằng nào là thịt, gân, gầu, xách cũng như đủ loại rau nhúng vào. Dù chỉ ăn phở gà nhưng tôi cũng đoán được phở bò Bắc cũng thanh cảnh không kém. Âu cũng là nét văn hoá riêng, mà lại là văn hoá Hà Thành trước khi dân tỉnh về biến nó thành cái chợ quê khổng lồ xứ Bắc. Thầm nghĩ đêm nay đúng là đêm của du lịch văn hoá, khi gặp đúng người Hà Thành xưa với nét ẩm thực Bắc xưa, dù anh bạn mới này nói tiếng Hoa cũng rành như tiếng Việt. Anh là Hoa Kiều phố cổ xuyên lục địa, từ phố cổ Hà Thành qua phố cổ Cựu Kim Sơn.
Tô phở gà kiểu Bắc và sự hiếu khách khéo léo của anh bạn mới quen đã theo tôi về với miền Nam cũ ở Quận Cam với một kỉ niệm mới. Nhưng rồi hương vị Bắc cũng phai theo ngày tháng bởi tôi lại về với công việc và những bữa cơm tối miền Trung.
Hai tháng trôi qua, mùa Giáng Sinh lại đến. Trong lúc tìm một thành phố lạnh hơn để đón đêm Giáng Sinh, cái tên San Francisco lại vang lên trong đầu tôi và đã được chọn làm nơi đóng Nô-en, dù miền Bắc Cali không lạnh hơn miền Nam nhiều cho lắm. Có lẽ vì cái lãng mạn của thành phố của nghệ sĩ này lôi kéo tôi, cộng thêm sự hấp dẫn của một phố Tàu cũ kĩ. Tôi lại lên đường cùng những du học sinh cho một chuyến dã ngoại lái xe đường dài.
Bữa tối đầu tiên ở San Francisco, tôi tìm về quán Begoni. Vừa tới quán tôi đã biết họ còn nhớ mặt tôi qua nụ cười thân thiện. Lần này chúng tôi không gọi món Tây hay món Đông Dương mà gọi ngay món ăn Hà Nội: chả cá Thăng Long, chả cả Hà Nội và phở gà. Một lát sau, anh chủ kiêm bếp chính tự tay bê ta món chả cá Thăng Long do chính tay anh làm. Anh đang ở trong bếp và nghe người hầu bàn nói là có khách ở xa tới gặp. Lần này chúng tôi có dịp nói về ẩm thực Hà Nội phố và một chút Hà Nội cổ.
Tôi khá bất ngờ khi nghe anh nói là mới về Hà Nội chơi. Anh lấy phone ra cho tôi coi hình anh chụp về Hà Nội. Những bức hình của anh rất đời thường, có nhiều gánh hàng rong, nhiều quán ăn nhỏ bé và gánh ăn vỉa hè của phố cổ Hà Nội. Anh dừng lại một tấm hình có cảnh anh ngồi ghế đẩu ăn bún chả bên một gánh bún của một phụ nữ trung niên. Anh chỉ cho tôi thấy một ngôi nhà hai tầng khá lớn so với những căn còn lại trên con phố nhỏ trong bức ảnh trắng đen rồi nói:
- Đấy nhà của tôi đấy. Nhưng bây giờ họ lấy rồi. Mỗi lần về tôi đều chụp nó cho đỡ nhớ. Còn cái con bán bún này, nó là con của đứa bạn cũ. Nhà nó mấy đời bán bún chả, ngon lắm. Lần nào về tôi cũng ăn gánh của nó, lại còn giành rửa bát cho nó nữa.
Anh nói xong lại cười rất vô tư. Để tiếp nối câu chuyện, tôi khen miếng chả của anh ngon. Không ngờ anh lại nói:
- Không ngon bằng miếng chả ở Hà Nội.
Tôi tưởng là anh nói khiêm tốn kiểu người Bắc nên cố nói thêm một câu:
- Nhưng với em, nó đã tươi, mềm và thấm, đủ để gọi đó là món chả ngon của Hà Nội rồi.
Anh mỉm cười và nói thêm một câu:
- Em biết tại sao nó không ngon bằng chả ở Hà Nội không ? Vì bên kia người ta lấy thịt con heo vừa mới mổ xong, thịt còn tươi rói đem quết làm chả ngay thì nó mới ngọt và tươi đúng chất Hà Nội, còn bên này thịt phải qua phòng lạnh rồi mới cho bán nên làm chả không có vị tươi như ở Hà Nội.
Lúc này thì tôi đã hiểu độ tinh tế của người Hà Nội cũ, cũng như anh đầu bếp tài hoa này. Nhà hàng của anh tuy mới mở nhưng được xếp hàng rất cao bởi các trang Web chuyên về ẩm thực, và cũng là ngôi sao mới nổi ở phố Tàu trứ danh về ẩm thực Phương Đông này.
Rời San Francisco với chút lâng lâng của một trải nghiệm mới, của hương vị Hà Nội mà cách đây chỉ vài tháng thôi vẫn còn xa lạ với tôi. Tôi chưa một lần ra phố cổ Hà Nội nhưng hình ảnh ông Hoa Kiều ngồi xổm ăn hàng gánh trước ngôi nhà cũ của ông bị tịch thu cũng đủ gợi nên niềm nuối tiếc của một thời chưa có di cư và tị nạn, cái thời mà Hà Nội còn mang hình ảnh Đông Dương quí phái và thanh lịch.
Có lẽ chuyện người Hà Thành thanh lịch cũng đã qua đi cùng năm tháng, chỉ còn người Hà Nội cũ thanh lịch làm khách du lịch trước mái nhà xưa của mình. Và trong số người Hà Nội xưa có cả những Hoa Kiều phố cổ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét