khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2022

Toshikoshi Soba! - Tác giả Vũ Đăng Khuê

 

Tôi sống ở Nhật đã lâu, thay họ đổi tên cũng cả mấy chục năm rồi, nhưng hình như trong tôi vẫn còn quanh quẩn cái mùi….rất Việt Nam, nói theo cách nói của cố nhà báo Lê Thiệp là “vẫn còn vướng mắc tí bùn Rừng Sát, tí mằn mặn của Biển Đông” dứt mãi không ra, lúc nào cũng còn “chiêu” và “niệm”, ăn “okonamiyaki” lại nghĩ tới “bánh xèo”, ăn “soba đứng” lại nhớ đến “phở xe”, ăn “gyouza” thì bật ngay trong đầu vài lát “bánh cuốn”, v.v…., tôi cảm thấy vẫn chưa hòa nhập được trọn vẹn vào những truyền thống của cái nơi mà tôi đã trao thân gửi phận hầu như suốt cuộc đời. Thấy nó kỳ kỳ sao đó phải không bạn ta? Thôi từ nay trở đi, với điều kiện cho phép tôi sẽ cố gắng “nhập giòng” tìm hiểu thêm những gì mình biết dù trình độ hiểu biết của mình rất ư là ….lạng quạng.

Sáng hôm qua ngày cuối cùng của năm 2021, khi phải đến một nơi mà không ai… muốn đến, trong phần (朝礼―lời chào buổi sáng, một người trong “đội ngũ đồng phục áo trắng” đã ngỏ lời: chúc quí vị gặp nhiều “niềm vui” trong năm mới và không quên lời dặn: “Nhớ ăn món mì ToshiKoshi Soba (có chút hạn chế về lượng…vật liệu) để trút bỏ mọi ưu phiền trong năm cũ”. Tôi cũng mong và tin….như thế, mặc dù năm này qua năm nọ chả bao giờ cảm thấy có gì thay đổi cả, chỉ thấy có chuyện tuổi tác cứ tăng lên vùn vụt, dấu chân chim, nhăn nheo trên khuôn mặt được dịp nở…”hoa”, còn mái tóc thì “bỏ ta đi như những giòng sông rộng”.

Câu hỏi: Về già hay nghỉ hưu có “ưu” không quí vị? Đi làm mặt tắt mặt tối có gì “phiền” không bạn ta? Sẽ không bao giờ có câu trả lời chính xác là vì: Khổ hay sướng thì tùy lúc tùy nơi, tùy theo hoàn cảnh.

Lại lăng nhăng sang chuyện khác. Tôi trở lại câu chuyện một tô mì.

Đối với người Nhật thì việc đón tết trong đêm giao thừa là một niềm hạnh phúc. Thời sinh viên, bạn bè dăm đứa, rồi đến cái thời tay xách nách mang, cả nhà quây quần bỏ chân trong cái Kotatsu vây quanh cái TV vừa theo dõi chương trình tranh đua Hồng Bạch của NHK, vừa bóc từng múi quít, vừa chiêu vài chung sake nho nhỏ rồi kết thúc bằng món Toshikoshi soba truyền thống, có điều nên nhớ là phải thanh toán xong bát mì trước phút giao mùa nghĩa là còn trong năm cũ, nếu quá giờ bước vào năm mới thì cũng như không, “imi ga nai – không có ý nghĩa”, hỏi họ tại sao phải như thế thì họ cho biết vì “vẫn còn vướng mắc những hệ lụy của năm cũ.

Đây là một truyền thống của Nhật Bản từ rất lâu đời bắt đầu khoảng thời Edo (1603-1867) với mong ước mang lại cuộc sống lâu dài và thịnh vượng, nhiều sức khỏe trong năm mới cho gia đình, người thân, bạn bè. Tùy theo vùng, nó còn được gọi là misoka soba (soba đêm giao thừa), soba tsugomori (soba cuối năm), fuku soba (soba hạnh phúc), và soba unki (soba vận mệnh tốt).

- sợi mì soba được làm từ cây kiều mạch có thể sống sót thời tiết khắc nghiệt
- cọng sợi toshikoshi soba thường dài biểu tượng một cuộc sống trường thọ
- Ngoài ra, các tiệm kim hoàn được sử dụng để thu thập bụi vàng của hoa soba.

Nói tóm lại giải thích theo kiểu Việt Nam ta thì ăn mì này quân ta sẽ

- sống lâu tròm trèm 120 tuổi
- làm lại cuộc đời mới vượt qua những nợ nần, khó khăn chồng chất
- trút bỏ những phiền muộn của năm cũ và sẽ thong dong nhàn hạ trong năm mới
- Mọi người đều cảm thấy ngon vì yếu tố chính là tinh thần của người ăn, tin vào điều sẽ tốt đẹp trong ngày mới,

Tôi đã tạm lấy đó làm niềm tin như người Nhật đã tin

Trưa hôm qua, mẹ cháu nhà này có bâng quơ dọ hỏi: “Này, tối nay ăn gì để còn lo liệu” Tôi trả lời ngay không “quan ngại”: Toshikoshi soba đi!

Nghĩ kể cũng lạ, vốn dĩ tôi lại là người không hảo cá, không như mẹ cháu và 2 cô cậu nhà này, cũng không như cái nhà ông Ngữ Yên than thở: “Đời sống tôi sẽ chết nếu không có cá” hoặc người bạn mới quen Dương Hoàng Mai bên Tây Đức: “Trời ơi, anh sống ở Nhật mà không ăn sushi được à?”, Lê Thiệp cũng đã từng phán: “Ông không ăn sushi được thì sống ở Nhật làm cái đéo gì”.

Đã từ lâu tôi vẫn “tử thủ” với quan niệm: Phở luôn đứng đầu trong tự điển ăn uống nhưng từ năm nay, giao thừa Nhật thì Toshikoshi soba phải là “giữa đoàn hùng binh có soba đi hàng đầu” mới trọn vẹn.

Đêm hôm qua khi đón giao thừa, tôi đã tùn tụt và húp “sạch sành sanh” không còn một giọt dù biết “nước lèo Dashi” của Toshikoshi soba được “cấu thành” từ những chất liệu mà hầu hết là...cá: kombu, cá ngừ bào, rong biển v.v..... hoàn toàn không có “phản ứng phụ” như vẫn thường gặp trước đây ngay khi ngửi thấy mùi. Bạn ta thấy tôi “phi thường” chưa?

À quên phải nhắc lại, lúc tôi đòi “” thì con gái tôi lại muốn “phở”. Điều đình một chút thì mẹ cháu vui vẻ quyết định: đêm giao thừa sẽ là “Toshikoshi Soba” và mồng 2 hay mồng 3 sẽ là “Phở”. “Thuận lòng con và được lòng bố” báo hiệu một “hạnh vận mới” trong “niên khóa....mới” của một “bình thường mới!”

Lại nghĩ sang chuyện khác: Quân ta thường nghe chữ “cơm” hay “phở” mà ý nghĩa ra sao thì tôi không cần giải thích vì tùy theo cách hiểu. Nhưng tôi lại thấy thế này. “Cơm” hay “Phở” đều là “Ngon Văn Lành” cả. Tôi....thích cả hai. Có bao giờ bạn ta ăn cơm nguội với nước Phở còn sót lại để dành “húp” bao giờ chưa? Giời ơi là giời, ngon không thể tả. Ngon thế nào hả? Cứ thử đi sẽ ...biết ngay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét