Một ông bạn sống ở Mỹ cho hay hè này sẽ đi chơi Paris. Và nói : ‘’tôi mê théâtre -nếu đất nước như đất nước người ta, chắc đã thành diễn viên hay đạo diễn- rất muốn coi một vở kịch Pháp, nhưng tiếng Tây tôi lơ mơ, chữ đực, chữ cái. Bạn thấy có vở kịch nào hay mà thật dễ hiểu, chỉ dùm ’’.
Tôi suy nghĩ, cuối cùng sẽ dẫn ông bạn đi coi ‘’ La Cantatrice Chauve ‘’. Bởi vì đó là vở kịch…khó hiểu nhất thế giới.
Coi La Cantatrice Chauve, không ai hiểu gì hết , kể cả…tác giả, Eugène Ionesco.
Tiếng Tây càng lơ mơ càng hay, vì càng hiểu càng bối rối.
Tác phẩm của Ionesco, ra mắt năm 1950, đã chiếm kỷ lục thời gian trình diễn liên tiếp trên một sân khấu.
Vở kịch, từ 1957 tới nay, đã được trình diễn không gián đoạn trong…60 năm liền tại Théâtre de la Huchette, một rạp hát nhỏ, đường Huchette, khu Latin, cách Nhà thờ Đức Bà khoảng 200 thước.
Nhiều thế hệ diễn viên, đạo diễn đã thay nhau lên sân khấu để vở kịch tiếp tục sống, không một vết nhăn. Ông bà này chết, hay già quá, người khác lên thay.
La Cantatrice Chauve là một tác phẩm thuộc loại ‘’théâtre de l’absurde’’ ( kịch nghệ của sự phi lý ), không có kịch bản, không đầu, không đuôi, với những câu đối thoại đầu voi đuôi chuột.
Hãy tưởng tượng, trong một cuộc trò chuyện, có ai nói tới hoa hồng, bạn lên tiếng, nói về những cảm nghĩ riêng, những kỷ niệm riêng về hoa hồng, không liên hệ gì tới câu chuyện chung. Một người khác nghe chữ ‘’ chợ Bến Thành ‘’, gợi lại những liên tưởng riêng tư, lộn xộn về chợ Bến Thánh. Cứ như vậy, vở kịch lan man cho tới khi hạ màn, không ai hiểu ai, không ai hiểu mình nói gì, người khác muốn nói gì. Không có đối thoại, trao đổi, mỗi người đi một ngả, nhìn một hướng.
Tại sao La Cantratrice Chauve ( Nàng Ca sĩ Đầu Trọc ) ?. Đơn giản : bởi vì trong vở kịch, không có ca sĩ và không có ai trọc đầu ( cantatrice là ca sĩ hát nhạc cổ điển, opéra..)
SOUND AND FURY
La Cantatrice Chauve là hài kịch ? Có thể, vì nhiều khi người ta buồn cười vì những câu đối thoại ngớ ngẩn, bất ngờ, kỳ cục.
Một bi kịch ? Chắc chắn. Ionesco muốn nêu cái vô lý của ngôn ngữ, nói một đàng, nghĩ một nẻo, hay nói dê, người khác hiểu ngựa. Cái bế tắc trong mối liên lạc giữa người với người, đầy những ngộ nhận, những thành kiến. Ngôn ngữ, thay vì là cái cầu nối, trở thành những bức tường.
Hơn cả ngôn ngữ, tác giả muốn mô tả một xã hội bế tắc, hỗn loạn, một thế giới lộn xộn, vô trật tự, diễn tả cái vô lý cực kỳ của đời sống ( l’absurdité de l’existence ).
Người Việt ta, quen với lối diễn tà đơn giản, có mở có kết, có ...hậu, sẽ rất ngỡ ngàng, hay khó chịu khi coi Ionesco lần đầu. Nhưng thiên hạ đã quen với các hình thức nghệ thuật mới từ bao nhiêu năm nay. Thế giới của Ionesco kỳ cục, phi lý, nhưng nó chưa chắc đã phi lý hơn đời sống thực.
Ionesco chỉ diễn tả cái nhìn của Shakespeare ( thế kỷ ...16 ) : Life ''is a tale. Told by an idiot, full of sound and fury. Signifying nothing '' ( Đời sống giống như câu chuyện của một thằng ngu. Đầy những tiếng la hét và cuồng nộ. Chẳng có ý nghĩa gì )
NGỒI CHỜ GODOT
Eugène Inesco ( 1919-1994 ), thuộc Hàn Lâm Viện Pháp, cùng với Samuel Beckett, là giáo hoàng của ‘’ théâtre de l’absurde ‘’.
Vở kịch '' anti-théâtre '' nổi tiếng của Beckett, ‘’En attendant Godot.’’, cũng được trình diễn năm này qua năm khác trên kháp thế giới.
Hai người ngồi bên lề đường, tán gẫu với nhau, trong khi chờ Godot. Câu chuyện đầu ngô, mình sở. Cả hai, cũng như khán giả, không hiểu họ nói gì, không biết Godo là ai và tại sao ngồi chờ Godot. Cuối cùng Godot không tới .
Vô lý ? Có chắc là vô lý, absurde ?
Có bao giờ bạn chứng kiến những câu chuyện đầu Ngô mình Sở ? Bạn chưa nghe các nhà ''lãnh đạo'' An Nam thi nhau nổ, không biết họ nói cái gì, về cái gì ? Có bao giờ bạn có cảm tưởng cả đời, mình chờ đợi mà không biết chờ ai, chờ cái gì ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét