Mới đọc báo và biết được bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân của cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu qua đời ở Mĩ. Bà thọ đúng 90 tuổi. Những ai làm trong ngành y có lẽ biết được di sản của bà là Bệnh viện Vì Dân (nay là Bệnh viện Thống Nhất).
Theo wiki, bà Mai Anh sanh năm 1931 ở Mỹ Tho, trong một gia đình trung lưu theo đạo Công giáo. Gia đình có đến 10 anh chị em, và bà Mai Anh thứ Bảy, nên mới có biệt danh là 'Cô Bảy Mỹ Tho'.
Thuở nhỏ, bà lên Sài Gòn học hành và có thời làm trình dược viên cho công ti dược Roussell, mà giám đốc lúc đó là ông Huỳnh Văn Xuân. Ông Xuân làm mai, giới thiệu bà Mai Anh gặp ông Nguyễn Văn Thiệu, lúc đó mới là trung uý. Ông Thiệu có một người bạn học thời theo học ở trường Võ Bị Đà Lạt là Đặng Văn Quang, là cậu ruột của bà Mai Anh. Ông Thiệu và bà Mai Anh thành hôn vào năm 1951. Năm 1958 ông Thiệu mới rửa tội theo đạo Công giáo. Hai ông bà có 3 người con là Nguyễn Thị Tuấn Anh (trưởng nữ), Nguyễn Quang Lộc (trưởng nam) và Nguyễn Thiệu Long (thứ nam).
Ngày 21/4/1975 ông Thiệu từ chức Tổng thống. Ngày 25/4/1975, ông cùng gia đình rời Việt Nam, và nơi dừng chân đầu tiên là Đài Bắc để ông phúng điếu Tưởng Giới Thạch với tư cách là 'Đặc sứ của Việt Nam Cộng hòa'. Anh ông Thiệu là Nguyễn Văn Kiểu làm Đại sứ VNCH tại Đài Loan. Nghe nói thoạt đầu gia đình định sống ở Đài Loan, nhưng khi người con thứ hai sang Anh du học, thì cả nhà dọn sang London định cư. Họ sống ở đó 15 năm trước khi theo con sang Mĩ (Boston) định cư vào năm 1990. Năm 2009, Bà Mai Anh dọn về Quận Cam sống với gia đình con trai, và bà qua đời tại đây.
Những ngày sống ở nước ngoài, bà Mai Anh rất kín tiếng. Sau khi ông Thiệu qua đời năm 2001, bà nói "Tôi mong có dịp về lại Việt Nam thăm mồ mả Ông Bà, và mang tro cốt của ổng (chồng, Nguyễn Văn Thiệu) về khi đất nước bình yên; Ông Già có trối rằng: 'Nếu được thì đem chôn tại quê ông ở Phan Rang, nếu không thì rải một nửa xuống biển và một nửa trên núi'." Ước nguyện là như vậy, nhưng hình như cho đến cuối đời bà vẫn không thực hiện được.
Những người quen biết và hay tiếp kiến ai cũng nói rằng bà Mai Anh có tánh tình rất bình dị, giống như bất cứ phụ nữ nào ở miền Nam. Một người mô tả rằng "Bà Thiệu là người đáng kính, không có cái kênh kiệu của một người có quyền thế vì Bà là một người đứng cạnh chồng, chỉ biết lo cho gia đình mà thôi."
Bệnh viện Vì Dân
Mà chắc đúng vậy. Có thể nói rằng trong các đệ nhứt phu nhân, có lẽ bà Mai Anh là người âm thầm nhứt. Trong thời gian ông Thiệu làm Tổng thống, bà không hoạt động chánh trị hay phát biểu những câu mang tính chánh trị. Bà chọn hoạt động xã hội. Chính vì công việc xã hội và từ thiện, nên bà cảm nhận được hoàn cảnh của người nghèo, và có ý tưởng xây dựng một bệnh viện phục vụ cho người dân. Bà vận động tài trợ từ các mạnh thường quân trong và ngoài nước để xây dựng bệnh viện ở khu Ngã tư Bảy Hiền.
Ngày 17/8/1971 diễn ra buổi lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng bệnh viện. Sau 3 năm xây dựng, ngày 20/3/1973, Bệnh Viện Vì Dân được khánh thành. Lúc đó, Bệnh viện Vì Dân có 400 giường bệnh và các phân khoa Ngoại và Nội trú, giải phẫu, xét nghiệm, tai mũi họng, quang tuyến, nhãn khoa, nhi đồng, nhà thuốc. Theo báo chí mô tả, Bệnh viện Vì Dân lúc đó là bệnh viện hiện đại nhứt ở miền Nam.
Sau năm 1975, Bệnh viện Vì Dân bị đổi tên thành Bệnh viện Thống Nhất. Điều trớ trêu là ngày xưa, bệnh viện này là 'Vì Dân' miễn phí cho bệnh nhân, nhưng bệnh viện Thống Nhất thì lại ưu tiên cho các quan chức. Không rõ trong phòng truyền thống BV Thống Nhất có hình bà Mai Anh?
Một 'di sản' khác của bà Mai Anh là một ... loài hoa. Năm 1972, một người Mĩ từng làm việc tại Việt Nam đã xin phép lấy tên bà đặt cho một hoa lan 'Brassolaeliocattleya Mai Anh'. Theo wiki, bà Đinh Thúy Yến (Phu nhân Thủ tướng Trần Thiện Khiêm) cũng được đặt tên cho một loại hoa lan khác là 'Brassolaeliocattleya Dinh Thuy Yen'.
Những người như bà Mai Anh, Tuyết Mai, Thuý Yến, v.v. có thể xem như đại diện cho một thời đã mất ở miền Nam. Không biết có quá nếu xem họ là biểu tượng nhân, tài và sắc của phụ nữ Việt Nam. Họ có lòng nhân đạo, trắc ẩn trước nỗi đau của người kém may mắn. Họ có học thức tốt và có tài, không cần phải lệ thuộc vào uy thế của chồng để tạo cho mình một chỗ đứng trong xã hội. Họ có thể không là hoa hậu nhưng cũng có nhan sắc thật. Họ đi nước ngoài công cán, dù là đi độc lập hay tháp tùng theo chồng, đều tỏ ra là những người lịch lãm, có khi 'haute culture', tự tin, nói tiếng Anh lưu loát có khi dí dỏm, không hề tỏ ra thấp kém với đồng cấp nước ngoài. Bây giờ nhìn lại, tôi phải thú nhận là thấy tiếc cho một thời đã qua. Thời nay, khó tìm thấy những 'phu nhân' lãnh đạo có trình độ và tài năng như họ.
Nay thì cả hai bà cựu Đệ Nhứt và Đệ Nhị phu nhân VNCH đều đã qua đời. Sự qua đời của họ cũng giống như một dấu chấm cho một thời VNCH.
____
Về Bệnh viện Vì Dân:
" là bệnh viện tư, nhưng được điều hành như bệnh viện công, nghĩa là không thu viện phí, không thu tiền khám chữa bệnh, không thu tiền các loại thuốc thông dụng có sẵn ở bệnh viện. Những thuốc đặc trị thì bác sĩ ghi toa, gia đình bệnh nhân phải đi mua ở các nhà thuốc Tây. như thế, nếu không cần thuốc đặc trị, dân chúng đến đây trị bệnh được miễn 100% viện phí kể cả tiền thuốc thông thường.
Bệnh viện Vì Dân là nơi người ta làm từ thiện bằng tiền và bằng tấm lòng. Người có tiền thì tặng tiền, có nhiều tặng nhiều, có ít góp ít. Người có tài thì đến bệnh viện làm việc không công như bác sĩ, y tá. Tuy làm việc không công, nhưng muốn vào đây làm việc, các bác sĩ, y tá vẫn phải vượt qua sự khảo sát về trình độ chuyên môn và đạo đức. Người có lòng thì đến giúp dọn dẹp, nấu cơm nước rồi phát miễn phí cho bệnh nhân. Mỗi người một việc trong tình yêu thương, chia sẻ. Bệnh viện Vì Dân như một ngôi nhà chung, mà người dân lao động ở Sài Gòn và các tình gần đó luôn đặt niềm tin vào khả năng chữa bệnh của bác sĩ, tình thương của y tá. Họ gọi đây là Bệnh viện Bà Thiệu để tỏ lòng biết ơn vị Đệ Nhất Phu Nhân lúc bấy giờ."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét