khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 14 tháng 4, 2020

Trịnh Công Sơn và những bài ca nằm quanh mô đất- Tác giả Cao Hùng Lynh


Bìa bản nhạc “Cho Một Người Nằm Xuống,” tranh Trịnh Cung

Có lần tôi nghe câu chuyện như vầy, do cậu tôi kể lại, không lâu sau tháng tư 1975, trong một buổi họp tổ phụ nữ bên Thủ Thiêm, cán bộ hỏi từ ngày giải phóng vô đây, bà con thấy đời sống ra sao. Một bà hào hứng đáp rất bình yên, thưa cán bộ, vì không còn cảnh Việt cộng đắp mô, pháo kích. Đắp mô là lựa lúc ban đêm, đắp một mô đất trên đường lộ, rồi gài mìn xung quanh để cản trở lưu thông và khủng bố, làm cho đời sống dân chúng xáo trộn, bất an. Việt cộng đắp mô miền Nam bằng trái phá, và Trịnh Công Sơn bằng những bài hát của mình. Hôm nay, tôi tìm cách rà những quả mìn trong một số sáng tác của Trịnh Công Sơn giai đoạn 1965-1975. Tiện đây xin mở ngoặc, nói rà mìn là soi cũng đúng; thậm chí, là soi mói cũng không sao.
Hễ đắp mô thì phải có xác chết, có tiếng nổ, có đường sá ruộng vườn tan hoang. Hiện thực thanh bình của “Tình Ca Trên Lúa” (Hoàng Thi Thơ), hay tiếng “chào nói xôn xao” trên phố xá Sài Gòn (Y Vân) phải bị thủ tiêu, cách ly, và thay thế bằng một loại hiện thực khăn tang, bằng một bức áp-phích, mà trong đó “làng mạc quê hương” miền Nam lúc nào cũng “có dáng buồn rầu” (“Em Đi Trong Chiều”).  Để tạo bằng chứng cho bức áp-phích này, xác chết được gieo rắc khắp nơi từ Pleime, Đồng Xoài, đến A Sao, Bình Giã; có lúc gieo quá tay, vài cái xác văng tới Hà Nội, thủ đô của hòa bình:
Tôi có người yêu, chết trận Pleime
Tôi có người yêu ở chiến khu Đ
Chết trận Đồng Xoài, chết ngoài Hà Nội
Chết vội vàng dọc theo biên giới
‎Tôi có người yêu chết trận Chu Prong
Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông
Chết ngoài ruộng đồng chết rừng mịt mù
Chết lạnh lùng mình cháy như than
(“Tình Ca Người Mất Trí”)
Nếu như Trần Thiện Thanh nhớ rõ tên họ Nguyễn Văn Đương khi tiếc thương người lính chiến tử trận, thì Trịnh Công Sơn thủ vai “người mất trí” để ngoại phạm trong việc quên đi những tấm thẻ bài của ít nhứt 50 phần trăm tử thi chết trận ở các chiến trường kể trên. Địa điểm của cái chết cũng vậy, bị đẩy ra khỏi đô thị, để phi tang cho những  vụ đặt mìn phòng trà Maxim trên đường Tự Do hay đánh bom nhà hàng nổi Mỹ Cảnh ở bến Bạch Đằng. Nhiều người gọi Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ phản chiến, nghĩa là chống chiến tranh, bất kể cuộc chiến đó do phía nào gây ra. Tuy nhiên, xác chết trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn lại được ông kiểm duyệt quân phục rất cẩn thận:
Tôi có người yêu, chết trận A Sao
Tôi có người yêu nằm chết cong queo
Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu
Chết nghẹn ngào mình không manh áo
‎Tôi có người yêu, chết trận Ba Gia
Tôi có người yêu vừa chết đêm qua
Chết thật tình cờ chết chẳng hẹn hò
Không hận thù nằm chết như mơ.
(“Tình Ca Người Mất Trí”)
“Chết trận” là một động từ khiến ta hoang mang. Chủ từ (người yêu) của nó là một người lính? Lính quốc gia hay du kích Việt cộng? hay cả hai? Nếu lính/du kích chết trận thì phải trây-di hay bà ba đen, chứ sao lại “không manh áo?” Nếu lính/du kích chết trận thì sao lại chết bất thần, “chết tình cờ, chết như mơ” kiểu tên bay đạn lạc? Câu trả lời chỉ có thể là “chết trận” không phải là chết vì đánh trận, mà là vì chiến tranh. “Chết” móc ngoặc với “trận” để vẽ cảnh “xương tan máu rơi,” làm phông nền cho xác chết của phe nhảy núi, phe trong bưng, rồi âm thầm tẩu tán luôn cả khăn rằn, bà ba đen và AK47 để hô biến xác du kích thành xác thường dân. Nếu ta hiểu “người yêu chết trận” có thể là anh “lính dù lên điểm” là ta hiểu lầm Trịnh Công Sơn. Hầu như chưa bao giờ ông nhắc tới người lính Việt Nam Cộng Hòa trong ca khúc của mình, bởi theo ông họ đâu “còn là người Việt Nam” (“Những Ai Còn Là Người Việt Nam”).
Đến đây, tính ngớ ngẩn của bức tranh tuyên truyền bắt đầu lộ rõ. Hãy đọc một đoạn bài hát “Giải Phóng Miền Nam” của Lưu Hữu Phước:
Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước.
Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước.
Ôi xương tan máu rơi, lòng hận thù ngất trời.
Sông núi bao nhiêu năm cắt rời.
Đây Cửu Long hùng tráng, đây Trường Sơn vinh quang.
Thúc giục đoàn ta xung phong đi giết thù.
Vai sát vai chung một bóng cờ.
Lập trường địch-ta, chánh nghĩa-phi nghĩa của chiến sĩ giải phóng quân rất rõ ràng và kiên định, sẵn sàng xung trận bằng “lòng hận thù ngút trời” thì làm sao có thể biến thành người yêu chết trận… khơi khơi, chết như mơ không hận thù. Nhưng như đã nói, để hiện thực (chưa thực hiện được) “chung một bóng cờ” của riêng mình có thể đảo chánh hiện thực thanh bình của miền Nam, Trịnh Công Sơn nhứt định phải tỉnh táo thủ vai “mất trí.” Cuộc chiến nào cũng đầy xác chết. Vấn đề của Trịnh Công Sơn là nhớ và quên, nhớ xác nào và quên xác nào. Tất cả các xác chết của ông đều quên mặc áo, nếu những xác đó từng cầm súng bảo vệ miền Nam. Ông nhớ rất rõ chuyện này.
Một thí dụ rõ ràng nhứt về tính… hay quên của Trịnh Công Sơn là trường hợp cái chết của đại tá không quân Việt Nam Cộng Hòa, Lưu Kim Cương. Tờ Chính Luận ở Sài Gòn số ra ngày 7 tháng 5, 1968 cho biết ông Lưu Kim Cương tử trận  ngày 2 tháng 5, 1968 tại khu vực ngã tư Bảy Hiền, khi đang chỉ huy một đơn vị bảo vệ vòng đai phi trường để đẩy lui một cánh quân Việt Cộng trong cuộc tổng công kích Mậu Thân đợt 2. Theo lời bà Đặng Tuyết Mai, giao tình giữa Lưu Kim Cương và Trịnh Công Sơn rất mật thiết. Trịnh Công Sơn viết “Cho Một Người Nằm Xuống” để nhớ ông Lưu Kim Cương. Tuy nhiên, trong bài hát này, ông vẫn không quên lột hết quân phục Việt Nam Cộng Hòa của ông Lưu Kim Cương. Thậm chí tờ nhạc, do Trịnh Cung vẽ bìa, Diên Hồng phát hành năm 1971, cũng không có một dấu vết nào về tên tuổi của ông Lưu Kim Cương. Một bài hát cho một người… khơi khơi nằm xuống:
không bạn bè không có ai
Không có ai từng ngày không có ai đời đời
ru anh ngủ vùi mùa mưa tới
trong nghĩa trang này có loài chim thôi
anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
(“Cho Một Người Nằm Xuống”)
Một ông đại tá (truy thăng chuẩn tướng) không quân, Tư lệnh Không đoàn 33 Chiến thuật, kiêm Chỉ huy trưởng Yếu khu Quân sự Tân Sơn Nhứt, sao lại “không bạn bè không có ai (…) từng ngày” và “đời đời,” sao lại nằm xuống “cho hận thù vào lãng quên?”  Lưu Kim Cương bị Việt cộng bắn chết trong cuộc giao tranh ác liệt để bảo vệ đô thành Sài Gòn. Chẳng lẽ nếu không có cái chết đó, hận thù sẽ được nhớ mãi? Chẳng lẽ để có thể thương tiếc người bạn Lưu Kim Cương, Trịnh Công Sơn phải thủ tiêu người lính Lưu Kim Cương và hư vô hóa sự nghiệp chiến tướng của ông?
Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây
Đã vui chơi trong cuộc đời này

(“Cho Một Người Nằm Xuống”)
Ông Lưu Kim Cương tử trận khi mới 36 tuổi. Chắc ông cũng có phần vui chơi trong cuộc đời mình, bên cạnh phần lớn cuộc đời còn lại “dành cho lửa đạn.” Và Trịnh Công Sơn chỉ gắng nhớ phần kia và cố (tình) quên phần này.
Cái chết của ông tướng hay của tay du kích Việt cộng, cái chết cong queo hay chết trôi sông, cái chết nơi lòng đèo khe suối hay cái chết cạnh gầm cầu bên biên giới, tất cả đều được dồn lên một chuyến xe tang đẩy vô bìa rừng, gài thêm một “trái mìn nổ chậm” cho “chết hai lần,” cho “thịt da nát tan” (“Ngụ Ngôn Mùa Đông”). Bức tranh Việt Nam buồn rầu cần phải được bi kịch hóa, trước khi khái quát hóa thành cái chết của “người con gái Việt Nam Da Vàng” và cuối cùng mỹ thuật hóa cái chết ấy qua hình ảnh “trên da thơm vết máu loang dần.” Gán giới tính nữ cho xác chết để một mặt giấu súng và tạo tính nạn nhân cho phe này, và mặt khác đẩy phe kia vô thế bạo tàn. Thêm màu da vô nữa là miền Nam bị thảy vô lòng chảo Điện Biên. Da thơm/vàng là điều kiện hiện hữu của vết máu. Máu trong bưng, trên núi, bên kia dòng Bến Hải mới được tính là máu, và lẽ dĩ nhiên, mới đẹp. Làm đẹp cái chết là kêu đòi thêm xác chết cho ham muốn hòa bình và thống nhứt.  Càng nhiều xác chết thì con đường thống nhứt càng bớt gập ghình, chông gai:
Những ai còn là Việt-Nam
Triệu người đã chết !
Hãy mở mắt ra lật xác quân-thù
Mặt người Việt-Nam trên đó
Anh em Bắc Trung Nam ra đi giữ núi sông
Trong tim có chờ mong
Một ngày mai đây nhìn đất nước
Reo vui cờ thống nhất
(“Những Ai Còn Là Việt Nam”)
Mùa xuân ơi, xác nuôi thơm cho đất ruộng cày
Việt Nam ơi, xác thêm hơi cho đất ngày mai
Đường đi tới, dù chông gai
Thì quanh đây đã có người
(“Bài Ca Dành Cho Những Xác Người”)
Trịnh Công Sơn xài rất nhiều xác chết trong các ca khúc của mình không chỉ để tạo không khí loạn lạc, chém giết trong miền Nam. Dường như với ông, một xác chết hay một triệu xác chết đều giống nhau, chỉ là những con số, số 1 hay số 1 với 6 số không phía sau. Máu me chỉ là dưỡng chất bón một vồng cải tầm thường làm đòn bẫy cho một ý niệm hòa bình sang trọng:
Từng giọt máu anh trong rừng núi lở
Từng giọt máu mẹ bên khóm cải xanh
Từng giọt máu cha trên vùng đất đỏ
Quê hương bây giờ mọc cỏ xanh um
Từng giọt máu em ươm vườn trái nhỏ
Từng giọt máu mẹ ngọt bờ đất khô
Từng giọt máu anh nuôi từng phép lạ
Từng giọt máu chị thơm lúa ngô ta
Những giọt máu đến ngày trổ bông
Nở hòa bình cho đêm vắng xôn xao tiếng người
(“Những Giọt Máu Trổ Bông”)
Do đó, cái câu chuyện chiến tranh trong nhiều ca khúc của ông, nếu nghe kỹ và bỏ qua tài năng ngôn ngữ tinh xảo, chỉ là một loại hiện thực xã hội chủ nghĩa được ngụy trang khéo léo bằng áo chim cò và quần ống loe hiện sinh của Sài Gòn một thời. Nó cũng bày đặt khắc khoải kiểu sống giùm tôi, thở dùm tôi, hay phi lý kiểu chết tình cờ chết chẳng hẹn hò; tuy nhiên, nói như Nguyên Sa trong Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ, nó lại bắt người ta ghét cái chiến tranh mà nó ghét, yêu cái chiến tranh mà nó yêu (và nếu bỏ mạng cho cuộc chiến ấy thì càng tốt), hoặc chối bỏ cái hiện thực mà nó ghét, cắm đầu cắm cổ chạy theo cái hiện thực mà nó yêu. Câu chuyện chiến tranh, vì lẽ đó, chỉ là câu chuyện của một tay cán bộ văn nghệ lão luyện trong việc xách động chiến tranh này để đấu tố chiến tranh kia. Anh ta chưn trong chưn ngoài với cuộc chiến Việt Nam: khinh bỉ cuộc chiến bên này, nhưng chầu rìa cuộc chiến bên kia, sẵn sàng vứt 10 tô hủ tiếu Ông Cả Cần ở Sài Gòn để mơ màng một tô phở mậu dịch ngoài Hà Nội, nhưng không dám vượt tuyến.  Do đó, thân phận Việt Nam mà anh ta diễn tả chỉ đáng xách dép cho thân phận “đứa bé nhìn cha đang chờ giặc dưới giao thông hào” (“Đưa Em Vào Hạ,” Trầm Tử Thiêng); cái hiện sinh thở dùm tôi làm dáng của anh ta trở nên bất lương trước cái hiện hữu chánh niệm của “gặp nhau phút này là mừng trong phút này” (“Đêm Tiền Đồn,” Lam Phương) giữa lằn ranh sinh tử.

Viết đến đây, nghe tin nữ ca sĩ Thái Thanh qua đời, rồi lại nghe tướng Lê Minh Đảo ra đi. Một danh ca. Một danh tướng. Một đờn bà. Một đờn ông. Tôi google và biết sau năm 1975 Thái Thanh ở lại Sài Gòn và đã im lặng suốt 10 năm, chỉ hát lại khi đến Mỹ năm 1985.  Còn tướng Lê Minh Đảo bị tù đày 17 năm ngoài Bắc, sau khi làm hết bổn phận nhà binh để gìn giữ sự thanh bình của ít nhứt vùng đô thành Sài gòn suốt 21 năm. Trong tù, theo lời kể trong một cuộc phỏng vấn, ông nuôi dưỡng ước mơ tự do bằng đôi mắt của mẹ ông, đôi mắt nhỏ nhoi như hai đốm sao trên bầu trời. Bất giác, tôi tưởng tượng nếu như bên kia thế giới tình cờ Trịnh Công Sơn gặp lại họ, Thái Thanh và Lê Minh Đảo, thì liệu ông sẽ nói gì? Chắc sẽ nói mọi chuyện ta bà, trừ chuyện thống nhứt và bội tình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét