khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2019

Tháng Cô Hồn



Hằng năm, cứ vào tháng Bảy âm lịch là người ta dè chừng mọi điều xui rủi tai bay vạ gió. Nhịp điệu cuộc sống dường như chậm lại khi ai cũng ráng chờ cho qua cái tháng Bảy tai ương này rồi hẵng làm. Khai trương, mua bán, cưới hỏi… đều chờ tháng sau. Nhiều người còn dày công ghi lại mấy chục điều kiêng cử trong tháng Bảy như kiêng đi chơi đêm, kiêng phơi áo quần vào ban đêm hay chụp ảnh buổi tối. Thậm chí, có những món ăn nên kiêng ăn vào tháng Bảy nếu không muốn rước hoạ vào thân như cháo trắng, thịt vịt, mắm tôm, sầu riêng, cam, chuối, lê. Tháng Bảy âm lịch xui rủi như Black Friday của người phương Tây, của họ một ngày thì của mình kéo dài nguyên tháng. Người rầu rĩ nhất là giới kinh doanh buôn bán và chính họ là những người cúng kiếng nhiều nhất bởi nắm trong tay sản nghiệp thì phải “có kiêng có lành”.

Ngày rằm tháng Bảy (14/Bảy âm lịch) là Lễ Vu Lan, ngày báo hiếu cha mẹ của Phật giáo. Cũng vào ngày này, trong tín ngưỡng dân gian lại là ngày Xá tội vong nhân. Nhiều người vẫn nghĩ rằng hai lễ này là một nhưng thật ra đây là hai lễ khác nhau được cúng tế trong cùng ngày.

Từ “cô hồn” có nghĩa là những linh hồn cô độc, lẻ loi, không có người thân và chẳng còn ai nhớ đến để cầu nguyện, cúng bái cho họ nữa. Theo truyền thuyết, vào tháng Bảy hàng năm, cửa địa ngục mở cho các linh hồn trở về trần gian. Nếu họ còn người thân thì được cúng, cầu nguyện cho linh hồn siêu thoát. Còn những cô hồn không nơi nương tựa thì đói khát, vất vưởng và quấy phá người sống. Vậy nên mới có tập tục cúng cô hồn. Điều này cũng là một cách thể hiện lòng thương trắc ẩn nhưng còn có ý nghĩa nữa là để “hối lộ” và cầu xin các “cô hồn” đừng quậy nữa.

Chúng ta đến với cuộc đời này, vốn dĩ cô đơn và lạc loài. Nhiều khi nói cười giữa đám đông, xung quanh người thân, chúng ta vẫn thấy mình lẻ loi. Vậy mà ai nỡ gieo những suy nghĩ từ thế hệ này sang thế hệ khác, rằng các “cô hồn” vốn là những linh hồn mồ côi trở về dương gian để quấy phá, hãm hại người trần. Để rồi mỗi năm tới tháng Bảy người người ôm mối lo lắng mơ hồ. Cái xui rủi của những tháng khác trong năm có thể là do bản thân mình không may. Riêng cái xui rủi của tháng Bảy, là do tháng cô hồn.

Người Việt xa xứ đem theo những phong tục, lễ nghi đến nước Úc. Người ta vẫn “ngán” cái tháng Bảy cô hồn. Vào tháng Bảy âm lịch, các ngôi chùa của người Việt ở Úc tổ chức nhiều hoạt động lễ rất lớn. Tuy nhiên, có điều rất hay là hầu hết mọi người đi chùa để nhớ về một mùa Vu Lan báo hiếu cho cha mẹ. Những người con xa cha mẹ, chẳng thể “cơm bưng nước rót” hàng ngày, lên chùa dâng hoa quả, thắp nén nhang, nếu may mắn còn cha mẹ thì họ cầu nguyện cho cha mẹ được mạnh khoẻ, yên lành. Những ai chẳng may cài bông hồng trắng thì cầu nguyện cho linh hồn cha mẹ ở thế giới bên kia sớm siêu thoát. Rất nhiều chương trình lễ được tổ chức ở chùa như chương trình văn nghệ Đại Lễ Vu Lan, lễ cầu siêu, các buổi nói chuyện của các sư thầy về đạo làm con với cha mẹ và cả những buổi tiệc chay đầy ắp các món ăn chay rất hấp dẫn. Nhiều em nhỏ được cha mẹ dẫn tới chùa để biết rằng người Việt có ngày con cái báo hiếu công ơn sinh dưỡng của cha mẹ.

Còn nếu ai đó nhớ về ngày Xá tội vong nhân trong tháng Bảy, xin hãy cầu nguyện cho những linh hồn bơ vơ được siêu thoát. Cũng như chúng ta, những con người bằng xương bằng thịt, có bao giờ hết cô đơn, lạc loài?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét