khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2022

Ký-Ức-Về-Cõi-Tạm Trên Vỉa Hè Sài Gòn - Tác giả Huy Tưởng

 

Câu hỏi của Bạn như ngọn gió mạnh thổi thốc tháo vào chốn trú ẩn bình yên, như hồi chuông vỡ úng lửa làm chóa lóa tâm trí, biết bao hình ảnh trái nghịch chồng chất nháo nhào xô liếp lên nhau của một thời kỳ hàm hồ hỗn hào có thật, thật đến không sao có thể tin được cho dù chính mình chứng kiến và kể lại, giữa những cùng cực cam khó, bị dọa dẫm, răn đe tra tấn tinh thần,... bên cạnh một vài đốm sáng ít ỏi và nhỏ nhoi mà kín đáo tội nghiệp của tình bằng, tình người, tình động vật,..
Với giới hạn của một bài viết ngắn, tôi chỉ xin nói thoáng qua, một cách sơ sài với rất nhiều thiếu sót khó thể tha thứ (mà lẽ ra phải được kể suốt từ vài trăm đến hàng ngàn trang) vì thế nên đã nhiều lần tôi xin được thoái thác nói về nơi chốn & thời điểm “đa cảm” lắm ngậm ngùi này.
Tên hiệu “Quán Vỉa Hè” hay những tên hiệu khác như: Quán Mái Đình, Quán Văn Nghệ, Quán Cõi Tạm, Quán một-trượng-vuông,... đều do quý khách thân yêu cảm nhận mà đặt cho, tùy theo cảm khái riêng của họ về một xéo đất bé nhỏ nhưng luôn thay biến bất ngờ từng phút, từng giờ, từng…
Quán được hình thành khoảng những năm 80' thế kỷ trước, trên một ô vuông thuộc mái đình Phú Hòa, trên đường bà Lê Chân, góc đường Trần Quang Khải, Q.1 Sài Gòn. Thời ấy, có được một “mặt bằng” dù không đủ cho một chỗ đứng như thế cũng vô cùng quý hóa: có một điểm để gặp gỡ, thăm thính hỏi han nhau mà không phải mắc trọng tội “tụ tập bất hợp pháp”.
Ban sơ, chúng tôi mời các Bạn, buổi sáng uống trà, buổi chiều cùng nhau góp “củi”, gọi một vài xị rượu quốc lũi rẻ tiền, cùng nhau lai rai nhâm nhi tiêu sầu, tỉ tê tâm sự hay câm lặng mặc lôi,…
Chỉ đơn sơ vậy thôi, nhưng đã tạo nên một bầu khí vô cùng hấp dẫn, đơn cử trường hợp một người chưa bao giờ có thể nhấm nỗi một giọt rượu như nhà văn NguyễnmộngGiác, thế nhưng cứ đợi đến chiều là anh có mặt trước, trang trọng sửa soạn một mâm riêng, kêu trước nửa hay một xị rượu ngâm, tùy theo tài chánh hôm đó, tôi gọi mồi, gồm đậu rang, dưa chua,... và đợi hai ông thần thân yêu là NguyễntônNhan, HoàngngọcTuấn (nhà văn) đến, thế là đủ... một sòng. NguyễnmộngGiác tuy chỉ phá mồi rất chừng mực nhưng lại “say” nhanh nhất, phát ngôn điềm đạm với nhiều ẩn dụ, nhất là sau lần vượt biên thất bại, ba chúng tôi phụ họa tếu táo nhưng đầy thân ái. Nhiều lần ôm nhau khóc tỉ tê đến nghẹn lòng!
Sau một thời gian, các bạn đồng loạt yêu cầu chúng tôi cho uống cafe', giá rẻ. Đề nghị đó, quả đã khiến chúng tôi vô cùng bối rối vì, trước nay chỉ biết uống chứ có biết gì về pha chế. Các bạn làm khó mình quá. Đúng là... “được voi lại đòi...hai bà Trưng”!
Thế nhưng, đúng một tuần sau, chúng tôi chính thức khai trương Quán-Vỉa-Hè, Tân Định.
“Quán” được bạn bè văn nghệ hưởng ứng, bà con trong vùng giúp đỡ. Nhộn nhịp đến bất thường!
Như truyện hài hước của nhà văn trào phúng Thổ Nhĩ Kỳ Ezit Nexin trong “Những Người Thích Đùa” kể rằng, một quán xá nào có nhiều khách thuộc giới văn nghệ sĩ thì đồng thời tháp tùng theo đông đảo khách Công an Văn hóa, An ninh chìm nổi các thứ…
Và quán cafe' một-trượng-vuông nhỏ nhất thế giới của chúng tôi bất chợt đông khách đến phát ngợp, bá tánh chen chúc tự “kê bàn chiếm đất”, ghép riêng từng tụ, từng tụ. Biết tụ nào phe ta, tụ nào sẽ bắt phe ta... làm việc?!
Thuở ấy, con đường này còn rất tối tăm, vắng vẻ về chiều và đêm, hai bên vệ đường nhấp nham ẩn hiện hàng trăm tụ, thì thào to nhỏ như họp bàn sắp lao vào trận đánh lớn. Nhưng, với thời điểm ấy, 99% bàn soạn chung quanh một chủ đề thời thượng sống chết duy nhất là: vượt biên.
Quán có hai bức tường nhỏ, thay nhau treo các tranh nghệ thuật của NguyễnTrung, NguyênKhai, ĐinhCường, NguyễntríMinh, NguyễnQuỳnh, KhánhTrường, TháiTuấn, Rừng,… thỉnh thoảng có các guitarist như PhùngtuấnVũ, ChâuđăngKhoa, VũngọcGiao, TrầnvănPhú,... cao hứng trình diễn nhạc cổ điển Tây Phương, hoặc NguyễntrọngKhôi, HồngNga,... với những ca khúc tiền chiến. Giai đoạn đáng ghi nhớ nhất có lẽ là những ngày-tháng-đứt-đoạn với sự xuất hiện của nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn (Úc Châu) sau hoặc thời gian bị cầm tù hoặc vượt biên thất bại, xuất hiện cùng nhóm của anh như VõquốcLinh, HoàngđìnhBình,.. trình bày những ca khúc do anh sáng tác, trong đó có Bài Hát Chào Hàng viết riêng cho Quán Vĩa Hè, ca khúc Cánh Diều Thưở Nhỏ,... được nhà phê bình nghệ thuật TháiBáVân, dịch giả (kiêm nhạc sĩ) TrươngđìnhCử hết lời ca ngợi.
Hoàng Ngọc-Tuấn lao vào cuộc trốn thoát tìm tự do với một sức hút mãnh liệt, lập một kỷ lục chưa từng có, & lần thứ 28 anh mới cập bến Úc Châu. Và không thể không kể đến đệ nhị kỷ lục là VõquốcLinh với 27 lần mới vượt thoát! Sau mỗi lần thất bại hay bị nhốt tù, các bạn ấy lại về với quán chúng tôi, ngày phục vụ bưng bê, tối tản mát tìm chỗ ngủ tạm, riêng VõquốcLinh về ở “bất hợp pháp” với chúng tôi, nhỏ nhẹ, lẻn lút rất khổ sở, tội nghiệp.
Những nhân vật nổi cộm thường thầm lặng chọn cho nhóm mình một góc quen, TrịnhcôngSơn, TháibáVân, ƯngLang, TônthấtVăn,.. ở một góc bên kia đường. ĐinhCường, DươngnghiễmMậu, LữQuỳnh,... DiễmChâu, LêkhắcCầm, ChânPhương, MinhNgọc,... DươngTường, DươngThụ, TrầnTiến,… khách thường trực của chúng tôi không sao kể xiết, từ NghiêuĐề, NguyễnchíKham, NguyễnquốcTrụ, ThànhTôn, NguyễnnguyênPhương, HoàngtrúcLy, BéKý, HuỳnhhữuỦy, TrầnÁng Sơn, NguyễnđìnhThuần, HồthànhĐức, PhạmviệtCường, TrầnquangLộc,... đến TrươngđìnhCử, MaiChửng, CaoxuânHạo, PhùngQuán, NguyễnvănTý, LêThương, BùixuânPhái, ThanhtâmTuyền, ĐỗhồngNgọc, NguyễnđìnhToàn, HữuLoan, Ýnhi, VũthưHiên, ĐỗlongVân, NhãCa, HoatưởngDung, NgọcthứLang, HuỳnhphanAnh, TrụVũ,…
Cùng với những nhân vật văn hóa đáng quý kính, quán cũng phải tiếp nhiều khách “quen mà lạ, lạ mà quen”, thỉnh thoảng tuôn ra những phát ngôn đa nghĩa bí ẩn khó hiểu, vừa gây hoang mang vừa như đe dọa, dễ khiến nghi kỵ, tránh né & thủ thế, có lần chính họ lại lớn tiếng thách thức nhau đến mức phải động thủ, gây thương tích, sứt đầu mẻ trán chỉ vì cuộc “lục súc tranh công” lấy điểm với chế độ mới, vô cùng hăng say, thảm thiết, đáng xấu hổ! Nó ngược hẳn cuộc thư hùng giữa hai nhà thơ trong hồi suy kiệt, tán đởm vì thế cuộc, vì tình cố cựu thân mến, cuộc thư hùng không gây trọng thương, chỉ nối thêm tình yêu mến mà, KhánhTrường đã cười vang, biếm nhẽ một cách thú vị: đây là cuộc tỉ đấu ngoại hạng chưa từng có giữa hai võ-sĩ-suy-dinh-dưỡng thời kỳ cuối! Mọi người vừa cười vừa... lau nước mắt. Ai ngờ, cuộc bể dâu đến nỗi gây ra bao hung hiểm quá cùng như thế?!
Và cả KhánhTrường nữa, một trưa nắng như đổ lửa, đã dồn hết nộ khí, ức chế, ném vùi dập, ném ngất vỡ những chai lọ để “quyết xô xát, ăn thua đến cùng” không khoan nhượng với chỉ một... bức tường (câm)!
Phải chăng, khi con người (nhạy cảm) bị rơi vào những tình cảnh quá cùng của cô độc, thì bạo động có phải là mối tương quan cứu rỗi duy nhất để tự giải thoát trong nhất thời?!
Nhân vật đặc biệt thứ nhất là, thi sĩ TôthùyYên, anh đúng hẹn với các bạn thuyền của bào đệ tôi vào một buổi sáng ChúaNhật, ngồi ngay ngắn kín đáo phía bên trong quán, chuẩn bị trực chỉ bãi Cần Giờ, đợi đến giờ ra khơi, nhưng ác thay, sau đó bị (tự) bại lộ vì chính TôthùyYên thầm lặng cắt tĩnh mạch để tự sát (bất thành), khiến cho…vỡ tổ!
Đầm Tôm Cua Cá của chúng tôi bị quản thúc, bị tịch thu.
Nhân vật nổi cộm mà ai cũng phải biết đến, đó là đười-ươi-trung-niên-thi-sĩ BùiGiáng. Anh có mặt tại quán tự buổi ban đầu, chăm chỉ từ sáng tinh mơ đến khi đóng cửa, anh vừa như ảo vừa như thực, “trình diễn” đa phong cách, từ thi ca, triết học đến võ thuật, từ kiếm hiệp kỳ tình đến trần trụi xót xa thời sự ,... không ngừng nghỉ. Thỉnh thoảng Anh vắng mặt vài hôm vì, hoặc bị bệnh hoặc bị dân phòng vứt vào hố rác nào đó hoặc đang bận bịu rong chơi Sài Gòn-Chợ Lớn cho “đã đời du côn” ít hôm. Anh biến quán thành một sân khấu, gây nên cuộc đại náo đến mức an ninh luôn cật vấn, theo dõi, và nghi ngờ chúng tôi là kẻ bày trò, “chủ trương phản động” như vậy.
Nhưng dù gì, anh cũng đã để lại một dấu son lớn, bạo liệt mà trầm thống về thế sự, của một giai đoạn lịch sử. Anh rực rỡ náo nhiệt đến lặng lẽ hùng tráng, trong một đoạn đời quán, tình cờ ngắn ngủi, nhiều cay cực thê thiết của chúng tôi.
Cũng không thể không nhắc đến những nhân vật thứ ba, đó là những người sáng chiều lui tới với rất nhiều lo toan cho cuộc sống nhưng vẫn luôn ấp ủ giấc mơ học thuật mà, về sau cũng đã thực hiện được nơi viễn xứ, chẳng hạn như KhánhTrường (với tạp chí Hợp Lưu), KhếIêm (với tạp chí Thơ), NguyễnmộngGiác (với Văn Học), Hoàng Ngọc-Tuấn (với Tập Họp, Việt, Tiền Vệ), Diễm Châu (với Trình Bày), NguyễnxuânHoàng (với Văn),... tất cả đều được thai nghén từ trong giấc mộng vỉa hè ngột ngạt này mà bước ra, nói như Chân Phương, Thường Quán, nó đã trở thành “Miễu Thờ” của những cơn mơ cứu rỗi...
Có cần phải nhắc đến các “biệt hữu” Nàng tiên nâu của chúng tôi không? NgọcthứLang (đã qua đời trong trại cải tạo Xuyên Mộc), NguyễnquốcTrụ (hiện sống tại Canada), và HoàngtrúcLy, đã may mắn cai nghiện được nhờ bác sĩ Tuấn (Tuấn, con trai nhà văn BìnhnguyênLộc?) tại TT2NN, sau khi bị một “thi sĩ” khác tố cáo về tình trạng vừa trốn quân dịch vừa nghiện thuốc phiện, trong khi chờ lãnh giải thưởng về bộ môn thơ năm đó (theo tin từ giám khảo Tam Ích), phải “nhường” lại cho... thi-sĩ-khác!
HoàngtrúcLy đã sống một cuộc đời chót vót như người thi sĩ. Anh có “nét đẹp” không sao tả được, vừa thơ mộng vừa ngông cuồng khoáng đạt, thông thái mà ngờ nghệch trẻ thơ, đăm đuối…
Riêng NgọcthứLang, anh nức tiếng với bản dịch “Bố Già” thì ai cũng biết, nhưng kề cận bên anh nhiều năm tháng, tôi luôn đặt ra một câu hỏi mà không sao có thể trả lời: Tại sao anh không là thi sĩ?
Bầu khí bình dân và nghèo khó đượm chút thanh nhã ấy đã được các bạn hữu xa gần quan tâm, từ Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc xuyên qua miền Trung, rồi Cao Nguyên cho đến đồng bằng sông Cửu Long, và... hải ngoại, nhưng “quan tâm” nhất vẫn là chính quyền địa phương, là an ninh từ cấp phường đến thành phố. Họ vây khốn chúng tôi, tra hỏi xục xạo đời tư, vòi vĩnh lẫn hăm dọa dưới nhiều cách thức,… lệnh cấm đoán bằng miệng, buộc đóng cửa bất thường nhưng vẫn phải nộp thuế, mua công khố phiếu, đóng góp ủng hộ các phong trào,… nên thỉnh thoảng bị các thân hữu cười mỉa vì những “thông báo” (chảnh chọe, tay chơi, nghệ sĩ, nhà giàu giả dạng,…) tạm đóng cửa vì những lý do... vô cùng hài hước và không tưởng! Tất cả đều không sao hiểu nỗi, riêng chỉ một chàng công an khu vực là... biết tuốt. Mỗi tuần, hết ủy ban đến công an phường, phòng thuế,... gọi lên “làm việc”. Một lần duy nhất bị công an thành phố gọi lên sau buổi họp mặt mừng thôi nôi con của một thi sĩ bạn, người Hà Nội, chúng tôi chỉ nói về một chủ đề duy nhất: các khuynh hướng Thi Ca mới của Việt Nam & thế giới. Tất cả chỉ có bốn nhà thơ, hai Nam hai Bắc & cặp vợ chồng họa sĩ nghiệp dư người Hà Nội. Vậy mà sau này, nhà thơ chủ nhà bị bắt tù tận ngoài Bắc vì một lý do nào đó, chúng tôi (gần như) lần lượt bị gọi riêng lên Sở. Không ai nói về ai gì cả nhưng đã nảy sinh lòng nghi kỵ trong nhau vô cùng xót xa (!). Ai cũng đau buồn và luôn tự hỏi: Chỉ có năm người anh em thân thiết, vậy mà ai kẻ nỡ lòng vu họa, bịa đặt hãm hại lên nhau?!
Quả là một thời kỳ của bất hạnh & khốn đốn! Thời của nghi hoặc & chia rẻ trầm trọng. Gian lận, đánh tráo mọi giá trị, giữa sự chính trực ngạo nghễ và những ton hót nịnh bợ, tự bôi đen phẩm cách.
Sau mỗi lần bị gọi lên “làm việc” như thế, tôi hốc hác nghe xương thịt mình suy nhão, hồn phách lửng lơ thất tán như con ma lạc giữa ban ngày, cho dù tôi đã vận dụng hết năng khiếu u mặc vốn có để giữ cho thân thủ được vững vàng trước những cơn sóng bạo lực sấn sổ thường xuyên. Nhiều lần, vì thương cho nỗi nhục nhằn, bầm-dập-vô-ích của chúng tôi mà các bạn thiết như giáo sư TônThất TrungNghĩa, các nhà thơ HànguyênThạch, PhannhựThức,... vừa phụ giúp phục vụ quán vừa thực lòng khuyên giải chúng tôi nên “bỏ phứt Quán đi cho khỏi phải khổ tâm mệt trí, ích gì mà tự đày đọa như thế”. Biết vậy, nhưng các Bạn có thể chia sẻ điều quỷ mị này trong tôi được chăng: ban sơ, tôi tự xét lượng mình không sao đủ “sức khỏe” để đấu đôi công với cái thực tế bạo ngược này, dù chỉ nửa hiệp, chắc là phải đầu hàng sớm mất thôi, nhưng sau một vài lần xung trận, trạng thái chuyển đổi từ khiếp đảm sang “nghiện ngập” lúc nào không hay. Mỗi lần bị gọi lên, tôi lại nghĩ thêm ra được những trò hí lộng khác để tự chọc cười, tự “động viên”, trấn an mình và cho cả các hung thần; bao dung và vị tha cho cả một hệ thống trong thời kỳ gọi là “quá độ”: bước từ hèn kém này sang nhỏ mọn, bần tiện khác, rất đáng tội nghiệp! Tôi “nghiện” đến mức, lâu không bị hỏi han, bị la lối ne nẹt thì lại cảm thấy thiếu thốn, hao hụt sao ấy, mất cơ hội phát huy năng khiếu trào phúng lẫn tính kham nhẫn chịu đựng, vì chính nó đã huân tập cho tôi lòng thương cảm, tính vị tha & buông xả. Bất diệc lạc hà? Thế chẳng vui sao?
Sau này, đến khi mất lạc hẳn cái trượng-vuông-quý-hiếm ấy cũng vì cái triết lý tiêu cực thổ tả trên. Tôi chán & hận nó tận óc, nhưng Bạn ạ, tôi còn lay lắt đến hôm nay cũng nhờ cái mớ... thổ tả đó, nó “dinh dưỡng” tôi bằng các thứ cặn bã cám heo thời đại, nó thúc bách trong tôi niềm u phẫn lẫn trịch thượng trước những đòn roi tra tấn bởi thói đời phản trắc như rắn độc. Thì, Bạn ơi, ngoài kia từng liếp nắng chiều đang trĩu nặng nhánh cành, tiếng chim cóng cớt gọi nhau, can cớ chi cứ phải gây gổ với số phận cho nhọc lòng mênh mang mây trắng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét