khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

QUÀ VẶT SÀI GÒN, LÀM SAO MÀ QUÊN ĐƯỢC! -- Thi Sĩ Cao thoại Châu

Đường phố Sài Gòn 1967 -1968 - Tòa nhà Nước mía Viễn Đông đường Lê Lợi (bên trái). Nhiếp ảnh gia Phùng văn Tráng chụp vài tấm hình Nước Mía Viễn Đông (nếu nó còn sống) gửi đăng lên đây nghen.  Cảm ơn bạn hiền !


Tôi không sinh ra, cũng không có mối tình yêu nào hoặc hôn nhân nào với người Sài Gòn hay tại Sài Gòn, nhưng  lớn lên và được thành phố này cho tới ba thứ. Những tháng năm học hành thành người có nghề nghiệp, những bài thơ từ bấy đến nay cũng do báo ở Sài Gòn đăng lên cho tôi thành người cầm bút tài tử, nghiệp dư. Cái thứ ba mà Sài Gòn trang bị cho tôi là bệnh ăn quà vặt hay văn hóa quà vặt thì cũng thế. Nhận nhiều thứ, nhưng chưa khi nào tôi thấy Sài Gòn là quê hương thứ hai của mình, vô duyên với nó thật. Bây giờ, xa nó 45 km vẫn ùng ục nhớ xứ kêu là Bến Nghé này, lao phóng về vài ngày không còn chỗ để buồn vui và thật oải phải nhanh chóng rút, để những ngày tỉnh lẻ lại nghe dòng âm thanh cuồn cuộn sôi sùng sục của Sài Gòn trong lòng. Và nhất là thao thức nhớ một thời trẻ sống với một "quần thể kiến trúc văn hóa quà vặt" hết sức phong phú độc đáo của Sài Gòn mà tôi yêu nó, cái đất không sinh mà dưỡng trưởng cuả tôi. Cứ vậy, và hôm nay nhớ đến quà vặt Sài Gòn.
Gọi là “quà” để phân biệt với “bữa”, một đằng ăn bất cứ khi nào, ở đâu còn  đằng kia “cơm có bữa chợ có chiều”. Và gọi là “vặt” vì nó chỉ là một món nhỏ không “ra tấm ra món”, không quán sá mà là vỉa hè, cái ghế con con, có khi đứng và cả khi bệt, tất nhiên đó là những giờ phút tung cánh chim ngoài một cái hộp giam hãm nào đó. Được có những phút thăng hoa ăn ngon khỏi cần khỏi lụy vào lễ nghi cưới hỏi, lụy vào nội trợ lỉnh kỉnh dễ làm tổn thương thị hiếu ẩm thực mà không hạnh phúc sao?
    
Người ăn vặt rất đa dạng nhưng chiếm tỉ lệ cao là con gái, đàn bà không kể tuổi tác, và làm sao thiếu đàn ông trong những người thực hành một thứ văn hóa bình dân đại chúng vừa…làm đẹp phố phường, vừa góp phần… cải thiện đời sống xóa đói giảm nghèo cho một số dân nghèo đô thị này? “Tụ điểm văn hóa” ăn vặt tự phát mà tồn tại như quy luật này là các cổng trường từ tiểu học đến đại học, người ta phê phán đòi giải tỏa chẳng là đã vội quên một thói quen không xấu mà lại đầy kỷ niệm của tuổi học trò?


Sài Gòn là một trong hai “kinh đô” của quà vặt.

Về cơ cấu, lấy Sài Gòn là tiêu chí thì quà vặt kể vô số nhưng có thể chia theo nhóm. Nhóm có nước chấm như thịt bò khô đu đủ, lòng vịt khìa, khô mực nướng, bì cuốn, gỏi cuốn, bò bía ( Pò pía?), bánh tôm, bột chiên, cá viên chiên…Nhóm ngọt như đậu đỏ bánh lọt (lọc), chè trứng gà, sâm bổ lượng, nước mía, tàu hũ, chè tú xọn…Nhóm có tinh bột gồm mấy thứ bánh mè, bánh bò, bánh tiêu…Và nhóm gốc thực vật như cóc, me, ổi, chùm ruột, ổi dầm, chuối chiên, khoai lang nướng, bắp nướng, bắp xào, xoài, đu đủ, khóm ướp lạnh…Không thể quên những quà vặt gốc động vật như trứng cút, trứng vịt lộn, trứng gà nướng…

Với tôi, có thể quên nhiều thứ của Sài Gòn nhưng quên thế nào được khúc đường Nguyễn Huệ chỗ gần đến tòa Đô Chánh trước 75, đối diện với rạp chiếu bóng Rex, có một cái quán nhỏ, gần như cái hầm rượu nhưng sạch sẽ tươm tất- quán Thảo- của ba người một mẹ hai con gái đều tên là Thảo, chỉ bán có hai thứ mà tôi mê cả hai. Bún bì và bì cuốn xén gọn gàng hai đầu nhỏ nhắn , trong có mùi lá lốp và nước chấm thì chỉ có…Thảo mới có được! Hồi còn học đại học, thường chiều hay trốn học ra vỉa hè ngã ba Pasteur- Lê Lợi. Vỉa hè khá rộng, cây cối nhiều mà lại có tới hai thứ quà nổi tiếng. Những chiếc tủ kính nhỏ bán bò khô của người Bắc, không dát mỏng nhuộm phẩm đỏ như khô bò Chợ Lớn  mà từ Hà Nội mang vào. Nó dày và mềm màu hơi xỉn vì chiên với nước tương ăn với đu đủ sống bào thành sợi. Lách cách tiếng kéo của người bán, xúyt xoa cay của người ăn đủ dạng, đủ tuổi. Không biết cái nào có trước nhưng hai thứ quả là dìu nhau cùng nổi tiếng và đông nghẹt, bò khô ăn xong có ngay nước mía chen và đứng- nước mía Viễn Đông! Nghe tôi nhắc đến 4 chữ này hẳn có nhiều người nhảy dựng lên, buồn khi biết mình đang ở bên Tây!

Thử đi một vòng Sài Gòn, điều dễ thấy nhất và nếu đi nhiều ngày thì điều quen mắt nhất chính là những thứ quà vặt bán trên hè phố. Có thể nói hè phố mà không có quà vặt thì không còn là hè phố Sài Gòn nữa! Nó là một đại siêu thị open air dành cho những ai mang bệnh ăn vặt. Một cô gái sau mấy năm du học nước ngoài trở về, nói khi ở nước người ta điều cô nhớ da diết là Sài Gòn nơi cô ra đi. Và nhớ hai thứ của đất này, cái ồn ào sôi sục và sự gần gũi cởi mở của người Sài Gòn không đâu có, hai là quà vặt của đất này. Là một tay sành ăn quà vặt có nghề ngay từ nhỏ, du học về cô gái mở luôn cửa hàng có máy lạnh chuyên bán quà vặt! Qua cách nói thấy cô đầu tư đúng hướng và có tầm nhìn sáng suốt! Nhưng hơi lo cho cô bởi dường như quà vặt khó sống được trong nhà hàng, người ta vào đây để ăn tiệc và tôi nghĩ người mê ăn vặt sẽ ra vỉa hè!

Cánh đàn bà thường dung chiêu “cơm nhà quà vợ” để chấm điểm đức ông chồng tức là chỉ nhắm vào có một mục tiêu là chịu giam chân ở nhà! Nhưng với tôi, đàn ông “cơm nhà quà vợ”  là loại đàn ông hơi khó chơi, kỹ tính, nhiều khi hơi ky bo và nhất là…baby lac hay Ký Cóp khó giao du!
Quà vặt là một nét rất đặc trưng Sài Gòn, mùi vị nước chấm thì khó tìm ra một nơi nào, một nội trợ nào có thể làm thay. Quà vặt Sài Gòn nhiều vô kể làm vừa lòng mọi loại người từ kẻ lang thang trốn học đến những cặp tình nhân sắp đến ngày cưới chả còn gì e thẹn bẽn lẽn và cả những cặp vợ chồng đồng bệnh lâu lâu đưa nhau về “chốn cũ” vừa khoái khẩu vừa đỡ được bữa ăn chiều hì hục. Tuy nhiên ngắm phụ nữ Sài Gòn ăn quà vặt là không nên bởi hình ảnh ấy có cái gì đó làm mất đi một phần tính hình tượng nhiều sức biểu cảm của phái đẹp.
Cái gì của số đông, tồn tại gắn với người tạo ra một nét của đất không bị sàng lọc thải loại bởi thời gian thì cái đó phải chăng là văn hóa? Mọi thứ có thể mất đi nhưng cái còn lại là văn hóa, về Sài Gòn những năm sau này tôi thấy rất nhiều thứ không còn nữa. Cái bộc trực hào phóng của người Bến Nghé mất dần cho cái láu cá, những rạp chiếu bóng permanente máy lạnh trốn học mua một vé giá bèo coi suốt ngày cũng để ngủ một giấc giờ không còn nữa. Và nhiều ngôi trường một thời lừng lẫy giờ mang tên và mang ruột khác, không hoài cổ cũng thấy lòng xót xa…(*) Những thứ này dần mai một nhưng đố ai không thấy quà vặt trên vỉa hè Sài Gòn?


Cao Thoại Châu
BAO GIỜ THÔI PHÁT VÃNG

Cơn mưa sớm đưa ta về thành phố
Đứa trẻ bạc đầu nhớ lại buổi ra đi
Ngồi thu lu trên chiếc xe đò
Giống chiếc xe bít bùng đi phát vãng
 

Cơn mưa to xoá nhoà buổi sáng
Kẻ lưu đày trở lại ấu thơ xưa
Gặp những ai, đếm thử, không ngờ
Hai bên đường nhấp nhô toàn cột điện
 

Chiếc bóng đèn khi trời hửng sáng
Yếu mềm như thiếu phụ có đau riêng
Ta bây giờ thành đấng anh minh
Cũng khó lòng sẻ chia với họ
 

Để lại dọc đường bao nhiêu là thứ
Trắng tay về thăm lại mái nhà xưa
Kẻ vô danh đã vào ở đó
Sang tay dâu bể của lòng ta
 

Thuở ra đi vô tình ta đã nhận
Sứ mạng làm người cô độc đến hôm nay
Trước Trời đất tự hào ta sẽ hỏi
Đã làm xong khốn khổ nỗi đau này?
 

Thơ ta đấy, những bài kinh cứu khổ
Người đọc vào thấm được bao nhiêu
Mà lòng ta vô cùng kiêu hãnh
Con sông kiêu chở những cánh hoa bèo
 

Nhìn qua vai của người tài xế
Vô lăng tròn chao đảo vòng xoay
Mỗi uốn lượn nhắc ta từng ngã rẽ
Đường xuyên dâu bể tháng năm dài
 

Sài Gòn ơi, ta về lại sáng nay
Đêm tan rồi sao chưa thấy rạng đông
Trăng nấn ná trăng không đi vội
Ta về không tới được phải không ?

(*) Đồng cảm với tác giả , trường đại học ta chết còn xác và đầu thai thành trường mầm non. Xuống hố cả nút !
 
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét