khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Trích: "Số phận các di chỉ khảo cổ học: Trách ai vì những vụn vỡ này? - Tác giả Ts Nguyễn thị Hậu"



"NHỮNG MẤT MÁT LỚN
Hàng chục năm trước đây, di chỉ khảo cổ học nổi tiếng Bình Đa (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) “biến mất” do nhu cầu đô thị hóa. Từ những năm 1978-1980, di chỉ này được khai quật, mang lại nhiều tư liệu mới về văn hóa khảo cổ Đồng Nai. Các nhà khoa học tìm thấy hàng ngàn công cụ đá, đồ gốm, đặc biệt là việc phát hiện bộ đàn đá Bình Đa ngay trong địa tầng cho thấy đàn đá đã được cư dân cổ chế tác tại chỗ cách đây trên 2.500 năm.
Tất cả cho thấy một đời sống cư dân thời nguyên thủy thuộc văn hóa khảo cổ Đồng Nai khá phong phú về vật chất và tinh thần.
Bất chấp những khám phá quan trọng đặc biệt ấy, di chỉ Bình Đa sau đó tiếp tục bị khai quật nhiều lần nữa nhằm “giải tỏa”, nhường chỗ cho các dự án đô thị hóa. Vùng đất di chỉ quý giá ấy nay đã trở thành một phường đông đúc của thành phố Biên Hòa.
Số phận một số di tích tồn tại sừng sững trên mặt đất cũng không khá hơn gì. Di tích lịch sử văn hóa quốc gia lò gốm cổ Hưng Lợi niên đại khoảng thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trải qua hơn hai mươi năm từ khi khai quật và làm hồ sơ xếp hạng (1998), nay đã thành phế tích, trong tình trạng sụp đổ nặng nề. Giữa năm 2019, do tranh chấp đất đai kéo dài chưa được giải quyết, người dân đã thuê xe ủi san phẳng, xóa sổ hoàn toàn dấu tích duy nhất còn lại của “xóm Lò Gốm” nổi tiếng của đô thị Sài Gòn.
Gần đây nhất, trong tháng 10 và 11-2019, truyền thông dồn dập lên tiếng về việc di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) bị xâm phạm nghiêm trọng. Mặc dù vừa được khai quật khẩn cấp, nhưng ngay sau đó việc xây dựng đường nội bộ và san nền khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch đã xâm phạm khu vực di tích khảo cổ học này, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hố vừa khai quật còn đang được nghiên cứu.
Đây là di chỉ khảo cổ học có niên đại và giá trị về văn hóa - lịch sử vô cùng quý hiếm, có thể nói độc nhất vô nhị của Hà Nội. Những di tích, di vật thu được trong những đợt thăm dò, khai quật từ nhiều năm trước đã minh chứng rõ nét nhất quá trình cư trú, các sinh hoạt thường nhật và tình trạng sản xuất các ngành nghề thủ công như đúc đồng, chế tác đồ đá, đồ gỗ, đồ gốm, đan lát, dệt vải… của cộng đồng cư dân cổ di chỉ Vườn Chuối qua nhiều giai đoạn lịch sử.
Đợt thăm dò, khai quật gần nhất phát hiện thêm di tích mộ táng, vết tích bếp, lò nấu đồng, hố chôn cột, hố đất đen, dải gốm đất nện, cụm gốm, nhiều vết tích thực vật, hiện vật tre, gỗ và nhuyễn thể nằm dưới đáy ao hồ cổ, tàn tích động thực vật... Trong đó đáng chú ý là việc phát hiện 10 mộ táng thời Đông Sơn được chôn cất trong các giai đoạn khác nhau.
Di chỉ Vườn Chuối là một trong số rất ít các di tích có sự phát triển liên tục qua nhiều văn hóa khảo cổ từ Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn, góp phần củng cố những bằng chứng của quá trình lịch sử lâu dài và liên tục của đất nước, trong đó vùng đất Hà Nội cổ có một vị trí đặc biệt quan trọng."


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét