Trong các tác phẩm điêu khắc của Nguyễn Thanh Thu, người lính VNCH là đề tài gây cho ông nhiều cảm xúc. Khi nhắc tới tác phẩm của ông người ta thường nói nhiều tới tượng Thương Tiếc nhưng với ông tác phẩm Ngày Về lại đem cho ông niềm vinh dự lớn nhất. Đó là bước ngoặc lớn trong sự nghiệp điêu khắc vào tuổi 29.
Tác phẩm Ngày Về là một bức tượng bằng bê-tông cốt thép, cao 4m, nặng 1.5 tấn. Tượng diễn tả cuộc đoàn tụ cảm động giữa người lính VNCH trở về vinh quang từ mặt trận vừa im tiếng súng và người yêu ở hậu phương ngày đêm mòn mỏi chờ mong. Cuộc chiến quá khốc liệt, cả hai có lúc nghĩ về cuộc đoàn tụ chìm trong khói lửa. Ôm người yêu trong vòng tay, người lính ngữa mặt lên trời như chơi vơi giữa thực và mộng, giữa bom đạn và nước mắt người yêu. Cô gái kịp ngã vào lòng người lính sau khi choàng lên cổ chàng một vòng hoa chiến thắng. Với cô thế giới bây giờ chỉ có hai người và khúc nhạc:
Kìa đoàn quân chiến thắng trở về dưới nắng hồng
Cùng nhau hòa câu hát thành công
Lớp áo xanh phai mầu
Thấy phất phơ ngang đầu
Ngọn cờ tung bay cuối phố…
(Bài ca chiến thắng- Minh Duy http://trankimsabr.com/trao-vong-hoa-chien-thang-cho.../
)
Để tạo nên một sự xúc động cao nhất, ĐKG Thu đã dùng thủ pháp phi tỷ lệ cho tác phẩm Ngày Về. Hai nhân vật trong tác phẩm như hòa vào một và vươn hẳn lên bầu trời cao khiến cho người xem phải ngước nhìn hạnh phúc của họ trong ngày về chiến thắng.
Tượng Ngày Về là một tác phẩm dự thi giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc (giải tổng thống Ngô Đình Diệm). Có 7 tác phẩm điêu khắc xuất sắc được chọn cho cuộc triển lãm kéo dài trong 1 tháng tại công viên Đống Đa trước Tòa Đô Chánh. Hội đồng đã quyết định trao giải nhất với phần thưởng 35,000 Đồng cho tác phẩm Ngày Về nhân ngày Quốc Khánh 26 tháng 10 năm 1963.
Ông Thu ngậm ngùi kể rằng ngày 29 tháng 10 năm 1963, trung tướng Trần Văn Đôn đã đưa ông vào yết kiến Ngô Tổng Thống thì ba ngày sau xãy ra cuộc đảo chánh và đó là lần cuối ông Thu gặp Ngài.
Tác phẩm Ngày Về cùng giải thưởng danh giá đã đánh dấu một giai đoạn vàng với hàng loạt tác phẩm giá trị liên tiếp được công bố. Tuy nhiên cũng chính tượng Ngày Về (và tượng Thương Tiếc sau đó) đã làm cho ông phải gánh chịu bao tủi nhục với tám năm trường trong ngục tối ở trại tập trung Hàm Tân.
Sau khi được trả tự do, ông không có một Ngày Về chiến thắng như ông đã vẽ ra 25 năm trước đó. Thật buồn. Tất cả đều tan nát, từ gia đình cho đến các bức tượng trong sân nhà. Cũng an ủi cho ông, tượng Ngày Về, nhờ che khuất bởi giàn dây leo, vẫn còn sót lại sau một cuộc đập phá điên loạn vào những ngày đầu khi Sài Gòn thất thủ.
Giờ đây “Ngày Về” là kỷ vật vô giá duy nhất còn nguyên vẹn về một đề tài mang lại cho ông nhiều cảm xúc nhất: người lính VNCH.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét