khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2024

Nhân sao tôi được làm Phụ Tá Viện Trưởng Viện Đại Học Cao Đài Tây Ninh (1971-1975) - Tác giả Nguyễn Văn Sâm

 

Viện Đại Học Cao Đài Tây Ninh thành lập từ năm 1971 và chỉ tồn tại 4 niên khóa (1971-1975) nhưng đã để lại dấu ấn to lớn trong lòng tín đồ Cao Đài nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng về khả năng phát triển văn hóa của vùng đất biên địa hiền hòa nầy.

Trong bốn năm đó Nội ô nhộn nhịp về những sinh họat của trường Sư Phạm với hai ban Việt Hán và Toán học. Ngoại ô hăn hái với những xây cất và thiết lập để hoàn thành phòng thí nghiệm cho ban Lý Hóa và và nông trại cho ban Nông Lâm Súc.

Dầu trong hay ngoài Nội ô Tòa Thánh, đạo hữu nam nữ thường góp công sức làm công quả trong việc xây cất hay ẩm thực. Phải công nhận rằng những ngày lên Tây Ninh làm việc hay giảng dạy các Giáo Sư ở trong Nội ô đều được ăn chay rất ngon và sạch sẽ, với sự phục vụ của những tín đồ lớn tuổi giàu lòng hi sinh, không lấy thù lao. Nọ tận tâm và lễ phép cùng thân thiện. Các Giáo sư lên đây giảng dạy đều công nhận là các bữa cơm - ăn chay dĩ nhiên - ở Viện ngon miệng cũng như trình bày bắt mắt. Sau nầy, không còn được lên Viện nữa, gặp nhau, các cựu GS thường nhắc về những bữa cơm chay đặc biệt ở Viện mà bây giờ chỉ còn là kỷ niệm đáng ghi nhớ.

Sau tháng 04/75, Viện Đại học Cao Đài bị giải thể cùng số phận như các Viện Đại Học tư thuộc tôn giáo khác như Hòa Hảo, Phật giáo và Đại Học tư Tri Hành..

Tuy nhiên ông Viện Trưởng Cao Đài, ngài Bảo Học Quân Nguyễn Văn Lộc như biết trước rằng sẽ có biến động lớn vào mùa Hè 75 nên đã cho tổ chức kỳ thi sớm, vào cuối tháng 03. Nhờ vậy sinh viên Viện Đại học Cao Đài Tây Ninh may mắn hơn các sinh viên ở những Viện Đại Học khác là có được chứng chỉ tốt nghiệp. Nếu là s/v năm thứ 4 (GS Đệ Nhị Cấp, Kỷ sư) hay năm thứ 2 (GS Đệ Nhứt Cấp, Cán sự) Những s/v nầy phần nhiều đều được chánh quyền mới chấp nhận tuyển dụng vô qui chế vì sự thiếu thốn nhơn sự lúc giao thời ở tỉnh Tây Ninh và những tỉnh lân cận xa Sàigòn. Trong khi làm việc, các cựu sinh viên nầy đã tỏ ra là những người rất có khả năng cùng là tư cách.

Nhưng nhơn duyên nào tôi, nhà giáo Nguyễn Văn Sâm của trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn, không phải là tín hữu Cao Đài lại được cử làm Phụ Tá cho Viện Trưởng Viện Đại Học Cao Đài?

Chuyện cũng có chút nhân duyên.

Số là cuốn sách Văn Chương Tranh Đấu Miền Nam của tôi, do nhà xuất bản Kỷ Nguyên in năm 1967 trong đó nhận định về 33 nhà văn của thời có phong trào văn chương tranh đấu ở Miền Nam với mục tiêu giải thực – chống thực dân Pháp khi họ manh tâm trở lại tiến chiếm Việt Nam ngay sau ngày Nhựt Bổn ở Đông Dương đầu hàng. Trong sách nầy tôi có đề cập tới nhà văn Sơn Khanh với những tác phẩm của ông như Giai Cấp, Tàn Binh, Loạn và nhứt là ông rất có công khi khi thực hiện tuyển tập Thơ Mùa Giải Phóng mà khi viết tôi không biết Sơn Khanh là Luật sư Nguyễn Văn Lộc đương có văn phòng trên đường Gia Long Sàigòn từ những năm đầu của thập niên 60.
Trong thời gian làm Dân biểu Quốc hội Lập Hiến (1966-1967), lần nào đó, nói chuyện với Dân biểu Nguyễn Hữu Thống, tức nhà văn Nhuệ Hồng, về cuộc tham dự hội nghị Á Phi (Bangdung, Indonesia từ ngày 18-24/4/1955) của ông, tôi được ông cho biết khi đó nhà văn Vũ Anh Khanh cũng có tham dự với tư cách đại diện nước VNDCCH nhưng nhà văn tác giả Nửa Bồ Xương Khô coi bộ trầm ngâm buồn, ít nói vì lúc nào cũng có 2, 3 công an theo đứng kề bên mình. Chuyện nầy chuyện kia, Dân biểu Luật sư Nguyễn Hữu Thống cho biết nhà văn Sơn Khanh tức là Luật sư Nguyễn Văn Lộc hiện sinh hoạt trong Luật Sư Đoàn Sàigòn...

Rồi vào năm 1970, trên chuyến máy bay chở các Giáo Sư Sàigòn xuống Long Xuyên dự lễ khai giảng niên khóa đầu tiên của Viện Đại Học Hòa Hảo tôi được ngồi kế bên LS Nguyễn Văn Lộc. Chuyện trò qua lại rồi trước khi xuống máy bay vô dự lễ, LS Lộc mời tôi hôm nào rảnh ghé văn phòng Luật sư của ông.

Tôi đã ghé và hôm đó LS Lộc trân trọng mời tôi làm Phụ tá cho ông để giúp ông thiết lập chương trình cho ban Sư Phạm của Viện Đại Học Cao Đài sẽ khai giảng năm sau, 1971 mà Giáo Hội Cao Đài mới vừa nhận được giấy phép thành lập Viện.
Và tôi đã nhận lời, viết chương trình cùng đề nghị từng Giáo sư sẽ được mời để phụ trách các môn học... LS Lộc nói rằng mình sẽ coi tổng quát còn đi vô từng ngành chuyên môn thì ông không rành.

Và tôi cũng phụ ông viết diễn văn khai mạc Viện được tổ chức trọng thể ở Nội Ô tòa thánh cùng nhiều diễn văn khác tùy trường hợp...
Và như vậy chúng tôi công tác trong suốt thời gian hiện hữu của Viện.

Trong 4 năm cộng tác với Viện Đại Học Cao Đài, nhiều hôm đi cùng xe với nhà văn Sơn Khanh, chúng tôi đã trao đổi nhiều vần đề - trừ chuyện vì sao ông bị Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thay thế chức vị Thủ Tướng của ông bằng nhà giáo Trần Văn Hương một người cũng quê Vĩnh Long với ông nhưng ở làng bên cạnh, tôi có hỏi một hai lần nhưng nhà văn Sơn Khanh luôn chuyển đề tài.

Chuyện văn chương và chuyện của Viện thường được đề cập. Nhờ đó tôi được biết ông có tập thơ Tiếng Lòng trình làng năm 1942 mà ông nói rằng mình không còn quyển nào và cũng không biết ở đâu có. Tiếc rằng lúc đó cho tới khi VNCH mất, tôi không giúp được gì cho ông trong việc nầy. (Gần đây, Thư Viện Quốc Gia Pháp cho biết có tập thơ nầy trên trang mạng của họ. ) Tôi có hỏi ông vậy chớ một tác phẩm mà lúc 1949, 1950 ông báo rằng sẽ in quyển truyện dài Ngục Tối Giửa Rừng Sâu bây giờ còn bản thảo không. Kết quả của cuộc trao đổi nầy là tác phẩm Nước Độc được xuất bản do nhà Nam Cường in năm 1971 với Lời Bạt của Nguyễn Văn Sâm, một người nhỏ hơn tác giả 18 tuổi trời.

Gần đây vị trí của nhà văn Sơn Khanh ở Việt Nam đã được đánh giá lại khá cao khi đề tài Luận Văn Thạc sĩ về ông được nữ sinh viên Nguyễn thị Bình An ở trường Đại Học Thủ Dầu Một đệ trình và đã được chấm đậu với lời khen ngợi. Luận văn đã xác định địa vị của nhà văn Sơn Khanh trong dòng văn chương chống Pháp...

Trong bốn làm năm việc ở Viện Đại học Cao Đài tôi nghiệm ra rằng giáo dục kết hợp với tôn giáo có thể là kết họp tốt nhứt cho giáo dục, cho sự đào tạo những lớp trẻ hiền hòa, chăm chỉ, hướng về mặt đạo đức để khi thành tài họ không có những tham vọng vị kỷ, xấu xa. Kết quả cụ thể là cựu sinh viên Sư Phạm ban Việt Hán Quách Văn Hoa đã có những tác phẩm nghiên cứu giải thích có giá trị về những điểm căn bản trong giáo lý của đạo.

Hơn năm mươi năm đã qua, ba người trẻ chúng tôi lúc đó ở độ tuổi 30, đã góp công phần lớn cho Viện nay vẫn còn là những người bạn thân (Nguyễn Văn Sâm của trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn hiện nghỉ hưu ở CA, Mai Thanh Truyết, Tiến Sĩ Hóa Học từ Pháp về giữ chức Giám Đốc Học Vụ, hiện nghỉ hưu ở TX, Mã Thành Công, Tiến Sĩ Sử học cũng ở Pháp về giữ chức Phó Viện Trưởng, hiện trụ trì một ngôi chùa lớn ở Thủ Đức, Sàigòn) khi có dịp nhắc lại thời gian ở Viện Đại Học Cao Đài Tây Ninh đều cho rằng đó là thời gian vô cùng ý nghĩa cho đời mình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét