khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

“Hối…”! - Tác giả Huy Nguyễn


Hai tuần trước, một cái nick khá lạ gọi tôi lần thứ ba, lần đầu tôi không bắt và lần 2 thì hình như mạng quá yếu, cậu ấy nhắn tin: Cháu có chuyện cần chú giúp ý kiến gấp. Cháu gọi được không?
Cậu là một du sinh, qua Nhật được hơn 3 năm, hiện đang làm hồ sơ để xin vào công ty Nhật sau khi tốt nghiệp trường chuyên môn. Tuy nhiên một sự kiện cũ khiến hồ sơ của cậu bị vướng và cục xuất nhập cảnh yêu cầu cậu lên trình diện, nộp bản tường trình vào ngày hôm sau. (Sau khi gọi tôi).
2 năm trước, lúc còn theo học trường tiếng Nhật, cậu đi chơi ở Osaka và tình cờ lượm được cái ví, trong đó chỉ có ít tiền bạc và thẻ tín dụng. Nổi lòng tham, cậu ghé vào tiệm quần áo Uni, dùng thẻ mua luôn 5 Man (450$) đồ.
Nhưng buổi tối về, lòng cậu ray rứt, hối hận và ngày hôm sau, cậu đem ví cùng thẻ tín dụng ra cảnh sát khai báo, kể cả chuyện cậu dùng thẻ của người đánh rơi và xin sẵn sàng bồi thường lại cho họ.
Tuy nhiên, hành động của cậu vẫn bị ghép thành tội, cho dù đã ra tự thú. Cảnh sát khuyên cậu nên nhờ một luật sư để dàn xếp với người làm rơi và để trình bày cho bên viện kiểm sát nhằm không đưa ra tòa truy tố.
Luật sư thành công trong việc dàn xếp nhưng cậu phải trả cái giá khá đắt, gấp 13 lần giá trị cậu lỡ xài, 15man (1400$) cho người chủ cái ví và 52 man (5000$) cho luật sư.
Chuyện tưởng đã qua, không ngờ Cục xuất nhập cảnh vẫn truy được sự kiện cũ cho dù không thành án và yêu cầu cậu lên cục giải trình.
Cậu kêu cứu tới tôi vì tiếng Nhật không đủ sức để trình bày bằng văn nói cũng như văn bản. Trường hợp bất khả kháng nếu tôi không có thì giờ thì giới thiệu một luật sư cho cậu.
Tôi nói với cậu rằng tôi rất bận nhưng phương án nhờ luật sư là không nên vì thẩm tra viên họ sẽ xem trình độ Nhật ngữ mình tới đâu, mức độ hối cải như thế nào. Bằng mọi giá mình phải chứng tỏ cho họ hiểu được thành ý của mình mà không qua trung gian một ai. Tôi gợi ý cậu nhờ thầy ở trường giúp viết bản tường trình xem ra sao. Nhưng cậu cho biết, thầy bảo rất khó, phải tự làm thôi.
Nghe câu chuyện cậu kể, tôi cảm động muốn rơi nước mắt vì thấy cậu thắng được cái sa ngã của mình. Đã can đảm đem trả lại vật lượm để nhận một sự trả giá quá sức nhằm lấy lại bản ngã thiện lương. Không dễ gì đâu; vừa đi học vừa đi làm trả nợ cuộc sống, trả nợ tiền mượn ở VN và tiền nợ lương tâm ở Nhật. Cái “Hối” của em có giá trị gấp trăm ngàn lần những lời khuyên sáo rỗng.
Vì thế tôi hứa sẽ giúp cậu bằng cách, cậu viết bản tường trình bằng tiếng Việt và tôi cố gắng dịch ra tiếng Nhật ngay trong đêm để cậu có chút thời gian học kỹ các câu từ trong nội dung, trình bày lại cho Thẩm tra viên của cục. Tôi chỉ mong nỗ lực của mình sẽ bù đắp lại một phần nào sự hy sinh của cậu. Cuộc đời cậu ảnh hưởng ra sao có thể là ở cái bản 陳述書 “Trần thuật thư” này.
Tôi gởi lại bản dịch với một lời nhắn nhủ. -Lúc nào có kết quả cho chú biết.
Tối nay cậu ấy chụp cho tôi cái thư hồi báo (Hagaki) từ Cục:
-Cái này chắc là được Visa rồi hả chú?
-Oh chúc mừng cháu. Có dịp cho chú viết lại câu chuyện này được không?
Vì cháu là hình ảnh của chú ngày còn bé. Chú đã từng lượm được cái ví tiền ông hàng xóm nhưng không đủ can đảm như cháu; chú đem tiêu hết cùng bạn bè để khi lớn khôn biết hối hận thì không còn cơ hội trả lại cho ông.
Đừng nghĩ tới việc trả ơn cho chú vì Chúa đã gởi cháu cho chú có cơ hội để lòng mình được thanh thản sau nửa thế kỷ ăn năn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét