Năm trước, trước lúc dịch COVID lan tràn ở Việt Nam, tôi ra Quảng Bình thăm quê ngoại.
Từ làng của nhà ngoại, đi chừng 3 cây số là đến nhà của đại tướng Võ Nguyên Giáp, cách đó cũng không xa, là nhà của tổng thống Ngô Đình Diệm. Tôi đến viếng nhà ông Giáp, nhưng thấy tôi cầm máy ảnh thì người bảo vệ làm khó, tôi trở ra, không vào. Chừng vài trăm mét, tôi gặp một người đàn bà lặn hụp mò ốc dưới ao.
Từ năm 1954, bên ngoại của tôi chia làm hai theo sự đẩy đưa của thời cuộc, một phần kẹt lại Quảng Bình và một phần vào Nam. Ông ngoại, và bà cố, và ba người con vượt vĩ tuyến 17 vào Nam. Ông và bà cố vừa kịp thoát chết vì đấu tố trong vụ cải cách ruộng đất. Mẹ tôi là một trong ba người con ấy, ngoài ra còn một ông cậu và một bà dì. Lúc đó, ông ngoại lấy hai vợ, hai bà là hai chị em ruột, bà ngoại ruột là bà lớn, là chị. Hai bà ngoại kẹt lại với một đàn con còn nhỏ, và chịu mọi thống khổ thay cho chồng. Mãi hai mươi năm sau, 1975, ba người mới gặp lại nhau, thì ông ngoại đã có thêm một bà vợ khác ở trong Nam. Mọi chuyện lỡ làng và đau buồn, nhưng rồi mọi người đều hiểu cho nhau, và đều đã già, họ thương quý nhau cho tới khi qua đời. Thỉnh thoảng, ông ra thăm hai bà, và hai bà cũng vào Nam chơi với con cháu.
Tôi không có cơ hội để gặp hai mệ ngoại nhiều. Ra Quảng Bình một lần trước khi đi Mỹ, chỉ thấy làng quê vừa nghèo vừa buồn quá đỗi. Mấy năm sau, khi có dịp trở lại Việt Nam, thì ông ngoại và hai mệ ngoại đều đã qua đời. Mộ ông ở Long Khánh, mẹ tôi qua đời cũng nằm ở kề bên, còn hai bà thì chôn ở ngoài quê.
Lần này, mấy đứa em họ dẫn tôi đi thăm mộ. Mộ bà ngoại lớn nằm trên đồi cát, người ngoài ấy gọi đồi cát là độn cát. Buổi chiều chạng vạng, trong gió, những que hương ngún cháy rồi bùng lên thành lửa ngọn, hắt hiu.
Giờ tôi mới biết rằng ngoài tình trạng đói khổ, thì những người kẹt lại còn bị chính quyền địa phương đối xử rất tàn tệ, vì chẳng những gia đình thuộc thành phần địa chủ, mà ông ngoại còn bỏ trốn, vượt tuyến vào Nam, chúng gọi là theo giặc. Dì kể, mệ ngoại tôi định thắt cổ tự tử ba lần nhưng đổi ý vì thương con còn quá nhỏ. Dì Huyền nhỏ nhất, lúc đó chỉ mới ba tháng tuổi.
Năm 1968, cậu Tấn 21 tuổi, chết vì đạn đại liên 12.7 ly bắn từ máy bay, cậu là dân quân đang làm ruộng, trúng đạn nằm gục trên bờ ruộng bên kia đường, bây giờ chỗ đó là trạm xăng. Tôi đứng đổ xăng cho xe gắn máy, không khỏi nghĩ rằng dưới chân mình là nơi máu của cậu đọng thành vũng. Cậu không được cấp bằng liệt sĩ, mệ ngoại nói, “Con trai chết thì chết rồi, rứa thôi, tau nỏ thèm, quẹt vô cái bằng được mấy ký gạo!”
Cả nhà ngoài ấy không có ai vào Đảng, họ sống trong sự kỳ thị một thời gian dài.
Năm người vào Nam giờ chỉ còn một người. Bà cố mất trước, rồi tới ông ngoại, rồi mẹ tôi, rồi ông cậu, giờ chỉ còn một bà dì, cũng đã gần tám mươi.
Lịch sử chia cắt của đất nước hình thành từ chia cắt của mỗi gia đình. Không mấy khi chúng ta hiểu được, hiểu đúng, mọi chuyện nếu không cúi xuống, tận mắt nhìn vào từng vết thương trên thân thể, trong tâm hồn, của từng người. Mà không phải mọi vết thương đều được chữa lành. Thành sẹo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét