Xuất thân từ một gia đình trung lưu, thấm nhuần đạo đức Phật giáo và Nho giáo ở đồng bằng sông Cửu Long. Thầy sinh ngày 25 - 4 - 1905 tại Mỹ Long, Sa Đéc. Thầy học tiểu học ở quê nhà, trung học ở các trường Mỹ Tho, Taberd, Chasseloup - Laubat Sài Gòn và Toulon ở Pháp.
Nghề y của Thầy khởi sự bằng chứng chỉ Lý Hoá Sinh (PCB) ở Marseille. Sau đó thầy là ngoại trú, rồi nội trú y khoa ở Đại học Y Paris, và tốt nghiệp Tiến sĩ y khoa, chuyên ngành giải phẫu năm 1935, với đề tài “Các khối u gây huỷ tế bào tuỷ xương ở màng hoạt dịch khớp” (Les tumeurs à mýeloplaxes des synoiviales articulaires).
Trong suốt thời gian dài ở Pháp, Thầy vẫn giữ quốc tịch Việt Nam . Sau khi tốt nghiệp, Thầy trở về nước và làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Năm 1948, Thầy và Giáo sư Phạm Biểu Tâm là hai bác sĩ Việt Nam đầu tiên đậu bằng thạc sĩ y khoa Pháp (Agrégé).
Năm 1947, Đại học Y khoa Sài Gòn, chi nhánh của Đại học Y khoa Hà Nội được thành lập. Thầy cùng giáo sư người Pháp Massias đồng phụ trách điều khiển chi nhánh này, đồng thời xây dựng khu Bệnh lý phẫu A của trường tại Bệnh viện Chợ Rẫy (GS Phạm Biểu Tâm phụ trách khu giải phẫu B ở Bệnh viện Bình Dân sau này).
Chúng tôi vào học năm thứ nhất, thứ hai Y khoa, môn cơ thể tại viện ở góc đường Triệu Đà (nay là đường Ngô Quyền) và Trần Hoàng Quân (nay là đường Nguyễn Chí Thanh), do Thầy Nguyễn Hữu làm Viện trưởng. Chúng tôi học mổ xác mỗi buổi chiều từ 1 giờ rưỡi đến 4 giờ rưỡi, sau đó học lý thuyết. Thầy Đệ thỉnh thoảng đến dạy lý thuyết năm thứ hai. Thầy có tính rất bộc trực. Tôi còn nhớ rõ như in, một sự kiện xảy ra trong cuối giờ thực tập, Giáo sư Hữu dặn chúng tôi “Hôm nay Giáo sư Đệ dạy đó, các em phải đến lớp đầy đủ”. Điều lý thú là hôm đó thầy Đệ đến trước giờ, đứng ngoài cửa sổ, nói giọng sang sảng “Anh Hữu ơi, các em là sinh viên đại học, mình phải để các em tự do chớ! Nếu Thầy mà dạy quá dở, như người đọc bài cho các em nghe và chép thì các em ở nhà tự học sẽ thoải mái hơn, chớ đến lớp để làm gì?”
Trên bục giảng, Thầy thường ăn mặc rất tươm tất: áo sơ mi trắng, tay ngắn, cà vạt hợp thời trang, giày luôn bóng loáng, bên ngoài Thầy mặc áo bluese trắng gài nút cẩn thận. Thầy cao lớn người, giọng nói rất hoạt bát, dễ hiểu, rõ ràng, điệu bộ khoan thai. Nét chữ của Thầy rất đẹp và hình ảnh minh hoạ của Thầy đậm nét và đầy đủ chi tiết.
Năm 1964 - 1965, tôi được may mắn làm nội trú uỷ nhiệm ở khu giải phẫu A Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngày đầu tiên chúng tôi trình diện với Thầy, Thầy nói với chúng tôi “Điều trị người bệnh bằng phương pháp mổ rất nguy hiểm đến sự sống, nên chúng ta phải chuẩn bị kỹ càng. Mỗi lần mổ, phải ôn lại cơ thể học và kỹ thuật giải phẫu trước khi cầm dụng cụ”. Thầy bắt đầu dạy chúng tôi rất kỹ cách cầm dao mổ, cách cột chỉ, cách may... Thầy thường nói, “Khoa học rất bao la, biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, đó là chân lý khoa học đó”.
Thầy là một nhà giải phẫu có tài, đặc biệt vào thời điểm đó, ở phòng mổ chưa có chuyên viên dụng cụ, nhưng Thầy sắp xếp bàn mổ rất thứ tự. Khăn trải trên vết mổ, khi Thầy mổ xong rất sạch sẽ, ít khi dính máu, vì nghệ thuật cầm máu và ngừa chảy máu của Thầy rất khéo.
Trong cuộc giải phẫu nào, dù khó khăn đến đâu, Thầy vẫn rất bình tĩnh, điềm đạm, không bao giờ tỏ vẻ lúng túng hoặc giận dỗi, ném dao, ném kéo hay la rầy người phụ mổ. Đối với nhân viên, đặc biệt là sinh viên, Thầy luôn luôn che chở, hỏi han một cách tận tình, trìu mến.
Theo lời thuật của Giáo sư Đặng Văn Chiếu, một trong những người học trò gần gũi Thầy nhất (Khoa trưởng Đại học Y Sài Gòn 1972 - 1974), Thầy Đệ là người con rất có hiếu, người học trò luôn nhớ ơn thầy, người Thầy hết lòng với học trò. Đối với vợ và con, Thầy là người chồng, người cha gương mẫu. Đối với mẹ, Thầy rất có hiếu, nuôi dưỡng mẹ hoàn hảo lúc mẹ còn sống, sau khi mẹ qua đời, ông thường về quê viếng mộ phần.
Trong các Giáo sư Pháp của Thầy, Giáo sư Cadenat là người mà Thầy chịu ơn nhất. Mỗi năm đến mùa hè, Thầy thường lựa chọn những trái Xoài cát chín cây, những trái Măng cụt Lái Thiêu ngọt lịm để gửi tặng bằng máy bay qua Pháp biếu thầy mình.
Thầy thường nói với chúng tôi “Các em thành công trong sự nghiệp là phần thưởng và nguồn vui của tôi rồi”. Cách nay khoảng 7, 8 năm, tôi có dịp gặp con trai của Thầy Đệ, Bác sĩ Trần Quang Châu, chuyên viên bệnh thấp khớp ở Toulon, sang làm việc với Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa ở TP Hồ Chí Minh và được biết Thầy Đệ mất vào ngày 28 - 1 - 1997 ở tuổi 92, tại Paris. Thầy ra đi rất thanh thản. Mặc dầu đang giữa mùa đông lạnh giá của Âu Châu nhưng có rất đông học trò cũ đã thành danh ở nước ngoài ngậm ngùi đưa tiễn Thầy.
Thầy ơi! Thầy thường nói với chúng em “cái gì có hình tướng sẽ thay đổi theo thời gian, cái gì không hình tướng sẽ còn vĩnh viễn”.
Thầy đã mất đi rồi, nhưng câu nói của thầy lúc sinh thời vẫn còn mãi: “Khi ta được sinh ra, ta khóc còn mọi người quanh ta mỉm cười. Hãy sống một cuộc đời sao cho khi ta chết đi, ta mỉm cười còn những người quanh ta thì khóc”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét