khktmd 2015
Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014
Chủ nghĩa "Canh Gà (Chicken Soup) Thọ Xương" sống mãi trong sự nghiệp "dịch" cũa chúng ta !
Quỳnh Anh: Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách.
Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Lãm Thúy: Thưa anh, bữa nọ Thúy dẫn các con đi ăn ở một tiệm Việt Nam ở Westminster. Đọc tấm thực đơn của tiệm, cả ba đứa con của Thúy đều cười lăn lộn vì những cái tên viết bằng tiếng Anh của các món ăn. Chúng không thể hiểu những chữ tiếng Anh đó trong menu là những món gì. Thúy giải thích cho chúng bằng tiếng Việt thì chúng hiểu ngay. Thầy có gặp những tấm thực đơn như thế bao giờ chưa?
Bùi Bảo Trúc: Có. Nhiều lần là khác. Tính tôi tò mò nên đến các tiệm ăn thì đọc hết cái menu mặc dù chỉ gọi có một món mà thôi. Cô cho biết món gì mà dễ sợ thế?
Lãm Thúy: Thưa thầy đó là món SHAKY BEEF. Chị Quỳnh Anh đã thử món này bao giờ chưa?
Quỳnh Anh: Không biết đó có phải là món bò lúc lắc không Thúy? Ông thầy gọi món này bao giờ chưa? Và thưa anh, tại sao lại có cái tên ấy?
Bùi Bảo Trúc: Tôi nghĩ cái tên này xuất hiện đã lâu lắm. Tôi thấy nó ở một tiệm ăn ở miền đông từ mười mấy năm trước. Tại sao lại có cái tên ấy? Tôi nghĩ người dịch tấm menu ấy tra tự điển Việt Anh , tìm chữ "lúc lắc" hay chữ "lắc", thấy động từ TO SHAKE, SHOOK, SHAKEN là lắc như TO SHAKE HANDS là bắt tay, rồi cạnh đó là tĩnh từ SHAKY nghĩa là run rẩy, lúc lắc, không vững, không chắc và dùng SHAKY đặt đằng trước chữ BEEF là thịt bò để thành SHAKY BEEF. Trong khi lúc lắc tiếng Việt là cục xí ngầu, quân súc sắc, tiếng Anh là DIE, số ít và DICE là số nhiều. Động từ TO DICE là đổ súc sắc, đổ xí ngầu, hay thái hột lựu, thái thành những viên hình vuông như những quân súc sắc. Từ đó, chúng ta có DICED STEAK coi bộ hợp lý hơn là SHAKY BEFF. Nhưng sau khi nó xuất hiện trong những cái menu khắp miền đông qua tới miền tây nước Mỹ, quán này chép lại menu của quán kia, thì người Mỹ cũng chịu thua, đành phải gọi nó là SHAKY BEEF và nay, vào internet, cứ tìm SHAKY BEEF là có ngay món VIETNAMESE BEEF DISH, lại còn được chỉ luôn cách để làm món này nữa.
Lãm Thúy: Thúy giảng cho mấy con rằng đó chỉ là món BÒ LÚC LẮC thì chúng hiểu ngay là món mẹ chúng cũng từng lâu lâu trổ tài nấu nướng ở nhà. Dịch như thế, thực khách Mỹ như mấy đứa Mỹ con, con của Thúy chịu thua không thể hiểu được thì dịch làm gì cho mất công?
Quỳnh Anh: Thưa anh, Quỳnh Anh còn thấy trong thực đơn của một tiệm ở Garden Grove món FILET MIGNONNE. Đặc biệt trên chữ "N" còn có dấu "~" cho giống tiếng Tây Ban Nha nữa.
Bùi Bảo Trúc: MIGNONNE không phải là tiếng Tây Ban Nha, mà là tiếng Pháp. Chủ nhân nhanh nhẩu đoảng thật thà hư nên cho thêm dấu "~" trên chữ "N" giữa chữ "G" và chữ "O" nên mới thành chuyện. Đúng ra phải viết là MIGNON mới đúng. MIGNONNE là xinh xắn, là CUTE trong tiếng Anh, là tiếng gọi nghĩa là cục cưng xinh xắn của … tui ơi như trong bài thơ của Pierre de Ronsard, một nhà thơ Pháp sống thời thế kỷ XVI nhan đề Gửi Cassandre, A CASSANDRE với hai câu đầu là: MIGNONNE, ALLONS VOIR SI LA ROSE/ QUI CE MATIN AVOIT DESCLOSE… Em cưng ơi, hãy ra đây cùng xem bông hồng sáng nay vừa nở… Vậy thì khi vào tiệm ăn, nên gọi FILET MIGNON thay vì FILET MIGNONNE, rắc Maggie, sauce A-ONE và quệt mù tạc vào ăn cho cơ thể tích lũy thêm một ít cholesterol… cho đủ bộ.
Lãm Thúy: Cô bạn của Thúy một bữa cho xem một tấm thực đơn mà cô xin được ở một tiệm ăn vùng San Francisco có món NAKED SAVORY RICE BALLS, Thúy đọc mà cứ rụng rời chân tay ra. Đố thầy biết món ấy là món gì.
Bùi Bảo Trúc: Tôi đoán thôi nhé. NAKED là khỏa thân, là trần truồng, là không mặc quần áo. Tôi ngạc nhiên tại sao trong tiệm ăn lại có món đòi thực khách phải khỏa thân mới ăn được. Nhưng tôi đoán đó phải là một món có chữ "trần" thì mới có tĩnh tự NAKED đi trước. Có phải "bánh ít trần" không?
Lãm Thúy: Thưa đúng.
Bùi Bảo Trúc: Trong một tấm thực đơn khác tôi thấy là người dịch tên các món của tiệm sang tiếng Anh thì năm ba lần cứ đụng món hủ tiếu là lại dùng chữ "ALIMENTARY" trong khi chữ này chỉ có nghĩa là ruột, thực phẩm, hay liên quan đến thực phẩm, tiêu hóa vân vân. Tôi nghĩ mãi về chữ này mà vẫn không tìm ra được một cách giải thích nào thỏa đáng cho việc dịch món hủ tiếu là ALIMENTARY. Phải chi còn cụ Vương Hồng Sển chắc phải lặn lội đi tìm cụ để xin hỏi cụ, may ra cụ cười một trận đã đời xong rồi mới giảng nghĩa được. Thí dụ SHRIMP ALIMENTARY nhà hàng dịch từ những chữ hủ tiếu tôm cá, hay PORK ALIMENTARY là hủ tiếu xá xíu. Tất cả các chữ hủ tiếu đều được dịch thành ALIMENTARY. Hay là người dịch đụng chữ hủ tiếu, đọc lầm là HỦ TIÊU, rồi nghĩ TIÊU là tiêu hóa nên dùng ALIMENTARY? Nhưng vẫn chưa ly kỳ bằng, cũng vẫn trong tấm thực đơn ấy, hễ cứ món nào có huyết ở trong thì bao giờ cũng được dịch là BLOOD CELL nghĩa là tế bào máu. Người Mỹ đọc tên món này lên, biết còn ai dám ăn nữa hay không?
Quỳnh Anh: Bữa nọ, có người gửi cho Quỳnh Anh qua e-mail bản chụp tấm thực đơn của một nhà hàng ở Việt Nam làm mấy đứa con của Quỳnh Anh được một trận cười nghiêng ngửa không biết thầy có được đọc tấm menu Anh Việt đó hay không?
Bùi Bảo Trúc: Có, đó là thực đơn song ngữ của một nhà hàng ở Quảng Trị tên là Phúc Quang nằm trên đường Hùng Vương nối dài. Người yếu bóng vía không nên đọc tấm thực đơn này. Tôi nghĩ đầu óc phải méo mó lắm và hài hước lắm may ra mới lơ mơ hiểu được những chữ này. Thí dụ món DÊ HẤP XẢ ỚT được dịch là INTERESTING SOCIAL GOAT. Tại sao lại có SOCIAL nghĩa là thuộc về xã hội trong món này? Tôi chắc vì chữ XẢ, mà người dịch tưởng là do chữ "XẢ" … HỘI nên lôi chữ SOCIAL vào đứng bên con dê cho vui. Nhưng còn INTERESTING nghĩa là hay, lý thú tại sao lại đứng đó? Chắc vì INTERESTING còn có nghĩa là "hấp dẫn" nên món DÊ (GOAT) HẤP (INTERESTING) XẢ (SOCIAL) mới được dịch như thế. Món DÊ TÁI CHANH được dịch là FINANCES GOAT chắc người dịch mắt mũi lờ mờ đọc TÁI CHANH thành TÀI CHÁNH nên phang chữ FINANCES là tài chánh vào cho tiện. NGỌC DƯƠNG TIỀM THUỐC BẮC được dịch thành NGOC DUONG POTENTIAL MEDICINE. Tiềm được người dịch hiểu là tiềm năng, tiềm tàng nên dùng chữ POTENTIAL để dịch. Món GÀ ÁC được dịch là CHICKEN EVIL vì EVIL nghĩa là độc ác. Còn món GÀ ÁC TIỀM THUỐC BẮC dịch sang tiếng Anh … Quảng Trị thành CHICKEN POTENTIAL BAD MEDICINE vì BAD cũng có nghĩa là độc ác, xấu xa… Ai dám liều mạng và gan cùng mình để ăn món có BAD MEDICINE này? Món CÁ LÓC UM MĂNG được dịch thành PERSONAL UM CEMENT vì người dịch hiểu "CÁ" là cá nhân nên dịch là PERSONAL. UM thì người dịch chịu thua bèn để nguyên. MĂNG, theo người dịch, là từ danh từ xi măng mà ra (?) nên dịch là CEMENT. Món cá này ăn chắc rụng răng, trẹo quai hàm mất thôi. Nhưng hay nhất là món DƯA BAO TỬ CHẤM MUỐI. Mời cô Quỳnh Anh đọc tấm menu mà cô có xem nó là món gì trong tiếng Anh Quảng Trị đây…
Quỳnh Anh: Quỳnh Anh thấy ghi là MELON STOMACH DOT SALT. Quỳnh Anh hiểu MELON là dưa. STOMACH là bao tử. SALT là muối nhưng DOT là gì, tại sao lại đứng đó?
Lãm Thúy: Thúy hiểu. Trong các địa chỉ ở internet, người ta thường viết ở cuối là YAHOO.COM, chúng ta quen đọc là YAHOO DOT COM. Trong nước người ta đọc là YAHOO CHẤM COM. Có phải vì thế mà CHẤM MUỐI thành DOT SALT không thầy?
Bùi Bảo Trúc: Chịu cô Thúy. Cô giỏi quá. Tôi nghĩ bạc đầu mà không ra đấy. Tức cười nhất là món DỒI TRƯỜNG CHẤM RUỐC được dịch là INSTITUTION DOT RUOC trong khi INSTITUTION là cơ chế, qui chế, cơ sở, trường học, học viện. Thì ra người dịch dùng nghĩa nhà trường của danh từ INSTITUTION, để dịch chữ TRƯỜNG trong DỒI TRƯỜNG nên mới ra cơ sự.
Quỳnh Anh: Thưa anh, tiếng Anh dẫu sao cũng là tiếng người ta, có sai thì cũng thông cảm được. Nhưng tại sao những cơ sở này không nhờ những khách người Mỹ đến ăn ở tiệm giúp sửa chữa lại những chữ tiếng Anh mà cứ để nguyên những sai sót đó? Ở Quảng Trị cũng thiếu gì du khách ghé ngang để thăm Khe Sanh, sao không nhờ họ đọc hộ cái menu tiếng Anh rồi nhờ sửa ?
Bùi Bảo Trúc: Thưa cô, người được nhờ hay thuê dịch đời nào nhận là mình sai sót. Cơ bút thần thánh đã giáng xuống thì cứ để nguyên đó cho … tôi! Không có sửa sang gì hết. Tiếng Anh đã thế, tiếng Pháp cũng thê thảm không kém. Ở quận Cam có một nhà hàng mà tôi nghĩ chủ nhân muốn đặt cho nó cái tên Tây cho … sang, nhưng lại viết sai, viết thừa một chữ để thành BISTROT. Trong tiếng Pháp, BISTRO không có chữ "T" ở cuối. Cũng liên quan đến tiếng Pháp, một nhà "truyền thông" nọ đọc cái quảng cáo trên đài phát thanh đã đọc tên của một thứ bánh là PA-TÊ CHÂU có thể vì chưa bao giờ được thưởng thức món PATÉ CHAUD chăng. Một người khác thì đọc FILET MIGNON thành phi lê MI NHON.
Lãm Thúy: Tiếng Việt lưu lạc sang Mỹ cũng chung số phận. Thúy đọc được vài ba món viết bằng tiếng Việt mà cứ sững người ra. Thí dụ món BÒ NƯỚNG DĨ và BÒ NƯỚNG LÁ LỐP, đáng lẽ là BÒ NƯỚNG VỈ và BÒ NƯỚNG LÁ LỐT mới đúng. Món cù lao thì đọc thành món LẪU với dấu ngã (~) trong khi các tự điển tiếng Việt đều viết với dấu hỏi.
Quỳnh Anh: Quỳnh Anh còn thấy có một tiệm quảng cáo bằng chữ lớn ngoài cưử tiệm món THỊT BÒ NHÚN GIẤM. Món này chắc mềm và êm lắm nhờ có gắn bộ... NHÚN của xe hơi chăng?
Bùi Bảo Trúc: Mấy năm trước, tờ Far Eastern Economic Review trong mục Travellers’ Tales có đăng một bức ảnh của một độc giả chụp tấm bảng hiệu của một một tiệm ăn ở Việt Nam tên là MỸ DUNG. Bức ảnh cho thấy nguyên cả ba chữ MY DUNG RESTAURANT. Chắc các độc giả Anh và Mỹ lấy làm lạ lắm không biết tiệm bán những món ăn gì mà lại mang cái tên kỳ lạ đó. DUNG là … phân thú vật. MY DUNG là … của tôi, chủ tiệm.
Quỳnh Anh: Thưa anh, đâu phải là chỉ ở Việt Nam mới có cái tên như thế. QA biết là ngay ở California, ở phía bắc Los Angeles cũng có một tiệm ăn tên là MỸ DUNG. Khổ một nỗi là người Mỹ mấy ai đọc được chữ MỸ, phát âm đầy đủ cả dấu ngã (~) nên rủ nhau đi ăn ở MY DUNG thì ai mà dám.
Bùi Bảo Trúc: Ở Virginia trước đây có tiệm ăn này không biết có còn không... tiệm có tên Việt là BÍCH CHI. Nhưng BÍCH CHI người Mỹ đọc lên thì ai còn dám vào ăn nữa...Cứ nghĩ bà chủ quán tên sao người vậy thì sợ lắm. BITCHY là tính tình đanh ác, độc địa, đành hanh như ...con chó cái thì đi tiệm ăn khác là hơn.
Lãm Thúy: Trước đây ở gần khu Phước Lộc Thọ còn có một tấm bảng quảng cáo cho một phòng mạch y sĩ viết có bốn chữ thì sai mất ba, thay vì BÁC SĨ NHÃN KHOA thì viết thành BẤC SỈ NHẨN KHOA. Một cơ sở chủ nhân là người có học mà còn treo tấm bảng đầy lỗi chính tả Việt Nam như thế thì trách gì những tấm menu viết bằng thứ tiếng Anh như vậy
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét