khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

Giải Ảo Về Lẽ Yếu/Mạnh Của Ngoại Tệ - Tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa

 

Giáo đầu tuồng nhé: Diễn đàn này thu thập tin tức và trình bày kiến thức căn bản về sự vận hành lẫn các biến cố của toàn cầu. Sự lười biếng được ngụy trang dưới vẻ thông thái dẫn tới loại “thuyết âm mưu”. Thí dụ phổ biến: “tư bản nó đã tính hết rồi – mà vẫn bị Trung Cộng lường gạt”!
cố tránh hiện tượng nông cạn đó ta mới đi vào vài quy luật thật ra thường thức, hầu dùng trí não theo lối thông minh hơn. Do đó, tôi xin xóa hết các thuyết âm mưu ngớ ngẩn! Tôi không mất công mất của lập ra diễn đàn cho các chiến lược gia ở quán cóc.
Bây giờ, xin đi vào bối cảnh với vài kiến thức thuộc trình độ cử nhân kinh tế - năm thứ hai. Quý vị nào tò mò muốn rõ hơn thì cứ hỏi và tôi sẽ cố giúp tìm hiểu thêm.
Hoa Kỳ và khối dân chủ tiên tiến Âu-Á đang bị khủng hoảng với hậu quả lan rộng đến các nền kinh tế gọi là đang phát triển. Nguyên do chủ yếu xuất phát từ quãng 2008, 14 năm trước! (Lùi về 14 năm thôi vì xa hơn thì quá dài, làm quý vị bỏ cuộc...)
Vụ khủng hoảng tài chánh và nạn suy trầm toàn cầu 2008-2009 khiến Hoa Kỳ và Âu Châu theo nhau lấy các biện pháp ứng phó như ào ạt bơm tiền nên mới dẫn tới nạn lạm phát ngày nay. Chịu trách nhiệm nặng nhất là các Chính quyền George W. Bush và Barack Obama cùng Ngân hàng Trung ương Mỹ (từ nay gọi tắt là Fed) dưới sự lãnh đạo của Ben Bernanke và Janet Yellen.
Ngày nay, Fed của Mỹ phải chặn lạm phát với hậu quả TIÊU CỰC là làm đồng Mỹ kim lên giá. Tiêu cực cho Mỹ và thế giới. Tùy lập trường chính trị và khả năng chuyên môn, ta có thể ủng hộ hay đả kích biện pháp đó của Fed, nhưng phải hiểu đã!..
Thời đó, Âu Châu cũng chẳng vô can khi Ngân hàng Trung ương (European Central Bank ECB) nhập cuộc và gieo họa cho năm thành viên được gọi tắt là PIIGS (Portugal, Ireland, Italy, Greece và Spain) khiến đồng bạc chung là Euro bị lung lay. Lãnh đạo Âu Châu câu giờ và đá ra biên vì nhóm PIIGS quá nhỏ. Thống đốc ECB là Mario Dhaghi còn phát biểu: “ECB sẽ làm mọi cách duy trì đồng Euro. Như vậy là đủ.”
Nhắc lại chuyện ngày xưa về vụ khủng hoảng ngày nay, ta thấy ra một quy luật kinh tế là “cái sẩy nẩy cái ung”. Trận bão có thể bắt đầu từ một cơn giông nên cơn giông kinh tế tích tụ từ hơn chục năm qua đang là trận bão.
Sau 500 chữ, giờ ta đi vào giải ảo: lật ngược vấn đề để thấy ra sự thật!
1/ Hơn chục năm qua khối tư bản tiên tiến đã điên rồ lao vào hai lãnh vực tiền tệ (của Ngân hàng Trung ương - NHTƯ) và ngân sách (của Chính quyền). Các NHTƯ áp dụng chánh sách bất thường của Nhật (sẽ nói riêng về Nhật sau) là QE và ZIRP. QE là “quantitative easing” (tôi đã dịch là “tăng mức lưu hoạt có định lượng”), được nhiều xứ khác áp dụng. ZIRP là “zero interest rate policies”, chính sách hạ lãi suất tới số không. Chưa đủ điên đâu, vì còn hạ dưới số không, là số âm! Hậu quả ư?
2/ Hậu quả kinh tế là sự lệch lạc trong sung dụng tài nguyên: a) giới có tài sản tiết kiệm bị thiệt (lãnh tiền lời quá thấp); b) còn... bị phạt khi cho vay với lãi suất âm; c) các quỹ đầu tư hưu bổng bị lỗ nặng, quỹ 401K bỗng có ngày chợt xanh là sạch trơn; d) người ta đầu tư không đúng nơi đúng chỗ nên một số chạy vào thị trường cổ phiếu, giàu to - nay khóc vì “chơi stock bị lỗ”..
3/ Nguy hại hơn vậy, hậu quả xã hội chính trị là mở rộng sự cách biệt về lợi tức và nhận thức của các thành phần xã hội. Khác biệt “giầu/nghèo” bị đào sâu trong từng nước. Rồi dẫn tới sự bành trướng của xã hội chủ nghĩa cho lý tưởng công bằng xã hội! Giờ đây, mọi nơi trả giá cho sai lầm kinh tế xa xưa! Phản ứng là hết tin vào Liên Âu (Anh ra khỏi EU) và khuynh hướng bảo thủ đang thắng thế tại nhiều nước, từ Thụy Điển tới Ý, rồi bị xuyên tạc là... phát xít, con cháu của Hitler.
4/ Chưa hết buồn đâu bà con ơi! Hơn hai năm trước lại có vụ Đại dịch xuất phát từ Vũ Hán với hậu quả lan tỏa sang nhiều lãnh vực, từ sức khỏe đến sức lao động và khả năng sản xuất.... Khối Âu Châu thì quên lịch sử, châu đầu vào vòng lệ thuộc năng lượng Nga. Rồi đảng Dân Chủ thừa cơ leo lên cầm quyền với chính sách tăng chi ào ạt và thổi lên lạm phát từ đầu năm ngoái. Đầu năm nay lại có chiến cuộc tại Ukraine và hậu quả là thế giới bị hai khủng hoảng nhập một: lương thực và năng lượng tăng giá khi chế độ Joe Biden còn áp dụng chánh sách năng lượng sạch và hạn chế sản lượng dầu thô và khí đốt của Mỹ.
5/ Ngần ấy tai họa tích lũy từ lâu, nay dồn dập thổi lên bão lớn, giữa mắt bão là đồng ngoại tệ. Người ta cứ cho ngoại tệ là cột sống của kinh tế, lan tỏa khả năng giải quyết được mọi vấn đề. Nhưng giá trị của ngoại tệ lại là một mục tiêu di động vì hết bị giàng giá vào vàng từ Tháng Tám 1971 (một phần do chiến cuộc tại Việt Nam) hay bất cứ một loại tài sản nào khác. Giá trị là do thị trường quy định: tài sản của ta đáng giá bao nhiêu Mỹ kim, Euro hay Yen Nhật, và một Mỹ kim đáng giá chừng nào? Thị trường quyết định!
6/ Nhưng đại đa số dân Mỹ lại được may mắn là cóc biết gì về chuyện đó! Mỹ kim là đơn vị tiền tệ cho cả thế giới, nên mọi vụ mua bán đều định giá với đô la, ưu thế tuyệt vời của Hoa Kỳ! Mặt trái của ưu thế là Mỹ bị khiếm hụt thương mại vĩ đại. Nếu hiểu biết hơn một chút – trừ nhà báo! – người Mỹ còn tin rằng vai trò toàn cầu của Hoa Kỳ là nhập cảng hàng hóa và xuất cảng đô la cho thế giới sử dụng.
7/ Kẻ ít am hiểu bèn phô bày sự dốt nát qua thuyết âm mưu: Mỹ kim là công cụ khống chế địa cầu của Đế quốc Mỹ. Sự thật thì Mỹ kim có vị trí lớn trong luồng giao dịch toàn cầu mà lại ít liên hệ với thực lực kinh tế của Hoa Kỳ! Khối đô la lưu hành toàn cầu, với các nước đang phát triển nhận đô la khi bán, rồi lấy đô la thanh toán việc mua (năng lượng và thực phẩm từ các nước khác). Họ cũng có thể vay bằng Mỹ kim và thanh toán bằng đồng bạc của họ sau khi đổi ra Mỹ kim. Việc mua bán đó không do Mỹ quyết định, và chẳng liên quan gì đến kinh tế Mỹ. Cho tới khi đô la lên giá và... nẩy vào mũi Hoa Kỳ. Vì sao vậy?
8/ Trong cán cân mậu dịch Mỹ, việc nhập cảng giảm so với xuất cảng làm Hoa Kỳ xuất ra ít Mỹ kim hơn xưa nên tỷ giá Mỹ kim tăng so với các ngoại tệ khác. Ai dùng đô la để thanh toán với nhau (thường dân, doanh nghiệp, chính quyền) đều gặp vấn đề. Hậu quả bên Mỹ là dân trả ít tiền hơn khi nhập cảng mà hậu quả quôc tế là thiên hạ lại mất nhiều tiền hơn để nhập hàng Mỹ hay đi thăm Hoa Kỳ. Và doanh nghiệp Mỹ khó cạnh tranh với hàng nhập cảng vì đô la quá đắt. Huống hồ, để chặn lạm phát, Fed đã ba lần tăng lãi suất làm đô la lên giá cao nhất từ 20 năm nay so với các ngoại tệ thông dụng khác. Vì thế Mỹ kim lên giá chưa là tin vui cho mọi người Mỹ mà có thể là thảm họa cho xứ khác!
9/ Bài đã quá dài nên xin khỏi bàn về đồng Sterling của Anh hay đồng Yen Nhật Bản, mà chỉ cần nhấn mạnh để giải ảo rằng Fed của Hoa Kỳ có hai nhiệm vụ là ổn định giá cả và đạt mức thất nghiệp thấp. Nhu cầu ổn định giá cả trước nạn lạm phát quá mạnh khiến định chế này phải tăng lãi suất. Hậu quả là Mỹ kim lên giá và đang gieo họa cho hầu hết mọi thị trường khác. Ngân hàng trung ương của các nước khác đều theo dõi chế độ tiền tệ Mỹ. Họ dự đoán lãi suất liên ngân hàng (fed funds rate) tại Mỹ có thể từ 3,50% lên tới 5% làm đồng bạc của họ càng mất giá. Và làm ngoại thương Mỹ càng gặp khó khăn!...
Kết luận ở đây là những gì?
- Ngày xưa, thời Richard Nixon, Tổng trưởng Ngân Khố Mỹ là John Conally (thoát chết trong vụ ám sát John Kennedy) đã tuyên bố rất hung kiểu Texas, rằng “Mỹ kim là đồng bạc của chúng tôi, mà là vấn đề của quý vị”. Ngày nay, Mỹ kim cũng là vấn đề của nước Mỹ!
- Định chế tiền tệ Hoa Kỳ (Fed) không có trách nhiệm về các thị trường Âu, Nhật hay đang phát triển, cho nên... “đường ta, ta cứ đi”, dù chính các doanh nghiệp Mỹ lại phàn nàn.
- Thật ra, nhiều ngân hàng trung ương khác cũng có nâng lãi suất dù ít hơn Mỹ. Lãi suất là yếu tố chi phối tỷ giá ngoại tệ của xứ này so với xứ khác, nên chửi Mỹ làm đô la lên giá mà chỉ tăng lãi suất có 2% là trò vui, cho nhà báo ngu loan tải.
- Có nước không tăng mà còn hạ lãi suất (xin đọc lại bài tuần trước) mà than là Trung Cộng! Xứ này chưa hề thả nổi đồng Nguyên theo quy luật thị trường và cuối mỗi ngày giao dịch lại giàng giá đồng bạc vào giá Mỹ kim theo một biên độ ± (cộng hay trừ) nhất định cho việc giao dịch hôm sau. Kỳ khác sẽ nói về kẻ gian này sắp gặp nạn.
- Người ta cứ tưởng rằng phá giá đồng bạc cho nội tệ của ta rẻ hơn ngoại tệ khác là có lợi: hàng xuất cảng của ta sẽ rẻ hơn. Mặt trái của đồng tiền là hóa đơn nhập cảng sẽ đắt hơn. Chưa kể tội “lũng đoạn hối đoái” theo quy định của cơ quan WTO.
- Trở về Hoa Kỳ, việc đô la lên giá so với các ngoại tệ phổ biến là một thiệt hại cho lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ!
- Thành thử, chuyện mạnh yếu của một ngoại tệ không đơn giản như chúng ta thường nghĩ.
Và ta nên đợi xem tại Thượng đỉnh tới của Nhóm G-20 được tổ chức trung tuần Tháng 11 ở trung tâm Bali của xứ Indonesia, các nguyên thủ nào sẽ tham dự? Và nói gì khi ngồi cạnh nhau mà không chửi thề!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét