khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 7 tháng 2, 2022

Chút Giai Thoại Giữa Tôi Và Thích Nhất Hạnh - Tác giả Bùi Chí Vinh


Tôi nhận được tin thiền sư Thích Nhất Hạnh qua đời với tâm trạng bồi hồi khó tả. Bồi hồi vì đây là nhân vật khiến tôi phải bị... thất nghiệp khi đang công tác tại Cửa Hàng Tổng Hợp Thương Nghiệp Hợp Tác Xả Thành Phố (tiền thân của hệ thống Coop Mart bây giờ).

Tôi chia tay nghề “phi thương bất phú” năm 1987 vì một lý do lãng nhách. Một hôm trong giờ hành chánh tôi bị giám đốc Cửa Hàng là Bảy Định triệu tập lên văn phòng để gặp đồng chí Sáu Khôi, Trưởng Phòng Bảo Vệ An Ninh Văn Hóa (tức PA 25) của Sở Công An TP. Anh Sáu Khôi thì tôi chẳng xa lạ gì, cũng từ gốc Thành Đoàn như tôi, thuộc thế hệ đàn anh và chuyển qua ngành công an từ rất sớm. Anh làm việc với tôi bằng khuôn mặt khá trầm trọng. Đại khái anh cho tôi biết thơ tôi được đăng trên báo chí hải ngoại hơi bị nhiều và “công an văn hóa” phát hiện tôi vừa lãnh một thùng quà thuốc Tây của nước ngoài nhằm mục đích “trả công” cho những bài thơ đã đăng. Coi, quả thật vừa qua tôi có nhận một gói bưu phẩm từ trên trời rớt xuống ghi tên người gửi là “Bùi Thị Chín gửi từ Cali, USA”, dĩ nhiên là tôi ký nhận ngay. Sau khi tham khảo với mẹ hiền vốn dĩ là bà mẹ “gia đình có công cách mạng”, mẹ tôi đồng ý cho tôi ra chợ trời thuốc Tây Tân Định bán với giá một chỉ vàng, vì bà nghĩ rất đơn giản rằng “đã là họ Bùi gửi thì chắc là bà con với gia đình tôi”. Chuyện chỉ có vậy. Còn thơ ư? Tôi là một thằng thi sĩ gần như trung tâm và chủ lực đọc thơ trong bàn nhậu trước đủ dạng quần hùng, trong đó có cán bộ lãnh đạo lẫn nhân dân đủ kiểu. Gặp người tri âm hoặc kẻ tâm đầu ý hợp về thơ, tôi sẵn sàng chép tay bài thơ vừa đọc mà họ ưa thích. Qua truyền khẩu, họ có thể thuộc lòng bằng trí nhớ hoặc bằng bản chép tay, và nếu họ vượt biên hay đi xuất cảnh hợp lệ thì chuyện sử dụng những bài thơ của tôi đăng báo chí hải ngoại thiết nghĩ cũng là chuyện phổ biến bình thường. Có khi sự phổ biến ấy góp phần vinh danh và không làm thui chột các tài năng xuất chúng trong nước. Vậy hà cớ gì tôi phải lo lắng khi biến thành một dạng “tội phạm” trong con mắt đầy đa nghi của một vị đàn anh từng quá hiểu con người trung thực của tôi lúc ở Thành Đoàn?
Tôi có nói với anh Sáu Khôi rằng “Nếu Việt Kiều Bùi Thị Chín gửi tiếp một thùng đồ nữa thì tôi vẫn nhận bởi nhà nước chưa hề tặng quà hay trả lương hoặc bồi dưỡng cho một gia đình công nhân nghèo khổ có tới 5 người làm cách mạng như gia đình tôi”. Tôi đã phải làm bản tường trình về những lần đọc thơ giang hồ, những bài thơ chống bất công xã hội đã làm, những mối quan hệ với các thi sĩ văn nhân trí thức. Bởi Sáu Khôi nói như đinh đóng cột: “Bùi Thị Chín không phải họ Bùi mà là Cao Thị Ngọc Phượng, vợ hay người tình gì đó của Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh. Nhiệm vụ Cao Thị Ngọc Phượng là chuyển lửa về quê nhà, đón thuyền nhân vượt biên. Việc chọn gửi gói thuốc Tây cho Bùi Chí Vinh và vài văn nghệ sĩ nổi tiếng khác là nhằm ly gián hoang mang nội bộ”. Bút sa thì gà chết, nói năng thì phải uốn lưỡi bảy lần.
Khi viết những dòng chữ này, trong thâm tâm tôi không hề hờn trách gì cử chỉ thái độ Sáu Khôi lúc đó. Anh làm Trưởng Phòng PA25, làm một mắt xích trong một guồng máy an ninh hoàn hảo, anh đương nhiên phải bảo vệ chiếc ghế của mình. Nhưng tôi chỉ giận anh lúc anh giao phó công việc viết bản tường trình của tôi vào mỗi buổi sáng cho những người khác tại Sở Công An suốt một thời gian dài. Tôi nhớ rằng mình bị “hỏi cung” tại căn phòng trên lầu cao có cửa sổ nhìn xuống mặt đất sâu hun hút. Có lần tôi nổi cơn thịnh nộ đấm tay vào ngực thình thịch sau tiếng chửi thề: “Hồi trước giải phóng M16 bắn tôi không chết chẳng lẽ bây giờ bị AK bắn chết”. Tôi còn hét lớn: “Ép tôi khai những gì không có, coi chừng tôi nhảy qua cửa sổ tự tử là quý vị phải chịu trách nhiệm”.
Thái độ liều lĩnh của tôi ít ra cũng có tác dụng. Những đợt thẩm vấn và triệu tập chấm dứt. Chấm dứt luôn công việc của tôi ở Cửa Hàng Thương Nghiệp HTXTP . Mà chấm dứt cũng phải, sau thời gian làm bốc xếp lao động quá nặng nhọc ở các kho của Cửa Hàng, tôi bị bệnh ho lao, mỗi ngày đều phải đến trạm y tế chích thuốc. Trong hoàn cảnh bệnh hiểm nghèo như vậy mà còn bị PA25 tra tấn tinh thần thì sức chịu đựng của tôi quả là một phép lạ. Tôi được tay giám đốc cho nghỉ lãnh lương dài hạn và tiếp tục chuỗi ngày lãng tử phiêu bồng. Sau này mấy lần tôi có gặp lại anh Sáu Khôi. Lần đầu tiên tái ngộ tại nhà Nguyễn Xuân Hàm, anh ruột Nguyễn Xuân Phổ tức nhà thơ phong trào Hàm Phố, bạn tôi. Lần đó nhân kỷ niệm sinh nhật Sáu Khôi, tôi có cao hứng đọc ghẹo anh hai câu:
SÁU KHÔI có một KHỐI SÂU
Bò ra lúc nhúc làm rầu nồi canh
Tục ngữ nói “con sâu làm rầu nồi canh” chẳng sai. Tôi không ám chỉ Sáu Khôi làm rầu nồi canh mà muốn cảnh báo các nhân viên của sếp. Rằng ở đất nước Việt Nam đầy đau khổ này không có “địch”. Những kẻ căm thù thề không đội trời chung với chế độ cộng sản đã “gô” hết rồi. Trong nước chỉ toàn văn nghệ sĩ “sĩ khí rụt rè gà phải cáo” nơm nớp uốn cong ngòi bút vì sợ vi phạm chủ trương đường lối. Báo chí truyền thanh truyền hình thì nói cùng một giọng như được mặc đồng phục. Tìm được người làm thơ viết văn viết báo dám ăn dám nói đếm trên đầu ngón tay. Đã không biết trân trọng giữ gìn những kẻ sĩ “đối lập cuội” đó để làm “bình phong nhân quyền” mà lại còn sinh nghi theo dõi theo kiểu mật thám Gia-ve trong NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ của Victor Hugo thì thật là tự vạch áo cho quốc tế xem lưng ghẻ chóc. Nếu có “địch” thì đó chính là bọn tham nhũng hối mại quyền thế, bọn cơ hội chính trị tranh thủ mua quan bán tước, đội trên đạp dưới, luồn sâu leo cao... để hiếp đáp hãm hại nhân dân. Chính những kẻ làm ô danh Đảng đó mới là đối tượng, là địch để A25 và PA 25 theo dõi.
Hai câu vè tạm gọi là thơ làm ghẹo anh Sáu không hiểu sao được đồn đại rất nhanh trong giới giang hồ văn nghệ và được biến cải như sau: “Sáu Khôi là một Khối Sâu - Bò ra lúc nhúc làm rầu nhân dân”. Những lần tái ngộ kế tiếp thì Sáu Khôi đã về hưu sau khi giữ chức Trưởng Công An quận 1. Thỉnh thoảng gặp nhau anh nhìn tôi với đôi mắt ngậm ngùi. Tôi không hiểu là anh thương tôi hay anh thương anh hay anh đang thương hai kẻ từng là cựu chiến binh Thành Đoàn lạc lỏng giữa cuộc đời duy vật do chính mình gây ra đây?
Sau này PA 25 còn gõ cửa tôi vài lần nữa qua những bài viết chống ngoại xâm Trung Quốc của tôi. Đáng tiếc là những kẻ đại diện cho PA 25 sau này không phải là anh Sáu Khôi để tôi có thể đàm đạo thêm về thế thái nhân tình.
Còn bây giờ thì nói về cái chết của Thích Nhất Hạnh, về những gì trong đầu tôi đang nghĩ về ông. Xin thưa, tôi không nghĩ gì hết, cũng không hàm ơn ông về món quà “thùng đồ thuốc tây” trên trời rớt xuống qua trung gian Cao Thị Ngọc Phượng mà ông gửi cho tôi. Bởi mọi thứ đều do trời định. Ông và tôi đều biết “mưu sự tại nhân” nhưng “thành sự tại thiên”. Ông đã làm gì, đã phát biểu gì về đất nước VNCH, về nơi sinh đẻ ra ông thì ông phải tự chịu trách nhiệm. Nếu tôi gặp ông lúc còn sống, chắc chắn tôi sẽ đọc cho ông nghe bài thơ PHẬT SỐNG. Bài thơ viết về một “ông Phật” khác trong đời không phải là ông, không phải là... các ông. Rất tiếc chúng ta không gặp nhau, mà chỉ hội ngộ qua một cái thùng đồ thuốc tây oan nghiệt.
Coi như bài thơ PHẬT SỐNG là một nén nhang tôi thắp cho “thiền sư” vậy:
PHẬT SỐNG
Các ngươi bàn về tu luyện
Đứa đại thừa, đứa tiểu thừa
Đứa nào cũng sắp thành Phật
Chỉ mình ta còn gươm khua
Đời này nói đến hơn thua
Biết bao giờ cho hết chuyện
Ta thấy các ngươi yêu chùa
Cũng là tự thân bảo hiểm
Nhưng tu như vậy còn kém
Biết khôn lựa gốc bồ đề
Có người tu hang Pắc Bó
Sau này thành Phật, sướng ghê !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét