khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2023

Tưởng Nhớ Thi Sĩ Tạ Ký - Tác giả Phong Châu

 

Sài gòn năm giờ chiều. Sau cơn mưa lớn trời dịu hẳn lại. Những tàn lá xanh của hàng cây sao được giũ lớp bụi lại càng xanh hơn làm cho không khí ban chiều trở nên dễ chịu. Tôi đang cặm cụi vá ruột xe đạp cho một khách quen thì nghe có tiếng xầm xì ở phía sau lưng. Quay lại nhìn lên thì thấy Tôn Thất Trung Nghĩa với cái miệng mom móm và nụ cười dễ thương đang nhìn xuống tôi. Thoáng thấy đôi mắt của Tôn Thất Trung Nghĩa nhìn tôi hơi là lạ như muốn nói với tôi điều gì đó. Đứng bên cạnh Tôn Thất Trung Nghĩa là một người, không phải là một ông già nhưng tóc đã bạc trắng, người nhỏ thó, khuôn mặt hơi xương có đôi mắt sáng nhưng lộ vẻ lo âu. Tôn Thất Trung Nghĩa không nói gì, ra dấu cho tôi tiếp tục công việc.Tôi nhìn người đàn ông khẻ gật đầu chào. Tôn Thất Trung Nghĩa kéo thùng đạn garant đựng đồ nghề của tôi vào sát bức tường loang lổ và ngồi xuống. Người đàn ông đứng dựa lưng vào tường. Tôn Thất Trung Nghĩa móc trong túi vải màu xanh gói thuốc rê ra vấn bằng mẩu giấy báo. Nghĩa một điếu, người đàn ông một điếu. Họ nói chuyện gì đó nho nhỏ với nhau tôi không nghe được.

Khoảng mười phút sau tôi vá xong ruột xe, lắp vào và bơm. Tôi bỏ đồng bạc giấy vào túi, nhặt miếng giẻ dính dầu mỡ lâu ngày lau vội hai bàn tay bẩn rồi đi đến trước mặt Tôn Thất Trung Nghiã và người đàn ông. Tôn Thất Trung Nghĩa cười, vẫn cái miệng mom móm và nụ cười dễ thương quay nhìn người đàn ông đứng bên cạnh và nói: “đây là Châu, như tôi đã nói với anh, một đứa em rất dễ mến, đang lao động theo kiểu xã hội chủ nghĩa để kiếm cơm…”. Lối nói của Tôn Thất Trung Nghĩa lúc nào cũng pha chút giễu đùa. Tôn Thất Trung Nghĩa chỉ nói vậy thôi. Người đàn ông nhìn tôi với ánh mắt thông cảm và hình như có chút gì thương hại. Không biết thương hại cho tôi hay thương hại cho anh, cho Tôn Thất Trung Nghĩa và cho cả bao nhiêu bè bạn đang ngơ ngác lang thang khắp các vỉa hè Sàigòn. Người đàn ông bắt tay tôi siết mạnh và giữ một hồi lâu. Tôn Thất Trung Nghĩa đứng lên nhìn tôi nói tiếp: “Và đây là Tạ Ký, bạn của tao vừa đi tù ra”. Người đàn ông mà Tôn Thất Trung Nghĩa vừa giới thiệu là Tạ Ký không nói gì cả, cũng không thấy cười nhưng sao tôi cảm giác rằng anh đã nói và nói nhiều trong cái bắt tay siết mạnh vừa rồi. Tôn Thất Trung Nghĩa lại móc trong túi xách gói thuốc rê vấn hai điếu, đưa cho Tạ Ký một điếu và tôi một điếu. Tôn Thất Trung Nghĩa vấn thêm một điếu nữa cho mình. Tôi lấy bật lửa châm thuốc lần lượt cho cả ba. Tôi cũng không biết phải nói gì trước người đàn ông có tên Tạ Ký vừa mới quen. Nhưng ký ức của tôi hình như cũng bắt đầu làm việc với cái tên nghe quen quen này. Sau khi hít vài hơi cho khói vào tận phổi, Tôn Thất Trung Nghĩa vỗ vai tôi nói: “Tao đưa Tạ Ký đến thăm mày một chút, bây giờ hai đứa tao phải đi thăm mấy thằng bạn nữa, chiều mai hai đứa tao sẽ đến đây và tụi mình sẽ đi làm một xị…”. Nói xong Tôn Thất Trung Nghĩa dắt xe đạp xuống lòng đường. Tôn Thất Trung Nghĩa với thân hình to lớn, ngồi trên chiếc xe đạp ọp ẹp thấy mà tội cho cả xe lẫn người. Tạ Ký ngồi đằng sau dáng nhỏ thó, co rúm như con ếch khô. Đôi mắt anh hình như còn quá xa lạ với thành phố Sàigòn sau mấy năm trong trại tù cộng sản. Một cơn gió nhẹ thoảng qua, vài chiếc lá xoay xoay trong khoảng không rồi rơi nằm trên mặt đường. Tôn Thất Trung Nghĩa và Tạ Ký đi rồi tôi thấy buồn buồn nên thu dọn đồ đạc, buộc thùng đạn garant đựng đồ nghề sau xe và đạp về nhà. Trời cũng vừa sụp tối.

Tôi biết về Tạ Ký rất ít qua một số bài thơ của anh đăng trên báo dạo trước ở Sàigòn. Tôn Thất Trung Nghĩa sau đó có kể nhiều lần cho tôi nghe về Tạ Ký. Sau này mỗi khi có cơ hội chỉ một mình anh và tôi, Tạ Ký kể chuyện về đời anh cho tôi nghe. Không biết nhận ra điều gì nơi tôi khiến Tạ Ký gửi gấm cho tôi một ít tâm sự về đời anh trong khi tôi là người bạn nhỏ tuổi nhất trong số các bạn bè của anh. Hơn nữa, tôi lại là người mới được quen anh sau này. Đã từ lâu Tôn Thât Trung Nghĩa và Tạ Ký là đôi bạn tri kỷ. Hai người lúc nào cũng bên nhau như hình với bóng. Hai người đều là giáo sư của nhiều trường trung học tại Sàigòn. Tôn Thất Trung Nghĩa dạy môn vạn vật còn anh Tạ Ký dạy văn chương. Tạ Ký cũng là một sĩ quan quân đội, có dạo anh lên dạy tại trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam ở Đà Lạt, lúc đó anh cũng có dạy thêm ở một vài trường tư thục trong đó có trường Việt Anh của giáo sư Lê Phỉ và vợ của Tạ Ký là học sinh của trường này. Tôn Thất Trung Nghĩa sau dạy tại trường Sư Phạm Sàigòn cho đến khi đi du học ở Ý và trở về trình luận án tiến sĩ luật và được dạy tại đại học luật khoa Sàigòn về môn toán kinh tế. Tôn Thất Trung Nghĩa và Tạ Ký là đôi bạn chơi thân với nhau vì cả hai có tính nghệ sĩ ngông nghênh bất cần đời mà nhiều bạn bè biết đến. Nơi hẹn hò thường xuyên của hai người là một cái quán nhỏ nằm trong một góc bên trong chợ Đũi. Chợ Đũi nằm ngay ngả tư Trần Quý Cáp và Lê Văn Duyệt, nơi đoạn đường có hai hàng me xanh quanh năm. Chính nơi quán nhậu bình dân này, Tôn Thất Trung Nghĩa là nguồn cảm hứng cho Tạ Ký trong một số bài thơ được in trong tập “Sầu Ở Lại”. Trước 1975, đối với tôi, cái tên Tạ Ký chẳng có gì là đặc biệt so với tên của các nhà thơ như Bùi Giáng hay Nguyễn Đức Sơn là những nhà thơ có nhiều nét riêng hết sức đặc biệt mà giới văn học Miền Nam Việt Nam thường nhắc tới như những nhà thơ “điên điên”. Anh sống giữa thủ đô Sàigòn, dạy học, làm thơ, nhậu nhẹt với bạn bè, thích cá độ đua ngựa và vô số nữ sinh mê anh qua những bài thơ anh đọc trong lớp cho họ nghe. Bạn bè của anh cũng thích thơ của anh. Trong tập thơ “Sầu Ở Lại”, nhiều bài thơ anh ghi tặng bạn bè, ngoài tên Tôn Thất Trung Nghĩa có những tên rất quen như Phạm Công Thiện, Thế Viên, Huy Trâm, Bùi Giáng, Trương Đình Ngữ, Hoài Khanh, Nguyễn Liệu, Lê Khắc Lý, Cao Thế Dung…Trong một bài thơ bốn câu với tựa đề “Trung Thất Trung Nghĩa”, Tạ Ký viết:

Tng đêm ch Đũđm s

Ly la ve đ gđu tóc xanh 

Ngưi sơn dã lc kinh thành 

Ng nghiêng đáy cđc hành trong đêm

Tạ Ký ví Tôn Thất Trung Nghĩa như Người Sơn Dã” thật không sai! Cũng trong “Sầu Ở Lại”, Tạ Ký đề tặng và ghi nhận hình ảnh của Tôn Thất Trung Nghĩa trong thơ của mình nhiều hơn bất cứ một người bạn nào khác. Tôi nhiều lần nghe anh đọc thơ, những bài thơ tình, những bài thơ nói về thực trạng xã hội mà anh đang sống, những bài thơ nhắc lại thời kỳ son trẻ, thời kỳ anh chưa nhận chân ra những thực tế phũ phàng khi đa số thanh niên đi theo kháng chiến để rồi mộng vỡ tan tành. Anh nói anh “bị mắc lừa” từ những năm anh mười tám đôi mươi. “Sầu Ở Lại” được giới thiệu với bạn bè vào cuối thập niên sáu mươi và do bạn bè “xúi”, “Sầu Ở Lại” được gửi dự thi giải văn học toàn quốc và đã nhận được giải nhất vào đầu thập niên bảy mươi. Theo lời kể của Tôn Thất Trung Nghĩa thì sau khi nhận được một số tiền thưởng từ giải văn học, Tạ Ký ới bạn bè đến chợ Đũi đãi anh em liền mấy chầu và số tiền còn lại đủ để trả nợ vòng vòng các quán nhậu mà anh đã có sổ ghi. Những lần ăn độ đua ngựa, anh nhét tiền đầy trong áo sơ mi, leo lên xích lô về chợ Đũi rồi ới bạn bè đến nhậu suốt đêm và đọc thơ cho bạn bè nghe.

Như đã nói ở trên, Tạ Ký là một nhà giáo nhưng anh không có mấy cái dáng dấp của nhà mô phạm. Với bản chất là một nghệ sĩ, một người ưa phiêu bạc, anh có rất nhiều bạn bè, yêu mê đến cuồng nhiệt cái “chân thiện mỹ” mà anh nói là “khó có được” lẫn những cái “xấu” đáng yêu mà anh bắt gặp rất nhiều. Anh có ký tặng tôi cuốn “Sầu Ở Lại” được in trên giấy hoa tiên. Tôi đọc đi đọc lại nhiều bài trong “Sầu Ở Lại” và thấy anh đã đánh mất một thời hoa niên vì theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc lên đường cứu nước, bỏ lại làng quê thân yêu “đất cày lên sỏi đá”. Đến khi bừng tỉnh thì thấy “mình” và “thế hệ của mình” bị lừa gạt quá nhiều. Anh thấy được bộ mặt lừa dối và thô bỉ của cộng sản nên ân hận và tìm cách cứu mình…Anh đã cùng với nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và vài người nữa vượt tuyến, băng qua sông Thu Bồn để về vùng Quốc Gia năm 1952…

Mưi tám tui, vi thô thay nhung l

Giày v xe hơi mòn gót liên khu…

Để rồi:

…Khi ba mươi biếđưc chuyn xưa l

Thì đau kh đã hn trên trán nh

Cha mẹ và bà con của anh sống những năm dài dưới gót “dép râu” tại liên khu 5 trong vùng việt minh kiểm soát. Anh kể cho tôi nghe cơn lụt năm 1964 đã cuốn phăng nhà cửa và người mẹ của anh ra lòng biển cả, lúc đó anh đang ở Sài Gòn. Nhắc đến chuyện này anh ân hận vì không có mặt tại quê nhà để có thể cứu mẹ. Vợ của Tạ Ký hình như là một người có nhan sắc (tôi có thấy một lần trong nhà anh nhưng không thấy rõ mặt lúc tôi đưa anh về nhà sau khi bị công an phường bắt) và là học trò của anh lúc anh dạy ở trường Việt Anh - Đà Lạt của giáo sư Lê Phỉ. Sau tôi có hỏi giáo sư Lê Phỉ thì giáo sư cũng cho biết đúng như vậy. Có một điều đặc biệt là không bao giờ nghe anh nhắc đến vợ con trong lúc tâm sự với tôi. Tôn Thất Trung Nghĩa là người cho tôi biết vợ của Tạ Ký đã không còn yêu thương anh nữa sau khi anh đi tù về. Nhiều lần anh tâm sự sau khi đã uống ngà ngà và mặt đỏ gay, anh tỏ ý không vui về tính nết của vợ - và ngay cả lòng chung thủy, nhất là khi anh đang còn trong trại tù của cộng sản. Ở tù ra, anh vẫn trở về căn nhà cũ nhưng anh không còn điểm tựa. Anh trở thành một bóng mờ trong gia đình. Sáng sớm anh rời nhà ra đi mà chẳng biết đi đâu và làm gì. Anh chỉ biết tìm đến với bạn bè và theo họ lang thang khắp nơi trong thành phố. Sống trong thời kỳ hết sức ngột ngạt thì hầu như người đàn ông nào thuộc “chế độ cũ” cũng rời nhà vào mỗi buổi sáng để tránh những cặp mặt dòm ngó của công an và ngay cả với những người trong khu phố, trong phường. Bạn bè kéo đi đâu anh đi đó, từ các quán cà phê “vớ” trên các vỉa hè đến các quán nhậu rẻ tiền. Anh không biết đi xe đạp. Có tiền thì đi xích lô, không có tiền thì cuốc bộ. Nhà anh ở trong con hẻm đường Bùi Chu, góc Hồng Thập Tự. Sau khi đã biết tôi một thời gian ngắn, thỉnh thoảng một mình anh ghé đến “chỗ làm việc” của tôi trước cổng trường văn khoa cũ. Hai anh em nhâm nhi ly cà phê và hút vài điếu thuốc lá lẻ. Sau đó anh lại đi nơi khác, chẳng biết đi đâu. Cũng có nhiều lúc, anh ngồi chơi với tôi một lát thì Tôn Thất Trung Nghĩa đạp chiếc xe đạp cọc cạch tới. Thường thì Tạ Ký và Tôn Thất Trung Nghĩa ghé tôi vào buổi chiều mà hai anh nghĩ là tôi đã rảnh việc để kéo nhau đi làm một xị. Chúng tôi hay đến quán bà Năm Lửa ở đường Cao Thắng nằm sát đường xe lửa. Một hai xị, một hai dĩa nghêu ốc luộc, lúc nào có tiền thì thêm một con khô mực hay một con cua luộc nhỏ. Thế thôi. Tại đây tôi cũng được nghe về một thời vàng son của hai anh. Tôi là người chịu nghe chuyện nên Tạ Ký cứ mỗi lần cần tâm sự lại tìm đến tôi. Anh thủ thỉ với tôi những chuyện có thể tâm sự được. Biết hoàn cảnh của anh sau khi đi tù về, tôi có đề cập đến vấn đề vượt biên thì anh buồn bã nói…Đâu có tiền mà vượt biênBạn bè ai cũng thương anh nhưng không ai có thể đèo bòng cái chuyện nguy hiểm và tốn kém đó. Anh cũng biết như thế nên nói với bạn bè…ai đi được cứ đi, đừng thắc mắc gì về Tạ Ký này cả…

Tôi nhớ mãi một buổi sáng khoảng chín mười giờ anh đến chỗ tôi sửa xe đạp. Lúc này cũng là giờ cao điểm mà công an phường Dakao đi dẹp lòng lề đường tức là xua đuổi bắt bớ những người buôn bán hoặc làm những nghề “linh tinh” như nghề sửa xe đạp, sửa giày dép, bán vé số, bán cà phê… Khi thấy hai công an đang nhắm vào để “hốt” mớ đồ nghề của tôi thì anh đã nhanh tay chộp được cái ống bơm rồi chạy biến đi nơi khác. Tôi thấy anh chạy về phía đường Hiền Vương rồi mất dạng. Công an liệng thùng garant đựng đồ nghề của tôi lên chiếc xe tải nhỏ cùng với những bàn vé số, bàn ghế ly tách…của mấy quán cà phê lề đường. Mấy chị bán hàng chạy theo kỳ kèo vừa xin xỏ vừa chửi bới om xòm. Tôi nản quá bèn thu quén mấy món đồ còn sót lại rồi nhảy lên xe đạp chạy thẳng về hướng Thị Nghè. Đến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm tôi vòng lại khu Tân Định rồi ra Hai Bà Trưng, quanh lại nhà thờ Đức Bà và cố tìm nhưng chẳng thấy Tạ Ký đâu cả. Tôi không về nhà mà đạp thẳng qua nhà Tôn Thất Trung Nghĩa ở đường Hồ Biểu Chánh, Phú Nhuận, lúc đó Tôn Thất Trung Nghĩa sắp ra chỗ tôi sửa xe vì đã có hẹn với Tạ Ký. Tôi kể chuyện bị công an đuổi và Tạ Ký xách ống bơm chạy không biết giờ này đang ở đâu. Vừa kể xong câu chuyện thì thấy Tạ Ký đang ngồi chễm chệ trên xe xích lô tiến vô phía cổng nhà Tôn Thất Trung Nghĩa với vẻ mặt hớn hở như vừa lập được một chiến công. Tôi giã từ nghề sửa xe đạp từ đó…

Có một buổi tối chúng tôi hẹn găp nhau ở nhà của bạn tôi là anh Thái Văn Tùng ở đường Đoàn Thị Điểm gần vườn Tao Đàn, anh Tùng là con của hoạ sĩ Thái Văn Ngôn nổi tiếng về vẻ cá vàng trên tranh sơn mài Thành Lễ ở Bình Dương. Khi cộng sản chiếm hết cơ sở Thành Lễ, ông về quê ở Vũng Tàu làm rẩy và vài năm sau ông mất. Ngoài tôi, Tôn Thất Trung Nghĩa, Tạ Ký còn có anh Nguyễn Văn Đức (cựu hiệu trưởng trường Pétrus Ký), anh Phan Ngọc Răng (GS dạy vạn vật) và vài người bạn của Tùng để nghe Tạ Ký đọc một số bài thơ của anh viết trong tù. Theo anh thì lúc đang ở tù, anh đã làm được vài chục bài thơ mà đa số anh nhớ trong đầu để khi ra tù mới ghi lại xuống giấy, một số ghi trên giấy gửi bạn cùng tù và nhờ họ ráng học thuộc mỗi người một hai bài để sau khi ra trại ghi lại rồi đưa cho anh. Mỗi lần bọn quản giáo xét trại là mỗi lần mọi người đều lên ruột. Rất may là chưa bao giờ chúng bắt gặp một bài thơ nào của anh. Một lần có lệnh chuyển trại, mọi người được lệnh phải mang hết đồ đạc ra ngoài, chúng vào lục soát bên trong lán trại, sau đó chúng lùa tù vào lán trại mà không mang theo đồ đạc, chúng lục soát đồ đạc của từng người, không tìm ra được gì chúng mới ra lệnh cho tù mang đồ đạc vào trại. Đó là một lệnh chuyển trại giả để khám xét vì chúng nghe phong thanh Tạ Ký có làm thơ. Tạ Ký có một quy ước với các bạn (chỉ vài người) là khi nào có lệnh khám xét hay những hành động khác thường của bọn quản giáo thì các bài thơ phải được tiêu huỷ ngay bằng cách nuốt vô bụng chứ không xé bỏ vì sợ dấu tích rơi rớt khiến chúng phát giác ra được. Thái Văn Tùng đãi một bữa ăn ngon có rượu ngoại và thuốc lá Pall Mall. Sau đó Tạ Ký đọc thơ. Những bài thơ viết bằng ngôn ngữ giản dị nhưng mang nhiều hình ảnh và âm thanh làm xúc động mọi người có mặt tối hôm đó. Nghe thơ anh, thấy cả một trời đau thương tan tác đọa đày đến xé ruột. Những hình ảnh trong thơ đâm toạc vào tim người nghe, đau thương ướt đẫm lai láng. Chúng tôi, không ai cầm được nước mắt theo lời thơ của anh. Giọng anh lúc uất nghẹn lúc trầm buồn lúc cay đắng tuyệt vọng. Hai bài thơ gây xúc động mạnh cho anh em là bài “Thăm Chồng” và “Chuỗi Hạt Huyền”. Bài thứ nhất nói về một người vợ dắt con đi thăm chồng, đứa con nhìn thấy cha nó nên nó chạy xổ đến, ngờ đâu người cha đứng phía sau hàng rào kẽm gai, mặt đứa bé đâm vào kẽm gai chảy bê bết máu. Lần sau đến thăm chồng, người vợ đi một mình, đứa bé đã chết vì vi trùng uốn ván! Bài thứ nhì với nội dung…ngày xưa anh tặng cho người yêu chuỗi hạt huyền trong ngày cưới, chuỗi hạt huyền lóng lánh kiêu sa…bây giờ trong trại tù anh thấy vô số những chuỗi hạt huyền, mỗi ngày anh đều thấy rất nhiều và nhiều vô kể khi anh bó gối ngồi ngắm để rồi nhớ người yêu xưa…Những chuỗi hạt huyền đó là những đàn ruồi xanh có thân hình no tròn long lánh với đôi cánh óng ánh dưới ánh mặt trời đậu hàng hàng lớp lớp trên những hàng rào giây thép gai quanh những hố tiêu…những lần nghe tiếng động, chúng bay lên và phát ra những âm thanh nghe đến rợn người… Rui t h tiêu bay lên. Tiếng rui lao xao như sóng gn. Mt rui nâu làm nh tóc tây phương. Ruđu trên giây thép gai như chui ht huyn…Anh không chép những bài thơ viết trong tù cho bạn bè. Nhưng, người con gái nuôi của anh tên Bảy là người cất giữ những bài thơ đó và vài chục tập “Sầu Ở Lại”mà anh còn giữ được sau những đợt truy quét các sản phẩm văn hóa Miền Nam Việt Nam. Anh đưa Bảy đến gặp tôi nhiều lần và tôi biết chắc chắn cô Bảy là người mà anh tin và giao phó cho cô nhiều thứ kể cả việc cô Bảy sẽ liên lạc với tôi khi có những sự bất trắc xảy ra cho anh (điều này như là một điềm báo). Tôi cũng linh cảm rằng, ngoài cô Bảy, tôi là người anh có thể tin tưởng được, lý do là nhiều lần tâm sự hay có những chuyện cần bàn bạc, anh chỉ gặp tôi chứ không không gặp Tôn Thất Trung Nghĩa. Sau những lần chuyện trò hết sức riêng tư, anh dặn tôi là đừng nói cho Tôn Thất Trung Nghĩa nghe. Tôi có thể giải thích được điều đó: Sở dĩ anh tin tôi là vì lập trường chính trị mặc dù tôi chỉ là loại đàn em và chỉ mới quen anh trong một thời gian rất ngắn. Khi bàn đến tình hình chính trị trong nước, nhất là khi đề cập đến chủ nghĩa cộng sản, anh và tôi có nhiều ý tưởng trùng hợp trên mặt nhận định, quan điểm và lập trường.

Bỏ nghề sửa xe tôi chuyển sang nghề bán sách cũ, bán chui ngoài vỉa hè Lê Lợi. Tôn Thất Trung Nghĩa và Tạ Ký vẫn thường ghé tìm tôi cà phê cà pháo vào buổi sáng và “làm một vài xị” vào buổi chiều. Tạ Ký nói năng rất điềm đạm những lúc uống cà phê nhưng đến lúc nhậu lại là một Tạ Ký khác. Nhiều lúc anh trở nên nóng nảy bất ngờ bạn bè không ai cản ngăn được. Nhiều lần uống rượu với anh em, anh nổi cơn chửi cộng sản khiến anh em xanh mặt. Có một buổi chiều chúng tôi đến một quán nhậu nằm trên đường Bàn Cờ thuộc phường 4 quận 3. Hôm ấy cũng có anh Nguyễn Văn Đức, Phan Ngọc Răng và một người mà tôi gặp lại rất tình cờ, đó là giáo sư Trương Toàn, dạy triết mà tôi là học trò của anh tại Đà Lạt hồi đầu thập niên 60. Thông thường khi gặp nhau như thế, anh em trao đổi cho nhau những tin tức nghe được từ các đài phát thanh BBC và VOA, những tin tức về vượt biên cùng những tin cộng sản đàn áp bắt bớ, đưa ra toà, xử tử…Tạ Ký uống được vài ly là mặt anh đỏ gay và nổi cơn chửi cọng sản (khi uống rượu vào là chửi cọng sản đã trở thành một cái tật của nhiều người, kể cả tôi). Ai cũng khuyên anh đừng chửi, vì đâu đâu cũng có công an. Tôi ngồi đối diện với anh, nhìn anh thông cảm như muốn chia sẻ cùng anh, tôi ôn tồn nói với anh: “Ở đây công an nhiều lắm không nên đụng tới chúng”. Tôi vừa dứt câu thì Tạ Ký đứng bật lên và tay vơ lấy xị đựng rượu. Anh nhìn thẳng vào tôi với ánh mắt rực lửa rồi hét lên “Tao không sợ thằng nào cả…” đồng thời đập ngay xị rượu vào đầu tôi (tưởng đầu tôi là đầu việt cộng chắc!). Mọi người đều bàng hoàng sửng sốt trước phản ứng quá nhanh của Tạ Ký. Trong nháy mắt, tôi thấy có hai thanh niên mặc sơ mi trắng bỏ ngoài từ bên kia đường phóng qua giữ chặt hai tay Tạ Ký rồi quặt ra phía sau. Có lẽ khi đó anh nhận thấy tình huống quá nguy hiểm nên nhìn vào tôi phán thêm một câu: “Mày kêu công an bắt tao đi, tao cứ uống, tao không về…”. Giọng anh lè nhè, mắt sụp xuống, tay xụi lơ và thân mình như muốn ngả giữa hai tên công an. Đến nước này thì phải một ăn một thua. Trong đám tôi là người nhỏ nhất, tôi lại là “nạn nhân” của Tạ Ký. Tôi cảm thấy đầu tôi hơi ê ê nên đưa tay sờ lên chỗ bị ê. Tôi cảm thấy ướt nơi tay. Tay tôi dính đầy máu. Thật đáng mừng! Tôi vội chìa “bàn tay máu” ra trước mặt hai tên công an phân bua: “ Cha này là anh của tôi, chả làm thợ mộc, làm được bao nhiêu là nhậu hét bấy nhiêu, say sưa tùm lum, ông già thấy chiều không về bảo tôi đi tìm, đến đây thấy chả nhậu, kêu về không chịu về, tôi đòi kêu công an còng đầu chả, chả đập tôi bể đầu…Chả bị bắt cả chục lần về tội nhậu vô rồi quậy mà vẫn chứng nào tật ấy, mấy anh mang thằng chả về đồn nhốt cho chả chừa…”. Chủ quán và các thực khách đều nghe tôi phân bua. Hai tên công an không nói năng gì cả. Tôi quay sang nhìn Tôn Thất Trung Nghĩa đang đứng đực mặt ra: “ Mấy cha làm ơn về báo cho ông già tôi biết là thằng cha mất nết này nhậu say đánh người bị công an bắt, nói ông cầm hộ khẩu đến lãnh ra…”. Được tôi mở đường, mấy anh em dắt xe đạp biến mất. Tôi ngồi xuống bên lề đường tiếp tục phân trần để tạo dư luận cho những người quanh đó nghe hầu có thể làm nhân chứng phòng khi khi công an hỏi đến. Trong khi đó tôi thấy hai tên công an đẩy Tạ Ký qua bên kia đường và đi về hướng Phan Thanh Giản, sau đó đẩy Tạ Ký vô đồn công an phường 4 cách chỗ tôi ngồi độ ba trăm thước. Tôi nghĩ “điệu này là tiêu đời Tạ Ký rồi…” Tôi sợ chúng hỏi và lục xét giấy tờ của Tạ Ký là bể chuyện vì anh là sĩ quan mới “học tập” về. Còn nước còn tát. Tôi vừa nghĩ cách cứu Tạ Ký vừa phân trần với đám đông bu quanh tôi. Tôi kể tội Tạ Ký nào là uống rượu như hũ chìm, làm được đồng nào là uống hết đồng đó, không vợ không con, báo hại ông bà già, bị công an bắt nhiều lần làm kiểm điểm tại địa phương…Khoảng mười phút sau tôi vẫn không thấy hai tên công an trở lại. Chúng đang tra hỏi ? đang lập biên bản ? Những người đứng chung quanh tỏ vẻ thương hại và thông cảm với tôi. Chốc chốc tôi đưa tay lên sờ vết thương trên đầu cho máu vấy thêm vào tay. Rồi trong nháy mắt, tôi quyết định đánh bài liều có. Tôi dắt xe đạp đến thẳng đồn công an mà trong lòng hồi hộp và sợ không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi dựng xe dưới lề đường nhìn vào thấy Tạ Ký năm sòng xoải trên một chiếc ghế dài, hai mắt nhắm nghiền ngáy khò khò (giả vờ là cái chắc)! Hai tên công an mặc thường phục lúc nãy ngồi sau chiếc bàn đọc báo, một tên công an nữa mặc đồng phục ngồi ở chiếc bàn bên trong đang ghi chép gì đó vào một cuốn sổ. Tôi bước chậm vào phía trước ghế dài Tạ Ký đang nằm, cúi đầu chào ba tên công an và cố tình đưa bàn tay máu cho chúng thấy. Tôi nói: “ Mấy anh làm ơn nhốt dùm cha này, tôi về kêu ông già lấy hộ khẩu ra lãnh…Cả ba tên công an nhìn tôi nhưng chẳng nói năng gì cả. Tôi bước sát tới chỗ Tạ Ký đang nằm và cúi xuống nắm vai lắc mạnh: “Dậy đi cha, dậy xin làm kiểm điểm rồi về, cha gây phiền phức quá…”.Tôi cố ý tạo cho mấy tên công an cái cảm tưởng Tạ Ký là kẻ nát rượu, hư thân mất nết, bê bối…Trong khi lắc vai, tôi bấm mạnh mấy cái để cho anh biết mà hành động cho phù hợp với lời nói của tôi…may ra…Tôi lại sợ lỡ có một tên công an nào khác đến thấy cái cảnh này lại hạch hỏi lôi thôi thì chỉ có rắc rối thêm. Ba tên công an vẫn “không ý kiến”, tôi bèn đỡ Tạ Ký dậy ngồi trên ghế, mắt anh nhắm nghiền, người ngả qua ngả lại như muốn ngả (đóng kịch giỏi), miệng thì há hốc trông thật buồn cười, đầu gục xuống ra cái điều say ngất ngư và phát ra tiếng khò khò trong cuống họng…Đến lúc này ba tên công an vẫn không có phản ứng gì. Tôi mạnh dạn nói : “ Xin mấy anh cho tôi lôi chả về nhà, chả không còn biết trời trăng gì nữa…”, tôi lại xỉ vả tiếp: “ Cho cha đi cải tạo là vừa lắm, cứ vào công an rồi ra hoài cũng chẳng ăn thua gì, chứng nào tật nấy…Tôi đỡ Tạ Ký đứng lên. Lúc này anh đóng kịch tợn thêm nữa, hai đầu gối xụm xuống, miệng vẫn há hốc, người mềm nhủn và mắt vẫn nhắm nghiền…Cái thân hình gầy còm giờ đây sao mà nặng dữ! Tôi thấy ba tên công an cười. Tôi mừng trong bụng. Tôi vội lôi Tạ Ký ra ngoài đường đặt ngồi sau xe đạp, hai chân buông thỏng đụng xuống mặt đường, đầu gục trên yên xe. Tôi vội leo lên xe, đỡ đầu Tạ Ký cho dựa vào sau lưng, cầm hai tay cho ôm eo tôi. Không chần chờ, tôi nhấn bàn đạp cho xe chạy về hướng Phan Thanh Giản, quay nhìn lại phía sau nhiều lần nhưng không thấy có công an đuổi theo. Đến Phan Thanh Giản tôi quẹo phải (đường một chiều) chạy đến đường Vườn Chuối rồi đâm qua Phan Đình Phùng. Tôi cố tình chạy như vậy để đánh lạc hướng công an vì sợ chúng nghi ngờ điều gì rồi đuổi theo. Băng qua một con hẻm đến đường Hồng Thập Tự. Lúc này tôi mới thong thả nên đưa tay ra sau đấm vào vai Tạ Ký: “Thôi nhen cha, khỏi cần đóng kịch nữa…”. Lúc đó Tạ Ký mới hoàn hồn và lấy tay đấm thùm thụp vào lưng tôi” “Tao phục mày quá Châu ơi” rồi không quên hỏi mấy người bạn cùng đi nhậu. Tôi nói họ di tản hết rồi, không có ai bị gì cả. Bấy giờ anh mới thấy bàn tay tôi đầy máu nên bảo tôi đạp thẳng về nhà của anh ở trong một con hẻm trên đường Bùi Chu. Đó là lần đầu tiên tôi ghé nhà của anh. Vô nhà, anh chỉ tôi đến lavabo rửa tay dính đầy máu. Tôi thấy có một người đàn bà trong nhà đứng ở một góc bên trong không rõ mặt, mặc áo màu hồng cũ, người nhỏ nhắn. Tôi nghĩ trong bụng người này chắc là vợ anh. Người đàn bà không hỏi han gì đến anh , anh cũng chẳng nói một lời nào cho đến khi tôi rửa tay và mặt xong anh bảo: “Thôi, mày đi về đi, sáng mai gặp lại…”.

Sáng hôm sau Tôn Thất Trung Nghĩa và Tạ Ký ra Lê Lợi gặp tôi cùng uống cà phê, anh kể cho Tôn Thất Trung Nghĩa nghe việc anh đóng kịch giả say và tôi đã cứu anh ra sao. Số anh em cùng nhậu hôm trước ai ai cũng tưởng là Tạ Ký sẽ vô tù trở lại. Sau đó, thỉnh thoảng tôi có gặp lại các anh có mặt chiều hôm đó cho đến lúc họ lần lượt đi vượt biên. Riêng Tôn Thất Trung Nghĩa thì vẫn gặp thường xuyên. Cũng từ đó Tạ Ký càng mến tôi hơn. Có chuyện gì anh cũng đều kể cho tôi nghe, riêng chuyện gia đình thì anh thường than thở rằng vợ anh không còn đối đãi tử tế với anh sau ngày anh đi tù về. Tôi cũng không biết anh có bao nhiêu người con và họ đang làm gì. Có chuyện gì xích mích trong gia đình thì anh lại ghé rủ Tôn Thất Trung Nghĩa rồi hai người ra chỗ tôi đang bán sách cũ ngoài đường Lê Lợi để uống cà phê buổi sáng hoặc đi nhậu một hai xị nếu là buổi chiều. Nhiều lần tôi nghe anh than “con Hồng nó tệ quá…con Hồng nó tệ quá…”. Hồng là tên vợ anh. Tôi hành nghề bán sách không đầy một tháng, biết mình bị công an để ý nên bỏ nghề rồi chuyển qua nghề giữ xe đạp trước cổng trường sư phạm, tức là trường Quốc Gia Sư Phạm cũ ở góc đường Thành Thái và Cộng Hoà. Nói là “nghề” cho xôm chứ tôi làm sao mà có được một bãi giữ xe. Chủ bãi giữ xe là một nhân viên của trường sư phạm cũ còn lưu dụng nên được trường cho đặt một xe bán cà phê trước cổng trường và căng dây giữ xe cho sinh viên. Một hôm Nghĩa rủ tôi và Tạ Ký đến uống cà phê ở đây. Trước 75 Tôn Thất Trung Nghĩa có dạy ở trường sư phạm nên ai cũng biết, Tôn Thất Trung Nghĩa bảo ông chủ bãi cho tôi một chân giữ xe và ông ta vui vẻ nhận lời. Tôi hành nghề giữ xe đạp là nguyên do như thế.

Vào một buổi tối của tháng chín năm bảy tám Tạ Ký đến nhà tôi, khi đó khoảng tám giờ hơn. Tôi thấy anh có vẻ hớt hải lo âu, chắc là có chuyện gì không hay cho anh đây. Tôi nghĩ như thế. Hay là công an đã tìm ra manh mối kẻ say rượu hôm trước ở đường Bàn Cờ. Không lẽ chúng tài ba đến thế. Tạ Ký bảo tôi chở anh ra ngồi ở một quán cà phê vỉa hè, anh bảo: “Vợ con tao đã đi vượt biên hết rồi…”. Tôi hơi sửng sốt khi vừa mới nghe, sửng sốt vì nghĩ rằng tại sao anh không đi vượt biên cùng với vợ con. Vào những năm đó, chuyện vượt biên không phải là chuyện lạ. Lạ đối với tôi là Tạ Ký bị bỏ lại. Tôi trấn an anh: “Có gì mà anh phải hốt hoảng, vợ con anh đi vượt biên chứ phải anh tổ chức cho họ đi đâu mà sợ…”. Anh nói cộc lốc: “ Không được, chúng sẽ đến bắt tao…”. Tôi không biết động cơ nào khiến anh lo sợ thái quá như thế. Vào thời điểm đó những ai có dính dáng đến chuyện vượt biên, dù chỉ nói đến hai chữ “vượt biên” mà công an nghe được cũng đã bị khó dễ với chúng. Tệ hại nhất là những gia đình có người vượt biên, chúng đến đuổi những người còn lại ra khỏi để tịch thu nhà. Tạ Ký sẽ bị đuổi ra khỏi nhà là trăm phần trăm vì anh không có tên trong “sổ hộ khẩu” do mới học tập về và chưa hết thời kỳ quản chế. Anh hốt hoảng cũng phải. Uống vội ly cà phê anh bảo tôi chở anh về nhà ở đường Bùi Chu nơi tôi đã đến một lần sau khi bốc được anh ra khỏi đồn công an ở đường Bàn Cờ. Anh mở cửa vào nhà lấy mấy bộ áo quần áo, một mớ giấy tờ và quơ chiếc quạt máy để ở bàn rồi vội trở ra khoá cửa, xong anh bảo tôi chở anh ra trước cổng vườn Tao Đàn ở đường Hồng Thập Tự. Thấy anh vô cùng bối rối nên tôi không dám hỏi han gì thêm. Anh dặn tôi khoan cho Tôn Thất Trung Nghĩa và bạn bè hay chuyện vợ con anh đi vượt biên. Tối hôm sau anh và cô Bảy, con nuôi của anh đến nhà và rủ tôi đi. Tôi đạp xe đạp còn anh và cô Bảy ngồi xích lô. Tôi thấy mặt anh rất buồn, mặt cô Bảy cũng buồn. Tôi đạp xe theo anh đến đường Bùi Viện và vào quán ăn Ba Thừa. Anh nói đãi tôi bữa ăn để chia tay. Tôi hỏi có phải anh sắp đi vượt biên không. Anh trả lời không và nói tiếp… “tao phải đi xa rồi sau này mày sẽ biếtcon gái của tao”, anh chỉ cô Bảy, “sẽ cho mày biết tao ở đâu…”. Cô Bảy cho tôi biết một số địa điểm khi cần tôi đến gặp cô để biết tin tức Tạ Ký sau này. Đây là bữa ăn chia tay tưởng sau đó còn gặp lại anh, đâu ngờ... Khi chia tay ở quán Ba Thừa, anh dặn tôi ngày mai có mặt ở bến xe Miền Tây lúc mười một giờ. Trên đường về tôi rất hoang mang về dự tính của anh khi quyết định rời thành phố để về Miền Tây. Cả đêm hôm đó tôi không tài nào ngủ được. Hình ảnh Tạ Ký cứ lảng vảng trước mắt tôi. Tôi không hiểu nổi anh. Hôm sau tôi đạp ra bến xe Miền Tây, đến nơi tôi đã thấy anh và cô Bảy. Tôi chẳng nói năng hay hỏi han nhiều với anh, chỉ nói hy vọng sớm biết tin và gặp lại anh. Khi xe chuyển bánh tôi thấy cô Bảy lau nước mắt. Xe chạy ra khỏi bến, tôi đạp thẳng về nhà Tôn Thất Trung Nghĩa để cho hay là vợ con Tạ Ký vượt biên và Tạ Ký đã đi miền Tây. Tôn Thất Trung Nghĩa cũng sửng sốt không kém gì tôi khi mới nghe tin đó.

Tạ Ký đi rồi, như đã giao hẹn trước, một tuần sau tôi tìm cô Bảy để biết tin tức Tạ Ký tại khu chợ trời bán sách cũ đường Bùi Quang Chiêu, cô Bảy bán sách cũ nhưng không có sạp, cô gửi sách ở các sạp quen, khi cần thì cô ghé lấy giao cho khách mua. Lần đầu tiên đến gặp, tôi được cô Bảy kể cho nghe câu chuyện Tạ Ký bị trấn lột trên đường từ Cần Thơ đi Long Xuyên. Những lần sau cô Bảy cho tôi biết tình trạng sinh hoạt của Tạ Ký ở Chợ Mới cho đến khi Tạ Ký bị bắt và chết trong tù. Sau đây là toàn bộ câu chuyện mà cô Bảy kể cho tôi nghe:

Tuần trước, tôi và cô Bảy đưa Tạ Ký lên xe để về Cần Thơ. Khi xe đến Cần Thơ thì trời đã tối. Xe đò chạy rất chậm vì phải ngừng ở nhiều trạm để đóng thuế, xét hàng, xét người…Tạ Ký muốn tranh thủ về quận Chợ Mới, tỉnh An Giang nên anh không ở lại Cần Thơ, anh thuê một chiếc xe ôm để đưa anh thẳng về Long Xuyên. Trong túi xách tay của anh chỉ có vài bộ quần áo, một số giấy tờ và lận trong người độ hơn ngàn bạc. Khi người thanh niên chở anh ra khỏi thành phố Cần Thơ khoảng một tiếng đồng hồ thì tai nạn đã đến với anh. Chính người lái xe ôm này chở anh vào một con đường ruộng vắng vẻ, đập anh một trận bán sống bán chết rồi lấy hết tiền và túi xách của anh. Nằm bất tỉnh dưới ruộng cho đến sáng hôm sau anh mới tỉnh và mò lên đường đón xe trở lại Cần Thơ rồi quay lại Sài Gòn. May mà anh dấu tiền nhiều nơi trong người nên còn một ít tiền để đi xe. Nghỉ ở Sài Gòn hai hôm, anh lại tiếp tục chuyến đi như đã định. Chuyến đi lần này bình yên và anh đến ở nhà của một người người bạn thân cùng quê ở quận Chợ Mới. Anh nói với người bạn là vì chuyện gia đình, anh xin ở tạm vài tuần rồi sẽ ra đi. Anh đưa cho người vợ của bạn một số tiền để phụ vào việc ăn uống. Thời gian đầu cả hai vợ chồng bạn tiếp đãi anh tử tế, nhưng sau khi số tiền của anh đã cạn và thời gian vài tuần đã qua mà anh vẫn chưa đi thì người vợ và người con gái tỏ vẻ khó chịu về sự hiện diện của anh. Lần lữa chưa biết tính toán ra sao, tiền bạc cũng không còn nên thái độ của người vợ và con của bạn càng khiến cho anh hết sức khó chịu, hai mẹ con thường hay lớn tiếng nói bóng nói gió và có những hành vi khiếm nhã với anh. Loay hoay mãi với những buồn bực và cô đơn, thêm nỗi nhớ con, anh trở thành một người hoàn toàn thụ động mặc cho số mạng đưa đẩy. Anh chưa kịp rời nhà người bạn thì chính người vợ của chủ nhà mời công an đến bắt anh vào đêm khuya. Chúng đưa anh về nhà giam của huyện. Với mớ giấy tờ chúng lấy được và qua lời khai để chạy tội “khai báo tạm trú trễ” của người vợ chủ nhà, công an huyện giữ anh một tháng để lấy cung và tra tấn trước khi chuyển lên công an tỉnh.

Tại nhà giam của ban phản gián tỉnh An Giang, anh bị chúng ghép tội làm gián điệp. Chúng dùng nhiều trò tra tấn rất dã man khiến anh bị chết lên chết xuống nhiều lần. Mỗi ngày chúng cho anh hai củ khoai mì chấm muối và một gáo nước lạnh (thời kỳ này cả nước đói trầm trọng). Thân hình gầy còm của anh làm sao chịu nổi những trận tra khảo của chúng! Chúng thường xuyên xích chân anh vào một thanh sắt lớn cùng với nhiều người tù khác. Chúng bắt anh kê khai việc làm gián điệp, những người liên hệ, nhất là nghi vấn việc anh bỏ Sài Gòn xuống Chợ Mới. Trong các tờ khai, sau khi đề ngày tháng năm, anh chỉ viết mấy chữ…Tôi không có gì đ khai

Sau một thời gian không nhận được tin tức gì của anh, cô Bảy nóng lòng xuống Chợ Mới thì được gia đình người bạn cho biết là anh đã bị bắt. Cô Bảy đưa cho chủ nhà tiền bạc để lo thăm nuôi dùm. Nhưng trong thời gian Tạ Ký nằm tù, anh không hề nhận được tin tức hoặc thức ăn gì bên ngoài gửi vào. Việc Tạ Ký bị bắt và bị tra tấn đến chết mới kêu người nhà (vợ chồng bạn) đem về chôn không ai biết được nếu không có một người tù tên là Phạm Hữu bị tù từ 1975, cùng ở chung với Tạ Ký tại trại giam của tỉnh, được Tạ Ký nhờ liên lạc với gia đình cô Bảy nếu ông được về trước. Khi được thả ra, ông Phạm Hữu nhờ người nhà lên Sài Gòn tìm đến nhà cô Bảy và mời cô xuống Long Xuyên gặp để nghe ông kể chuyện Tạ Ký ở trong tù. Cô Bảy kể cho tôi nghe những gì cô nghe ông Phạm Hữu đã kể cho cô. Cô kể trong giàn giụa nước mắt. Tôi nghe mà lòng quặn thắt. Cô Bảy cũng nói với tôi cô không có điều kiện để xuống Chợ Mới dời mộ Tạ Ký về Sài Gòn, cô đang chờ để đi Phi Luật Tân. Sau lần gặp cô Bảy để nghe chuyện Tạ Ký, tôi không còn gặp cô. Tôi hy vọng cô đã sang được Phi Luật Tân và mang theo hình ảnh của một người cha, dù là cha nuôi nhưng tôi biết chắc chắn là cô rất kính yêu Tạ Ký.

Tạ Ký là một nhà thơ sống chí tình với bạn bè. Anh là một nhà giáo. Anh là một sĩ quan, một chiến sĩ Quốc Gia bất khuất trước kẻ thù cộng sản. Anh đã từng nói với tôi, anh sẽ là một trong những người đầu tiên đứng lên diệt cộng sản khi có cơ hội, anh và cộng sản không đội trời chung! Anh cũng mong một ngày mai tươi sáng sẽ về với Việt Nam thân yêu để anh được tiếp tục làm thơ, uống rượu với bạn bè và rong chơi khắp các miền đất nước. Nhưng số phận của anh thật hẩm hiu và bi đát. Lúc ở tù không ai thăm nuôi, lúc trở về vợ hất hủi, bỏ rơi, dắt con cái đi vượt biên không một lời từ biệt. Nỗi cô đơn, đau đớn ê chề đến khủng hoảng phải chạy đi trốn, nương thân nhờ người quen để rồi chết một cách thảm thương dưới tay của kẻ thù độc ác.

Giờ đây, có lẽ vợ con của Tạ Ký đang yên vui ở một nơi nào đó tại đất Mỹ, Úc châu hay Âu châu…có biết chuyện chồng, cha của mình chết trong ngục tù cộng sản? Nếu biết, xin thắp cho anh một nén hương để tưởng nhớ.

Khoảng đầu năm 1980, trước khi đi vượt biên, Tôn Thất Trung Nghĩa có lập bàn thờ tại nhà để bạn bè đến thắp nhang cho Tạ Ký. Tôi đến nhà Tôn Thất Trung Nghĩa nhiều lần để nghe Tôn Thất Trung Nghĩa Nghĩa tâm sự thêm về tình bạn giữa anh và Tạ Ký. Sau đó Nghĩa vượt biên thành công, đến được Songkla Thái Lan và sáu tháng sau được nhận vào Mỹ. Khi còn ở Songkla, Tôn Thất Trung Nghĩa có viết thư cho tôi mô tả chuyến đi của mình. Lúc định cư ở Mỹ, Tôn Thất Trung Nghĩa ở Pennsylvania, sau đó xuống Florida rồi qua California. Tháng 10 năm 1990 tôi nhận được tin Tôn Thất Trung Nghĩa đã chết vì ung thư máu. Hai kẻ tri âm - Tạ Ký và Tôn Thất Trung Nghĩa đều đã vĩnh viễn ra đi. Họ có gặp lại nhau ở bên kia thế giới hay không? Hai người đã ra đi. Chỉ còn Sầu Ở Lại”. Tôi đã mang nỗi sầu đó!

Ngồi viết những dòng này về Tạ Ký, tôi buồn lặng người. Nhớ Tạ Ký. Nhớ Tôn Thất Trung Nghĩa. Dĩ vãng hàng me xanh Chợ Đủi, quán cà phê vỉa hè Lê Lợi, quán nhậu bà Năm Lửa, quán nhậu đường Bàn Cờ, quán Ba Thừa buổi tối chia tay…Có ai còn nhớ đến Tạ Ký?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét