Ca khúc “Papa” là một câu chuyện không phải tìm ở đâu xa mà từ chính đời sống gia đình của Paul Anka, được xâu chuỗi và tái hiện bằng những “lát cắt” về năm tháng đã đi qua đời người cha của chính tác giả. Nó được “vẽ” đầy thương yêu trên nền nhạc thanh tao tự sự, ghi dựng lại hình ảnh người cha cần mẫn, luôn tràn đầy tình yêu thương vô bờ bến. Đó còn là một điểm tựa vững chãi, thủy chung, luôn biết hướng những người con của mình đến những điều thanh tao, cao đẹp.
“Papa” với giai điệu sôi nổi nhưng ca từ lại trầm buồn, lắng sâu, và rất giản dị như lời chia sẻ, tâm tình. Chiều dài của bài hát là câu chuyện về một cậu bé, từ nhỏ được sống trong tình cảm của cha, được cha quan tâm và dạy dỗ để trở thành một người đàn ông đúng nghĩa, mạnh mẽ và cứng cỏi trong những hoàn cảnh khắc nghiệt.
Lời của ca khúc cho chúng ta biết thêm những câu chuyện mà không ít gia đình trên thế giới đều soi rọi để có thể thấy được trong đó lòng hết mực thương yêu người vợ ốm yếu và ra đi sớm, nên mọi sức lực và tinh thần của người cha dồn trọn cho cho những đứa con, để khi nhũng cô cậu bé lớn lên, mỗi khi nhìn đến con cái của mình, lại nhớ người bố thầm lặng chở che thuở nào.
“Papa” được Paul Anka viết trên giai điệu pop phù hợp với dòng chảy của âm nhạc đại chúng Mỹ ở những năm 1970, mang lại những gì lạc quan cho người nghe, dù câu chuyện được kể trong bài hát nó cũng bình dị chân thành, không có gì lên gân và to tát. Đó có lẽ là lẽ sống ở đời không thể nào khác được của bất cứ người cha, người mẹ nào trên thế giới với tình yêu tha thiết dành cho con.
Không chỉ là câu chuyện của một gia đình cụ thể nào đó, trong “Papa”, chúng ta sẽ cùng thấy được “bức tranh” những di dân thuộc thế hệ đầu tiên tới Bắc Mỹ, ngày ngày cố gắng làm lụng để lo từng miếng ăn cho gia đình, từng đôi giày cho con. Tối đến, người cha ẵm con vào giường, nghe con cầu nguyện, rồi hôn con. Tình yêu và hạt giống đức tin mà người cha đã gieo trong những năm tháng thơ ấu đã nẩy mầm trong tâm hồn cậu bé!
Cuộc sống tha hương nơi xứ người không dễ dàng nhưng dù nhiều đau buồn và nước mắt nhưng cả gia đình vẫn gắn bó bên nhau. Thời gian lướt nhanh, cậu bé ngày nào nay đã trưởng thành, nhớ lại những kỷ niệm đẹp về cha và bắt chước cha thực hiện những điều đó cho con của mình và cũng chứa chan hy vọng rằng con của ông cũng sẽ ghi nhớ về ông, với những hoài niệm đẹp như vậy.
“Papa” có hai lời khác nhau, một lời thường được hát vào thập niên 1970, và một lời vào thập niên 1990. Dù ở phiên bản nào, ca khúc gây xúc động cho đến những câu cuối cùng.
Đến sàn diễn năm châu
Dặt dìu điệu surf chứa chan hoài niệm nhớ thương, “Papa” là một trong những bài hát về cha hay nhất, bởi nó có thể làm rung động những trái tim lạnh lùng nhất, có thể làm tan chảy những suy nghĩ băng giá về người cha của bất kỳ đứa con ngỗ ngược nào. Được ví là “nhạc phẩm kinh điển về người cha”, “Papa” của Paul Anka từng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
“Cha rất mừng thấy con khôn lớn.
Hãy đi! Lo lắng cuộc sống riêng con.
Đừng quá lo! Cha một mình không sao nhé con!”.
Không dành quá nhiều ca từ để tả thực, nhưng ai nghe bài này rồi đều có những hình dung rất giống nhau, đó là những sức mạnh thần kỳ để người cha tưởng chừng có khi gục ngã trước những nghiệt oan của cuộc sống, nhưng không, ông vẫn mạnh mẽ và đứng vững trước mọi thử thách để nuôi dạy con nên người. “Papa” mang lại cho mỗi chúng ta một “câu thần chú” nhắn nhủ thông điệp yêu thương: Rồi người cha cũng sẽ luôn là tấm gương sáng nhất để con cái noi theo. Những phẩm chất quen thuộc và đáng quý này của người cha trong bài hát chắc chắn khiến người nghe ít nhiều liên tưởng đến chính cha của mình!
Paul Anka không chỉ có “Papa”
Paul Anka tên đầy đủ là Paul Anka Albert, sinh ngày 30 Tháng Bảy 1941 tại Ottawa (Canada), có cha là người Syria và mẹ là người Lebanon. Anka theo học tại trường trung học Fisher Park, nơi anh là một phần của bộ ba giọng hát thuộc nhóm Bobby Soxers. Paul Anka bắt đầu đến với âm nhạc từ cuối những năm 1950 và trở nên nổi tiếng sau hơn 10 năm kế đó. Ông khởi nghiệp từ việc hát hợp xướng trong nhà thờ St-Elias Antiochian và cũng từ đây, ông học lý thuyết âm nhạc và piano với người thầy âm nhạc đầu tiên – Winnifred Rees.
Thành công đến với Paul Anka năm… 14 tuổi với đĩa đơn đầu tiên “I Confess”! Năm 1956, Paul đến New York để thử giọng tại phòng thu âm ABC danh tiếng. Đây cũng là những bước đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của Paul. Năm 1957, Paul Anka sáng tác và trực tiếp thể hiện ca khúc “Diana”, bài hát đưa tên tuổi Paul nổi tiếng trên toàn nước Mỹ và Canada. “Diana” trở thành một trong những đĩa đơn bán chạy nhất lịch sử âm nhạc của một nghệ sĩ người Canada tại Hoa Kỳ. Và sau đó trong suốt hai thập niên 1960 và 1970, ông nổi tiếng với các nhạc phẩm như “Lonely Boy”, “Put Your Head On My Shoulder”, và “(You’re) Having My Baby”.
Ông cũng đã sáng tác những bản nhạc nổi tiếng làm chủ đề cho “The Tonight Show” với Johnny Carson và một trong những bài top hit lớn nhất của ca sĩ Tom Jones, “She’s a Lady”. Ông còn viết lời Anh cho một bài hát trở thành thương hiệu của nam danh ca Frank Sinatra, “My Way”, từ tác phẩm nguyên thủy tiếng Pháp “Comme D’habitude” của Claude François, Jacques Revaux và Gilles Thibaut.
Năm 1983, Paul Anka đồng sáng tác “I Never Heard” với Michael Jackson. Bài hát được đổi tên và phát hành năm 2009 dưới tựa đề “This Is It”. Hai người cũng đồng sáng tác bài “Love Never Felt So Good” năm 1983, được phát hành trong album di cảo “Xscape” của Michael Jackson năm 2014.
Ít người nhớ rằng, năm 1962, Paul Anka còn nổi danh với vai diễn đầu tiên trong bộ phim lớn “The Longest Day” về Đệ nhị Thế chiến. Bài hát chủ đề của bộ phim này cũng do Paul Anka sáng tác và thể hiện. Danh ca kiêm tài tử màn bạc này còn xuất hiện trong các bộ phim có chủ đề về đời sống tuổi teen như “Girls Town” (năm 1959) và “Look In Any Window” (năm 1961).
Paul Anka cũng vào vai chính trong phim truyền hình “The Case of the Maligned Mobster” (năm 1991), vai một nhà môi giới du thuyền trong phim “Captain Ron” (năm 1992) và vai một chủ sòng bạc trong phim “3000 Miles to Graceland” (năm 2001). Ông xuất hiện nhiều lần trên phim truyền hình “Las Vegas” của đài NBC và vào năm 2016, ông là khách mời trong tập “Winter” của Gilmore Girls với tựa đề “A Year in Life”.
Không chỉ là danh ca và tài tử điện ảnh, Paul Anka còn là một doanh nhân thành công. Năm 1978, Paul Anka quyết định mở “Jubilation”, một nhà hàng nhưng cũng là một câu lạc bộ được coi là một trong những hộp đêm hiện đại đầu tiên ở Las Vegas. Tới năm 2012, Anka là đồng sáng lập và cũng là thành viên Hội đồng quản trị của “Công ty Khởi nghiệp Công nghệ Holographic” (ARHT Media) cùng với Kevin O’Leary và Brian Mulroney.
Với nhiều cống hiến, Paul Anka được khắc tên mình trong các giải thưởng và thành tích như “Giải thưởng Juno cho nhà soạn nhạc của năm”, được giới thiệu vào “Đại sảnh Danh vọng Âm nhạc Canada” (năm 1980), được giới thiệu vào “Đại lộ Danh vọng của Canada” (năm 2005)… Một con phố ở Ottawa được đặt tên là Paul Anka Drive (năm 1972) và tới năm 1981, Hội đồng thành phố Ottawa đặt tên ngày 26 Tháng Tám là “Ngày Paul Anka”!
Riêng về “Papa”, có một điều kỳ lạ là bài hát dù rất hay và vẫn say đắm lòng người trong nửa thế kỷ nhưng nó chưa từng đứng trong một TOP HIT nào. Và dù mang sức mạnh lan tỏa về tình cảm gia đình và có sức sống bền bỉ và mãnh liệt trong trái tim hàng triệu khán giả suốt thời gian dài nhưng “Papa” lại không phải là một ca khúc thành công về mặt thương mại.
Sau bản thu âm kinh điển của chính Paul Anka từ ngày xa xưa ấy, bài hát này tới nay được nhiều ca sĩ nhiều thế hệ, ở nhiều đất nước thể hiện. Cuối năm 1974 đầu năm 1975, “Papa” đã được nhiều người yêu nhạc tại miền Nam Việt Nam biết tới, trong đó có bản Việt ngữ của nhạc sĩ Trung Hành với tựa đề “Người Cha Yêu Dấu”; sau đó là của tác giả Lê Toàn với tựa đề “Cha Tôi”. Có người nói rằng, có khi chỉ nghe đoạn intro, họ đã chảy nước mắt, bởi sự rung cảm chân thành của ca khúc, như mạch nước ngầm mát trong, hiền hòa quyện trào trong tâm sự của người cha dành cho con; và con dành cho cha, về những phi thường từ những điều tưởng chừng như bình thường…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét