Ông Ngô Đình Khả (1856–1923) thuộc một gia đình theo đạo công giáo lâu đời. Năm 14 tuổi (1870), ông được linh mục Caspar cho đi học 8 năm tại đại chủng viện của dòng Thừa sai Paris tại đảo Pulau Pinang, Malaysia, về tiếng Pháp, tiếng Latin, thêm triết học và thần học. Sau thời gian học đạo, ông trở về nước và dạy môn triết tại Đại chủng viện giáo phận Huế trong khi chờ đợi được phong linh mục. Tuy nhiên, sau một thời gian dài vẫn không được thụ phong nên đến năm 1878, ông Ngô Đình Khả rời tu viện làm giáo dân bình thường và lấy vợ.
Ban đầu, ông thông dịch tài liệu tiếng Latinh và tiếng Pháp và làm thông ngôn giữa các viên chức Pháp và triều đình nhà Nguyễn nên được triều đình Huế biết đến.
Năm 1896 ông được bổ vào ngạch quan lại Thái thường tự khanh (trật chánh tam phẩm), và được giao việc tổ chức trường Quốc Học mới được thành lập, lúc bấy giờ gọi là trường Cao đẳng Tiểu học (École Primaire Supérieure) với chức vụ Trưởng giáo đầu tiên.
Năm 1898 vua Thành Thái phong ông làm Thượng thư phụ đạo đại thần rồi đến năm 1902 thì thăng hàm Hiệp tá đại học sĩ. Năm 1907, ông làm Phụ chánh đại thần tại triều vua Thành Thái. Vì nhà vua có thái độ chống Pháp nên Khâm sứ Ferdinand Lévecque muốn truất ngôi vua Thành Thái, lấy cớ một bản thỉnh nguyện của triều đình yêu cầu truất phế nhà vua vì bị bệnh tâm thần. Hầu hết các đại thần đều ký vào bản thỉnh nguyện, trừ Phụ chánh đại thần Ngô Đình Khả nhất quyết không chịu ký tên. Vì vậy trong dân gian có câu truyền: "Phế vua không Khả. Đào mả không Bài". (Năm 1908, Thượng thư bộ Lại Nguyễn Hữu Bài không đồng ý việc Khâm sứ Mahé cho khai quật mả vua Tự Đức để lấy châu báu).
Sau vụ này, chính quyền bảo hộ tạo cớ, buộc Ngô Đình Khả nghỉ hưu sớm. Ông về sống ẩn dật tại Phú Cam (Huế) và mất năm 1923.
Ông Ngô Đình Khả lấy vợ là bà Phạm Thị Thân, có tất cả 9 người con: 6 người con trai và 3 người con gái.
- Ngô Đình Khôi, về sau làm Tổng đốc Quảng Nam - Quảng Ngãi, bị giết năm 1945 trong cuộc Cách mạng tháng 8.
- Bà Ngô Đình Thị Giao
- Ngô Đình Thục, về sau là Tổng Giám Mục
- Ngô Đình Diệm, Tổng thống VNCH
- Bà Ngô Đình Thị Hiệp, thân mẫu Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.
- bà Ngô Đình Thị Hoàng, nhạc mẫu ông Trần Trung Dung, Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ Ngô Đình Diệm
- Ngô Đình Nhu, cố vấn cho Tổng thống Ngô Đình Diệm
- Ngô Đình Cẩn
- Ngô Đình Luyện, Đại sứ tại Anh, người con út trong gia đình.
Tấm hình dưới đây chụp năm 1905. Trong hình có, từ trái sang: con gái lớn Ngô Đình Thị Giao, bà Ngô Đình Khả (bế con gái nhỏ Ngô Đình Thị Hiệp), ông Ngô Đình Khả, các con trai Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Khôi, con trai cả, đứng bên phải.
Tấm hình nói lên nhiều điều:
1) Ông Ngô Đình Khả không thuộc dòng dõi quyền quí, chỉ xuất thân từ một gia đình bình thường. Nhờ những kiến thức tân học thu thập trong 8 năm ở nước ngoài và trở về nước trong lúc nền nho học đang tàn lụi và nền Tây học còn hiếm và được quí trọng. Nhờ vậy mà ông Ngô Đình Khả có dịp gần gũi và phục vụ triều đình. Hình chụp vào năm 1905, lúc mà ông Ngô Đình Khả đã là Phụ chánh đại thần, ngang hàng thượng thư (bộ trưởng) trong triều. Tuy vậy về nhà vẫn sống như một gia đình nông dân, con cái từ lớn đến nhỏ đều ăn mặc xuềnh xoàng, đi chân không, trong đó có ông Ngô Đình Diệm, lúc đó 4 tuổi, trong hình đứng thứ hai từ phải sang.
Điểm này chứng minh là các quan lại trong thời kỳ quân chủ phần lớn là thanh liêm; tội tham nhũng hối lộ bị trừng trị rất nghiêm khắc nên trong sử sách không ghi một trường hợp nào có một thượng thư hay một quan lớn trong triều đình mắc tội hối lộ hay nhũng lạm của công.
2) Ông bà Ngô Đình Khả có 6 người con trai. Trong hình là 3 người con trai đầu, trong đó hai người (Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Diệm) đều sẽ có một cái chết tàn khốc, trong những biến động lịch sử.
Ba người con trai lúc đó chưa sinh là Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và Ngô Đình Luyện. Trong 3 người, hai người cũng sẽ chết trong bạo lực: ông Ngô Đình Nhu bị giết cùng với anh là Ngô Đình Diệm trong cuộc đảo chánh năm 1963, và ông Ngô Đình Cẩn cũng bị giết sau đó.
Một gia đình thật đặc biệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét