Chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau” của chính phủ được toàn bộ hệ thống chính trị vận hành hết công suất trong những tháng ngày qua đã hoàn toàn thành công với thắng lợi thật “ngoạn mục (!?)”
Đó là điều mà người dân gọi là “Những cuộc tháo chạy tán loạn” khỏi Sài gòn và các thành phố công nghệp khác. Hàng trăm ngàn người, đa số là thanh niên, những gia đình trẻ và những người nghèo "không bị bỏ lại" ấy, bằng tất cả mọi phương tiện và khả năng, kể cả việc đi bộ, đã hộc tốc lên đường hồi cố hương, khi lệnh giãn cách bị gỡ bỏ, đem theo tất cả tài sản, đúng hơn là những gì còn nhặt nhặn được sau những tháng bị cấm cách – bị bỏ đói và ruồng rẫy cách tàn nhẫn, phải tự tự xoay xở với những đồng tiền tiết kiệm ít ỏi, hoặc may mắn được những phần quà cứu trợ từ sự trợ giúp của các vị hảo tâm.
Mọi nỗ lực cản trở của Nhà cầm quyền như tha thiết “kêu mời ở lại” hoặc dùng lực lượng cảnh sát, dân quân, những rào cản và cả bạo lực đã không thể ngăn chặn làn sóng “những người muốn sống”, sau khi đã trải nghiệm “cận kề cái chết” của thân phận khốn cùng trong những ngày tháng khốn khổ. Từng giờ, từng phút họ luôn đối diện với sự đe dọa của cái chết – cái chết do dịch bệnh, cái chết oan uổng do sai lầm về chiến lược phòng chống dịch Covid của chính phủ, do sự tắc trách và lạm quyền của chính quyền địa phương hoặc sự bất cảm thông của những người đặt đồng tiền trên tình con người.
Họ đã từng có nhiều ước mơ, kỳ vọng vào sự quảng đại, hào phóng và cơ hội đổi đời của miền đất đáng ngưỡng mộ này, và Sài gòn đã không làm họ thất vọng. Có lẽ chỉ ít người thành đạt, sang giầu, nhưng Sài gòn không để ai phải chết, nhất là chết vì bị kỳ thị, bị hoang mang lo sợ, bị ruồng rẫy, bị đói khát… Sài gòn luôn rộng mở tiếp nhận. Vì thế Sài gòn, trong những khía cạnh đa dạng của nó luôn dẫn dầu về phát triển xã hội, văn hoá, kinh tế và những giá trị nhân văn.
Nhưng họ phải “bỏ Sài gòn lại phía sau”, một Sài gòn đậm nét nhân văn đã bị Nhà cầm quyền làm xấu đi dung mạo sẵn có. Sự chân thành và giản dị, nồng nhiệt và bao dung, quảng đại và hào sảng, tự do và bảo vệ công lý, luôn đứng về lẽ phải… dần mất đi, thay vào đó sự phát triển tính gian tham và tàn khốc, lươn lẹo và lừa lọc, mạnh được yếu thua, hẹp hòi và đố kị, ích kỷ và thủ đoạn… Tính nhân văn của một Sài gòn kiều diễm bị xóa nhòa, phai lạt theo thời gian, trước sự nghiệt ngã phát triển trên những giá trị duy vật chất của một thành phố lớn nhất nước, lớn về mọi mặt kể cả những mặt xấu, Thành Phố Hồ Chí Minh!
Ai đó nói dịch bệnh này theo một cách nào đó, định vị lại những giá trị tinh thần bất biến và không thể thiếu để phát triển xã hội, phát triển con người. Dịch Covid làm cho mọi mặt nạ hào nhoáng giả trá dưới những nét lộng lẫy lung linh phải rơi xuống, mọi ý tưởng và tâm hồn phải phơi bày ra, mọi thứ che đậy bị lột trần, để ai cũng thấy sự nhờm tởm đáng xấu hổ của nó.
Nhưng những người vốn là “xương thịt” của Sài gòn, góp phần tạo nên bản sắc đặc trưng của Sài gòn, góp sức làm nên khuôn mặt khả ái của một Sài gòn, từng là niềm tự hào của cả nước trong khu vực, là “Hòn ngọc Viễn đông”; những người ấy bảo, Sài gòn bị bệnh – thương Sài gòn lắm!
Và thuốc chữa lành cho Sài gòn trong thời gian dịch bệnh kinh hoàng vừa qua chính là lòng nhân từ hay thương xót của “người Sài gòn” – bao gồm cả những người yêu mến, từng chịu ơn Sài gòn. Họ làm thực lòng không để lấy tiếng, kiếm danh, hoặc lạm dụng từ tâm của những người thiện lương. Họ thấy những người đang lâm cơn quẫn bách cần cứu giúp mà chẳng cần phải biện phân. Họ chia sẻ những gì mình có cho những người nghèo hơn mình. Họ lấy cái nghèo của mình để lấp đầy những dạ dày đang quằn quại trong cơn đói khát triền miên...
Chính họ, những người Sài gòn ấy mới “không để ai lại phía sau”. Họ chẳng cần vẽ ra những chủ trương cho hay, những chính sách mang tính giáo điều, trống rỗng, những chỉ thị như “lá me bay” mà vô tác dụng, hoặc phản tác dụng; họ chẳng cần huy động lực lượng chính trị nào, chẳng cần ngân sách hay ngân quỹ quốc gia, chẳng cần to miệng lớn tiếng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chỉ với tấm lòng nhân ái biết chạnh thương, họ cố lùng sục từng hang cùng, ngõ hẻm, tìm cho ra những ai cần trợ giúp.
Chính họ mới là “những người trụ lại ở phía sau” với hộp cơm, hộp sữa và những bó rau củ trên tay, cùng với các y, bác sĩ và thiện nguyện viên tuyến đầu, góp phần giằng lấy từng mạng sống và chữa lành những bệnh nhân trong cơn đại dịch. Tất cả chỉ vì Sài gòn, vì tình nghĩa với Sài gòn, thế nên “Sài gòn ơi, mau hết bệnh nha. Cố lên Sài gòn ơi, thương lắm.”
Dòng người vẫn nối nhau rời thành phố HCM về quê, như những cánh chim lao đao trong cơn giông bão tìm về tổ ấm. Họ không phụ ngãi tham tiền, không ăn xổi ở thì, vì lâm cơn bĩ cực, họ chỉ muốn trở về nơi chôn nhau cắt rốn, sống với người thân và có chết, chết giữa những người thân.
Trong lòng họ vẫn nhớ ơn Sài gòn. Nếu ngày nào đó yên ổn, họ sẽ trở lại, trở lại với Sài gòn thân thương, cùng với những ước mơ, sức sống để mưu sinh và cống hiến…
Nhưng cho đến ngày đó, nếu vật chủ” chết, “ký sinh” cũng chết. Đó là định luật của Tạo hóa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét