khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

BẮC KỲ ĐỐI VỚI NAM KỲ :" BẢN DI CHÚC TỰ DO "










Di chúc Bắc Kỳ tự do -- Tuấn Khanh

Câu chuyện kỷ niệm 60 năm về hành trình đến miền Nam của hơn một triệu người trôi qua lặng lẽ. 20 tháng 7, 1954 trở thành lịch sử thế giới, nhưng chưa bao giờ đủ với những câu chuyện kể về số phận và suy nghĩ của riêng người Việt. Tôi chờ đọc một áng văn nào đó, nói về suy nghĩ của những người miền Nam khi nhìn thấy dòng người Bắc Kỳ này, khi họ đến đồng bằng, chảy về thành phố, nhưng không thấy. Tràn ngập những bài viết chỉ là nỗi nhớ tha hương, là ký ức và lòng kiêu hãnh của những người tìm tự do từ phía Bắc. Vì vậy, tôi muốn ghi ra chút ít ở đây, về cái nhìn của một người miền Nam, về cha mẹ, ông bà của bạn bè Bắc Kỳ, dù họ còn hay đã mất.

Hai tiếng “Bắc Kỳ” xuất hiện trên miệng trẻ con miền Nam, và cả của tôi, suốt một thời gian dài, chỉ là sự trêu chọc ban bè cùng lứa, vì một kiểu ngữ âm rất khác mình. “Bắc Kỳ” trong ký ức từng là một tâm cảm bị ám thị, thiếu thiện cảm hơn cả khi so sánh với “Ba Tàu”. Chỉ khi tạm đủ chữ trong đầu, biết thêm về đất nước này, hai chữ “Bắc Kỳ” trong tôi mới thật sự thay đổi. Có lẽ cũng giống như tôi, nhiều người miền Nam hời hợt kỳ thị đã tự làm cho mình bớt xấu hổ bằng cách lập ra những hạng mục khác như Bắc kỳ 9 nút (54), Bắc kỳ 2 nút (75)… để bày tỏ rõ hơn trong nhìn nhận.

Nhưng không đủ.

Phải mất đến hơn nửa đời người, tôi mới nhận ra rằng không hề có một giai cấp nào trong đồng bào miền Bắc của đất nước mình, mà chỉ có một cuộc sống không được chọn lựa nào đó đã phủ chụp lên từng miền, từng vùng đã ảnh hưởng cùng cực đến họ, tạo ra những điều khó tả nhưng vậy. Ở mọi miền, Nam hay Trung hay Bắc, người ta cũng đều có thể nhìn thấy kẻ vô lại trong giống nòi, nhưng sự khó khăn nhìn nhận luôn thường dành cho phía Bắc, như một ám chỉ về một vùng đất phải chịu sự khác biệt về chính trị trong nhiều năm, như đã ám toán mọi sinh lực sống bình thường của con người.
Tôi nhận ra điều đó, ở một ngày khi thấy chung quanh mình có rất nhiều bạn, kể cả thầy cô, là những người Bắc mà tôi tin cậy. Họ đại diện cho những người “Bắc kỳ” mạnh mẽ, vượt qua số phận và hoàn cảnh của mình để không bị đè bẹp, không hèn hạ hoặc chết, như F. Nietzsche đã viết “những gì không giết được chúng ta, sẽ làm chúng ta lớn mạnh hơn” (That which does not kill us makes us stronger).

60 năm của những người Bắc di cư vào Nam, cho tôi và thế hệ của mình được nhìn rõ họ hơn, nhắc tôi phải nói về một bản di chúc lớn, một bản di chúc vĩ đại mà hơn một triệu người từ bến tàu Hà Nội, Hải Phòng… mang đến cho cả đất nước. Bản di chúc cũng được lưu giữ trong mắt, trong lời nói của từng người Việt tha hương khắp thế giới: bản di chúc về tự do.

Cả miền Nam sau 1954 cần phải có một lời cám ơn văn chương Bắc Kỳ, âm nhạc Bắc Kỳ, báo chí Bắc Kỳ… đã góp tay dựng lên một nền văn hóa của cả đệ nhất và đệ nhị cộng hòa của miền Nam. Nền văn hóa ngắn ngủi nhưng đủ trường tồn và mạnh mẽ vượt qua một chướng ngại, tồn tại trong lòng người từ sau 1975 đến nay, ở Việt Nam và trên cả thế giới. Cùng với những người anh em từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau, những người Bắc đó đã làm tất cả để bù đắp, để dựng xây… cho thỏa sức, việc họ phải rời bỏ rất xa quê nhà, thậm chí trơ trọi, chỉ để đổi lại hai chữ tự do.

Rất nhiều năm sau đó, con cháu của những người Bắc 54 cũng lớn lên ở miền Nam hay vượt đại dương đến nơi nào đó, không ít người trong họ vẫn âm thầm mang theo một bản di chúc có thể sống mãi đến nhiều thế hệ sau về tự do, và chọn lựa vì tự do. Trong một lần ở Mỹ, tôi nghe phát thanh viên của một đài radio người Việt bình luận về một nỗi nhớ quê nhà Hà Nội. Nhớ con đường quanh Hồ Gươm, nhớ con hẻm có bán canh bún nhỏ… Giọng Bắc của anh ta trầm buồn như mới ngày hôm qua còn nhìn thấy những thứ đó, trong khi tôi biết rõ anh chưa về Việt Nam một ngày nào, kể từ tháng 4/1975. Sau lần phát thanh đó, gặp anh, tôi trêu là sao anh nói cứ như là cứ vừa ở Việt Nam về. Đột nhiên giọng anh trầm lại “Phải cố gắng nhớ dù chỉ là tưởng tượng lại. Phải nhớ như nhớ lời của ông bà mình xua mình xuống tàu, trối dặn mình phải sống với tự do”. Tim tôi như thoáng ngừng đập trong tíc tắc. Dòng người mờ ảo trong những cuốn phim tài liệu trắng đen về số phận Việt Nam chia cắt ập về. Tôi cũng nhận ra rằng bản di chúc tự do đó, không phải những người Bắc Kỳ chia cho nhau, mà còn chia lại cho tôi, cho bạn, cho cả dân tộc này. Từng người chúng ta đã được nhận. Chọn lựa mình hôm nay khốn nạn hay tử tế, là do mình đã không chịu nhìn thấy di sản của cha ông gửi lại, qua bản di chúc không thành văn này.

Tôi nhìn thấy người bạn trẻ của tôi, con một người Bắc di cư, nay sống ở Biên Hòa. Anh đưa lên facebook một tấm ảnh kỷ niệm 60 năm người Bắc xuống tàu vào Nam. Khi bên ngoài người ta nói về những điều lớn lao như hiệp định Genève và các chính quyền, thì cũng có một dòng người không nhỏ đưa lại những hình ảnh thuộc về con người như vậy. Có những tấm ảnh khiến mình phải lặng đi khi thấy cụ già bước gấp vào Nam, hành lý trên tay quý nhất chỉ là tấm hình Đức Mẹ. Người bạn trẻ của tôi đưa lên tấm ảnh người ta chen chúc chia tay nhau ở một bến tàu. Khó mà biết được ông bà hay cha mẹ của anh đã có mặt ở đó hay không, trong những chấm li ti như cát bụi. Bản thân người bạn trẻ đó thì giờ cũng là phần li ti trong hàng triệu người Bắc 54 đã lớn lên, đã thành đạt ở miền Nam này hôm nay.

Và tôi nhận ra rằng, bản di chúc tự do đó cũng vẫn đang âm thầm trong anh, như bao phần li ti khác đang trỗi lên, trên đất nước này .



Bắc Kỳ và Nam Kỳ
 
(Nhân đọc Di Chúc Bắc Kỳ Tự Do của Tuấn Khanh)

Nguyễn Trần Sâm

Cách đây vài hôm, khi đọc trên Quê Choa bài “Di chúc Bắc Kỳ tự do” của nhạc sỹ Tuấn Khanh, tôi đã xúc động đến trào nước mắt. Xúc động vì tình đồng tộc, nghĩa đồng bào sâu nặng như tình ruột thịt trào ra qua những dòng gan ruột của anh.

Với riêng tôi, một người “Bắc Kỳ” theo nghĩa rộng, tức là người miền Bắc, sự xúc động còn có một lý do khác mà tôi sẽ nói sau.

Trong phần đầu của bài viết, Tuấn Khanh nói sơ qua cảm nhận về người “Bắc Kỳ” khi anh còn nhỏ. Một thứ cảm nhận hình thành vừa do những gì được thấy, vừa bị ảnh hưởng bởi cả trào lưu và định kiến. Anh viết:

“Bắc Kỳ” trong ký ức từng là một tâm cảm bị ám thị, thiếu thiện cảm hơn cả khi so sánh với “Ba Tàu”.

Và ở đoạn sau:

“Phải mất đến hơn nửa đời người, tôi mới nhận ra rằng không hề có một giai cấp nào trong đồng bào miền Bắc của đất nước mình, mà chỉ có một cuộc sống không được chọn lựa nào đó đã phủ chụp lên từng miền, từng vùng đã ảnh hưởng cùng cực đến họ, tạo ra những điều khó tả (tôi gạch dưới – NTS) như vậy.”

“Những điều khó tả” mà Tuấn Khanh nói ở đây, nói thẳng ra, đó là những tính xấu của dân Bắc. Đành rằng ở đâu cũng có người tốt và người xấu – thậm chí nếu có “cõi trời” thì có lẽ trên đó cũng vậy thôi – nhưng tôi, xin nhắc lại, một người dân Bắc, vẫn phải thừa nhận rằng trong cuộc sống dân Bắc có nhiều cái xấu hơn, trong đó có những cái xấu đặc trưng, hình thành do sống nhiều năm trong một “bầu không khí” luôn khuyến khích những cái nhỏ nhen, bon chen, giả dối.

Rất may là những người như Tuấn Khanh vẫn nhận ra rằng những cái xấu đó không phải nằm trong bản chất con người, mà chủ yếu do “có một cuộc sống không được chọn lựa nào đó đã phủ chụp lên từng miền, từng vùng đã ảnh hưởng cùng cực đến họ, tạo ra những điều khó tả như vậy.”

Cái “cuộc sống không được chọn lựa nào đó” này là gì? Đó là lối sống bị áp đặt cách thô bạo. Áp đặt thứ kinh tế tập thể, trong đó những người làm việc năng nổ và xuất sắc không được hưởng nhiều hơn kẻ lười biếng. Thậm chí, người lao động giỏi nếu không biết khom lưng thì có thể bị mất hết, trong khi kẻ lười nhác nhưng chịu khó lấy lòng cấp trên có thể được nhận nhiều thứ. Cái thứ kinh tế tập thể đó đã đi đến cái kết cục tất yếu là suy thoái trầm trọng, đẩy con người đến chỗ càng phải bon chen, thu vén bằng mọi cách mà gần như không còn cảm giác xấu hổ. Áp đặt lối suy nghĩ và nói năng theo mẫu của cấp trên. Áp đặt những cuộc “sinh hoạt tư tưởng” đe dọa biến tất cả những ai có suy nghĩ độc lập, tự do thành “kẻ thù giai cấp”. Áp đặt một thứ “tình cảm cách mạng”, đẩy tình ruột thịt, tình bạn hữu xuống vị trí thứ yếu…

“Tôi nhận ra điều đó, ở một ngày khi thấy chung quanh mình có rất nhiều bạn, kể cả thầy cô, là những người Bắc mà tôi tin cậy.” Tuấn Khanh viết tiếp. Tình ruột thịt mạnh hơn hết thảy trong con người anh đã giúp anh nhận ra nguyên nhân của “những điều khó tả” trong những người đồng bào Bắc Kỳ. Và khi nhận ra điều đó, anh càng thấy thương những người bà con miền Bắc hơn. Trong lòng anh thực sự không còn chút ngăn cách nam-bắc nào.

Không những thế, Tuấn Khanh còn khẳng định vai trò của “Bắc Kỳ” trong đời sống xã hội:
“… văn chương Bắc Kỳ, âm nhạc Bắc Kỳ, báo chí Bắc Kỳ… đã góp tay dựng lên một nền văn hóa của cả đệ nhất và đệ nhị cộng hòa của miền Nam.”

Hơn thế nữa, anh đã chỉ ra rằng cuộc di cư năm 1954 của dòng người từ Bắc vào Nam đã mang đến cho cả dân tộc một “bản di chúc vĩ đại”, “bản di chúc về tự do”.

Tình cảm của những người “Nam Kỳ” như Tuấn Khanh thực sự làm ấm lòng những người con miền Bắc, trong đó có tôi.
*
Thời còn trẻ, khi học đại học, vì sống ở Bắc Kỳ nên bạn bè tôi chủ yếu là Bắc Kỳ. Nhưng những người bạn thân nhất của tôi lại là người Nam Kỳ. Đó là con em những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Mặc dù các vị cán bộ tập kết này ra Bắc theo tiếng gọi của “cách mạng”, nhưng nhiều vị đã truyền lại được cho con cái họ lối sống và suy nghĩ chân thực, không bị nhuốm màu “chủ nghĩa”, không bày đặt kiểu cách rườm rà. Trong khi những đứa bạn Bắc Kỳ, nhất là kinh kỳ, có “phương pháp thể hiện mình” rất bài bản, thì những đứa con cán bộ miền Nam không hề biết, hay đúng hơn là không bao giờ xài những “bài” kiểu đó. Thấy tôi cũng thẳng tuột, cũng ngố kiểu nhà quê, cánh bạn gốc Nam Kỳ rất quý tôi. Và tôi đã lọt vào được một vài nhóm toàn con em cán bộ tập kết đó. Chúng tôi chơi rất thân với nhau.

Những năm sau này, tôi có dịp tiếp xúc và làm việc với dân “Nam Kỳ chính hãng”, càng thấy họ chân thật và đơn giản hơn hẳn dân Bắc Kỳ, và trong công việc thì họ hầu như không bao giờ láu vặt, dùng những trò tiểu xảo, thú thật, trái tim tôi càng hướng về những người bạn phương Nam nhiều hơn.

Trước 1975, tôi cũng như hầu hết dân Bắc đều suy nghĩ giống như được “dạy”. Lối suy nghĩ đó cũng chi phối chúng tôi khi nhận định về mối tương quan giữa hai miền, về “công lao giải phóng miền Nam” của dân Bắc (dưới sự lãnh đạo của TW!). Nhưng càng ngày, tôi càng hiểu ra rằng nếu không có “công cuộc giải phóng” đó thì miền Nam bây giờ chắc gần giống Đại Hàn Dân Quốc, còn miền Bắc giống như thiên đường CS Triều Tiên. Ý nghĩ đó, cộng với những thông tin cho thấy những người Bắc tràn vào Nam trong ba bốn mươi năm qua mang theo lối sống không phù hợp với dân Nam, làm “những điều khó tả”, làm tôi luôn có cảm giác như mắc lỗi với những người anh em trong đó.

*
Nhiều năm trước, thỉnh thoảng tôi thắc mắc, không hiểu sao trong gia đình người miền Nam không có “anh cả, chị cả”, mà cao nhất là “anh hai”, “chị hai”. Có người giải thích với tôi, đó là do ảnh hưởng quan niệm của một nhánh tôn giáo, trong đó coi cha mẹ thực của con người là ở chốn vô hình nào đó, còn hai người sinh ra mình chỉ là “anh sinh, chị đẻ”. Nếu vậy thì hai người này mới thực sự là anh cả, chị cả, nên trong số những đứa mà họ sinh ra làm gì có ai xứng đáng được gọi là anh cả, chị cả nữa. Tôi thấy cách giải thích này cũng có phần đáng chú ý, nhưng không thật sự thuyết phục.

Cách đây vài năm, trong một lần có mặt ở Quy Nhơn, một tối tôi ngồi trò chuyện với mấy người bạn, đủ cả ba miền. Câu chuyện cuối cùng chạm đến câu hỏi trên. Và thật bất ngờ, một cô người miền Nam trong nhóm đã nêu ra một cách giải thích mà tôi tin ngay lập tức. Đó là ngày xưa khi dân Việt mới vào trong đó lập nghiệp, nỗi nhớ quê và anh em ngoài Bắc sâu nặng đến mức người ta quy ước với nhau rằng con cái trong một gia đình không được gọi nhau là anh cả, chị cả, để hình dung ra như thể chúng có anh cả, chị cả, nhưng anh chị vẫn còn ngoài Bắc. Điều đó cũng là để nhắc nhở rằng tình đồng tộc cũng không khác gì tình anh em trong một gia đình hẹp, để nhắc nhở các thế hệ sau không được quên đi gốc tích của mình, và không được kỳ thị kẻ Bắc người Nam.

Tôi bỗng hoàn toàn tin vào cách giải thích đó. Thậm chí tin rằng nó được truyền lại qua mấy thế kỷ. Thật may là nó đã không bị thất truyền!

Và không hiểu sao, tôi thấy xúc động khác thường, mấy chục năm qua chưa từng như vậy. Lúc đó, tôi đã phải đứng dậy đi ra chỗ khuất, để giấu dòng nước mắt cứ tự động trào ra mà không cách nào ngăn được (ở tuổi ngoài 60!). Mãi hàng chục phút sau, tôi mới dám quay lại, trong sự ngạc nhiên của nhóm bạn vì sự bỏ đi bất thường của tôi.

Cách giải thích của người bạn miền Nam về “anh cả, chị cả”, và những lời tâm huyết như của Tuấn Khanh làm tôi thấy yên tâm, rằng tình đồng tộc, nghĩa đồng bào, bất chấp vật đổi sao dời, vẫn luôn là điều thiêng liêng có thể lay động con tim ta ở nơi sâu kín nhất. Và “Bắc Kỳ”, “Trung Kỳ” hay “Nam Kỳ” chỉ thuần túy là những khái niệm địa lý hành chính.

Suy nghĩ đó làm tôi thực sự thấy ấm lòng và hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét