khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

Thăm biển Mũi Nai ở Hà Tiên





Khủng hoảng chính trị tại Pháp và Hàn Quốc và bài học nào rút ra?





Từ làm luật sư ở Việt Nam tới đi Mỹ tị nạn.





Ca sĩ Thế Sơn





Ngành học không gian vũ trụ và quá trình đào tạo phi hành gia của Mỹ





ANH TRẦN HUỲNH DUY THỨC KỂ CHUYỆN CƯỠNG CHẾ ĐẶC XÁ CÙNG NHẠC SĨ VIỆT KHANG





Người Tổ Chức Vượt Biển trong Trại Tù “Cải Tạo” - Câu Chuyện của Ông Nguyễn Văn Hưởng





Cuộc Vượt Ngục Không Thành - Đối Diện Trước Cái Chết: Tôi Phải Sống! - Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ





Thứ Năm, 24 tháng 10, 2024

Tình Hình Sức khỏe Của Một Việt Kiều Mỹ Trước Và Sau Khi Về VN Sống Được 2.5 Năm Ra Sao?





Chiếc Áo Nhà Binh - Tác giả Đào Anh Dũng

 

Ðúng mười sáu tuổi Hương mới được mẹ cho phép đến giúp mẹ ở tiệm sửa quần áo ‹Sew & Care› nơi mẹ làm mướn rồi trở thành chủ nhân gần 6 năm nay. Mẹ, Hương và em Hùng ở trong một khu chung cư cách tiệm có vài trăm mét nên việc đi lại rất tiện lợi. Mỗi ngày, đi học về Hương đến tiệm giúp mẹ hai tiếng đồng hồ; thứ Bảy bốn tiếng vào buổi trưa, sau khi Hương đã xong bài vở thầy cô cho làm cuối tuần; Chúa Nhật, tiệm đóng cửa nghỉ, ba mẹ con đi nhà thờ rồi suốt ngày quây quần bên nhau. Hùng mới 14 tuổi nên nó chưa được mẹ cho phép giúp ở tiệm, nó chỉ phụ làm việc nhà như hút bụi, rửa chén, giặt đồ, bắc nồi cơm điện… mà thôi.
Mẹ, Hương và em Hùng định cư ở thành phố miền Bắc Mỹ này từ tháng tám năm 1975, cha thì bị kẹt lại ở Việt Nam. Năm ấy, Hương mới có mười tuổi nhưng Hương vẫn còn nhớ rất rõ hôm cha đưa mẹ, Hương và em Hùng vào phi trường 31 Cần Thơ để lánh nạn cùng với vài chục người là vợ con của sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ phi đoàn. Cha căn dặn mẹ nếu được di tản, mẹ con cứ ra đi, đừng lo cho cha vì cha nhận lệnh chỉ được phép rời căn cứ vào phút chót với anh em đồng đội mà thôi. Hương còn nhớ, trước khi trở về phi đoàn cha ôm mẹ, Hương và em Hùng, cả gia đình làm dấu Thánh Giá và vì gấp quá nên chỉ có thể đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh, cầu xin ơn bình an của Chúa và Ðức Mẹ mà thôi. Sau đó cha cởi chiếc áo khoác nhà binh của mình, choàng vào vai mẹ, Hương và em Hùng, nói để che nắng, che mưa, chống lạnh rồi cha leo lên xe jeep ra đi. Hôm sau, cả đoàn người được di tản bằng máy bay trực thăng ra Côn Ðảo, rồi đến Ðệ thất Hạm đội. Vài ngày sau, mọi người được chuyển sang một tàu buôn đi Phi-Luật-Tân và sau đó đến trại tỵ nạn trên đảo Guam. Ở đó, thấy nơi nào đồng bào dán giấy tìm kiếm thân nhân, mẹ cũng có một tờ tìm cha. Mẹ cũng có nhờ trại phát loa nhắn tin nhiều lần nhưng không nhận được tin tức nào của cha. Sau khi định cư ở Mỹ được gần sáu tháng, mẹ nhờ một người bạn chuyển thơ của mẹ từ Pháp về Cần Thơ cho ông bà nội. Mấy tháng sau, mẹ mới nhận được thơ trả lời của ông bà nội nói bóng, nói gió nhưng mẹ hiểu được là cha bị tai nạn máy bay nên kẹt lại, nhờ ơn Ðức Mẹ chở che, cha chỉ bị thương nhẹ thôi. Cha trở về nhà và như mọi sĩ quan quân đội miền Nam, cha bị vô tù cải tạo.
Khi xưa mẹ là một cô giáo tiểu học. Tiếng Anh mẹ chỉ bập bẹ, nhờ mẹ biết may vá nên mẹ được bà goá phụ Lindberg, một giáo dân của nhà thờ bảo trợ và là chủ tiệm ‘Sew & Care’, mướn làm thợ sửa quần áo. Bà Lindberg thật tốt bụng, ông con trai của bà ở trong quân đội, từng phục vụ ở Việt Nam nên bà hiểu hoàn cảnh và có nhiều cảm tình với người Việt. Bà tận tình dạy nghề, dạy luôn tiếng Anh cho mẹ. Sau bốn năm, tay nghề của mẹ trở nên vững chắc, mẹ hiểu và nói tiếng Anh khá hơn nhờ được tiếp xúc hàng ngày với khách hàng và đồng nghiệp. Vì thế, khi bà Lindberg tới tuổi nghỉ hưu, bà không ngần ngại nửa cho, nửa bán trả góp tiệm ‘Sew & Care’ cho mẹ, tiếp tục giúp mẹ nuôi sống gia đình. Nhờ vậy mà mẹ có thể gởi chút đỉnh tiền về Việt Nam giúp ông bà nội ngoại và nhờ cô Út thăm nuôi cha.
Việc may vá Hương còn vụng về, cần phải học thêm nên Hương được mẹ giao trách nhiệm đón khách và giao hàng. Lúc nào vắng khách, Hương được mẹ dạy cách lên lai quần. Ðó là công việc chạy nhất của ‘Sew & Care’. Hương cũng biết đơm nút áo. Công việc này thì mẹ không bao giờ tính tiền để lấy cảm tình của khách.
Hôm ấy có một ông khách đầu tóc bạc phơ đến tiệm nhờ thay bên trong cổ của hai chiếc áo sơ-mi vì chúng đã mòn lẳn, gần rách. Hương ước tính tiền công thay cổ áo ít nhất cũng đến 10 đô-la một áo vì Hương thấy rất tốn thời giờ, còn hơn lên lai quần, 5 đô cho mỗi cái nữa. Thấy hai chiếc áo đã cũ mèm, thay vì gọi mẹ đến xem xét, định giá với khách, Hương mỉm cười, nói với ông khách:
“Dạ thưa ông, hai chiếc áo này đã cũ, sao ông không mua áo mới? Cháu nghĩ tiền mua áo mới còn rẻ hơn tiền công thay cổ áo nữa.”
Hương nghĩ mình rất lễ phép và thành thật, ai ngờ ông khách không bằng lòng, đòi nói chuyện thẳng với bà chủ ‘Sew & Care’, giọng nói của ông nghe rất nghiêm nghị. Hương vội vàng xin lỗi ông khách rồi cáo lui vào phòng may vá gọi mẹ.
Mười lăm phút sau, khi ông khách đã rời tiệm, mẹ gọi Hương trở ra trông nom tiệm để mẹ vào trong tiếp tục may vá. Vì mẹ im lặng, không nói gì về ông khách và hai chiếc áo sơ-mi, Hương đâm ra thắc mắc, không hiểu khi nãy mình nói như vậy có đúng không và tại sao ông khách có vẻ phiền giận. Hương bèn hỏi mẹ:
“Mẹ ơi, con chỉ đề nghị ông khách bỏ đi hai cái áo, mua áo mới rẻ tiền hơn sửa cổ áo. Vậy mà tại sao ông có vẻ giận con vậy mẹ?”
Mẹ Hương trả lời, giọng man mác buồn:
“Ông Margotto là khách quen của tiệm mình, sau khi bà vợ của ông qua đời. Ông nói chính bà đã chọn và mua cho ông hai cái áo đó nên ông rất yêu quý chúng, mặc hoài nên sờn cổ mà ông không muốn bỏ đi. Ðây không phải là lần đầu tiên ông đến nhờ tiệm chúng ta giúp ông giữ lại những kỷ vật của bà. Con nói rất đúng, nhưng không đúng hoàn cảnh nên ổng giận. Nhưng thôi, con đừng lo ngại, con đâu có biết chuyện của ổng, con chỉ thật thà khuyên ổng thôi mà!”
Câu trả lời của mẹ làm Hương nhớ đến chiếc áo nhà binh ngày xưa cha choàng lên vai mẹ, Hương và em Hùng. Hương chưa bao giờ thấy mẹ giặt chiếc áo ấy, mẹ cất nó kỹ lưỡng trong một hộp giấy để trong tủ áo. Thỉnh thoảng mẹ mang nó ra, mẹ ngồi một mình, mẹ áp nó vào mặt, ôm nó vào lòng… Nhớ đến đó, Hương muốn chạy đến ôm mẹ, nói mẹ ơi con đã hiểu, con đã hiểu rồi nhưng khi ấy có một bà khách bước vào tiệm…
Hương cố gắng nở một nụ cười chào bà khách mà lòng thì chất ngất nỗi nhớ cha, thương mẹ… Hương thì thầm cầu nguyện, Mẹ Maria ơi, xin Mẹ xót thương…


Con Người Phương Nam - Tác giả Cao Thoại Châu

 

Tôi không sinh ra tại Sài Gòn mà chỉ tới năm 1954 mới vào sống tại đây khi đã 15 tuổi.

Chín năm sau, khi thành một thầy giáo tôi từ Sài Gòn xuống một tỉnh miền Tây dạy học, nơi chốn đi về không đâu khác là Sài Gòn, cha mẹ anh em tôi vẫn ở đấy và một thời đèn sách của tôi cũng còn đấy. Cũng chín năm sau, 1972, Tân An (cách Sài Gòn 45km) là nơi tôi định cư cho đến bây giờ.

Sài Gòn – Châu Đốc – Tiền Giang – Bến Tre – Tân An…theo cách nghĩ của tôi chỉ có một ranh giới rõ nét là những km diện địa, còn cái gọi là “Người Sài Gòn” thì như một cục đường tan vào ly nước là miền Tây rất nhanh, nếm thấy vị mà không còn biết đường đâu nước đâu.

Sài Gòn không có đặc sản về thực phẩm, mọi thương hiệu có mặt tại đây hầu như đều từ miền Tây lên: mắm thái Châu Đốc, bánh pía, bún mắm Sóc Trăng, hủ tiếu Mỹ Tho, bưởi Năm Roi, soài cát Hòa Lộc...

Không thấy lộ ra một khác biệt nào lớn có tính cách định hình ngoài khác biệt là nhà ở tỉnh thường có vườn và ít chung cư và người tỉnh hay bận rộn vì các đám giỗ ở nhà nhau! Cà phê vỉa hè là một nét chung rõ nhất. Khái niệm “nhà quê” tôi không nghe nói ở nơi tôi sống đã 58 năm, điều này khá thịnh tại quê gốc của tôi.

Trước hết, hình dạng Nam Kỳ cứ ví như một phụ nữ cho nó... dễ hiểu, không cao kều dài ngoẵng mà nở ngang ở cái vòng 3 mà lại xẹp lép không núi không đèo vì vậy khoảng cách không gian giữa các tỉnh với Hòn Ngọc Viễn Đông không lớn, lại có hệ thống giao thông đa dạng và phát triển cao thúc đẩy sự hòa vào nhau nhanh hơn và gọn hơn.

Sài Gòn (và Nam Kỳ) trở thành thuộc địa của Pháp sớm nhất và trực tiếp thành đất hải ngoại của Pháp ngay từ năm 1867, Nho học bị hủy bỏ gần như ngay tức khắc với việc Nam Bộ bị tách khỏi VN. Chính vì thế mà người Sài Gòn phát âm tiếng Pháp chuẩn hơn.

Những phụ âm Pr, Cl, Tri…trong khi người miền Bắc phát âm là pờ-re (près), cờ-lo (clo), tờ-ri-pô-li (Tripoli) thì người đất này phát gần với Tây hơn.

Âu hóa sớm, mưa nhiều, khí hậu nóng quanh năm, đất đai màu mỡ, giao thông, công thương phát triển sớm, vị trí thuận lợi trong giao thương Âu-Á, con người lại có óc mạo hiểm của kẻ đi khai phá, đặc tính này làm phát những doanh nhân nhiều người lừng lẫy.…

Hào hiệp và nghĩa khí là tính cách nổi trội, kẻ nào đó tai tiếng hoặc thất bại ở nơi khác mà biết “ôm đầu máu” tìm vào Nam Kỳ với mặc cảm bị thành kiến sẽ nhanh chóng quên được mặc cảm này bởi người Nam Kỳ không tò mò về đời tư người khác, “đánh kẻ tìm đi không đánh kẻ tìm lại”, thích cưu mang và lòng thương người dành cho kẻ sa cơ.

Đọc rồi mà lâu quá nên quên cách tỏ tình khá thú vị này:

“Hai ơi, tui thương thiệt mà”,

“Thôi đi, hổng có tin nổi đâu, nói chi nói hoài dzậy”.

“À há, láo xe ăn đó”,

“Độc dữ ha, mà thương rồi thì sao chớ?”.

Rồi, tối đó có thể cùng nhau vào một căn nhà, nhà hát cải lương chứ không phải các nhà khác đâu đó. Ngày nay tất nhiên ngôn ngữ có khác nhiều nhưng tấm tình chân thật và cách bộc lộ thì vẫn thẳng như vậy thôi. Đấy là tính chân thật, mộc mạc không kiểu cách.

Còn nhớ, hồi 1964, một ông chủ nhà máy nước đá ở Châu Đốc có người con út học với tôi cho nên tôi có dịp tới vào những ngày giỗ của nhà ông ấy. Một bữa ông nói đại ý là thấy tôi chưa có vợ mà lại hiền lành (có lầm không, ông chủ) nên ông muốn gả con gái đang là giáo viên cho, còn nói sẽ cho tôi nhà và mọi thứ gia đình tôi khỏi lo chi cả…

Tôi không thành rể Nam Kỳ là cái phần số nó thế.

Người Nam Kỳ bén nhạy ưa mùi mẫn mà hài hước, trào lộng vì vậy cải lương là loại hình giải trí ruột, vở nào mùi một tí và có danh hài là vở ấy đắt khách.

Cũng nhờ cái tánh này mà người Nam Kỳ phát về báo chí, ngôn ngữ, văn phong báo chí, nhất là báo trào phúng của Sài Gòn thật ấn tượng, châm biếm mà không moi móc, nhẹ mà đau ngầm chứ không gay gắt nhục mạ người bị châm biếm. Và không đâu hơn, Nam Kỳ rất thịnh về nói lái, tiếng lóng phong phú và thiện nghệ.

Hồi trước tôi hay ăn cơm vỉa hè nên biết một anh tài xế xích lô máy, trưa nào anh cũng tạt về nhà chất vợ con đầy một xe và ghé quán cơm này. Họ không ăn nghèo như sinh viên chúng tôi nhưng ăn tiệm cũng là một cái thú của người Nam Kỳ. Có người nói người Nam Kỳ ham vui, ít lo xa, theo tôi nhận xét này khá đúng với câu cửa miệng là “mai tính”.

Những tính cách trên, tôi có một nhân chứng sống là cụ Vương Hồng Sển, một học giả, nhà cổ ngoạn và là Thầy của nhiều thế hệ chúng tôi ở đại học. Nhiều cuốn sách, bài báo của Thầy, nhất là cuốn Nửa Đời Hư cho thấy đây là một siêu mẫu của người Nam Kỳ.

“Con mèo tam thể đi ăn vụng bị hàng xóm chém tét móng chân trước, đang nằm rên hì hì trên đầu tủ sách. Vừa viết đến đây, tôi đọc lớn. Con mèo nhướng mắt tưởng tôi ngỏ lời an ủi, nên hoà âm mấy tiếng hừ hừ, tợ chiếc ấm gần sôi. Bỗng tôi đổi sang giọng lớn, không mấy êm tai, tôi thấy vành tai con miêu đang xụ lại vành lên, trán con miêu nhăn nhăn, tam thể tựa hồ bụng bảo dạ:

“Lão Vương nầy chướng, chúng cho về hưu cũng phải: Lão lải nhải những gì rỗng tuếch, chẳng bù má Năm, nói những lời đáng giá, hứa cho ăn thì no bụng đến phát ách, hăm đánh đòn thù nhừ tử nên thân; Bữa nay lão viết giống gì nữa đây, chỉ hại tốn giấy?”

Ấy đó, trên bảy mươi mà còn bị chó mèo xài xể, hỏi phải hư chưa?-

(Vương Hồng Sển, Hơn Nửa Đời Hư)

Đó là quá khứ, còn đây là động từ chia ở thì hiện tại:
“Ngồi ở ngoài hiên có thể ngửi được mùi biển cả. Hoa cúc dại mọc liếm lên thềm. Ngôi nhà của tụi mình không cần rộng, chỉ cần kê vừa một cái giường và gian bếp. Ở đó có ông già hơi lãng đãng, đôi khi lấy điện thoại di động khuấy cà phê, hay ngồi nhìn mây những khi ti vi hết chương trình thế giới động vật. Ở đó có bà già hí húi cọ nồi, lâu lâu vói tay ra sau tự đấm lưng.

Radio mở rọt rẹt chương trình ca cải lương cuối chiều, miệng bà cằn nhằn tối qua không ngủ được vì ông già ngáy dữ quá. Đêm nay tôi sẽ thủ cục muối hột, cứ hả họng ra ngáy là tôi thả vô miệng cho mặn thấy mồ tổ. Mặt ông già tê mê, khoái chí nói bà cằn nhằn cũng có duyên, y như hồi xưa vậy, thiệt chẳng bõ công tôi bỏ xứ theo bà.”(Nguyễn Ngọc Tư)

Trên là những ấn tượng của tôi về nơi mà tôi đi xe ngựa lần đầu tiên, ăn cái hột vịt lộn, chè đậu đỏ bánh lọt, uống ly nước mía, ăn cơm tấm, mắm thái, mua trái cây một chục là 14 trái, cầm tờ giấy bạc thoải mái xé đôi khi cần thanh toán một nửa mệnh giá của nó… lần đầu tiên trong đời.

Nay những ấn tượng ấy hình như đang phai dần mà nghiệt thay lại phai từ Sài Gòn trước tiên. Bao giờ thì Nam Kỳ phai theo? Nghĩ đến đó mà rầu thúi ruột!


Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2024

Vì sao Starbucks, McDonald's  thắng toàn cầu nhưng gặp khó ở Việt Nam?





Những cử tri này lên tiếng về Việt Nam bằng cách đi bỏ phiếu ở Mỹ





Chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo gây tranh cãi trong bầu cử Mỹ





Đâu là ý nghĩa thời sự của giải Nobel Kinh tế 2024 với Việt Nam hiện nay?





Nho rừng ở Tây Ninh





Khi nào Iran có vũ khí hạt nhân ?





Nhạc ngoại lời Việt : "Cho những người tôi yêu" của Julio Iglesias ban đầu được viết cho ai ?





Trại Nối Vòng Tay Tị Nạn ở Mỹ, nơi gắn kết tình người nảy sinh giữa nghịch cảnh





Trần Văn Trạch Và Lệ Thanh Hát Mấy Dặm Sơn Khê, Nhạc Nguyễn Văn Đông





Truyện trinh thám Tàu - Tác giả Robert Hans Van Gulik, dịch giả Nghĩa Nguyễn

 

Cách đây đã 25 thế kỷ, một nhân tài thời Xuân Thu (từ 722 đến 480 trước Công nguyên) có thể là một nhân vật của truyện trinh thám. Khổng tử phải nhỏ lệ khi ông mất, đó là thầy Tử Sản.
Ông người nước Trịnh, tên Công Tôn Kiều, tự là Tử Sản, một nhà chính trị đa tài và bác học ở đất Ðông Lý, làm Tướng quốc (Tể tướng) trải bốn đời vua Trịnh là Giản công, Ðịnh công, Hiếu công và Thanh công. Vì Trịnh là một nước nhỏ bị kẹt giữa hai nước lớn đang tranh ngôi bá chủ là Tấn và Sở, Tử Sản đã dùng cả ngoại giao khéo léo với bên ngoài lẫn pháp lễ nghiêm minh bên trong để giúp cho xứ sở hùng cường mà tránh bị lôi vào cuộc binh đao của các nước lớn. Người ta kể rằng thời Tử Sản làm Tướng quốc, dân nước Trịnh được sống thanh bình, ban đêm khỏi đóng cửa, ngoài đường không ai nhặt của rơi. Những điều trên, chúng ta có thể đã được đọc trong Ðông Chu Liệt quốc hoặc rải rác trong nhiều tác phẩm về thời Tiên Tần của Trung Hoa.
Ðời Ðông Hán có Vương Sung của đất Cối Kê (27 đến khoảng 97) kể lại một truyện về nhân vật Tử Sản trong tập Luận Hành như sau:
Bữa nọ, Tử Sản đang cùng đám tùy tùng tản bộ trên đường phố, qua ngôi nhà kia, họ bỗng nghe từ bên trong vọng ra tiếng khóc đầy sợ hãi của một phụ nữ. Ông bèn nói với những người đi cùng:
“Người đàn bà kia hẳn là có người thân sắp mất, hãy vào hỏi thăm xem sao.”
Quan Ðại Tư Khấu đi cùng Tướng quốc liền bảo người tùy viên:
“Vào hỏi xem người đó có cần giúp đỡ gì không.”
Người tùy viên vào hỏi thăm và trở ra báo tin:
“Người đàn ông chết rồi, đó là chồng của chị ta.”
Tử Sản bỗng biến sắc:
“Sao? Chồng chết rồi ư? Quả là giống bạc tình!”
Vị Ðại Tư Khấu thầm nghĩ: “Sao ngài Tướng quốc lại bực mình, người ta có khóc chồng vừa chết thì cũng là lẽ thường thôi chứ?”
Là chức quan về Hình pháp, khi Ðại Tư Khấu được Tử Sản ra lệnh vào khám nghiệm tử thi thì đến lượt ông bực mình: “Cũng lạ! Tâm lý người đời khi chồng mất thì vợ thấy xót xa; thế mà chúng ta lại đòi vào khám nghiệm tử thi thì thật là bất cận nhân tình!”
Ðã vậy, Tử Sản còn căn dặn trước khi bỏ đi:
“Khi giảo nghiệm tử thi, phải kiểm soát nàng đó cho kỹ để phòng bất trắc!”
Lệnh của quan Tướng quốc thì Ðại Tư Khấu phải nghe, chứ thâm tâm vẫn thấy mơ hồ. Vì vậy, ông ra lệnh cho thuộc hạ: “Các ngươi hãy vào khám nghiệm tử thi, nhưng phải làm cho nhẹ nhàng.” Sau đó, ông rảo bước chạy theo Tử Sản.
Lúc đó, Tử Sản đã hết hứng tản bộ mà trở lại Tướng phủ. Viên Ðại Tư Khấu về đến nơi và nêu thắc mắc. Tử Sản giải thích:
“Thói thường, khi người thân lâm bệnh thì người ta lo, sắp mất thì sợ, mất rồi thì buồn khổ. Người kia chồng chết mà trong tiếng khóc chỉ có lo sợ chứ không có nỗi buồn. Ðấy chẳng là sự bất thường sao?”
Lúc đó, quan Ðại Tư Khấu mới vỡ lẽ: “Ngài nói vậy chí phải. Anh chồng chết là do chị vợ giết thì mục đích đã đạt, cớ sao còn buồn? Khốn nỗi để che mắt thiên hạ thì không khóc không được, mà lòng đã toại nhưng vẫn sợ chuyện gian bị phát giác nên trong tiếng khóc mới có nỗi sợ hãi.”
Tử Sản khẽ gật đầu xác nhận.
Ít lâu sau, người đàn bà kia bị bắt vì tội sát hại chồng. Trên sọ nạn nhân có mấy nhát dao do người vợ chém khi chồng đang ngủ. Mới đầu, y thị còn chối quanh, sau khi người ta tìm ra tang vật và chiếc áo đẫm máu thì ả mới cúi đầu xin tha tội.
*
Có lẽ, chuyện trên là một “truyện trinh thám” lâu đời nhất tại Ðông phương, trước khi người ta phát minh ra thể loại “trinh thám” hoặc nghe nói đến Sherlock Holmes, Hercule Poirot của Tây phương, hay thám tử Kỳ Phát, Lê Phong phóng viên của Việt Nam....
Truyện về Tử Sản có thể được lưu truyền từ thời Tiên Tần (trước năm 221 trước Công nguyên) và được Vương Sung sưu tập vào đời Hán (thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên). Nguồn gốc thể loại trinh thám của Trung Hoa có thể đã khởi sự sớm như vậy. Những ai còn hồ nghi thì có thể nhớ đến Tư Mã Thiên (-145 đến -93) và bộ Sử ký của ông, phần Liệt truyện viết về Tô Tần.
Học trò của Quỷ Cốc tiên sinh, Tô Tần là chính khách và nhà du thuyết lừng danh thời Ðông Chu đã vận động các nước thi hành kế “hợp tung” theo trục ngoại giao Nam-Bắc để ngăn sự bành trướng của nước Tần từ hướng Tây. Ông còn khéo khích người bạn đồng liêu là Trương Nghi qua Tần thực hiện kế “liên hoành” để giữ một thế thăng bằng trên cán cân chiến lược giữa các nước, và duy trì được thế lực của hai người! Nhưng quyền lực nhiều cũng khiến lắm kẻ ganh ghét nên khi Tô Tần qua nước Tề thi hành kế hoạch cho nước Yên, ông bị mưu sát.
Trước khi chết, Tô Tần khuyên Tề vương kết tội mình làm loạn nước và ban thưởng cho kẻ ám sát nếu người đó ra nhận công. Tề vương bèn ra lệnh xé xác Tô Tần làm năm và hứa trao giải cho người thích khách. Nhờ vậy mà Tề vương tìm ra và giết được hung thủ để trả thù cho Tô Tần. Truyện Tô Tần cũng có thể là một mấu chốt của loại truyện trinh thám xảy ra từ đời Ðông Chu (và về sau mưu thuật điều tra từ dưới mồ “post mortem” của Tô Tần có được áp dụng trong một tác phẩm hiện đại!)
Năm 1975, các nhà khảo cổ Trung Hoa tìm được tại tỉnh Hồ Bắc những bộ sách viết trên thẻ tre vào đời Tần (-221 đến -207) trong đó có nhiều tài liệu về điều tra hình sự và cả những truyện dân gian về tài điều tra của các vị quan. Cho nên, đối với người tò mò thì truyện trinh thám Trung Hoa có thể xuất hiện khá sớm, nhưng chỉ dưới dạng giai thoại nhỏ, về sau mới được dân gian lưu truyền, thêm thắt và chỉ trở thành “tiểu thuyết” - loại văn chương thông tục để giải trí, theo định nghĩa của thời xưa - sau nhiều thế kỷ.
Trong Thủy Hử truyện, xuất hiện vào cuối đời Nguyên đầu đời Minh, hoặc Liêu Trai Chí Dị, xuất hiện cuối đời Minh đầu đời Thanh, người ta thấy rất nhiều chất liệu của loại truyện trinh thám. Nhưng, đối với độc giả bên ngoài nền văn hóa Trung Hoa thì người đầu tiên sưu tập và tổng hợp loại truyện trinh thám Trung Hoa có thể là Phùng Mộng Long (1574-1646), nhà văn học đời Minh, sinh tại Trường Châu (nay là Tô Châu, tỉnh Giang Tô). Ông là người đã hiệu chính một số sáng tác văn học thông tục của dân gian trong đó bộ Cổ kim Tiểu thuyết, xuất hiện khoảng năm 1620, có rất nhiều truyện ngắn loại trinh thám.
*
Trong nhiều thế kỷ, nếu không nói cả ngàn năm, giới học thuật Trung Hoa vẫn coi thường tiểu thuyết và thể loại văn học dân gian được gọi là thông tục, như các cụ ta coi những gì không viết bằng chữ Hán là “nôm na”. Các học giả Tây phương cũng theo nếp đó nên nghiên cứu khá sâu khá sớm về Trung Quốc, từ những tường thuật của Marco Polo vào đời Nguyên trở đi, nhưng vẫn chưa chú trọng đến tiểu thuyết và các sáng tác tập thể tích lũy từ nhiều thế hệ của “người kể truyện dạo” trong dòng văn học thông tục. Họ chú ý đến các trứ tác uẩn súc và nghiêm túc bằng Văn ngôn hơn là chữ Bạch thoại của giới bình dân. Duy có các tác giả Nhật Bản thì không bị ảnh hưởng của đường lối kỳ thị đó nên đã sưu tầm truyện xưa tuồng cổ của Trung Hoa và lấy đó làm chất liệu sáng tác, cho nên, nếu muốn tìm hiểu về dòng văn học dân gian của Trung Quốc, nhiều khi người ta có thể tìm thấy khá nhiều tại Nhật...
Chỉ sau cuộc Cách mạng 1911 của Tôn Dật Tiên và nói rộng hơn, trong giai đoạn giao thời giữa hai Thế chiến, từ 1918 đến 1939 của Trung Hoa Dân Quốc, người ta mới để ý đến loại văn chương nôm na này. Tiêu biểu cho thành phần trí thức tiến bộ trong thời kỳ trên và muốn đề cao tiếng Bạch thoại để canh tân xứ sở là Hồ Thích, Lỗ Tấn và Thái Nguyên Bồi. Sau đó là Lâm Ngữ Ðường. Họ khôi phục và quảng bá các tác phẩm văn học thông tục để chứng minh rằng ngôn ngữ nói của dân gian cũng có giá trị văn chương, và vì nỗ lực đó, họ khai quật trong kho tàng truyện cổ rất nhiều kỳ tích, đoản truyện hay giai thoại hấp dẫn để thuyết phục quần chúng.
Các học giả Tây phương từ đó mới thấy rằng bên dưới cái nét mô phạm đạo mạo của các ông quan kiêm nhà thơ cung đình còn có cả một di sản văn học sâu sắc và hấp dẫn mà các nhà văn đã tổng hợp và hiệu chính thành những sáng tác tập thể của dân gian. Loại truyện Thủy Hử, Tam Quốc Chí, Tây Du Ký và Kim Bình Mai hoặc Hồng Lâu Mộng trở thành quen biết với độc giả toàn cầu kể từ đó... Lấp ló bên dưới những công trình này, người ta bắt gặp một số sáng tác có thể được liệt vào loại truyện trinh thám, trong đó có truyện Ðịch công và Bao công, Ðịch Nhân Kiệt và Bao Chửng.
Nhưng, tại Trung Quốc, nội chiến, chiến tranh và “cách mạng” thời Mao Trạch Ðông đã lại phủ lên xã hội Trung Hoa một bức màn u ám và người ta chỉ còn nghe nói đến Trung Quốc qua tin tức chiến sự và thời sự. Xã hội cổ đại Trung Hoa ra sao trước đó, ngoài giới học giả, ít ai còn biết. Huống hồ truyện trinh thám trong xã hội đó.
Người Tây phương có ảnh hưởng nhất trong việc tiếp tục quảng bá truyện trinh thám Trung Quốc cho độc giả toàn cầu chính là Robert Hans van Gulik, vì ông không chỉ sưu tầm và dịch thuật mà còn sáng tác truyện trinh thám trong bối cảnh Trung Hoa, dựa trên kiến thức của ông về Trung Hoa thời cổ, cụ thể là từ những triều đại trước nhà Mãn Thanh (1644-1911). Ðộc giả Trung Hoa gọi tên ông theo lối phiên âm của họ là Cao La Bối Tiên sinh.
*
Robert van Gulik có thể là người sống một đời ba kiếp.
Ông là một học giả, một nhà ngoại giao và một nhà sưu tầm cổ ngoạn Ðông phương. Nhưng, ngoài phạm vi thưởng ngoạn của giới học giả, ông là một tác giả ngày càng nổi tiếng trong quần chúng Ðông Tây qua loạt truyện trinh thám về Ðịch công.
Sinh năm 1910 tại thị trấn Zutphen thuộc tỉnh Gelderlan của Hòa Lan, van Gulik là con trai một vị bác sĩ quân y của quân đội Hoàng gia Hòa Lan. Từ năm lên ba đến 12 tuổi, ông sống cùng cha tại Nam Dương (Indonesia, một cựu thuộc địa Hòa Lan) và đã học tiếng Mã Lai lẫn Trung Hoa ở tại đó. Cùng gia đình trở về Hòa Lan năm 1922, ông học trung học tại Nijmegen và sớm được chú ý như một đứa trẻ có khả năng thiên phú về ngoại ngữ. Nhờ Giáo sư Ngôn ngữ học C.C. Uhlenberg của Ðại học Amsterdam, cậu học sinh trung học này được giới thiệu đi học tiếng Phạn Bắc Sanskrit, một cổ ngữ và thuộc loại thánh ngữ để đọc kinh điển Ấn Ðộ, và học cả thổ ngữ của bộ lạc (“Da đỏ”) Blackfoot tại Mỹ trong khi cậu tiếp tục học thêm chữ Tầu với một sinh viên canh nông Trung Hoa. Tác phẩm đầu tay của cậu, biên soạn cùng Uhlenberg và in năm 1930, là cuốn từ điển English-Blackfoot, được bổ túc năm 1934 bởi cuốn từ điển Blackfoot-English!
Xong trung học, van Gulik vào một trung tâm nổi tiếng Âu châu về Ðông Á học là Ðại học Leyden để học về Trung Hoa và Nhật Bản trong khi tiếp tục tìm hiểu thêm về các nước Á châu khác: năm 1932, cậu sinh viên van Gulik xuất bản một bản dịch có giới thiệu công phu sang tiếng Hòa Lan một vở kịch Ấn Ðộ thời cổ (khoảng 400 năm sau Công nguyên) của Kálidàsa. Luận án Tiến sĩ năm 1934 của van Gulik là một đề tài lạ: Hiện tượng sùng tín loài ngựa trong phù chú giáo tại Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Ðộ và Tây Tạng. Tác phẩm biên khảo được trường Leyden cho ấn hành năm sau bởi một nhà sách uy tín về Á châu học là E. J. Brill. Trong khi đi học, van Gulik cộng tác với các tập san Hòa Lan với những bài viết về tình hình Trung Quốc, Ấn Ðộ và Nam Dương.
Hoàn tất việc học năm 1935, Robert van Gulik vào ngành ngoại giao và nhận nhiệm sở đầu tiên tại Nhật Bản và tại đây, ông tiếp tục theo đuổi sở thích của mình là nghiên cứu về Ðông phương trong một số mục chuyên đề. Ngoài công vụ và nghiên cứu, van Gulik khởi sự là một nhà sưu tầm cổ vật Á Ðông: tranh, sách và nhạc cụ lẫn nhiều thứ cổ ngoạn ly kỳ khác. Nhờ vậy mà ông đã phiên dịch một tiểu luận nổi tiếng của Mễ Phế (thế kỷ XI), danh sĩ và nhà thư pháp đời Tống, bạn thân của Tô Ðông Pha và Hoàng Ðình Kiên, vốn cũng là những người được ngợi ca về chữ viết đẹp. Tiểu luận của Mễ Phế viết về nghiên mực!
Robert van Gulik cũng là một nhà thư pháp, viết chữ Hán rất đẹp và còn là một tay danh cầm, chơi “thất huyền cầm” loại đàn cầm bảy dây nổi tiếng từ thời Khổng tử đến những huyền thoại về nhân vật Kê Khang trong Trúc lâm thất hiền đời Ngụy Tấn. Không chỉ viết chữ Hán và chơi đàn cầm, van Gulik còn giới thiệu loại đàn này qua một tập biên khảo về “chủ nghĩa đàn cầm” và một tập về con người Kê Khang và luận giải của nhân vật này về đàn cầm. Những trứ tác của ông được các học giả Trung Hoa, Nhật Bản và Âu châu cực kỳ khen ngợi. Nhưng vào thời điểm ấy, Á châu đã có biến.
Chiến tranh bùng nổ khi van Gulik còn đang ở Tokyo và bị kẹt tại đấy tới năm 1942 mới được hồi hương về Hòa Lan. Năm sau, ông được gửi đi Ðông Phi, Ai Cập và Ấn Ðộ trong các chuyến công tác ngắn, kể cả về tình báo, rồi lên chức Ðệ nhất Tham vụ tại một nhiệm sở mới là Trùng Khánh của chính quyền Trung Hoa Dân Quốc. Ông ở đấy cho đến khi Thế chiến II chấm dứt và trở về Hòa Lan năm 1946 làm việc trong Nha Chính trị của Bộ Ngoại giao rồi được gửi qua làm Cố vấn bên Tòa Ðại sứ Hòa Lan tại Hoa Kỳ: cố vấn cho Ủy ban Viễn Ðông về chánh sách hành xử với Nhật Bản thời hậu chiến!
Khi còn bị quản thúc tại Tokyo, nhà ngoại giao trẻ tìm ra bộ "Võ Tắc Thiên Tứ đại kỳ án" bằng tiếng Hán và giết thời giờ bằng cách tuyển chọn rồi phiên dịch sang Anh ngữ ba kỳ án liên hệ đến Ðịch Nhân Kiệt. Năm đó là 1940, về sau ông cho xuất bản tác phẩm này dưới tên Dee Gong An (Ðịch Công án) tại Tokyo năm 1949 (do chính ông vẽ bìa mà quý vị thấy!)
Khi ở Trùng Khánh, năm 1944 ông giới thiệu một tuyển tập của Ðông Cảo, nhà sư Thiền tông sống cuối đời Minh đã kiên trì tranh đấu đến cùng cho nhà Minh cho đến khi nhà Mãn Thanh chiếm được Trung Nguyên thì nhà sư lưu vong qua Nhật, cống hiến rất nhiều cho văn hóa và Thiền tông Nhật Bản (Minh mạt Nghĩa tăng Ðông Cảo tập san).
Tại Hoa Kỳ, ngoài giờ công vụ, van Gulik có mặt trong các thư viện để tiếp tục nghiên cứu về Ðông phương. Ðến năm 1948 được gửi vào Phái bộ Quân sự Hòa Lan tại Tokyo, ông cố vấn chính quyền Nhật về việc cải cách ngôn ngữ và xuất bản cuốn Ðịch Công án xong, ông nghiên cứu tiếp về tranh mộc bản đời Minh để tự mình minh họa các tác phẩm mà ông viết về Ðịch công, theo đúng phong cách Tầu! Truyện trinh thám Ðịch công của van Gulik xuất hiện từ Nhật Bản và nối liền với sự nghiệp ngoại giao của ông nên có những tác phẩm được viết khi ông ở Beirut (Lebanon) hay New Dehli.
*
Tác phẩm trinh thám đầu tiên của Robert van Gulik về nhân vật Ðịch công là The Chinese Bell Murders (Kim Chung Táng Cốt), được ông viết bằng Anh ngữ, sau đó chính ông phiên dịch sang Hoa ngữ và Nhật ngữ. Vì nhà xuất bản muốn có hình thiếu nữ khỏa thân trên bìa cho thêm hấp dẫn, ông nghiên cứu thêm về “dâm họa” Trung Hoa và Nhật Bản và nhờ đó sưu tầm được nhiều điều kỳ thú!
Kết quả là một tài liệu nhỏ “Xuân mộng tỏa ngôn” (Lời vụn vặt – và có thể hiểu là bỉ ổi - về giấc mộng Xuân!) xuất bản rất hạn chế năm 1950 để giới thiệu một truyện dâm thư và bộ dâm họa đời Minh được ông tìm thấy bên Nhật (Nhật Bản gọi loại họa phẩm này với tên thanh nhã là “Xuân họa” - Shunga). Năm sau, 1951, ông công bố một tài liệu khác về dâm họa Trung Hoa từ đời Hán đến trước đời Thanh (-206 đến 1644): “Bí hí đồ thuyết”.
Tập sách màu này chỉ được in làm 50 bản tặng riêng cho các viện bảo tàng nổi tiếng trên thế giới về Ðông phương học. Tài liệu làm giới nghiên cứu về Ðông phương lẫn tình dục học đều chú ý, ngợi khen, khiến sau này ông giới thiệu toàn phần bối cảnh nghiên cứu trước đó về tình dục Trung Hoa từ thời cổ đại (-1500) đến đời Mãn Thanh (1644), là khi chính quyền và xã hội đột nhiên trở nên đạo mạo hơn và hạn chế việc viết lách hay bàn tán về chuyện mây mưa. Cuốn sách đồ sộ "Sexual Life in Ancient China" của ông trở thành tác phẩm cổ điển trong giới Ðông phương học.
Dù sao, nhờ bước lãng du đó trong thế giới tình dục mây mưa, Robert van Gulik có sự am hiểu sâu đậm về những bí sự trong khuê phòng hoặc chốn thanh lâu kỹ viện bên sau nơi chốn người ta thi vị gọi là “ngõ liễu tường hoa”. Ông đưa sự hiểu biết đó vào truyện trinh thám, với các nhân vật nữ có thể làm mờ nhạt các nhân vật của Kim Dung vì quá hiền lành và kém khêu gợi!
Vả lại, Ðịch Nhân Kiệt là nhân vật lịch sử thời Võ Tắc Thiên, nữ hoàng đế nổi danh đời Ðường về thủ đọan chính trị và thuật mây mưa. Ðời Ðường cũng có những nữ sĩ khét tiếng là kỹ nữ hay đạo sĩ như Tiết Ðào và Ngư Huyền Cơ, những hoàng hậu và công chúa háo dâm đa sát, cho nên tiểu thuyết trinh thám của van Gulik có nhiều trang rất thanh, không tục, nhưng làm độc giả bắt rùng mình về cái dâm và cái ác của phụ nữ. Một nhân vật có thật là Ngư Huyền Cơ, một ca kỹ và nữ sĩ trước khi là đạo sĩ rồi bị tử hình (quãng 871) vì đánh chết một a hoàn: nàng kết bạn với nhiều danh sĩ đời Vãn Ðường, kể cả Ôn Ðình Quân, nhưng cũng là người “nữ đồng tính” (lesbian) và là xuất xứ của một nhân vật trong truyện "Poets and Assassins" của van Gulik!
Trong đời sống ngắn ngủi của Robert van Gulik (ông tạ thế năm 1967 vì ung thư phổi) ông là nhà ngoại giao có tài với chức vụ cuối là Ðại sứ Hòa Lan tại Nhật. Nhưng, ngoài các đề tài trọng đại về chính trị, kinh tế, quân sự hay xã hội của Trung Hoa, Nhật Bản hay Ấn Ðộ cần thiết cho công vụ, ông còn nghiên cứu sâu xa về những đề tài lớn như tôn giáo, rất sùng chuộng triết lý Lão Trang, tư tưởng Thiền tông và am hiểu về Mật tông của Phật giáo lẫn phù chú học của Ấn giáo. Hiển nhiên là van Gulik biết nhiều về học thuật và văn chương Trung Hoa như Tây phương được biết qua rất nhiều bài phiên dịch hay giới thiệu của ông về đủ mọi lãnh vực, từ số học đến âm nhạc đến thi ca, v.v...
Nhưng điểm đặc sắc là ông quan tâm đến chi tiết bình thường của đời sống Trung Hoa thời cổ, được kích thích bởi những khám phá khi là nhà sưu tầm, và ông là học giả về chế độ hình pháp thời xưa do nhu cầu nghiên cứu thêm về các đề tài hình sự cho truyện trinh thám. Nhờ vậy mà không khí trong truyện Ðịch công của ông có cái thần, có sự sống động đầy hấp dẫn. Ông là người kể truyện xuất sắc và dàn dựng tác phẩm gần như một bản phân cảnh kỹ thuật viết sẵn cho điện ảnh.
Ngoài khả năng thiên phú của một nhà sáng tác, một lý do giải thích khác là van Gulik đã triệt để khai thác nghệ thuật “kể truyện dạo” trong văn học dân gian của Trung Hoa...


Địch Nhân Kiệt - Tác giã Robert Hans Van Gulik, dịch giả Nghĩa Nguyễn

 



Địch Nhân Kiệt là nhân vật có thật vào đời Đường, một trong mười vị Tể tướng xuất chúng của lịch sử Trung Hoa.
Sinh năm 630 tại Tinh Châu, phủ Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây ngày nay), Địch Nhân Kiệt đã làm quan tại các địa phương đến 47 tuổi mới về Kinh đô Trường An làm Đại lý thừa Tự khanh, hàng quan lục phẩm cầm đầu bộ máy tư pháp tại Kinh đô, rồi Thị Ngự sử, Thị lang bộ Công, Thượng thư Tả thừa, hai lần làm Trung thư lệnh (Tể tướng) sau hai lần làm Đô đốc với nhiều chiến công hiển hách.
Địch Nhân Kiệt làm Tể tướng dưới triều Võ Tắc Thiên, người phụ nữ duy nhất làm Hoàng đế Trung Hoa, khét tiếng háo dâm, tàn ác mà mưu lược. Ông quả cảm và mưu trí vượt qua mọi sóng gió chính trị dưới thời đại hắc ám đó để về sau cứu được ngai vàng cho nhà Đường mà sinh tiền lại được Võ hậu cực kỳ kính trọng, tôn ông là Quốc lão.
Khi còn làm quan ở địa phương trong các chức vụ như Huyện lệnh, Huyện Tham quân (chức quan về hình pháp dưới quyền Thứ sử), Tuần phủ, Thứ sử, và khi trở về Kinh đô chỉ huy viện Đại lý thừa, ông nổi tiếng về tài điều tra và nghệ thuật hình pháp sáng suốt.
Người ta truyền tụng rằng khi về Kinh làm Đại lý thừa Tự khanh, trong một năm ông giải quyết 17.000 vụ án tồn đọng mà không gặp một lời khiếu tố hay oán than. Địch Nhân Kiệt mất năm 700, được tặng Văn Xương Hữu Thừa Tướng, thụy là “Văn Huệ”, truy tặng Tư Không, truy phong Lương Quốc Công. Khi còn sống Địch Nhân Kiệt được dân chúng nhiều nơi lập bia ghi ơn, sau khi mất thì được đời sau gọi tên với sự kính trọng là “Địch công”. Người ta lưu truyền nhiều câu truyện về các vụ án hình sự của ông, tổng hợp trong bộ “Võ Tắc Thiên Tứ đại kỳ án” - bốn kỳ án lớn đời Võ Tắc Thiên - viết vào thời Mãn Thanh.
Học giả Hòa Lan Robert Hans van Gulik (1910-1967) đã gạn lọc trong tác phẩm đó ba kỳ án được Địch công giải đáp và phiên dịch thành cuốn Dee Gong an - An Ancient Chinese Detective Story (“Địch Công Án”) với nhiều chú thích công phu. Van Gulik còn gợi ý cho các tác giả khác có thể theo đó viết ra những truyện trinh thám về các vụ điều tra của Địch công. Sau cùng, chính ông lại say mê nghiên cứu thêm về cuộc đời Địch Nhân Kiệt cùng hệ thống hình luật, nhiều án lệ và những vụ án nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa để viết bằng Anh ngữ một loạt 16 bộ truyện về mấy chục kỳ án của Địch công, trong đó có cuốn được chính ông dịch ngược ra tiếng Trung Hoa vì sự hưởng ứng của độc giả!
Là một nhà ngoại giao có tài, với chức vụ cuối là Đại sứ Hòa Lan tại Tokyo sau các nhiệm sở tại Hoa Kỳ, Trung Hoa, Ấn Độ, Ai Cập, Đông Phi, Trung Đông, v.v... Robert van Gulik nói và viết chừng 15 thứ tiếng (kể cả tiếng thổ dân Bắc Mỹ, tiếng Phạn, tiếng Mã Lai, La Tinh, Hy Lạp, Trung Hoa, v.v...). Ông tường tận am hiểu tôn giáo, văn hóa và nghệ thuật Á Đông (Ấn Độ, Tây Tạng, Nhật Bản, Trung Hoa), có biệt tài về thư pháp, hội họa và âm nhạc Trung Hoa. Ông cũng là một học giả am tường về đời sống tình dục cổ đại Trung Hoa và về giống vượn bên Tầu (nội dung của tác phẩm cuối trong hàng trăm công trình nghiên cứu lớn nhỏ).
Nhưng, ngoài giới hàn lâm bác học, Robert van Gulik được độc giả Âu Á biết tới nhiều nhất nhờ bộ trinh thám về Địch công, về sau được Đại học Chicago, một trường đại học uy tín của Hoa Kỳ, tái bản nhiều lần để đưa vào chương trình giảng huấn của khoa Đông phương học!
Với nghệ thuật ly kỳ hồi hộp của thể loại trinh thám hiện đại, truyện Địch công của van Gulik còn dựng lại không khí đặc thù của xã hội Trung Hoa thời cổ, vốn lại khá gần gũi với người Việt. Trong các bộ truyện, chính Robert van Gulik tự tay minh họa thêm các bản đồ hoặc nhiều hình ảnh theo lối tranh mộc bản Trung Hoa, với phong cách điển hình trong các bộ tiểu thuyết hay kịch nghệ vào đời Minh.


Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

Vice President Kamala Harris grilled on pivotal issues as election nears on 'Special Report'





Trịnh Nam Sơn hát Nói Sao Cho Em Hiểu (How can I tell her), lời Việt Nguyễn Duy Biên





Tuấn Ngọc hát Bài Không Tên Số 5, nhạc Vũ Thành An





Cái hay, cái đẹp của văn hóa, văn nghệ Miền Nam qua 20 năm chiến tranh





Thu nhập người lao động Việt trong quý 3 trung bình trên 300 USD/tháng





Mưu sinh trên Hồ Dầu Tiếng





Phóng viên VOA thăm thị trấn giáp Mexico, nơi hàng trăm người Việt tìm đường vào Mỹ





Vụ mùa cà phê robusta của Việt Nam có thể giảm tới 10%





Thăm bảo tàng y học cổ truyền ở Sài Gòn





Nhạc ngoại lời Việt : "Can't take my eyes off You"





Trung Quốc biến Việt Nam thành lá bài quan trọng trong con đường tơ lụa mới





Tác động của bầu cử tổng thống Mỹ đến hệ thống liên minh có từ năm 1945





Các biện pháp khẩn cấp cứu vãn kinh tế của Trung Quốc chưa đủ để trấn an





Chuyên gia Mỹ : Nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh Triều Tiên mới cao hơn bao giờ hết





Công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ người mù và khiếm thị





Tuyệt vọng, bà PTT Harris tìm đến hang sói Fox phỏng vấn để mong vớt vát cử tri? Có được như ý?





Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

Đền Xà - Nơi vang lên bài thơ thần trong trận Như Nguyệt năm 1077





Một số cách vượt tường lửa





Nga bị cấm vận: Làm thế nào người dân vẫn mua được IPhone?





Chùa quê ở cù lao Tân Lộc





Thăm vườn cao su thời Pháp ở Bình Dương





Xăm mình thư pháp và thú cưng





Bộ Công an ngừng cho phép người dân ghi âm, ghi hình cảnh sát giao thông





Nhà trẻ ở Dubai dùng AI và công nghệ cao để phát triển mầm non





Chất bán dẫn, ‘huyết mạch’ của công nghệ thế kỷ 21





Trung Quốc tung gói cứu trợ hơn ngàn tỉ đô la để làm gì?





Tân thủ tướng Nhật thực sự cứng rắn với Trung Quốc?





Đạo diễn Đài Loan Chu Mỹ Linh và cuộc đấu tranh cho giới đồng tính





Biden vắng mặt tại hội nghị Vientian - Lào: Mỹ đặt số phận ASEAN trong tay Trung Quốc?





Tình báo Mossad của Israel và cuộc chiến trong bóng tối với Iran





Xung đột ở Cận Đông: Bước ngoặt quan hệ đồng minh Mỹ - Israel?





Nina Métayer : Môn bánh ngọt gọi là ''nghệ thuật'' nhưng lại gần với thể thao





Ukraina, những thành công thầm lặng của ngoại giao Vatican





Khảo sát bầu cử Mỹ: Thu thập ý kiến hay điều hướng dư luận?





Vì sao người Việt thích định cư ở Mỹ?





Vietnam War Memorial Dedication in Dunwoody, GA





Từ Phụ Bếp Đến Giáo Sư Y Khoa Nổi Tiếng: Ở Việt Nam Có "Sướng" Thật Không?





Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

Cao Thoại Châu – Nhà thơ, nhà giáo trong cõi đời mênh mông

 

Khoảng năm 1992, Xuân Hương bạn tôi, yêu thích thơ Cao Thoại Châu, đề nghị “ủng hộ” in cho anh tập thơ đầu tiên. Cả bọn xuống Long An gặp anh, mọi việc tiến hành thuận lợi, Vương Thừa Bình ở NXB Long An cấp phép, họa sĩ Rừng vẽ bìa, phụ bản. Tập thơ “Bản thảo một đời” ra mắt ngay trong năm 1992. Thế mà có người “ác miệng” đùa dai là “Bán tháo một đời”.
Chưa hết số phận tập thơ thật long đong khi nhà thơ Trần Dzạ Lữ cho biết: “Đến gần năm 2000 anh về Sài Gòn tôi mới có cơ hội gặp gỡ. Một người luôn mang cặp kính đen và trong giao tiếp thì chẳng niềm nở là mấy. Sau đó cũng gặp vài lần. Tuy không thân tình tôi vẫn mến anh – nhất là khi tôi phát hiện tập thơ “Bản thảo một đời” của anh trong gánh ve dọc đường (Tôi hỏi chị ve chai và mua lại đem về tủ sách của tôi). Từ đó, tôi càng thêm đồng cảm sự cô đơn đến lạnh lùng của thi nhân…
Lâu nay không thấy anh lên Sài Gòn, tôi nghĩ cái tuổi hoàng hôn rất khó xê dịch”. (Trích Cao Thoại Châu: Nhà thơ, nhà giáo với thi phẩm Bản thảo một đời)
Nhà thơ Cao Thoại Châu qua nét vẽ của họa sĩ Đinh Cường
Cao Thoại Châu tên thật là Cao Đình Vưu, sinh năm 1939 tại Giao Thuỷ, Nam Định, di cư vào Nam năm 1954. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn năm 1962. Nhiệm sở đầu tiên của ông là Trường Trung học Thủ khoa Nghĩa ở tỉnh Châu Đốc.
Bút hiệu của ông được ghép từ chữ Thoại là chữ lót trong tên của người bạn gái gốc Hoa và chữ Châu trong tên tỉnh Châu Đốc mà thành. Ông còn có các bút danh khác là Tiểu Nhã, Hư Trúc.
Sau năm 1968 ông bị động viên vào quân ngũ. Năm 1970 ông được biệt phái về Bộ Quốc gia Giáo dục và thuyên chuyển về Trường Nữ Trung học Pleime của tỉnh Pleiku. Cao Thoại Châu dạy học tại đây cho đến ngày 30.4.75.
Sau 1975, ông vào trại cải tạo 3 năm và cũng như nhiều nhà giáo khác, Cao Thoại Châu phải nghỉ dạy trong một thời gian khá lâu. Trong thời gian này ông làm thợ hồ, sau đấy mới được gọi đi dạy lại tại trường Trung học Phổ thông Long An.
Trước năm 1975 Thơ Cao Thoại Châu xuất hiện thường xuyên trên các tạp chí văn học: Văn, Văn Học, Khởi Hành, Thời Tập… Sau 1975 ông nghỉ viết trong 15 năm. Từ 1990 thơ ông mới xuất hiện trở lại trên các báo Thanh Niên, Kiến Thức Ngày Nay, Long An Cuối Tuần…
Tác phẩm đã xuất bản: “Bản thảo một đời” (thơ, 1992); “Rạng đông một ngày vô định” (thơ, 2006); “Ngựa hồng” (thơ, 2009); “Vớt lá trên sông” (tạp bút, 2010); “Vách đá cheo leo” (tạp bút, 2012) .
Trên FB Cao Kim Dung – em gái của Cao Thoại Châu, lược dẫn những dòng tâm sự của chính anh viết:
*Trời dẫn tôi đi làm thầy giáo và ông trời thường đưa tôi qua những lối gai góc. Năm dạy đầu tiên của tôi, không hiểu sao một sáng cả thị xã ồn lên vụ một nữ sinh đệ tam uống thuốc ngủ.
*Và càng không hiểu vì sao lại có tin đồn tôi gây ra vụ đó. Mục Ao Thả Vịt trên báo Sống của ông Chu Tử quẳng tôi lên đó, và đòi…thả dù tôi ra Bắc vì khi ấy đang có chuyện chính quyền Sài Gòn thả dù ra Bắc một số chính khách đối lập!
*Người ta kêu tôi về trình diện Bộ và giữ tại đó. Ông thanh tra đáng tuổi cha tôi nhìn tôi rất khó chịu, bảo “Ông phải lấy nó”, tôi cũng nhìn ông nháng lửa bảo “Ông xuống mà lấy nó, cho ông!”. Ông già tức như muốn giết kẻ ngồi đối diện!
*Sau mấy tháng thanh tra này nọ, người ta tuyên bố tôi không phải thủ phạm và nhân danh “lý do công vụ” họ chuyển tôi lên dạy ở Kontum!
*Vài năm sau đó người ta còn đẩy thêm cho tôi 03 năm đi lính, giữa thời chiến lúc ấy thì đó coi như bản án tử hình cho kẻ hư!
*Cô đơn cũng là một cái hư!!
Mê văn chương nên tôi rất trân trọng và thương cảm cụ Tản Đà, người tài hoa và người bị kẹt ở cái bản lề hai thời đại trong văn chương đầu thế kỷ XX để cuối cùng…ra vỉa hè viết mướn! “Nhà thơ ra vỉa hè viết mướn/ Tự bao giờ đau xé ruột gan tôi”.
*Là thầy giáo nên tôi vắt qua hai nền giáo dục cho đến khi nghỉ hưu. Có điều làm day dứt mãi là, sau 1975 tôi đến lớp với tâm trạng người làm công tận tụy nhưng thật tỉnh các bài giảng không còn lửa nữa!
*Đó là một cái hư không thể minh giải!
Anh trả lời ông Lương Thư Trung ở Houston ngày 10 tháng 08 năm 2013:
“…Mãi đến ngoài hai mươi tuổi – chính xác là lâu hơn thế – tôi mới có bài thơ tình đầu tiên cho mình. Đúng ra, trước đó cũng có được đôi bài nhưng là thơ tình “cóc gặm” của một cậu học trò thích lang thang hơn bám trường bám lớp. Thơ tình miền Nam trước 1975 là một mảng của tấm lụa là gấm vóc chứ không phải “hiện sinh chủ nghĩa” hiểu một cách bệnh họan là “yêu cho gấp và yêu bất kể chết ” như một số “nhà nghiên cứu” quy chụp đâu. Say đắm một cách đắm say, mới mẻ và kinh thánh, và khổ nỗi cũng có nhiều nỗi buồn thời đại quá, tôi vẫn nghĩ thế khi nhớ lại một thời thơ tình miền Nam.
……
Sài Gòn những năm sau 1954 đang có một làn gió văn chương hiện sinh thổi vào, qua ngả giảng đường đại học hoặc do các tiệm sách lớn, và nơi tiếp nhận chính là văn chương tại chỗ. Người ta bắt đầu làm quen với cảm xúc mới mẻ này “Đời sống ôi buồn như cỏ khô/ Này anh, em cũng tợ sương mù/ Khi về tay nhỏ che trời rét/ Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ” (Nhã Ca), thì đấy, không đấu tranh, không cuồng vội, chỉ là thơ và người thôi! Thơ tình miền Nam chào giã biệt một thời đại thi ca – thường gọi là Thơ Mớ i – mà không cần đến lễ lạt hoặc một sự hủy diệt nào, để ra riêng cho mình một cơ ngơi hiện đại.
…..
Chiến tranh là hòa bình bị dán đè lên một mảnh giấy, ai cũng biết thế và ai cũng nuôi trong lòng một hy vọng ngày mảnh giấy rơi xuống. Nhà thơ vốn là người bén nhạy hơn “ Và có thể nào đêm nay không còn tiếng súng/ Không còn nghe tiếng còi hụ giới nghiêm/ Ba giờ sáng xuống Ngã tư quốc tế/ Ăn một tô mì thơm ngát bình yên” ( Phạm Cao Hoàng). Thật tuyệt vời cho tô mì ăn vào phút đầu tiên của hòa bình! Nó như một niềm hân hoan bé mọn không ít lần bị hụt hẫng. Phải đã từng có mặt ngoài phố, đứng ở một gốc cây, sau một tảng đá, trong giờ giới nghiêm mới hình dung ra được ảo ảnh một phút giây hòa bình là thế nào.
…..
Thơ tình thời chiến ở miền Nam trước 1975 – hiểu gọn là thơ “Sài Gòn”- không có không khí hào hùng nhưng đó là một nét đẹp bởi nó chân thật, làm nên một giai đọan thi ca đáng lưu giữ và trân trọng, nó có tính lịch sử rõ ràng. Tuy nét đó là một nỗi buồn có phần bị động, khó lòng nói hết..”
Cuộc đời thăng trầm của Cao Thoại Châu trải qua ba vùng đất với những dấu ấn đậm đà trong văn chương là Châu Đốc, Kontum – Pleiku và Long An.
Trong cuộc trao đổi với ông Lương Thư Trung về những ngày dạy học ở Châu Đốc anh bảo: “… Những ngày ở Châu Đốc quả là một thời giống như cổ tích…”
Bài thơ “Để nhớ lúc Trâm xa” viết vào ngày 11 tháng 5 năm 1969 ở Pleiku tới bây giờ vẫn còn âm vọng sâu xa của núi rừng cao nguyên:
“Hình như tôi vừa tiễn một người
có điều gì mất đi trong tôi
Lúc qua đèo tôi nhủ mình như thế
Lệ có bào mòn núi cũng không nguôi
Mấy giờ trưa nay người lên phi cơ
Người mặc áo hoa lần đầu gặp gỡ
Hay áo hồng như chiều hôm qua
Buổi chiều mây đùn trắng xóa
Cho tôi già trong một cõi vô tư..”
Những năm gần đây, trên trang web cá nhân “Rạng Đông Một Ngày Vô Định” tác giả có chú thích: ” Nhân đây xin được giải đáp thắc mắc của một số bạn thích bài thơ này. Lúc đó sống ở Pleiku tôi có cộng tác với đài phát thanh, bài tôi được đọc sớm hơn bởi một ngôn ngữ có giọng nói trong trầm. Nghe, hiểu người đọc được ý người viết, và nghe miết rồi thích người đọc. Quen nhau gần nửa năm, một hôm cô ấy báo tin về Sài Gòn nghỉ phép, thế là tôi có mặt ở phi trường, và được trao một cuốn sách. Thật sự sung sướng vì biết sẽ có thư. Đúng như vậy, khi còn lại một mình giữa phi trường, mở ra thì đó là báo tin đám cưới cô ấy! Một mảnh giấy nhỏ, trong đó có câu: “Anh chỉ thích em nên anh không bày tỏ tình cảm, mà có người tới em phải đi lấy chồng. Anh quên tình thì ráng chịu!”. Té ra là phải bày tỏ tình cảm khi yêu mà tôi quên làm như thế! Ngốc độc thật!”
Nhà thơ Cao Thoại Châu cả đời dạy học, làm thơ, cuối cùng ẩn cư một miền quê ở Long An, xem mọi thứ như bóng câu vút qua cửa sổ.
Năm 1969, Cao Thoại Châu được trở về với phấn trắng bảng đen. Bài thơ “Khi trở lại Kontum” mang những tâm tư nặng trĩu của một thời buổi chiến tranh được đăng trên tạp chí Văn đã bị kiểm duyệt nhiều câu:
“… Lời giảng cũ bây giờ làm hối hận
cùng lời thơ rơi xuống xanh xao
cửa tương lai không có lối vào
Ta cứ đứng bên ngoài bứt rứt
Thầy đã về như một hồn ma hiện
Nhìn các em hết sức bao dung
Sự gặp gỡ chính ra là ngã rẽ
Ta vô tình đi lạc giữa thân quen
Thầy đã về và tự nhiên phải nghĩ
Tuổi ba mươi vừa sống hết đời mình
Có tất cả bao nhiêu dấu hỏi
Đều trở thành những dấu chấm than.”
Sau năm 1975, anh được trở lại đi dạy học. So sánh hai nền giáo dục của hai thời kỳ trước và sau năm 1975, Cao Thoại Châu đã thẳng thắn phát biểu ý nghĩ của mình không né tránh: “Nói thật nhé, khác nhiều lắm. Thời ấy xã hội tôn trọng người thầy hơn nhiều, “nuôi” người thầy ở một mức trung lưu để cho anh ta… sạch. Cái khổ của người thầy bây giờ theo thiển ý và xin nói đúng điều mình nghĩ nhiều sợi dây cột vào thân người thày quá, giáo án, hội họp, sách giáo khoa viết luôm thuộm mà sai tùm lum, thành tích (giả).”
Anh tâm sự: “Tôi đã mất đi nhiều thứ, nhiều lắm trong đó có cả những thứ lớn lao, nhưng một trong cái mất cứ còn dai dẳng thao thức trong lòng là Pleiku, là ba năm sống tại Pleiku! Kể lể dài dòng bởi vì những năm sống tại Pkeiku là những năm lòng bình an nhất so với những nơi sống trước. Tại sao, xin đừng có hỏi…”
Thơ Cao Thoại Châu chủ yếu về tình yêu, nhiều tâm sự, kể lể thay cho lời đối thoại. Bài “Mời em uống rượu” được xem là thành công nhất, nhiều bạn đọc nhắc đến, nói lên nỗi cô đơn không cùng của một kiếp nhân sinh lận đận.
“Có những đêm trường gợi tiếc thương
Có ta lấy tóc đếm ưu phiền
Có ta nâng trái sầu chín rã
Có lệ ta hoà chung hơi men
…..
Có nắng chiều đang rơi ngoài bãi
Bãi vắng chiều xa không bóng người
Chứng kiến giờ ta lên cơn hấp hối
Ta đội nón đi mời em uống rượu
……
Có ta trong một toa tàu trắng
Tỉnh rượu nằm nô giỡn một mình
Có em còn đứng sau khung kính
Có nỗi buồn gửi một toa riêng.”
Sài Gòn, 26-12-68
(Mời em uống rượu)
Xuyên suốt là nỗi ưu tư, trăn trở của nhà giáo trước thời chiến qua các bài thơ như “Chỗ ngồi của nhà giáo thời chiến”, “Bài giảng khai trường”, “Khi trở lại Kontum, “Thư gửi một em bé Hoa Kỳ”,…:
“Rồi một đêm khoác áo ra đường
Với nỗi sầu với phẫn nộ như điên
Đạn vẫn nổ ầm phá tung đêm lạnh
Máu vẫn chảy hoài trên mỗi bản tin
Bảng với phấn và Thầy tự nhiên vô dụng
Và bơ vơ giữa bóng tối xây thành
Các em sau này lớn lên mỗi đứa
Đứng nơi nào trong cuộc chiến tranh?”
Cả đời dạy học, làm thơ, cuối cùng ẩn cư một miền quê ở Long An, xem mọi thứ như bóng câu vút qua cửa sổ. Anh nhẹ nhàng thổ lộ:
“Trong một lần tiễn cô bạn như một chia tay, tại một phi trường tỉnh lẻ thời còn chiến tranh, không hiểu sao bài thơ sau đấy lại có câu “Đời buồn tênh sao người không đi ngựa / Cho tôi nghe lóc cóc trên đường”. Và không mơ, rõ ràng tỉnh táo khi đọc “Hán Sở tranh hùng”, nỗi xúc động mạnh cũng không hiểu sao lại là giây phút cuối của Hạng Võ trên sông Ô Giang. Sở Bá vương bị phanh thây, một thời lẫy lừng kết thúc bằng những phút bi tráng. Thế là “Trời chiều ngút tỏa Ô Giang / Chiếc yên vắng chủ ngựa sang một mình / Trên con thuyền bé lênh đênh / Bốn chân xếp lại buồn tênh ngưa hồng”. Là sức mạnh để chạy, phi, tung vó…mà phút giây ấy bốn chân xếp lại nằm trên con thuyền nhỏ băng qua trường giang, chẳng đáng ngậm ngùi cho khúc quanh một số phận hay sao? Những con ngựa trong thơ tôi thường buồn và nhiều người nói thơ tôi cũng thế.” ( Ngựa Hồng – thơ, 2009).