Nhà Hồ chỉ tồn tại trong 7 năm (1400 – 1407) nhưng là khoảng thời gian đầy biến động của lịch sử Việt Nam. Hồ Quý Ly và nhà Hồ là một khối mâu thuẫn lớn giữa khát vọng xây dựng một nhà nước tập quyền mạnh, một quốc gia hùng cường với việc thực hiện các khát vọng đó. Những sai lầm chủ quan và những thách thức nghiệt ngã của hoàn cảnh khách quan đã làm nhà Hồ thất bại và sụp đổ một cách chóng vánh.
Khát vọng Hồ Quý Ly
Hồ Quý Ly sinh năm Bính Tý (1336), quê ở Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là xã Hà Đông, huyện Hà Trung, Thanh Hóa). Tổ tiên Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật, vốn là người Chiết Giang, Trung Quốc, đỗ Trạng nguyên thời Hậu Hán (947 – 951),làm thái thú Châu Diễn (Diễn Châu, Quỳnh Lưu -Nghệ An). Một người cháu đời thứ 12 của Hồ Hưng Dật là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Hồ Liêm làm con nuôi của Tuyên úy Lê Huấn rồi lấy họ Lê làm họ của mình. Hồ Quý Ly là cháu 4 đời của Lê Huấn, khi lên làm vua thì đổi lại họ Hồ.Hồ Quý Lycó hai người cô là cung phi của Trần Minh Tông, một người sinh ra Nghệ Tông, một người sinh ra Duệ Tông, nên khi vào triều làm quan rất được Nghệ Tông tin dùng. Từ năm 1371, Hồ Quý Ly, khi đó còn mang họ Lê, được tham gia triều chính nhà Trần, được vua Trần Dụ Tông cho làm Trưởng cục Chi hậu. Sau, vua Trần Nghệ Tông đưa ông lên làm Khu mật đại sứ, lại gả em gái là công chúa Huy Ninh.
Sau biến cố Dương Nhật Lễ, nhà Trần ngày càng suy sụp. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông nắm triều chính nhưng lại quá tin dùng Hồ Quý Ly nên dần dần quyền bính bị Quý Ly thâu tóm, lộng hành.
Năm 1394, Nghệ Tông chết. Hồ Quý Ly sai người vào Thanh Hoá (là quê ông) xây thành Tây Đô; bắt Trần Thuận Tông dời kinh về đó, rồi ép vua nhường ngôi cho con là Trần An, khi đó mới 3 tuổi lên ngôi, tức Trần Thiếu Đế. Quý Ly làm phụ chính, sai người giết Thuận Tông, tự xưng làm Quốc Tổ Chương Hoàng.
Tướng lĩnh, tôn thất nhà Trần mưu diệt trừ Quý Ly nhưng cơ mưu bại lộ, tất cả đều bị bắt và bị giết hơn 370 người. Năm 1400, Quý Ly phế truất Thiếu Đế rồi tự xưng làm vua, chiếm lấy ngôi nhà Trần, đổi sang họ Hồ, lập ra triều đại nhà Hồ.
Hồ Quý Ly từ khi nắm quyền lực của nhà Trần cho đến khi sáng lập vương triều mới đã ban hành và thực thi một loạt chính sách cải cách về các mặt chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng của chế độ quân chủ cuối triều Trần, củng cố chính quyền trung ương và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Minh.
Về quân sự, Hồ Quý Ly ráo riết tổ chức lại quân đội, định lại binh chế, chỉnh đốn tổ chức, tăng cường kỷ cương quân ngũ, gia tăng quân số; chủ trương cải tiến vũ khí và trang bị, mở xưởng đúc vũ khí, chế tạo súng thần cơ, đóng thuyền đinh sắt có nhiều mái chèo; xây dựng nhiều thành Tây Đô (Thanh Hóa), Đa Bang (Ba Vì, Hà Nội), đóng cọc xuống các cửa sông, cửa biển và nhiều công trình phòng thủ khác.
Về kinh tế, Hồ Quý Ly thực hiện phép hạn điền, hạn nô; Phát hành và định giá tiền giấy; Ban hành chính sách thuế khóa mới, người nhiều ruộng thì thì thuế suất cao, người không có ruộng, trẻ mồ côi, đàn bà góa bụa thì được miễn; Lập kho dự trữ thóc; Ban hành các đơn vị đo lường như cân, thước, thưng, đấu. Những cải cách này nhằm tước giảm thế lực của của quý tộc nhà Trần, khôi phục chế độ công hữu về ruộng đất, tăng thu để giải quyết khủng hoảng tài chính cho nhà nước.
Về quản lý xã hội, Hồ Quý Ly cho làm sổ hộ tịch trong cả nước; Di dân không có ruộng vào Thăng Hoa (vùng đất mới thu được của Chiêm Thành thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay); Đặt Quảng tế (cơ quan coi về mặt y tế).
Về văn hóa, giáo dục, Hồ Quý Ly và nhà Hồ đề cao Nho học; Thay đổi chế độ thi cử, bỏ cách thi ám tả cổ văn chuyển sang tứ trường văn thể; Tổ chức kì thi Thái học sinh, quy định 3 năm thi hội một lần, nho sinh lưu lại kinh thành được học ở Quốc tử giám.
Hồ Quý Ly là một nhà cải cách lớn với một hệ thống chính sách và biện pháp khá toàn diện, táo bạo, biểu thị tinh thần dân tộc cao, ý tưởng canh tân mạnh mẽ, nêu cao tính thực tiễn và hiệu quả. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, kết quả không nhiều, hiệu quả thì thấp, mà ngược lại còn để lại nhiều hậu quả, nhất là về về phương diện chính trị. Mối liên hệ giữa chính quyền nhà nước với nhân dân bị khủng hoảng; Khối đoàn kết dân tộc bị đứt vỡ, dân mất tin vào tính chính nghĩa của triều đình, của nhà vua.
Kết cục bi thảm
Nhà Minh sau khi thống nhất Trung Quốc (1368) bắt đầu có ý định bành trướng xuống phương Nam. Hồ Quý Ly biết rõ điều đó và đã phải nhún nhường hết mức, thậm chí, năm 1405 đã chấp nhận cắt 59 thôn ở Lộc Châu (Lạng Sơn ngày nay) để tránh chiến tranh nhưng cuối cùng cũng không tránh khỏi họa xâm lăng của nhà Minh.
Năm 1406, tháng 4, nhà Minh sai Hàn Quan và Hoàng Trung đem 10 vạn quân ở Quảng Tây sang, mượn cớ đưa con cháu nhà Trần là Trần Thiêm Bình về làm vua. Qua một số trận giao tranh nhỏ, quân Hồ thắng trận, quân Minh phải giao nộp Thiêm Bình mới được rút lui.
Tháng 9 năm ấy, nhà Minh sai Trương Phụ, Trần Húc, đem 40 vạn quân đánh vào cửa ải Pha Lũy (Lạng Sơn), Mộc Thạnh; Lý Bân cũng đem 40 vạn quân đánh vào cửa ải Phú Lệnh (Hà Giang), hai đạo quân tổng cộng là 80 vạn.
Ngày 2 tháng 12, người Minh chiếm được Việt Trì, rồi tiếp tục tấn công quân nhà Hồ. Mặc dù quân nhà Hồ chống cự rất dũng cảm nhưng sáng ngày 12, quân Minh hạ được thành Đa Bang rồi tiến vào Đông Đô. Cha con Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương tổ chức phòng ngự kiên cường nhưng vẫn thua trận, phải bỏ chạy về phía Nam.
Ngày 5 tháng 5 năm 1407, quân Minh đánh vào cửa biển Kỳ La (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Ngày 11 tháng 5, quân Minh đánh vào Vĩnh Ninh. Quân Minh bắt được Hồ Quý Ly ở bãi Chỉ Chỉ; Hồ Nguyên Trừng ở cửa biển Kỳ La. Ngày 12/5, bắt được Hồ Hán Thương và thái tử Nhuế ở núi Cao Vọng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương bị giết. Nhà Hồ sụp đổ.
Thua trận vì không thuận lòng dân
Nhà Hồ đã thua trận một cách nhanh chóng. Việc nhà Minh tiến đánh Đại Ngu là điều hoàn toàn không bất ngờ đối nhà Hồ. Hồ Quý Ly đã biết và chuẩn bị đối phó từ rất sớm. Quân đội nhà Hồ không yếu, vũ khí, trang bị, thành lũy không kém, quân số không ít. Tướng giỏi không phải không có.
Có thể nói đây là sự thất bại của quân đội nhà Hồ trước sức mạnh của quân đội nhà Minh chứ không phải là thất bại của dân tộc Việt Nam trước cuộc xâm lăng người Hán. Nói vậy vì hầu như không có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Trước đó, thời nhà Trần, trong ba cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông, bên cạnh quân đội triều đình là sự tham gia hết sức đông đảo và hiệu quả của các tầng lớp nhân dân từ quý tộc cho đến dân nghèo. Tinh thần Đông A, tinh thần tự hào dân tộc đã kết liên triều đình, quan lại, quý tộc và nhân dân thành một khối, một ý chí Sát Thát. Nhờ đó Đại Việt đã thắng.
Thái thượng hoàng và vua Hồ đều bị bắt, người trong hang, kẻ trên núi, không ở trong dân. Vì họ đã đánh mất lòng dân.
Tại sao nhà Hồ có khát vọng xây dựng nhà nước mạnh, kiến thiết đất nước hưng thịnh, hùng cường, có ý chí chống giặc mạnh mẽ mà dân không theo?
Thứ nhất, cách giành ngôi của Hồ Quý Ly là bất nhẫn và tàn độc.
Là ngoại thích, lợi dụng sự tin cậy của Trần Nghệ Tông, Hồ Quý Ly thâu tóm quyền lực rồi tự tiện xây thành ở quê mình, ép vua phải dời kinh về đó để thoán ngôi là một âm mưu xưa nay có một. Chưa hết, việc bắt vua nhường ngôi cho con nhỏ rồi sai giết cũng là xưa nay hiếm. Và cướp ngôi vua của cháu cũng là điều không thể biện minh. Hồ Quý Ly giết chết một lúc mấy trăm quan lại, tướng lĩnh, tôn thất của nhà Trần là một hành vi thất đức không thể gột rửa.
Thứ hai, các nỗ lực cải cách nhằm xây dựng một nhà nước tập quyền mạnh, sẵn sàng đối phó với âm mưu bành trường của phương Bắc, tuy có nhiều tiến bộ nhưng trong thực hành đã huy động quá sức dân hoặc phương pháp chưa phù hợp với thực trạng trình độ phát triển kinh tế, văn hóa của xã hội lúc bấy giờ.
Việc dùng tiền giấy không thể nói là không tiến bộ nhưng không được sự ủng hộ của dân chúng vì không tiện dụng, dễ làm giả, khó bảo quản, tạo ra tình trạng lạm phát, khủng hoảng tài chính, làm cho đời sống của người dân ngày thêm khốn khó. Đó là chưa nói từ trước đến nay vẫn có nhiều ý kiến cho rằng thay bằng tiền giấy, thu hồi tiền đồng là để làm nguyên liệu đúc súng ống.
Chính sách hạn điền, hạn nô có thể không sai nhưng đánh vào quyền lợi của tầng lớp quý tộc nhà Trần đã tạo ra phản ứng của tầng lớp này. Quý tộc nhà Trần gắn liền điền trang thái ấp, gắn liền với nông nô, nông dân. Mất chỗ dựa tầng lớp quý tộc, lúc bấy giờ, cũng chính là mất chỗ dựa chính trị, mất thực lực kinh tế và mất lực lượng quần chúng. Đây là điều đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh bị ngoại xâm. Lại thêm, nhà Hồ chủ trương hạn chế Phật giáo cũng đã ảnh hưởng không hề nhỏ đến nền tảng tư tưởng, truyền thống sinh hoạt tinh thần của cộng đồng khi mà Phật giáo đang ở vị trí quốc giáo dưới thời nhà Trần.
Chủ trương củng cố quốc phòng, xây dựng thành lũy ồ ạt của nhà Hồ tất yếu phải huy động sức dân đến mức quá sẽ làm dân oán hận, mất tin. Thành nhà Hồ – Tây đô, riêng Hoàng thành mỗi cạnh trên dưới 800m và chu vi trên 3,5km. Tường thành đá bên ngoài xây bằng những khối đá nặng trung bình 10 tấn – 16 tấn, có khối nặng đến trên 26 tấn, bên trong thì đắp đất cao rộng hàng chục mét. Bốn cửa thành xây theo kiểu vòm cuốn, bằng đá, riêng cửa Nam là cửa chính có ba cổng ra vào, dài trên 34m, cao hơn 10m. Theo các nhà khảo cổ, khối lượng đá xây dựng ước tính trên 25.000m3, khối lượng đất đắp trên 100.000m3. Đó là chưa nói đến hào bao quanh thành cho đến nay vẫn còn có đoạn rộng khoảng 10m – 20m và La thành bảo vệ vòng ngoài. Một khối lượng khổng lồ như vậy nhưng chỉ thi công trong ba tháng. Với điều kiện thi công lúc đó, sức dân đã bị vắt kiệt vì tòa thành này. Không hề ngẫu nhiên khi ngay tại đây từ lâu đã có miếu thờ Nàng Bình Khương đạp đầu chết theo chồng bị chết khi xây thành; hay Trần Khát Chân, vị tướng nhà Trần có công xây thành này mà không có đền thờ cha con Hồ Quý Ly?!
Ngoài ra, cũng phải nói thêm, trong khi nhún nhường với nhà Minh, Hồ Quý Ly đã liên tục gây chiến với Champa, bành trướng về phía Nam. Nhà Hồ đã 3 lần tiến đánh vương quốc láng giềng này chỉ trong vòng 4 năm (1400, 1402, 1403). Điều này không chỉ gây thêm thù, chuốc thêm oán mà còn vắt kiệt sức dân.
Tưởng là làm cho nước mạnh lên để chống giặc nhưng không ngờ lại suy yếu hơn vì lòng dân u uất. Đất nước phải chịu lầm than gần 20 năm dưới ách đô hộ của nhà Minh là bắt đầu từ sai lầm của nhà Hồ.
Đã hơn 600 năm nhưng bài học thất bại vì không biết khoan thư sức dân, chăm dân, thương dân, trọng dân của nhà Hồ vẫn còn nguyên vẹn. Có khát vọng, hoài bão, có tài năng, ý chí… vẫn là chưa đủ mà phải có được lòng dân mới hy vọng biến khát vọng thành hiện thực.
Bài học này nếu không giải được thì cả dân tộc phải trả giá chứ không chỉ một mình ông vua và vương triều của ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét