Cassette nhạc này gồm 10 bài hát được một số người thẩm thức âm nhạc tự cho là thích "nhạc sang" đánh giá là "nhạc sến" (sic) . Nhưng ai cấm (?) nếu bảo nhạc Trúc Phương, Lam Phương,...là hơi thở của thời đại trước 1975 tại miền Nam VN. Ai chê ca sỉ Thanh Thúy hát rên rỉ , sướt mướt, phải xét lại, vì chưa đọc bài văn "Ảo Ảnh Thanh Thúy" của giáo sư Nguyễn văn Trung". Xin mời đọc
Trích đoạn bài viết "Ảo Ảnh Thanh Thúy" của giáo sư Nguyễn Văn Trung
“ (…) Thường một ca sĩ ra hát, bao giờ cũng cố gắng làm
sao cho người khác để ý đến mình, không những chỉ bằng sự hiện diện
trước mặt họ mà còn bằng những cử động, những cái nhìn, nụ cười chiếu
thẳng vào khán giả mong làm hài lòng khán giả như mời gọi, quyến rũ.
Đứng trước máy vi âm, ca sĩ chú ý đến khán giả mong làm hài lòng khán
giả bằng sự phô trương tất cả con người của mình. Trái lại Thanh Thúy ra hát, dĩ nhiên cũng là hát cho khán giả,
nhưng làm ra vẻ không chú ý đến khán giả , không tự giới thiệu, đi đến
với khán giả bằng cử chỉ nụ cười , cái nhìn Thanh Thúy e lệ, kín đáo,
bước ra rụt rè như con cò, tiến đến gần máy vi âm, mà không đưa mắt nhìn
vào khán giả. Lúc hát không làm một cử động nào, hai tay luôn luôn nắm
lấy cây sắt của máy vi âm, mắt nhìn xuống đất hoặc nhìn ngang, thỉnh
thoảng mới nhìn lên lướt qua rất nhanh khán giả mà không cố ý nhìn một
ai. Thanh Thúy không nhìn ai, để trở thành vật được nhìn của tất cả.
Hình như đôi lúc Thanh Thúy lại nhắm mắt hay chỉ mở lim dim…Thái độ của Thanh Thúy là đi tới người khác không phải bằng cách
cởi mở, đón tiếp, mời gọi với những cái nhìn, nụ cười cử chỉ mà bằng
cách khép mình lại, thu mình vào bên trong, không xét đến người khác
đang nhìn mình. Thỉnh thoảng cô mỉm cười khi lời ý buồn cười, nhưng cũng
như cười với mình thôi. Do đó, ra trình diễn, mà lại như không muốn cho người xem thấy
mình vì Thanh Thúy che dấu mặt đến quá nửa bằng mái tóc bỏ xõa… Hát xong
một khúc,đi vào trong ngay, không đứng lại bên máy, bên dàn nhạc để hát
tiếp khúc sau.
(…) Đứng trước Thanh Thúy, nghe Thanh Thúy hát những bài buồn
buồn bằng một giọng trầm, với những nét mặt xa vắng, khán giả như thấy
bị lôi kéo về một dĩ vãng xa xôi nhưng cũng rất gần gũi quen thuộc, một
dĩ vãng dệt một hình ảnh rung động, cảm nghĩ gắn liền với lịch sử đất
nước, với thôn quê , đồng ruộng , với sông Hương , núi Ngự, tiêu biểu
cho những gì là dân tộc, cá tính địa phương về mặt tiêu cực: một nỗi
buồn man mác, cô tịch, trầm lặng, vô định…Thanh Thúy là hiện thân của
nỗi buồn đó. Cho nên khi hát, hình như Thanh Thúy không chú ý phát âm
rõ, và người nghe hình như cũng không đòi hỏi hiểu được lời ca vì cái
cốt yếu là truyền cảm được nỗi buồn, bằng một giọng buồn và thông cảm
được điệu buồn, nỗi buồn không nội dung rõ rệt. Có lẽ những khán giả
thích Thanh Thúy là thích vì vậy, không phải giải thích như một thân
xác, nhưng như một người đàn bà , một thiếu nữ Việt, một cô gái Huế qua
những cái rất “đàn bà”, ”rất Việt Nam” và rất “Huế” của Thanh Thúy….."
Nguyễn Văn Trung
Cựu giáo sư đại học Văn Khoa Saigon trước 1975
Mời các bác thưởng thức "tiếng hát liêu trai" ngày nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét