Trung Phước không phải là quê tôi. Quê tôi là An Bàn, một làng quê gần cửa Đại, Hội An; tôi lại sinh ra ở Nha Trang, chớ không phải Quảng Nam. Trong suốt cuộc đời, đến nay đã 70 năm, tôi chỉ ở Trung Phước có 5 năm, từ đầu năm 1947 đến tháng 8 năm 1952. Thế mà bây giờ, lưu lạc xứ người, mỗi khi nhớ quê, hình ảnh làng Trung Phước với dòng sông Thu Bồn, núi Đại Bình, núi Cà Tang lại hiện ra rõ nét trong tâm trí tôi.
Có lẽ vì Trung Phước là nơi tôi sống từ tuổi nhi đồng bước qua tuổi thiếu niên, thời kỳ mơ mộng nhất của cuộc đời. Có lẽ vì hình ảnh thôn quê, lũy tre, cánh đồng, dòng sông, dòng suối, núi cao, đồi thấp, mới đích thực là phong cảnh quê hương. Sau này tôi cũng yêu thành phố Nha Trang khi học Trung Học, yêu thành phố Sài Gòn khi học Đại học, nhưng đó là những thành phố với nhà cửa, đường xá, xe cộ che khuất thiên nhiên rất nhiều.
Cho nên, làng Trung Phước không phải là quê tôi mà đích thực là quê tôi… Mỗi khi nghe bài hát của Chung Quân: “Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lơ lửng vờn quanh…” thì hình ảnh hiện ra trong lòng tôi chính là làng Trung Phước, với dòng sông Thu Bồn, với cây đa đầu truông Cà Tang.
Trước chiến tranh, thời Pháp thuộc, tôi là cậu bé con học sinh Tiểu học, mỗi năm nghỉ hè, được về Trung Phước thăm ông bà ngoại. Thuở ấy chưa có đưởng xe hơi lên tới Trung Phước; từ Hội An lên Trung Phước phải đi ghe ngược sông Thu Bồn. Trong những tháng nắng, từ trưa đến chiều, gió nồm từ biển thổi mạnh, người ta căng buồm cho thuyền chạy ngược dòng sông để lên miền núi. Tôi còn nhớ mỗi lần đi Trung Phước là phải ăn cơm trưa sớm, chừng 11 giờ đã phải xuống ghe, sẵn sàng đâu đó chờ gió lên mạnh là chèo ra giữa sông, trương buồm lên. Thuyền ngược nước, rẽ sóng, chạy rất nhanh, chui qua cầu Cao Lâu, cầu Kỳ Lam đến khi ngớt gió, thường là đến Quảng Huế, ghé vào mua nhộng, xuống ghe xào nhộng với mít non, ăn với bánh tráng nướng, sau đó là cơm tối. Từ Quảng Huế đến Trung Phước phải chèo ghe mất một đêm. Mấy anh chị em tôi ngủ một giấc trên ghe, sáng sớm thức dậy là thấy thuyền đã từ từ cập bến gần nhà ông bà ngoại. Thời đó chỉ có mùa hè là chúng tôi lên Trung Phước ở chơi một hai tháng rồi trở về Hội An.
Cuối năm 1946, khi chiến tranh bùng nổ, gia đình tôi tản cư qua Hà Nhuận (thuộc Duy Xuyên) ở tạm vài tháng. Khi quân Pháp từ Đà Nẵng bung ra chiếm Hội An, đánh lên tới Ái Nghĩa, Thu Bồn, thì gia đình tôi tản cư lên Trung Phước. Thời niên thiếu của tôi bắt đầu từ đó.
Ông bà ngoại tôi có nhà cửa ruộng vườn ở Trung Phước nhưng quê quán không phải là Trung Phước. Hồi đó người ta còn phân biệt chánh quán, sinh quán và trú quán. Người làng khác đến ở gọi là dân ngụ cư. Ông ngoại tôi quê ở làng Kim Bồng, gần Hội An, dân làng nổi tiếng về nghề mộc, đóng ghe bầu, loại ghe lớn đi biển. Thời quân đội Nhật chiếm đóng Đông dương, máy bay Mỹ ném bom làm đường giao thông gián đoạn, người Quảng Nam đã dùng loại ghe này đi biển, vào Nam chuyên chở gạo Nam Kỳ, tiếp tế cho miền Trung, miền Bắc, và buôn bán sản phẩm tơ lụa Quảng Nam, trong đó có loại vải tussor nổi tiếng.
Trước đó, khoảng đầu thế kỷ hai mươi, ông bà tôi cũng dùng ghe đi buôn, nhưng chỉ xuôi ngược sông Thu Bồn, mang sản phẩm miền biển như tôm, cá khô, mắm muối và các hàng nhập cảng của Pháp, lên miền núi, rồi lại mua các sản phẩm miền núi như mít, chuối, thịt rừng, cây gỗ, heo, gà…về miền xuôi. Chuyến đi chuyến về đều có lời. Khi đã có vốn khá, ông bà ngoại tôi mua đất đai, xây nhà cửa, ở hẳn lại Trung Phước, trở thành dân ngụ cư tại đây.
Làng Trung Phước nằm trong một thung lũng núi đồi bao bọc, phía thượng lưu sông Thu Bồn thì có núi Cà Tang, vòng qua mỏ than Nông Sơn, núi Đại Bình; phía hạ lưu sông Thu Bồn thì có Hòn Ngang, núi Phường Rạnh, vòng qua núi Chúa, núi Đèo Le, Sông Thu Bồn chảy qua thung lũng này bị Hòn Ngang chặn lối, dòng sông phải đổi hướng thật ngặt giữa hai dãy núi hẹp cho nên hàng năm đến mùa mưa, nước lũ bị dồn ở đây, tạo thành lụt lớn. Trong trận lụt năm Thìn 1964, mực nước dâng lên cao hơn mực nước sông lúc bình thường tới 27 mét, theo tài liệu của mỏ than Nông Sơn. Tuy nhiên nhờ lụt lội hàng năm, đất đai vùng này thường xuyên được phù sa bồi bổ nên ruộng vườn được phì nhiêu tươi tốt.
Địa danh Trung Phước thay đổi nhiều lần. Năm 1945 Việt Minh cướp chính quyền, đổi tên Trung Phước thành xã Nam Linh. Mấy năm sau, họ gom các xã từ Cà Tang, Đại Bình, Trung Phước đến Trung Yên, Phước Bình, Trung Lộc, tận chân núi Đèo Le, thành một xã lớn gọi là Quế Lộc. Sau năm 1954, chính quyền quốc gia tiếp thu, chia lại thành các xã nhỏ, và Trung Phước có tên là Sơn Khương. Xã này từ trước vẫn thuộc huyện Quế Sơn, nhưng khi quận Đức dục được thành lập dưới thời Đệ nhất Cộng hòa thì Sơn Khương thuộc về Đức Dục, nằm trên đường đi nối liền khu kỹ nghệ An Hòa(quận lỵ Đức Dục) với mỏ than Nông Sơn. Kinh tế Trung Phước đáng lẽ đã mau chóng phồn thịnh, đường xe lửa đã được nối liền đến An Hòa, và dự trù sẽ lên đến Trung Phước, Nông Sơn, nhưng chương trình bị ngưng vì Cộng Sản đánh phá. Không biết bây giờ Trung Phước có tên gọi thế nào nhưng trong lòng nhiều người Quảng Nam Trung Phước vẫn mãi mãi là Trung Phước.
Từ miền xuôi đi lên bằng đường bộ, khỏi truông Phường Rạnh, làng Trung Phước bắt đầu khe Le, lội qua khe Le thì tới nhà bà Cửu Liêu, nhà ông bà Thủ Đán(song thân của thi sĩ Tạ Ký), nhà ông bà Cửu Thứ (song thân BS Bùi Kiến Tín), rồi đến gò Lu, nơi thi sĩ Bùi Giáng chăn dê. Đường xương sống của làng cứ thế đi tiếp đến ngã ba đường vào đèo Le nếu ta quẹo trái, còn cứ đi thẳng thì lên đến chợ, phía dưới thấp là bến đò ngang đi qua Đại Bình, trên cao là gò Đồn, dốc Nguyệt, rồi con đường tiếp tục quanh co đi đến Cà Tang. Qua khỏi cây đa, vào truông Cà Tang, kế tiếp là Khánh Bình với ngôi nhà thờ Tin Lành, bên kia sông là làng Xuân Hòa, rồi đến Phú Gia, Dùi Chiêng, Tý, Sé, Thạch Bích…và trên nữa là Hòn Kẽm Đá Dừng với câu ca dao:
-Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi
-Thương cha nhớ mẹ thì về
Nhược bằng thương kiếng nhớ quê thì đừng
Trở lại Trung Phước, nếu ta đi về hướng Đèo Le thì sẽ gặp cầu Cao, rồi qua khe Bến Lội (có lẽ Bùi Giáng làm bài thơ Gái Lội Qua Khe vì nhớ đến mấy cô gánh củi lội qua dòng suối này), vào đến Trung Yên, Phước Bình, đi nữa, lội qua khe Giao là đến làng Trung Lộc, nơi có cụ thượng Nguyễn Đinh Hiến về hưu trí tại đó. Tiếp tục đi nữa, ta phải vượt qua bảy cây số đèo Le để qua Quế Sơn, đến chợ Đông Phú, chợ Đàn, nơi có tiến sĩ Phan Quang, thân phụ của sử gia Phan Khoang và nhà văn Phan Du. Sử gia Phan Khoang lại là rể của cụ thượng Trung Lộc Nguyễn Đình Hiến.
Trở lại chợ Trung Phước, xuống đò sang ngang là qua Đại Bình. Đất Đại Bình rất hạp với cây bưởi nên một loại bưởi mà người ta gọi là bòng được trồng khắp làng, hầu như vườn nhà nào cũng có. Đại Bình đất pha nhiều cát, trong khi Trung Phước đất thịt pha đất sét, rất lầy lội trong mùa mưa. Dường như con gái Đại Bình đẹp và lãng mạn nên có câu ca dao:
Đất Đại Bình chưa mưa đã rã
Con gái Đại Bình chưa gả đã theo
Ca dao nói thế, chứ hồi năm 1952, trước khi trốn về vùng quốc gia, tôi có yêu một cô bé tên Hoàng bên Đại Bình, mà cô ấy đâu có theo tôi bao giờ. Sau năm 1954, nhờ Hiệp Định Geneve, Trung Phước thuộc về vùng Quốc Gia, mỗi khi về thăm làng cũ, hát bản Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn: “Nay anh về, nương dâu úa…Hình bóng yêu kiều kề hoa tím, biết đâu mà tìm…” thì tôi lại mơ mộng nhớ đến cô bé Hoàng.
Trong số những người từ vùng xuôi lên lập nghiệp tại Trung Phước, có lẽ ông Cửu Thứ là người giàu nhất. Tên thật của ông là Bùi Biên, thuộc dòng họ Bùi ở Duy Xuyên. Một trong những người con ông là bác sĩ Bùi Kiến Tín mà cả nước đều biết đến qua sản phẩm dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín, rất phổ thông. Ông Cửu Thứ có người con rể, chỉ là rể trong thời gian ngắn vì lấy nhau không lâu thì vợ chồng ly dị, người rể đó là Tạ Ký, sau này là thi sĩ, giáo sư trường Petrus Ký Sài Gòn. Ông Cửu Thứ có người em là ông Cửu Tý. Một trong những người con của ông Cửu Tý là Bùi Giáng, sau này là một thi sĩ rất nổi tiếng của Việt Nam.
Làng Trung Phước nhỏ bé hiền lành trong một góc núi Quảng Nam thế mà cũng có rất nhiều nhân vật đó chứ. Còn nữa, Nhà báo Du Miên rất nổi đình đám ở hải ngoại, đã học tiểu học ở Trung Phước.
Phạm Phú Minh đã từng ở nhà Tạ Ký để đi học trường tiểu học Trung Phước, nay là nhà văn Phạm Xuân Đài, chủ nhiệm, chủ bút nhiều tạp chí. Nhạc sĩ Lan Đài, lúc tản cư cũng chạy lên Trung Phước, hồi đó anh tên là Kim Đài, có lẽ sau này yêu một người tên Lan nên mới đổi tên là Lan Đài. Khi tôi theo gia đình tản cư lên Trung Phước năm 1947 thì Tạ Ký đã ly dị với người con gái của ông Cửu Thứ và đã có người vợ thứ hai. Lúc đó, tôi mười hai tuổi, Tạ Ký có lẽ chỉ độ mười tám tuổi mà đã có hai đời vợ. Lúc đó anh đã làm khá nhiều thơ với bút hiệu là Tạ Tập Tò. Anh có gởi thơ thi văn nghệ kháng chiến, hình như có được giải văn nghệ chi đó của liên khu 5. Tôi còn nhớ vài câu thơ cảu thi sĩ Tập Tò:
Thây giặc chất thành đống
Xương giặc phơi đầy đồng
Anh đi đánh giặc Pháp
Xuân về say chiến công
và
Bên đèo gió réo vi vu
Mưa rơi, đông giá, biên khu lạnh lùng
Buồn vương vấn càng rung nỗi nhớ…
Mặc dầu đang có vợ, Tạ Ký yêu người chị ruột của tôi là Lệ Khánh. Anh làm thơ và gởi thư tình cho chị tôi. Chị tôi đưa nguyên bức thư cho anh là Trần Ngọc Quế, lúc ấy làm hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Phước. Anh Quế mời Tạ Ký đến trả lại bức thư, giảng luân lý một hồi, nhưng kết luận bằng mấy lời thông cảm “ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu…”. Kể từ đó, Tạ Ký rất thân với gia đình chúng tôi. Sau này chị Khánh lại kết hôn với em ruột Tạ Ký. Sau khi dự đám cưới em, Tạ Ký đốt hết các bài thơ tình liên quan đến Lệ Khánh, nay đã trở thành em dâu. Trận lụt năm 1964 đã cuốn trôi chị Lệ Khánh và các con, cùng với bà mẹ chồng, tức là mẹ của Tạ Ký và một đứa con gái của Tạ Ký. Tạ Ký còn làm thơ với một bút hiệu khác, Trăm Lẻ Một. Anh giải thích với tôi: Tạ là một trăm ký, thêm Ký nữa thành Trăm Lẻ Một. Đây chỉ là bút hiệu ký dưới mấy bài thơ trào phúng.
Thuở ấy chúng tôi rất mê say thơ Vũ Hoàng Chương, bây giờ nghĩ lại, lúc đó Tạ Ký mới trên hai mươi, tôi thì dưới hai mươi mà ngâm nga câu:
Ngoài ba mươi tuổi duyên còn hết?
Một ván cờ thua, ngả bóng chiều
thì thật là vô lý. Bây giờ tuổi đã trên bảy mươi, vẫn còn ham thể thao, văn nghệ, vẫn có thể còn duyên, dù là duyên già, cũng chẳng thắc mắc mấy ván cờ đã thua, mấy ván cờ đã thắng trong cuộc đời trải qua nhiều cuộc bể dâu.
Tạ Ký lúc học ở Huế có gởi vào Nha Trang cho tôi bài thơ trong đó có câu:
Tóc rụng xuân về hăm mấy bận
Giang hồ ta vẫn trắng đôi tay
Từ trắng đôi tay ở Huế, anh vào Sài Gòn học Đại Học Văn Khoa, đỗ cử nhân, dạy văn chương trường Petrus Ký, lập gia đình với giai nhân rạp Rex. Sau 1975, anh trở lại trắng tay và qua đời tại Long Xuyên trong một hoàn cảnh bi thảm.
Khác với Tạ Ký là người sinh trưởng ở Trung Phước, Bùi Giáng chỉ ở Trung Phước có mấy năm. Thân phụ anh là ông Cửu Tí, thuộc tộc Bùi Duy Xuyên, thân mẫu anh họ Hoàng, thuộc tộc Hoàng ở làng Bảo An, là hậu duệ của Hoàng Diệu. Tính tình ông Cửu Tí cũng có hơi bất thường. Mùa xuân hay thu, đông, trời mát, thì ông rất ít nói nhưng đến mùa hè nóng nực, ông thường đi ngoài đường hay vào lối xóm nói năng, đọc thơ khá ồn ào. Có lần nửa đêm ông đến nhà chúng tôi gọi cửa, cha mẹ tôi im lặng, giả vờ không nghe, ông kêu ầm lên, dọa đốt nhà nếu không chịu mở cửa. Đến khi mẹ tôi ra nói chuyện thì ông chỉ cười rồi bỏ đi. Sau năm 1954, ông hồi cư về vùng La Tháp, Duy Xuyên. Có lần ông đi ngoài đường nói năng huyên thuyên, ông bị trưởng ấp tên là Cần, người ta thường gọi là Trưởng Cần, chận lại, ra câu đối, dọa nếu không đối được, sẽ cho dân vệ bắt nhốt. Câu đối là:
Huyên thiên xấp xí,
Cửu Tí nói điên
Ông chỉ mặt ông Trưởng ấp, ứng khẩu đối ngay:
Loạn đả thằng dân
Trưởng Cần bú c…
Ông trưởng ấp vội vàng bỏ đi một mạch.
Vào khoảng 1950, trong khi Tạ Ký lãng mạn làm thơ thì Bùi Giáng say mê đàn dê của anh. Anh nâng niu từng chiếc vòng đeo cổ làm cho mỗi con dê. Có lần anh nói với tôi: Chú biết không, khi anh đeo chiếc vòng cổ con dê hoa cà, anh xúc động còn hơn là đêm tân hôn đeo chiếc kiềng vàng vào cổ cho người vợ mới cưới.” Đó chính là tâm sự bài thơ Nỗi Lòng Tô Vũ trong tập Mưa nguồn:
Ngẩng đầu lên, dê ơi, anh thong thả
Đeo vòng vào, em nghểnh cô cong xinh
Ngẩng đều lên, đây lòng anh vàng đá
Gửi gấm vào vòng mây, nhuộm tơ duyên
Ngẩng đầu lên nhìn anh mờ mắt lệ
Từ lần đầu vòng ngọc tuổi hai mươi
Trao người em trăm năm lời ước thệ
Đây lần đầu cảm động nhất mà thôi
Chị Ninh, vợ anh, vốn là một hoa khôi ở Hội An, chẳng may lâm bệnh qua đời lúc anh còn rất trẻ. Anh bỏ đàn dê, khi thì vào Bồng Sơn, khi thì ra liên khu tư, tìm đường học thêm, nhưng đều không vừa ý nên anh tìm về vùng quốc gia, vào Sai Gon dạy học, làm thơ, viết sách và nổi tiếng.
Từ năm 1951, khi chính quyền kháng chiến lộ rõ bộ mặt Cộng Sản và áp dụng chính sách khắc nghiệt, phong trào “nhảy đồn” bùng lên. Hai anh tôi là Trần Ngọc Quế và Trần Huỳnh Hội trốn về vùng Quốc gia; Lê Trọng Nguyễn về Trung Phước cùng với Tạ Ký nhảy đồn do Nguyễn Sum hướng dẫn.
Tháng 8 năm 1952, tôi đến cơ quan hành chánh xã Quế Lộc, đóng ở địa phận làng Trung Lộc cũ để xin giấy phép đi đường. Trên đường đi, tôi gặp anh Bùi Luận, anh ruột của Bùi Giáng. Anh Luận vừa là người thầy, vừa là người anh của tôi. Hai thầy trò, cũng là anh em, ngẫu nhiên cùng xin giấy phép đi đường, anh xin đi về vùng Duy Xuyên, tôi thì xin về vùng Thăng Bình, cả hai đều có ý định trốn về vùng quốc gia nhưng đều không nói với nhau, mặc dù rất tin nhau. Mấy tháng sau, tôi gặp lại anh ở Nha Trang, vui cười hỉ hả sau cuộc vượt thoát đầy nguy hiểm. Anh dắt tôi đi ăn tại một tiệm mì Tàu đường Graffeuil (sau đổi tên là đường Độc Lập) và đó là lần đầu tiên trong đời tôi được thưởng thức món mì này.
Mùa hè năm 1964, nhân một chuyến công tác tại tỉnh Quảng Nam, tôi về thăm Trung Phước. Khi đó Trung Phước hãy còn yên ổn, không ngờ chỉ mấy tháng sau, trận lụt năm thìn đã cuốn trôi một phần làng Trung Phước. Cha mẹ tôi sau khi thoát chết, nhà bị cuốn trôi, đã về Hội An sinh sống. Trung Phước trở thành mất an ninh, tôi không còn dịp nào về thăm được nữa.
Năm năm tôi sống tại Trung Phước cách đây đã hơn nửa thế kỷ. Chàng thiếu niên ngày xưa thỉnh thoảng ngồi trên bờ xe nước ông Cửu Thứ, nhìn xuống Thác Cá, Gành Ngô trong lúc “ngày chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi”, mơ mộng tình yêu, sự nghiệp. Bây giờ “trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương”, sống ở xứ Hoa Kỳ, nhớ về Trung Phước, bâng khuâng ngậm ngùi với câu thơ Bùi Giáng:
Hỏi tên, rằng biển xanh dâu
Hỏi quê, rằng mộng ban đầu đã xa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét