Theo truyền thống, ngày 1.1 hàng năm sinh viên Tin Lành hay ngồi lại nhắc đến chuyện cũ. Năm 2020 với sự tiến bộ của IT chúng tôi lại gặp nhau online từ khắp nơi trên thế giới. Bạn bè thời sinh viên của tôi hiện nay đa phần sống ở nước ngoài: Mỹ, Úc, Canada, Singapore, Việt Nam. Chỉ có một mình tôi sống ở Na-Uy, miền Bắc – Âu xa xôi lạnh lẽo. Chúng tôi, ngày xưa học các trường đại học ở Việt Nam như Đại Học Y Dược, Đại học Tổng Hợp, Đại học Kinh Tề, Đại học Sư Phạm, Đại học Tài chính – Kế toán, Đại học Ngân Hàng… Sau 1975 thì người theo Đạo Tin Lành bị cấm vào Đại Học. Những ai rất giỏi và gia đình biết chạy hay lách thì mới may mắn kiếm một chỗ ngồi trên giảng đường.
Rời miền quê ở Quảng Nam vào Sài Gòn để theo học một chuyên ngành mới mẻ sau 1975: Khoa Luật thuộc trường Đại học Tổng Hợp Sài Gòn với học bổng loại A khoá LH92. Ngay từ đầu tôi đã gặp được sự phản ứng mạnh mẽ của các nhà thờ Tin Lành ở Sài Gòn: “Tin Lành mà học Luật à?” Rồi thì: “Con ai mà gan vậy? Không thấy tấm gương của Lê Khắc Sinh Nhật sao mà lao vào?” Lúc đó tôi cũng là sinh viên Khoa Răng Hàm Mặt (Nha Khoa) của Đại Học Y Dược danh giá nên tôi ít quan tâm chuyện bên ngoài để tìm hiểu lê Khắc Sinh Nhật là ai. Hơn nữa đây là Khoá Luật đầu tiên sau 1975 tôi theo học thoả mãn óc tò mò nên xem vào học Luật Khoa như một cuộc dạo chơi là chính. Để lấy cái “giấy báo trúng tuyển Đại Học” thì ba của tôi phải trả 1 chỉ vàng và thêm 1 chỉ vàng để đi “cắt hộ khẩu” nữa. Đó là tôi may mắn đạt điểm chuẩn. Sau này vào Đại học tôi mới biết các bạn của tôi mua điểm, làm giả hộ khẩu, tốn kém hơn tôi gấp trăm lần.
Quay lại chuyện sinh hoạt sinh viên Tin Lành thập niên 1990. Lúc đó rất ít người theo Đạo Tin Lành được vào Đại Học. Chỉ có 1 nhóm nhỏ thôi. Chúng tôi học Kinh Thánh và sinh hoạt chung rất bí mật. Đã vậy tôi còn được các anh chị đi trước dặn tới dặn lui là “đừng sinh hoạt chính trị gì nha”. Lúc đó trong lớp Luật LH92 có 23 sinh viên, nhưng có 1 bạn tên Sáng tham gia chính trị khiến an ninh theo dõi chúng tôi rất sát sao. Tôi theo Đạo Tin Lành họ càng quan tâm đặc biệt hơn. Quả thật thời đó do học 2 trường Đại Học, lo dạy thêm, làm thêm kiếm tiền trang trải, lo công việc dạy thiếu nhi ở nhà thờ Tin Lành thì lấy đâu thời gian mà “quan tâm chính trị”.
Phong trào Sinh Viên Tin Lành sau 30 năm cho đến nay có hàng chục ngàn sinh viên Tin Lành nhưng không ai dám “quan tâm đến chính trị” vì còn ám ảnh đến cái chết của sinh viên Tin Lành có tên là Lê Khắc Sinh Nhật. Bị thành đoàn của ông Huỳnh Tấn Mẫm, Trịnh Đình Ban, Nguyễn Đăng Trừng giết chết vào năm 1971 ngay tại trường Luật Sài Gòn.
Lê Khác Sinh Nhật sinh năm 1948 là con trai út của mục sư Lê Khắc Hoà. Anh học Luật tại Sài Gòn và được bầu vào ban Chấp hành của Tổng Hội Sinh Viên nhiệm kỳ 1970-1971. Sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật: Chủ tịch Ban Đại Diện Sinh Viên Luật Khoa Đại Học Sài Gòn niên khóa 1970 -1971, phó chủ tịch Tổng Hội SVSG 1970-1971. Vì bị thất sủng trong Tổng hội sinh viên nên đám nằm vùng Việt Cộng gồm: Nguyễn Đăng Trừng – Huỳnh Tấn Mẫm – Trịnh Đình Ban tìm cách sát hại các thành viên trong Ban Chấp Hành của Tổng hội sinh viên. Và đây là cái chết của anh Lê Khắc Sinh Nhật chấn động Sài Gòn lúc bấy giờ:
“Ngày 28.6.1971, biệt động thành bắn chết Sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật ngay tại hành lang trường Luật Sài Gòn. Ban ám sát thuộc Thành Đoàn Cộng Sản cử 2 tên tới Đại học Luật khoa số 4, DuyTân, nhận là người nhà của Lê Khắc Sinh Nhật và muốn gặp anh có việc cần. Lúc đó sắp tới mùa thi cuối niên học, Nhật đang hướng dẫn sinh viên năm thứ nhất về cách thi cử tại một giảng đường. Nghe báo có người nhà tìm, Nhật đi ra. Vừa tới hành lang trước phòng Ban đại diện sinh viên, tên ám sát nhận diện đúng là Lê Khắc Sinh Nhật, hắn mau lẹ móc súng từ trong áo jacket ra bắn liền 3 phát trúng ngực Lê Khắc Sinh Nhật. Sau đó, hắn vội vàng phóng ra ngoài và nhảy lên xe, do một tên khác lái, đang nổ máy chờ sẵn. Viên Cảnh sát đứng gác bên ngoài bắn mấy phát chỉ thiên. Trên đường đào tẩu, chúng còn quăng ngược lại một quả lựu đạn, nhưng may mắn lựu đạn không nổ.
Vừa nghe tin Lê Khắc Sinh Nhật bị ám sát, nhạc sĩ Vũ Thành An đã sáng tác ngay một bài hát tưởng niệm, mở đầu như sau: ‘Anh sinh ngày sinh của Chúa, Chúa gọi anh về giữa tuổi đôi mươi. Anh sinh ngày sinh của Trời…’.
Thành đoàn CS giết Lê Khắc Sinh Nhật vì 2 lí do: Một là để răn đe các sinh viên thuần túy có tinh thần quốc gia; hai là để trả mối hận gây nên do Liên danh Lê Khắc Sinh Nhựt đã thắng liên danh Việt Cộng Trịnh Đình Ban (Bảy Điểm) trong cuộc bầu cử Ban Đại diện sinh viên Luật khoa niên khóa 70-71; đồng thời Nhật còn đứng Phó Nội vụ trong liên danh Lý Bửu Lâm (Kiến trúc) thắng cử trong cuộc bầu Ban Đại diện Tổng hội SVSG, giành lại Tổng hội SVSG từ tay Thành đoàn Cộng sản. Cuộc bầu cử này tổ chức tại Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp (Nông Lâm Súc) vào ngày 20.6.1971. Sau khi biết kết quả kiểm phiếu nghiêng về liên danh Lý Bửu Lâm, bọn sinh viên Việt Cộng dở ngay bản tính côn đồ, chúng nhảy lên bục “đá thùng phiếu để hủy bỏ kết quả bầu cử” và ẩu đả hỗn loạn (Trần Bạch Đằng. Trui Rèn Trong Lửa Đó. Tái bản 1. Trang 21).
Bị thất bại trong cuộc bầu cử Tổng hội sinh viên, Thành Đoàn Cộng sản hết sức cay cú. Họ đã đưa ra 2 quyết định: Một là sát hại sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật; hai là chỉ thị Huỳnh Tấn Mẫm tập họp một số sinh viên tại trụ sở Tổng vụ Thanh niên Phật tử số 294 đường Công Lý vào ngày 28 tháng 7 năm 1971 để bầu ra một tổ chức ma, chưa bao giờ có. Đó là ‘Tổng hội Sinh viên Việt Nam’, do Huỳnh Tấn Mẫm làm chủ tịch và Nguyễn Thị Yến làm tổng thư kí.
Quyết định hạ sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật là một quyết định tàn ác, đê tiện của Thành Đoàn Cộng Sản. Vì thế, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, mặc dù họ tung ra nhiều tài liệu và sách báo khoe khoang thành tích đấu tranh của các tổ chức Thành Đoàn, nhưng đặc biệt họ không hề dám công khai nhắc tới ‘thành tích’ ám sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật.” (Nguồn: Bạch Diện Thư Sinh).
Đám tang của sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật chấn động Sài Gòn. Khiến giới Tin Lành ám ảnh kinh hoàng cho đến tận hôm nay. Đầu tiên gia đình an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi giờ là công viên Lê Văn Tám. Sau 1975 thì gia đình cải táng phần mộ anh Lê Khắc Sinh Nhật về nghĩa trang Ân Từ Viên kế bên phần mộ thân sinh của anh. Đây là nghĩa trang Tin Lành thuộc tỉnh Bình Dương ngày nay.
Cho đến gần đây tôi mới khám phá ra nỗi ám ảnh của giới Tin Lành về việc quan tâm đến chính trị có ít nhiều đến cái chết của sinh viên Luật Khoa: Lê Khắc Sinh Nhật. Người Tin Lành trong và ngoài nước rất SỢ cụm từ “chính trị”.
Cho đến nay chúng ta chỉ nghe đến người Tin Lành ở Tây Nguyên biểu tình năm 2001 và 2004. Dưới miền xuôi thì chỉ biết đến các mục sư Nguyễn Hồng Quang, mục sư Thân Văn Trường, mục sư Dương Kim Khải, mục sư Nguyễn Mạnh Hùng. Còn lại các nhà thờ Tin Lành từ Nam chí Bắc, từ trong nước ra Hải Ngoại rất ngại và sợ khi bàn luận đến chính trị.
Rồi những người gây tội ác ngày xưa như Nguyễn Đăng Trừng, Trịnh Đình Ban, Huỳnh Tấn Mẫm đều bị thất sủng và gạt ra bên lê của các nhóm lợi ích của các nhóm lợi ích. Nhưng chúng tôi chưa thấy những người này lên tiếng xin lỗi hay bị đền tội vì gây ra cái chết cho những người tài năng vô tội.
Những ngày đầu năm 2021 thì nhóm phóng viên của báo Thanh Niên họp mặt. Tôi có nghe phong phanh có xô xát đánh nhau ngay trong bàn tiệc ngày đầu năm 1.1.2021 trong đó có Huỳnh Tấn Mẫm, dù ông bị Nguyễn Công Khế cướp công. Bản chất của cộng sản là gian trá và bạo lực. Họ giỏi gieo rắc sự sợ hãi và sống trên nỗi lo sợ hãi hùng của nạn nhân. Không phải ngày xưa trước 1975 mà cho đến bây giờ cộng sản cũng đã dùng bạo lực để huỷ diệt nền văn minh và tiến bộ. Nguy hiểm nhất là cộng sản huỷ hoại nhân cách của con người và làm tê liệt mọi sự phản kháng trong xã hội. Sự lãnh cảm chính trị, bàng quan với vận mệnh dân tộc của giới Tin Lành Việt Nam có phần phát xuất từ sự sợ hãi bạo lực khủng bố của cộng sản. Cái chết của sinh viên Lê Khác Sinh Nhật là một ví dụ.
Huỳnh Tấn Mẫm và các đồng chí của ông còn nợ chúng tôi một mạng người! Và con người tài hoa, lịch lãm, tận hiến cho xã hội đó chính là LÊ KHẮC SINH NHẬT.
PS: Sau 1975 thì gia đình của anh Lê Khắc Sinh Nhật về sống ở Tân Thuận- Quận 7, Sài Gòn. Chị ruột của anh Lê Khắc Sinh Nhật là vợ của mục sư Đặng Thiên Ân hiện nay đang định cư tại USA. Mục sư Đặng Thiên Ân trước đây là chánh văn phòng Tổng Liên Hội – Hội Thánh Tin lành Việt Nam ( Miền Nam ) số 155 Trần Hừng Đạo- Quận 1, Sài Gòn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét