khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 5 tháng 4, 2022

Mảnh Vườn - Tác giả Nguyễn Phước Nguyên

 

Qua Mỹ được bốn năm gia đình tôi mới mua được một căn nhà. Lúc mới xuất trại, chúng tôi được một nhà thờ Tin Lành bảo trợ về ở Wisconsin. Thành phố nhỏ chỉ có mỗi gia đình tôi là người Việt. Người ta lo cho đủ thứ áo quần, chén dĩa, nhà cửa, ti-vi, tủ lạnh... Ba tôi đi học nghề theo chương trình trợ cấp của chính phủ cùng với hai anh lớn của tôi. Mẹ tôi buồn bởi chuyện hai anh tôi phải đi học nghề lắm, vì người muốn mấy ảnh đi học đại học tiếp tục. Nhưng vì tiếng Mỹ thì không rành, mà tiền cũng không có. Nên đành. Hai năm ở đó chẳng có gì lạ. Đến khi ba tôi mãn khóa, mẹ tôi bảo là ở đó buồn, ít đồng bào, mùa đông thì quá lạnh - nên người muốn dọn về phía Nam. Cũng lạ, suốt hai năm mẹ tôi chịu lạnh không thấu mà vẫn cắn răng chịu đựng cho ba tôi yên tâm đi học nghề, không nói một câu nào cho đến hôm đó. Sau nầy tôi mới biết lý do. Lần đó mục sư nhà thờ dụ tôi và em gái tôi vô đạo. Nhà tôi đạo Phật. Hai đứa tôi về kể lại, cả gia đình bàn thảo. Rồi không hiểu vì sao tôi và em gái tôi cãi nhau. Bằng tiếng Mỹ. Và mẹ tôi biết mình phải làm gì.
-----oOo-----
Khi về Houston, chỉ cò anh Hai tôi được việc làm trước nhất. Làm thợ tiện, đúng với nghề học. Ba tôi cũng chạy xuống hãng đó xin việc làm cùng với anh Ba tôi. Được cả hai. Ba tôi cũng đi làm thợ tiện. Anh Ba tôi học kỹ-nghệ-họa, nhưng cũng được cho đi quét sắt vụn. Gia đình tôi ở chung cư. Được hai năm sau cả nhà quyết định phải mua nhà - "Chứ không lẽ cứ đưa tiền cho nó mà lúc đi chẳng có cái gì trong tay.". Mẹ tôi hay nói thế. Cái-gì-trong-tay đó là cái nhà chúng tôi đang ở hiện nay. Nghĩ cũng buồn cười. Cái nhà phải trả nợ đến ba mươi năm mới là của mình, nhưng mẹ tôi vẫn thích những cái-tạm-là-của-mình đó.
Những tháng năm kế tiếp, tôi và em gái tôi vẫn lớn lên như bao đứa trẻ Việt Nam khác. Nghĩa là vô trường nói toàn tiếng Mỹ, về nhà ‘thỉnh thoảng’ chêm tiếng Mỹ vô tiếng Việt. Mẹ tôi rất hãnh diện với sự ‘thỉnh thoảng’ đó, bởi dù sao con mình cũng ít nói tiếng Mỹ ở nhà hơn những đứa trẻ khác.
Nhà tôi khá rộng, nhưng khu vườn quanh nhà thì rất hẹp. Gọi là vườn, chứ thật ra, chỉ có một vùng đất nhỏ trước mặt tiền. Những phía còn lại thì chỉ là hai, ba thước đất bọc bởi hàng rào bằng gỗ. Vậy mà mấy năm sau, ba mẹ tôi đã trồng được đủ thứ rau, trái - mỗi thứ một ít. Trên thì giàn mướp, khổ qua, bầu... Dưới đất thì quế, hẹ, bạc hà, rau răm, húng cây, húng nhủi. Buồn cười em gái tôi. Lúc đầu, mẹ tôi bảo ra vườn cắt rau là sớm muộn gì cũng phải ra cắt lấy. Bởi em gái tôi nào biết rau nào tên gì đâu mà cắt. Mẹ tôi vừa cắt, vừa chỉ. Riết cũng quen. Có điều, mỗi lần nhà ăn bún, phải cắt rau cho mẹ, em gái tôi vừa đi, vừa nói lầu bầu một mình: "Húng nhủi!... Rau gì tên kỳ cục..." Vậy đó, mà cắt cũng trúng.
Ba tôi lúc nào cũng vậy. Mỗi buổi chiều đi làm về, vô thay đồ, mặc cái quần đùi dài tới đầu gối (mẹ tôi đã cắt hai ống sau một lần bị rách), ra sau vườn loay hoay mãi cho tới khi ăn cơm mới vô. Người ngắt đọt quế, hẹ cho mau lên. Người bắt ghế lung lay giàn mướp, giàn bầu, coi có chắc chắn không. Rồi sửa lại vị trí của trái mướp nầy cho nó khỏi bị cấn, cột lại giàn bầu chỗ kia, hoặc lấy vỏ trứng gà vùi quanh gốc cây ớt, cho nó cay (?). Thậm chí, mỗi lần nhà ăn tôm, người luộc đầu tôm đem chôn dưới đất. Cho tốt. Cũng may là đầu tôm luộc, chứ nếu là đầu tôm sống chắc láng giềng họ kiện cho chết luôn, vì mùi biển quá nặng. Cuối tuần ba tôi hay đi họp lung tung. Ba tôi xưa là lính, hơn hai mươi năm. Những lần đi như thế, người bảo tôi ở nhà tưới cây, tưới rau. Tưới cây là một cực hình với tôi. Nào là giàn bầu, giàn mướp phải tưới gốc cho thiệt ướt, rồi phải tưới lên trên giàn nữa. Rau thì phải tưới nhè nhẹ, kẻo trôi đất, tróc rễ. Còn mấy bụi hồng trước nhà ba trồng cho mẹ nữa. Phải vặn vòi nước thật nhẹ, tưới lên lá, lên hoa ‘như sương’ cho tươi lâu hơn. Đó là chưa kể lâu lâu bị kiến cắn. Nhà tôi có một ổ kiến lửa khá to sau vườn. Mẹ tôi không cho phá đi, sợ tội sát sinh. Ba tôi không đồng ý, nhưng cũng chìu theo ý mẹ. Mẹ bảo để nhìn nếu kiến dời tổ là biết khi nào có mưa lớn. Lúc đoán đúng thì mẹ nhìn ba nói: "Anh thấy chưa!". Còn khi nào đoán trật thì mẹ lại bảo: "Tại vì con kiến Mỹ nó... ngu hơn kiến Việt Nam!". Lúc đó, ba tôi thường ngó tôi nháy mắt cười hóm hỉnh. Hình như mẹ tôi cũng muốn cười lắm, mà cố làm nghiêm.
-----oOo-----
Cánh đây mấy năm, bão Allen thổi vào Texas. Lúc đó ba tôi đi họp xa, gọi điện thoại về nhà bảo tôi cột chặt lại giàn mướp, giàn bầu cho chắc - kẻo không gió thổi sập hết. Tôi dạ dạ, vâng vâng. Nhưng rồi lại quên hẳn đi vì mê coi ti-vi đến khuya. Sáng hôm sau, khi bão tan, ba tôi về lúc tôi còn đang ngủ. Người ra sau vườn lui cui một mình lấy cây gỗ chặt nhỏ làm lại giàn mướp bị bão thổi sập đêm qua. Mẹ tôi thì đã lục đục trong bếp từ sáng sớm, như ở Việt Nam, để khi ba tôi về có cháo ăn sáng cho khỏe sau chuyến lái xe đi họp xa. Tôi thức dậy trời đã sáng hẳn, nghe tiếng ba tôi đang chẻ cây sau vườn. Sực nhớ tới giàn mướp, tôi tốc mền chạy ra - Ba tôi đang ngồi chẻ cây bằng con dao sắt mà anh Hai tôi đã làm trước khi bỏ nghề thợ tiện để đi học lại đại học. Thấy tôi, ba nói: "Thằng Út! Vô nhà thay đồ đi, rồi ăn sáng. Mẹ có cháo ở trỏng.". Và tôi chết sửng, tưởng sẽ bị la một trận nên thân. Nhưng không. Hình như ba tôi đã đoán trước định mệnh giàn mướp của người. Tôi vô nhà sửa soạn, thay đồ. Vừa tính ra phụ ba thì mẹ tôi đã gọi ngược lại, bắt ăn hết tô cháo lót lòng rồi mới cho đi ra vườn. Khi ra đến nơi, ba tôi đang đứng trên ghế chấp cây làm lại giàn mướp. Người bảo tôi đứng ở dưới chuyền cây lên để cột cho lẹ. Dưới ánh nắng vào trưa, bóng của ba tôi vô tình ngả lên chỗ tôi đứng. Và tôi chợt muốn khóc, thấy mình thật có tội. Ba tôi vừa làm, vừa nói với tôi:
- Sửa lại giàn mướp cho con Út (em gái tôi) có mướp ăn. Út nó thích mướp. Tội nghiệp, lúc đi còn quá nhỏ nên nó đâu có biết mướp ở bển ngọt ra sao. Con may mắn hơn em, sinh trước mấy năm, nên còn nhớ.
Từ đó, tôi biết thương cái vườn. Tôi biết niềm vui những khi ra sau vườn, tìm được một trái mướp mới, còn non nằm núp sau đám lá rậm. Mỗi lần nhà ăn tôm, tôi cũng biết tự động xách cái xẻng theo ba tôi mang đầu tôm luộc ra sau vườn chôn dưới đất. Cho tốt.
-----oOo-----
Mùa đông năm nay sắp đến. Hôm qua ba tôi cùng tôi bứng rau bỏ vô chậu nhỏ đem vô trong nhà để làm giống cho năm sau. Người đem cỏ khô để dành từ những lần cắt cỏ mùa hè phủ lên khoảng đất đang trụi dần, bảo làm như vậy mùa xuân năm sau rau sẽ mọc nhiều hơn. Nhìn khoảng đất đầy cỏ khô, người nói với tôi:
- Từ đây về sau con ráng lo vườn rau cho mẹ. Ba sẽ bận nhiều hơn. Hai anh con còn đi học. Con may mắn hơn hai anh, được học hành suôn sẽ. Bây giờ đi làm trước thì lo lại cho mẹ và em. Đừng như ba hồi đó sớm xa nhà, bây giờ có muốn lo cho Bà Nội, Bà Ngoại, chú Sáu, cô Bảy của con cũng không làm sao được. Con lớn rồi, đủ để hiểu những điều ba nói, những chuyện ba đang làm. Ba già rồi, nhưng ba không muốn chết già bên nay. Còn con Út nữa. Ba muốn nó được tự do ăn cây trái, rau cải bên nhà. Rau trái trồng bên này ăn hổng ngọt bằng bên bển. Con hiểu không?
Tôi gật đầu, nhớ lại những lần ba tôi bàn với mẹ về một chuyến đi xa, sau kỳ đi họp mùa bão năm nào. Em gái tôi, lúc đó, từ trong nhà bước ra. Một tay cầm rổ, tay kia cầm con dao nhỏ để cắt rau. Vừa đi, vừa nói lầu bầu một mình:
- Rau húng nhủi !... Tên gì kỳ cục...
Tôi ngó ba tôi. Ánh mắt người nhìn em gái tôi thật hiền từ. Chợt tôi nghe thương ba, mẹ và em gái tôi thật nhiều. Và tôi bỗng dưng thèm được cùng có mặt trong một chuyến đi xa nào đó, sẽ đến, với ba tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét