Người dân kể chuyện mẹ của ông Thiệu không thèm vào Sài Gòn ở với con trai mà vẫn cứ bán bánh canh ở chợ Phan Rang, rằng ngôi nhà của thân mẫu TT VNCH nhỏ và đơn sơ lắm.
Nghe đâu, khi xây cất nhà cho mẹ, ông Thiệu không đồng ý trưng thu - lấn đất của nhà hàng xóm, bằng chứng là mấy cây dừa trên 50 năm tuổi làm hàng rào giữa hai hộ gia đình vẫn còn nguyên.
Người dân còn kể cho tôi nghe rằng các quan chức địa phương muốn làm đường trải nhựa vào con hẻm có nhà thân mẫu của TT nhưng ông Thiệu không đồng ý, với câu nói đại ý, nếu rải nhựa thì mọi con hẻm tương tự ở Phan Rang đều phải được rải như nhau...
Mấy chục năm là quãng thời gian không hề ngắn đối với một quốc gia dù đứng dưới bất kỳ góc độ muốn tư biện nào. Mọi ý đồ đổ lỗi cho chiến tranh hay thiên tai, “khủng hoảng chung của thế giới”, thực chất chỉ là muốn khỏa lấp cái trì trệ, kém cỏi của tư duy kinh tế - xã hội hiện đại.
Để chứng minh cho điều này, lịch sử nhân loại không hề ky bo: Chỉ cần nhìn vào sự tương phản tàn nhẫn giữa hai miền Nam – Bắc Triều Tiên là đủ để biết sai lầm của quyền lực đã gây ra những hậu quả khủng khiếp và tồi tệ như thế nào! Những người tự xưng là cộng sản ở Triều Tiên có thể bất chấp tất cả - kể cả số mệnh của đất nước, của hàng triệu người dân miễn là bảo vệ được quyền lợi khổng lồ được sinh ra từ “nguyên tắc” cha truyền con nối.
Tôi ngắm mấy tấm ảnh tôi chụp căn nhà nhỏ (xin nhường sự phân tích, nhận xét cho bạn đọc) của thân mẫu ông Nguyễn Văn Thiệu, ngắm ảnh cái “biệt thự” ven biển của ông, dành cho riêng ông mỗi khi về thăm quê (nghe đâu nguyên trạng đến 90%) trong những ngày hè bức bối để chiêm ngẫm về một cái gì đó thật khó lý giải từ vô thức. Chợt giật mình vì “mới ngộ” (như lời Đức Phật – prajnã) được một trong những điều tối giản của hiểu biết: Lịch sử bị bóp méo cũng nguy hiểm chẳng khác chi tội giết người bởi nó giết chết sự thật, giết chết cả niềm tin của cả một thế hệ. Tôi chẳng phát hiện được gì nhiều nhưng chắc chắn đã thu được một điều: Căn nhà nhỏ đó không thể mang tính thuyết phục của bằng chứng về sự tham nhũng ghê gớm của ông Thiệu, như tôi đã từng được dạy, không chỉ một lần!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét