khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2022

Bẫy Sập Kinh Tế Của Trung Cộng - Tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa

 

Ngày 16 Tháng 10 này, đảng Cộng sản Trung Quốc có Đại Hội Đảng Khóa 20, để qua đầu năm 2023 sẽ được Quốc Hội chính thức công bố kết quả cho toàn dân và toàn cầu cùng biết.

Theo thông lệ, Đại hội đảng gồm 2300 đảng viên được đề cử tham dự sẽ bầu một Ban Chấp hành Trung ương mới; BCH này bầu lên một Bộ Chính Trị mới; trong đó, cơ chế tối cao là Thường vụ Bộ Chính Trị. Ngồi trên đỉnh là Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước (lãnh đạo Nhà nước) và Chủ tịch Trung ương Quân ủy hội để lãnh đạo quân đội. 

Ta nhìn ra cơ chế của nền “dân chủ tập trung” đó như một cái tháp, gồm có a) đảng, b) nhà nước và c) quân đội, do các đảng viên tuần tự bầu lên. Ngay sau Đại hội thì BCH TƯ có kỳ họp đầu tiên để thảo luận và biểu quyết về đường hướng lãnh đạo mới cho một kỳ hạn lý thuyết là năm năm. Sau đấy, đường hướng lãnh đạo mới sẽ được Quốc hội (cơ chế thuộc Nhà nước) chính thức công bố sau một khóa họp đầu năm.... Viết cho dễ hiểu thì đảng lãnh đạo tất cả và lãnh tụ tối cao là Tổng Bí Thư.

Dù Đại hội Khóa 20 chưa họp, mọi người đều biết Tập Cận Bình sẽ lại lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ ít ra năm năm, sau hai nhiệm kỳ từ Đại hội Khóa 18 vào cuối năm 2012 tới Đại hội Khóa 19 vào cuối năm 2017. Ông tự chuẩn bị để sẽ lãnh đạo nữa. Chúng ta sẽ còn theo dõi việc này.

Nhưng, loạt bài mang tính chất giải ảo thời sự ở đây là tìm hiểu về khả năng lãnh đạo của một “Hoàng đế Vĩnh viễn”, có tham vọng quyền lực vượt qua lãnh tụ đầu tiên là Mao Trạch Đông. 

Và ta khởi đầu từ các nan đề kinh tế. Với cái nhìn thật xa về quá khứ, bài này sẽ hơi dài vì phải vừa trình bày vừa giải thích:

1/ Khi đứng trên hai chân thì ta có sự thăng bằng nên khó ngã. Khi bắt đầu nhúc nhích, như nhấc một chân để tiến lên, ta dễ bị mất quân bình. Phép vận hành kinh tế cũng vậy! Nếu muốn phát triển, xã hội phải chấp nhận cả trăm hiện tượng mất quân bình chằng chịt và cố tìm ra một thế quân bình tạm, hầu còn tiến nữa. Trong kinh tế, cả ngàn hiện tượng mất quân bình đó liên quan đến nhiều triệu người thuộc các lãnh vực chính trị, kinh doanh, tài chánh và cả thói quen văn hóa. Nếu lãnh đạo chính trị không chấp nhận đổi thay vì sợ hiện tượng mất quân bình thì phải tìm ra một mô thức kinh tế có sự ổn định mà vẫn phát triển. Từ vài chục năm, lãnh đạo Trung Cộng loay hoay với nhiều mô thức mà chưa tìm ra - cho nên đã đến lúc có thể ngã chỏng gọng! 

2/ Từ khởi thủy quãng 40 năm trước, Trung Cộng tiến hành mô thức phát triển qua đầu tư ồ ạt mà cũng muốn giải trừ vấn đề đầu tư kém hiệu năng. Nạn chủ quan duy ý chí, tưởng đảng nói tất yếu phải đúng, dẫn tới tệ nạn đầu tư quá nhiều. Kinh tế học thường thức cho biết số đầu tư so với tổng sản lượng GDP thường ở khoảng 25% trên toàn cầu (giữa hai mức 17%-23% cho các nước đã phát triển và 28-32% cho các nước vừa cất cánh, như Trung Cộng). Vậy mà Bắc Kinh liên tục đầu tư đến mức 40- 50% GDP mỗi năm, trong cả chục năm liền.

3/ Việc đầu tư ồ ạt để nền kinh tế cất cánh (khởi phát) là điều dễ hiểu khi Trung Cộng tiến hành việc cải cách và mở cửa từ 1979. Do chiến tranh và nội loạn thời Mao, xứ này thiếu đầu tư vào hạ tầng cơ sở vật chất, vào hệ thống tiếp liệu và vào khu vực chế biến. Họ lấy mô thức phát triển nhờ đầu tư. Muốn đầu tư thì phải nâng mức tiết kiệm, theo kiểu thắt lưng buộc bụng. Khốn nỗi kinh tế học cũng dạy rằng nâng tiết kiệm thì tất nhiên giảm tiêu thụ. Tại Trung Cộng mô thức ấy dẫn đến sự kiện tỷ phần của các hộ gia đình trong tổng sản lượng GDP bị sụt.

4/ Giải trình cho rõ thì lợi tức một quốc gia gồm có lợi tức của a) các hộ gia đình, b) các doanh nghiệp và c) nhà nước. Mà khác với doanh nghiệp và nhà nước, các hộ gia đình tiêu gần hết lợi tức của họ. Mô thức của Trung Cộng hàm ý giảm số tiêu thụ, và làm nổi bật sự bất công của một xứ tự xưng xã hội chủ nghĩa: doanh nghiệp và nhà nước chiếm phần trọng yếu của sản lượng (những gì được sản xuất ra), còn các hộ gia đình thì chỉ có phần thiểu số và cũng tiêu thụ ít, là tiết kiệm nhiều. Hai chục năm sau khi họ Đặng tiến hành cải cách, Trung Cộng có tỷ lệ tiết kiệm là 50% GDP, hiện tượng chưa từng thấy ở mọi nơi!

5/ Họ làm thế nào để đạt kết quả đó? Hệ thống ngân hàng xứ này có chức năng chủ yếu thu vét tiết kiệm của cả nước để tài trợ a) doanh nghiệp, b) giới đầu tư vào khu vực gia cư địa ốc và c) các chính quyền địa phương. Mà tài trợ với lãi suất cực thấp do nhà nước quy định (chánh sách của đảng mà). Nhờ vậy, Trung Cộng sớm bù đắp nạn thiếu hụt đầu tư thời Mao-Đặng. Nhưng lại dẫn tới một vấn nạn mới - như một bẫy ngầm. 

6/ Trung Cộng cần một chiến lược mới, đáp ứng yêu cầu của hoàn cảnh mới. Sau khi thu hẹp khoảng cách giữa đầu tư với khả năng tiếp nhận của doanh nghiệp và lực lượng sản xuất (các hộ gia đình) thì làm sao chuyển ưu tiên từ đầu tư qua tiêu thụ? Bài toán được đặt ra từ năm 2007, rồi khi Tập Cận Bình lên lãnh đạo thì coi là chiến lược. Nhưng gian ý chính trị nằm sâu ở dưới lại bị kinh tế phơi bày: đó là cái gánh nợ nần. Đã không giải quyết, thủ phạm Tập Cận Bình lại còn duy trì tình trạng đó!

7/ Thông thường, khi kinh tế đưa số nợ vào đầu tư sản xuất thì đà gia tăng sản lượng phải vượt đà gia tăng của nợ. Nhưng khi gánh nợ lại trút vào loại “đầu tư không sinh lời” (lợi ích kinh tế thấp hơn phí tổn cho lao động và các nhập lượng input sử dụng) thì khối nợ tăng mau hơn sản lượng. Hiện tượng này xảy ra từ 2007-2008, lại đang tăng vọt: thống kê chính thức về khối nợ so với tổng sản lượng đã từ 150% năm 2008 lên tới 280% GDP. Vay nhanh nhất thế giới! 

8/ Mà gánh nợ ấy dồn vào đâu? Chủ yếu vào đầu tư a) của tư doanh trong các lãnh vực tài sản, địa ốc, cả công thự ma vì ế khách được xây dựng cho mục đích đầu cơ – nôm na là vay tiền thổi bong bóng; b) đầu tư chính thức và ngụy trang của các chính quyền địa phương để phô diễn và “giải trừ thất nghiệp”, như mạng lưới hỏa xa, đường xá, xa lộ, sân vận động hay trung tâm hội thảo rất ‘hoành tráng’ đôi khi vô dụng.

9/ Giới chức có thẩm quyền về chánh sách kinh tế hiểu ra một bài toán kinh tế với các hậu quả chính trị. Hai khu vực đầu tư vào gia cư địa ốc và hạ tầng cơ sở vật chất có góp phần cho kinh tế mà cũng đẻ ra một lớp thượng lưu ưu tú ở địa phương. Trong lớp người này có nhiều Trung ương Ủy viên, cơ sở quyền lực của giới lãnh đạo trên Bộ Chính Trị. Nhưng làm sao giải trừ nạn “đầu tư không sinh lời” trong hai khu vực trên khi chúng đóng góp hơn 50% GDP từ nhiều năm qua và có thể cao hơn vào các giai đoạn suy sụp sản lượng. Mâu thuẫn ở đây: lãnh đạo không thể giải trừ nạn hoang phí mà không làm giảm sản lượng.

10/ Năm 2021, cái vòng luẩn quẩn giữa kinh tế và chính trị lên tới cao điểm khi giới hữu trách về luật lệ kinh tế quyết định sẽ  giảm gánh nợ đã tài trợ các nghiệp vụ đầu cơ bằng cách gây thêm khó khăn khi kẻ đầu cơ vào sản xuất gia cư địa ốc muốn đi vay. Sau nhiều năm đi vay tối đa và thổi lên trái bóng ảo, giới đầu cơ thực tế tái diễn “mô hình Ponzi”. Đó là hiện tượng lừa đảo khi gây ảo tưởng về lợi nhuận cho các ngân hàng, khách hàng, giới cung cấp và thi hành dự án căn cứ trên việc tài sản địa ốc vẫn lên giá vù vù. Giới đầu cơ này ít bị rủi ro tài chánh mà vẫn có thể bán ra và kiếm lời. Họ bị chặn là phải.

11/ Nhưng khu vực sản xuất tài sản gia cư địa ốc lại chiếm tới 20, có khi 30%, của hoạt động kinh tế cho nên việc chặn đà vay nợ của khu vực đầu cơ lại đánh vào hoạt động kinh tế, là điều bất khả về chính trị! Đã vậy, nạn vay tiền để đầu cơ còn lây lan qua nhiều thành phần, đặc biệt là chính quyền địa phương. Các đảng viên nơi đó có quyền bán đất do họ quy hoạch, để thu tiền cho ngân sách địa phương - và cho họ. Rồi các hộ gia đình thì sợ giá nhà đất không thể tăng mãi, doanh nghiệp thì e tai vạ trực tiếp và gián tiếp nếu khu vực gia cư địa ốc bị vỡ nợ. Hóa ra khi sinh hoạt kinh tế bị giảm vì đại dịch, lãnh đạo ở trên lại khó chặn đà vay mượn! Họ bèn phải xoay - trong vòng luẩn quẩn.

12/ Hoặc là đánh bùn sang ao, kỷ luật vài đảng viên cán bộ để làm gương rồi... trở về chốn cũ: tìm tăng trưởng ảo qua nợ nần và hù dọa thế giới về mức tăng trưởng đó. Hoặc ra sức tăng chi để lại tiếp tục việc xây dựng hạ tầng, nhờ đó cơ hội kiếm chác của các đảng viên tại địa phương lại gia tăng. Hoặc là lại cho xây dựng cầu đường với mạng lưới hỏa xa nên càng đẩy mạnh loại đầu tư không sinh lời. Một cách giải quyết là tái quân bình sinh hoạt kinh tế qua ưu tiên tiêu thụ hơn đầu tư và xuất cảng. Nhưng điều ấy có nghĩa là tư nhân phải có một phần lớn hơn từ cái bánh do cả nước sản xuất ra, như tăng lương, tiền hưu bổng và an sinh xã hội, kể cả tỷ giá hối đoái cao hơn, nhờ sự tài trợ của chính quyền trung ương và địa phương (thực tế là giảm phần đóng góp của nhà nước). Muốn thế thì phải xây dựng lại hạ tầng cơ sở vô hình là hệ thống luật lệ về kinh tế, tài chánh và thuế khóa lẫn ngân sách. Tập Cận Bình mất 10 năm thâu tóm quyền lực vào trong tay mà chưa thể phá vỡ cái vòng luẩn quẩn: quyền lực chính trị đến từ quyền lợi kinh tế nên ít ai đang có quyền lại muốn tự giảm bớt quyền lợi kinh tế và chấp nhận một đà tăng trưởng thấp hơn!...

Sau hơn hai ngàn chữ, kết luận ở đây là những gì?

- Gần 30 năm qua, với kỷ lục lịch sử là có lượng đầu tư chiếm phần lớn nhất của tổng sản lượng GDP, vì lý do chính trị, Trung Cộng đã thực sự đầu tư quá nhiều vào loại dự án ít có lợi ích kinh tế. Mà họ lại thổi lên gánh nợ kỷ lục cho việc đó!

- Sau Đại hội Khóa 20, Tập Cận Bình phải cố thoát khỏi cái bẫy xập do đảng lỡ đào rất sâu và rất rộng. Cái giá chính trị của việc cứu nguy thật ra là vĩ đại. Một là giảm số đầu tư và chấp nhận một đà tăng trưởng còn thấp hơn 3%. Hai là cố duy trì đà tăng trưởng bằng cách giữ mức đầu tư rất cao và bị gánh nợ đẩy nền kinh tế xuống vực.

- Sau trăm năm thành lập đảng (1921) và 10 năm lãnh đạo tuyệt đối, Tập Cận Bình đang đối diện với sự thật: may lắm thì kinh tế Trung Cổng sẽ có mức tăng trưởng rất thấp, nếu không thì sẽ bị khủng hoảng.

- Nhật Bản đã trải qua giai đoạn khó khăn đó từ 1992-1993 mà không bị khủng hoảng chính trị. Lòng yêu nước của người dân và tinh thần dân chủ đã tránh được thảm họa đó. Còn dân Trung Hoa chưa hề có dân chủ thì sao?



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét