Đối với tôi, Vũ Khắc Khoan bao giờ cũng là “người đi bước trước”. Trước từ lúc ra đời, đi những bước trên đường đời và cuối cùng từ giã cõi đời. Người sinh năm Tỵ, tôi năm Tuất.
Mùa xuân năm 1950, tôi lặn lội từ hậu phương trở về thành (Hà Nội) rồi vào dạy học tại trường Chu Văn An, đã nghe học trò nói người dạy học từ trước, tại trường Nguyễn Trãi.
Tháng 8.1954, không đợi các giáo sư Chu Văn An, tôi cùng vợ con theo đoàn Sinh viên Đại học, đáp máy bay vội vã đi vào Nam. Tưởng di cư như tôi là sớm sủa rồi, không ngờ vào Saigon được mấy hôm tôi đã gặp Vũ gia ngồi chễm chệ trên ghế Công cán Ủy viên bộ Thông tin với bộ trưởng Phạm Xuân Thái. Ngoài ra, tiên sinh còn là một cây bút chủ lực của Nhật báo Tư Do, – cơ quan ngôn luận của người di cư- cùng với mấy cây bút cội: Hiếu Chân, Đinh Hùng, Mặc Thu, Trần Việt Sơn. Tôi tiếp tục dạy học, viết sách giáo khoa và làm báo cho Đoàn sinh viên Bắc Việt Di cư cùng với Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ.
Trong hai năm đầu di chuyển, tôi phải dạy bao giàn cho trường Chu Văn An kể cả môn triết. Vũ gia tạm rời chính trường về Chu Văn An với tôi, tôi nhường tiên sinh một số giờ Việt văn lớp đệ nhất (ngoài Việt văn, tiên sinh còn dạy Sử). Cả hai chúng tôi đều không dạy tiếng Pháp.
Năm 1956, ngay từ đầu năm, tôi vào bộ Ngoại giao làm Phụ khảo Luật cho cố giáo sư Vũ Văn Mẫu lúc đó kiêm Khoa trưởng trường Luật chuyển từ chương trình Pháp qua chương trình Việt.
Mùa hè 1958, một số giáo sư đang dạy học tại Chu Văn An trong đó có Vũ Khắc Khoan, Bùi Đình Tấn, Bạch Văn Ngà. Nguyễn Xuân Kỳ (con cụ Chữ) lên tận bộ Ngoại giao rủ tôi ra mở trường tư để “kiếm thêm”. Tôi đã nhận lời. Và đó là trường trung học tư thục, đệ nhị cấp Trường Sơn, Vũ Khắc Khoan và tôi trở thành đôi bạn chí thân từ đó.
Chúng tôi lên dạy đại học từ 1962, Vũ tiên sinh vào trường Văn Khoa, tôi trường Đại học Sư phạm. Sau 1963, chúng tôi cùng dạy chung tại Văn Khoa Vạn Hạnh và Văn Khoa Dalat. Vũ gia còn đi Huế, tôi xuống Cần Thơ.
Ngay từ Trung học, chúng tôi thường dạy chung kiểu tandem (dạy cặp) cho một số chương trình (tác giả, thời đại). Ở Dalat, chúng tôi vẫn giữ, nếu chương trình cho phép, lề thói ấy. Và cũng có một số phân công nhỏ: tiên sinh trông coi lý thuyết sân khấu, tôi lo lý thuyết thi ca và tiểu thuyết.
Có một thời, lúc Vũ gia làm Trưởng ngành kịch nghệ của trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ, tiên sinh kéo tôi sang đó dạy văn hóa, lịch sử nghệ thuật và các quan niệm diễn xuất cho sinh viên trong ngành.
Tôi biết Vũ Khắc Khoan có làm chính trị, còn tôi thì không, không bao giờ. Người ta bảo tôi, Vũ tiên sinh thuộc đảng Duy Dân. Nhưng từ trước cho tới sau, tiên sinh không hề nói bất luận một điều gì về hoạt động chính trị và lý thuyết chính trị theo đuổi của mình cho tôi hay. Tôi không tò mò hỏi mà tiên sinh cũng lại rất kín đáo. Tôi càng quý mến bạn tôi ở chỗ này.
Tuy nhiên, tôi cũng biết từ khi cùng thành lập Trường Sơn, công chúng Saigon vẫn có một cái nhìn đánh dấu một dị biệt có thật giữa Vũ tiên sinh và tôi. Tiên sinh rời nhật báo Tự Do về viết lách chung với mấy bạn trong nhóm Quan Điểm như: Nghiêm Xuân Hồng, Mặc Đỗ, Nhuệ Hồng, Vương Văn Quãng, Tạ Văn Nho… Có một lúc kia, Saigon gán cho Quan Điểm cái danh xưng là nhóm Poujadistes (tên một nhóm trung niên và thanh niên Pháp ngoài xã hội và trong nghị trường chủ trương dấy lên phong trào trí thức tiểu tư sản bênh vực cho quyền lợi của giới tiểu thương, tiểu nông).
Ngoài ra, trong những bài viết của nhóm Quan Điểm, các vị đó nhất là Vũ Khắc Khoan- đều đưa ra hình ảnh về cái tư thế mắc kẹt của “giai cấp” mình là “trên đe dưới búa” (dưới thì vô sản thúc lên, trên thì tư bản giáng xuống). Có vài lần Thanh Tâm Tuyền và tôi trêu chọc Vũ gia về chuyện này, người chỉ phán một câu “Dư dục vô ngôn” mà tôi diễn dịch đùa thành thơ: “Trời xanh đâu có nói năng chi!”. Mặc dầu vậy, thâm tâm tôi vẫn nhận biết một con người, một bằng hữu rất thâm hậu về mặt tình cảm. Qua Hoa Kỳ, đọc cuốn “ĐOẢN VĂN XA NƯỚC” của ông, những trang viết về Thanh Tâm Tuyền thật là ý nhị và đầy những xúc động êm đềm.
Một ngày cuối tháng 4.1975, Vũ Khắc Khoan và tôi gặp nhau và nói chuyện một hồi lâu với nhau trong phòng giáo sư vắng hoe của trường đại học Tri Hành, đường Trần Quốc Toản, Saigon. Không ngờ đó là ngày chúng tôi chia tay. Chỉ một tuần sau, tôi đã hay tin là Vũ gia đang ở đảo Guam cùng gia đình chờ ngày vào đất Mỹ.
Mùa thu 1986, tin Vũ Khắc Khoan tạ thế ở Mỹ đến tai tôi qua thông tin của mấy anh em văn nghệ sĩ cùng ở trại Hàm Tân (Long Khánh).
Sang Hoa Kỳ năm 1992, tôi gặp lại Mai Thảo và gia đình Vũ gia. Tôi được biết mọi chuyện chung quanh cái chết của bạn tôi và được đọc những tác phẩm bạn đã viết ở chốn tha hương này. Và bây giờ, cố nhân của tôi vẫn nằm nghỉ một mình, cô đơn, lạ lùng giữa một nghĩa trang đất khách toàn những vong linh khác ngôn ngữ với một dòng chữ của thân nhân trên mộ bia: In loving memory of…
Tôi biết có nhiều bạn văn lớp cũ, nhân dịp ngày giỗ Vũ gia mà lại biết tôi đang viết về người, muốn tìm thấy nơi những trang viết của tôi một bài phê bình nào đó về văn nghiệp của người bạn quá cố. Thú thật, tôi không phải là một nhà phê bình văn học đúng nghĩa, mặc dầu tôi có viết nhiều bài tiểu luận văn học và giảng dạy về khoa “Phê bình luận trong văn học” tại mấy trường đại học Saigon trước kia. Bây giờ thì tôi lại càng không dám – nhất là về người bạn quá cố của tôi. Quá nhiều thời gian đã trôi xuôi, mười hai năm tù cộng sản, niên tuế quá cao, ký ức mòn… đều là những gì đã cản bước chân đi. Nhưng đây là dịp có lẽ độc nhất vô song trong tuổi già của tôi để biểu thị một tấm lòng đối với một người bạn thân đã qua đời, mặc dầu quên gần vãn những gì bạn đã viết trước kia và sau đó, tôi cũng xin ghi nhận sơ sài những gì tôi còn nhớ về Vũ Khắc Khoan, về những tác phẩm của tiên sinh, về cung cách viết văn của người.
– Nguồn gốc nuôi dưỡng: lịch sử dân tộc và phần nào thế giới, một chút nho học; văn học Pháp quốc từ symbolisme trở về trước; thần thoại Hy Lạp; Đạo đức kinh của Lão tử (đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh); mấy pho kinh Phật; những giáo điều cơ bản của Thiên Chúa Giáo nói về sự khai thiên lập địa; tiểu thuyết cổ Trung quốc…
– Cung cách viết: viết ít thôi, thai nghén tác phẩm thật lâu; rút nội dung cô đọng về những chủ đề triết và văn học lớn; tra cứu, hỏi han cho đến lúc đắc ý mới viết.
– Chưa thấy tác giả văn chương nào lại chiếu phóng sâu xa cá tính, tâm hồn mình xuống tác phẩm của mình vào đúng chủ đề của chúng, vào ngay nhan đề của chúng như Vũ gia. Nên chi bạn bè gọi tên Vũ gia bằng tên những nhân vật của tác giả: Thằng Cuội, Thần Tháp Rùa, Thành Cát Tư Hãn, ông chủ nhà ga xép, một thiền gia ngồi tụng kinh trên tuyết (Minnesota)…
– Văn chương trau chuốt, đắn đo trong nhàn tản, bàng bạc màu cổ văn mà vẫn độc đáo. Một thoáng hương xưa còn để lại sau một mùa biến động hỗn mang lại trở về hỗn mang, khởi từ tuyệt mù để trở lại tuyệt mù. Vô thỉ vô chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét