Ngày đầu tiên đi học lại sau biến cố lịch sử 30/04 lớp chưa chia Ban nên dễ biết ai đi, ai ở. Lớp tôi vắng nửa lớp. Đứa nào vắng tức là đã rời khỏi Việt Nam rồi. Không khí ngột ngạt. Cuối giờ học H lù lù xuất hiện trước cửa lớp. Nó kêu tôi ra ngoài hành lang và nói nó rút hồ sơ, không học ở đây nữa mà đi về quê ở TN. Nó nói nhà trong Huỳnh Hữu Bạc bị mất, ba nó trung tá Không Quân đi tù ở ngoài Bắc không có tin tức. Gia đình nó quyết định đi kinh tế mới (KTM) để cho ba nó được về sớm, còn nó học ở quê để giảm nhẹ lý lịch với hy vọng cơ hội vào đại học lớn hơn [SIC] . Nó nói ở trong rừng nên không có địa chỉ để liên lạc. Lúc đó tôi nghĩ rằng tôi sắp mất thêm một thằng bạn nữa.
Chuyện HỢP-TAN-HỢP của tôi và H giống như trò chơi Năm-Mười.
Sáu năm sau, năm 1981, tôi và H bất ngờ đối mặt nhau tại cổng trường đại học Bách Khoa (DHBK), hé mở chỉ đủ cho 2 xe ra-vào. Cuộc đoàn tụ của 2 thằng bạn Võ Trường Toản xúc động không sao tả xiết. H ngậm ngùi kể rằng gia đình nó trả giá quá đắt cho chuyến lập nghiệp ở KTM. Ba nó vẫn chưa về, má nó bệnh không làm việc nặng được nhưng buồn nhất là việc thi cử của nó thật lận đận. Tôi gọi đó là khúc bi tráng. Thật vậy, H làm được việc đáng nể, nó đậu vào DHBK liên tiếp 4 năm 1978, 1979, 1980 và 1981 nhưng Ban Tuyển Sinh của tỉnh TN không cho nó đi học. Lý lịch của của cha là một rào cản cho mọi nỗ lực vào đời của thằng nhỏ. Mỗi lần đậu mà không được đi học nó thấy tủi thân và bế tắc. Nó xa lánh hết mọi người. Đi làm ruộng để chờ năm sau thi lại.
Năm 1981 nó lại đậu với điểm rất cao nhưng vẫn không được đi học. Nó uất ức nên quyết định đánh một ván cờ tàn. Nó gặp ông Bí Thư tỉnh, sau ít phút trình bày với bằng chứng về thành tích thi cử, ông thấy nó thực thà và hiếu học nên ký giấy đặc cách cho nó đi học. Chuyện chưa có tiền lệ này tạo nên một tiếng vang toàn tỉnh rồi H trở thành người nổi tiếng. Nó được đi học và giờ đây tôi có thêm một thằng bạn VTT để hàn huyên tâm sự và để giải tỏa tâm trạng u uất và cô độc ở chốn dường như không dành cho những thằng có lý lịch như tôi và H. Thực tế, những lần gặp gỡ của chúng tôi ở sân trường thật hiếm và ngắn. Gặp nhau lần nào cũng vội.
Ngày tôi ra trường đánh dấu một giai đoạn TAN lần thứ II giữa 2 đứa vì tôi không còn dịp gặp nó nữa.
13 năm sau, năm 1996, tôi đến TN để làm việc với công ty Tư Vấn. Anh Y, giám đốc, xác nhận H là kỹ sư của công ty này nhưng đã đi Mỹ theo diện HO nhiều năm nay. Anh Y nhận xét, H. lầm lì, ít nói nhưng lại nổi bật ở mọi nơi. Hồi học ở trung học H giỏi nhất tỉnh, vào BK vẫn học giỏi, làm việc ở cty này lại là một kỹ sư rất xuất sắc khiến anh phải thay đổi hệ thống lương để hợp thức hóa mức lương của H. Tôi ví von H là loại bê-tông phát triển cường độ muộn. Đó là dạng học sinh khá ở lớp dưới nhưng thực sự xuất sắc từ cấp III, đại học và thời gian dài sau đó. Cuối buổi, anh dành cho tôi sự bất ngờ, anh nói H mới về VN hôm qua hiện đang ở nhà tập thể phía sau công ty.
Cuộc gặp gỡ lần này bất ngờ đến mức nó lắp bắp, không nói được lời nào. Nó kể sang Mỹ nó phải cày bừa vì ba nó bệnh nặng do lao lực và thiếu ăn trong tù ở Bắc Việt, má nó cũng không khỏe, con nó còn nhỏ. Vì vậy nó không có duyên với con đường học hành ở Mỹ. Tôi thấy thật tiếc cho H và tiếc cho nước Mỹ.
Chia tay với nó lần đó tôi không nghĩ lâu đến như vậy. 14 năm.
Tháng 04/2019, trong buổi làm việc với tỉnh TN tôi lại hỏi thăm về nó. Nhờ nó quá nổi tiếng mà tôi có được thông tin của nó. Tháng 07/2019, H về VN. Cuộc đoàn tụ của hai thằng đàn ông từng trải có quá nhiều chuyện để kể. Được và mất. Nó nói dẫu sao lập nghiệp ở Hoa Kỳ vẫn tốt đẹp hơn chuyến lập nghiệp ở KTM năm 1975. Mừng cho hậu vận của nó.
Dâu bể cuộc đời. Tuy vậy có một điều vẫn không thay đổi, H vẫn lầm lì, ít nói, lặng lẽ, phớt tỉnh Ăng-lê, sống đời ẩn sĩ. Tôi tự hỏi chia tay lần này, bao lâu sẽ gặp lại?
Tái Bút
Chính Sách Thi Tuyển Đại Học Để Loại Hậu Duệ VNCH
Để ngăn chặn con của quan chức và quân nhân VNCH vào các trường ĐH, chính quyền mới đã lập ra 2 hàng rào:
1) Điểm: Thí sinh bị chia ra 14 nhóm, mỗi nhóm có một điểm đậu khác nhau, con của VNCH thuộc nhóm 11 đến 14 phải đạt một điểm rất cao mới đậu, nhóm 14 thì gần như khong có hy vọng. Sang năm 1988, thế hệ 7X là thí sinh, người ta chia làm 4 nhóm thay vì 14. Sự chênh lệch điểm ưu tiên cũng đã rút ngắn lại. Kết quả này là do báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên (ông Võ Văn Kiệt đứng phía sau hỗ trợ) phản đối rất mạnh
2) Ban Tuyển Sinh (BTS): họ lập ra mỗi tỉnh cái gọi là BTS, ở Sài Gòn nằm tại 104 Nguyễn Đình Chiểu Q3 (gần ngã tư Mac Đĩnh Chi). Khi thi ĐH, chuyện đậu hay rớt là chuyện giữa thí sinh và trường ĐH (điểm là tiêu chuẩn để xét) nhưng chuyện được đi học hay không lại là chuyện giữa BTS và thí sinh.
- Ở Sài Gòn: trường ĐH gửi giấy báo về nhà nên BTS không có cơ hội sử dụng hàng rào 2 trên để loại thí sinh nhóm 11-14. Thí sinh này chỉ cần đạt điểm cao theo nhóm của mình là được học. Tụi tôi có một nhóm khoảng 10 người chơi với nhau trong trường đều ở trường hợp này.
- Ở tỉnh: trường gửi giấy báo trúng tuyển về cho BTS. Ban này chặn lại tất cả học sinh nhóm 11-14 nên không có trường họp nào con cái VNCH ở tỉnh đi học DH được. Đó là lý do H (trong bài viết này) không thể đi học được.
BTS ở các tỉnh toàn là những tên ít học, không liên quan gì đến chuyện thi cử nhưng lại quyết đinh tương lai của các thí sinh và phủ quyết kết quả thi!
Gần nửa thế kỷ nhìn lại sự trả thù của bên thắng cuộc mà thấy thật cay đắng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét