Đây là bài thơ cuối cùng nhà cách mạng Nguyễn An Ninh làm, trước khi ông hy sinh trong nhà tù Côn Đảo.
Sống mà vô dụng, sống làm chi
Sống chẳng lương tâm, sống ích gì?
Sống trái đạo người, người thêm tủi
Sống quên ơn nước, nước càng khi.
Sống tai như điếc, lòng đâm thẹn
Sống mắt dường đui, dạ thấy kỳ
Sống sao nên phải, cho nên sống
Sống để muôn đời, sử tạc ghi.
Chết sao danh tiếng vẫn còn hoài
Chết đáng là người đủ mắt tai
Chết được dựng hình tên chẳng mục
Chết đưa vào sử chứ không phai
Chết đó, rõ ràng danh sống mãi
Chết đây, chỉ chết cái hình hài
Chết vì Tổ quốc, đời khen ngợi
Chết cho hậu thế, đẹp tương lai.
“Một thuở, Nguyễn An Ninh là thần tượng của đồng bào lục tỉnh, của học sinh chúng tôi”.
“…người lính Pháp gác cổng trại giam tên là Rognorn đã kêu rú lên khi thấy trong chiếc bao bố là xác ông Ninh được bó trong manh chiếu. Rognorn chạy nhanh đến xin chúa đảo Côn Đảo Tisseyer một cái hòm, nhưng chẳng được gì ngoài lời chửi rủa. Bà Charlotte Printanière, vợ của giám đốc Sở điện của đảo, trước đây cùng học chung với ông Ninh, đến ngỏ ý muốn đóng một quan tài cho ông, nhưng cũng bị chúa đảo từ chối.
Vì vậy, chiếc xe bò chở xác Nguyễn An Ninh cứ như thế, lại tiếp tục lộc cộc đi qua những con đường gập ghềnh để đến khu mộ Hàng Keo. Thấy quần áo ông quá cũ nát, một người tù đã lấy chiếc áo còn khá lành lặn của mình để thay. Và họ đã tìm thấy trong túi áo ông những dòng chữ viết nghệch ngoạc như sau:” – đó là lúc người ta tìm thấy bài thơ này, vì vậy người ta đặt tên cho bài thơ là “Bài thơ cuối cùng”.
Nguồn: Nguyễn An Ninh – Dấu ấn để lại. NXB Văn học, 1997
Nhà văn Sơn Nam ghi:
Nguyễn An ninh xuất hiện, đóng vai trò tích cực rồi trở thành người được ái mộ nhờ khả năng sáng tạo về mặt lý thuyết cũng như thực hành. Nếu thân phụ của ông ao ước một cuộc Duy Tân hướng về nước Nhựt thì lần này, khi du học ông hấp thụ được những tinh túy về lý thuyết của tây phương. Ông sẵn có một căn bản về triết học Đông phương vững chắc, am hiểu đạo Phật, đạo Lão, đạo khổng. Nhưng quan trọng nhứt là am hiểu tình hình miền Nam...
Về tác phong của ông, Phan Văn Hùm đã viết như sau: "Ông người thể chất yếu, nhờ thể thao, nhờ đi xe đạp, nhờ chịu cực mới khỏe được...Người ông như vậy, cho nên về sau này ở trong ngục hễ thời tiết thay đổi là ông bị cảm ngay. Thế mà ông ghét đám thanh niên ăn sung mặc sướng, đi ra nửa bước đã ngồi xe, ông muốn bày ra một cảnh sinh hoạt tự do, mà "cần lao" như dân đi làm rừng làm rẫy: quần áo vải bô, chiếc nóp, đãy cơm, bầu nước, rồi mênh mông đâu cũng là nhà."
Tác phong bình dân ấy có sức thu hút khá mạnh. Khi vào tù cửa vừa đóng lại, thiên hạ vây chung quanh ông, khám bên kia có mấy người chun song sắt qua chào...
Có người nhận xét rằng Nguyễn An Ninh mang tâm hồn nghệ sĩ, ít nghĩ tới việc tổ chức lực lượng cách mạng. Nhưng ta không nên đòi hỏi quá nhiều ở một kẻ sĩ, một nhà hiền triết nồng nhiệt yêu nước. Cách mạng không phải là độc quyền của kẻ sĩ nhưng là sự đóng góp của toàn dân từ thế hệ này qua thế hệ khác, nhiều miền, nhiều giới.
Ông làm tròn sứ mạng của kẻ sĩ: sáng tạo, đi tiên phong, đốt lên ánh đuốc sáng rực trong buổi bình minh đầy giông tố...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét