Lời giới thiệu:
Tự dưng tôi nghĩ ngợi về tuổi già khi thấy người bạn của bố mẹ tôi ở tuổi 88 chỉ trong vòng vài tháng nay quên (do Bệnh Lú Lẫn – Dementia!?) không còn nhớ hay nhận ra con ruột của mình là ai? Tên gì? Tệ hơn nữa là ông Cụ không biết chính mình là ai? Không thể nhớ tên mình là gì để ký tên trên “check books” trả “bills”; và không biết phải uống thuốc (medications) là gì để chữa đủ các bệnh già?
Do đó, Bài viết này cố gắng trình bày sự luẩn quẩn trong hai lãnh vực:
· 1) Các vấn đề chung quanh tuổi già.
· 2) Sự quan trọng của tuổi già.
*
Tôi nhớ lại lúc còn học lớp 12 (đệ nhất) trung học trước năm 1970, lớp triết học đầu tiên có dạy về cách suy luận gọi là “Tam Đoạn Luận.” Trong đó ông Thầy dạy Triết đã cho một thí dụ rất “oái oăm” qua 3 câu ngắn liên quan đến cách suy diễn về sự chết của con người và dùng ngay tên cúng cơm của đại triết gia cổ Hy lạp là Socrates:
“Mọi người đều phải chết
Socrates là người
Socrates phải chết…”
Đúng như ý nghĩa của “Tam Đoạn Luận” này! Tuổi già (và sự chết) là chuyện tự nhiên không ai tránh khỏi. Khi còn trẻ thì mọi người chúng ta sinh con; nuôi nấng cho lớn khôn, giúp đỡ con cái về vật chất cũng như tinh thần từ lúc con sinh ra cho đến khi… mãn kiếp. Nhưng con cái phần lớn không để ý (hay quên?! Mắc “Dementia” từ bé?) tới những cố gắng này của bố mẹ; kể cả khi con cái là những người rất thành công trên đường đời. Người già đến khi kiệt sức là lúc cần sự giúp đỡ của con cái thì được con cái có lý do rất đơn giản là: “Tụi con quá bận rộn với cuộc sống, không có thời giờ đâu mà v..v..”
Cuộc đời là một cuộc hành trình trải qua bốn giai đoạn: Sơ sinh, thời thơ ấu, trưởng thành, và tuổi già. Tuổi già có thể được đánh dấu từ lúc bắt đầu về hưu (ở tuổi 65 hay 66?) tức là lúc đủ điều kiện lãnh tiền già hay tiền hưu trí; và cũng đủ điều kiện hưởng quy chế “Tiết kiệm dành cho người cao tuổi” (Senior Citizen Dícounts!)
Thực ra tuổi (con số) không có ý nghĩa gì bởi vì già hay trẻ còn tùy vào sự suy nghĩ của mỗi người.
Trong cuộc hành trình cuộc đời, lúc trẻ là lúc chúng ta sử dụng những tài nguyên mà trời ban cho từ sức khỏe, tiền bạc, kiến thức, sự sáng tạo… Đến khi về già là lúc phải chấp nhận và an hưởng. Cố gắng giữ niềm tin và ước vọng đối với tháng ngày sống còn lại; tránh các hoàn cảnh dẫn tới sự cô lập hay cô đơn. Phải năng động, thăm hỏi bạn bè, thân nhân vì sự cô lập hay cô đơn là hai thứ độc địa sẽ cắt ngắn cái tuổi già sớm hơn:
Một ngày kia, tôi đến thăm một người bạn già sống “trơ thân cụ” mặc dù có 8 người con đều trưởng thành, thành tài, sống rải rác ở trên khắp nước Mỹ. Ông bạn than phiền:
⁃ “Anh còn nhớ căn nhà này trước đầy tiếng cười nói của đàn con của tôi 8 đứa. Bây giờ tôi phải sống thui thủi chỉ có một mình! Kể cũng tủi thật!”
Tôi an ủi:
⁃ “Anh đừng có nản! Anh không bao giờ sống một mình trong cô đơn cả. Có Đấng Chí Tôn luôn luôn ở bên cạnh anh đấy! Lo gì?”
Không phải tuổi già luôn luôn là chuyện buồn, chuyện thất lợi... Tuổi già cho chúng ta các cơ hội để ôn lại những cái thành công, cái thất bại của quá khứ; giúp tìm cách vui chơi với những liên hệ tình cảm bạn bè, với người thân trong gia đình, cũng như những người mới quen, nếu có thể được...Nhớ lại những lúc mình làm người khác vui và những lúc người khác làm mình vui.
Chúng ta cần nên biết, Thông thường, người già thường có 3 cái lo sợ, quan tâm:
1) Chết.
2) Bị bỏ quên.
3) Trở thành gánh nặng cho người khác.
Tôi xin đề nghị cách để người già có thể tránh được các nỗi sợ này như sau:
Thứ nhất, người có đức tin tôn giáo không sợ chết. Chết chỉ là một “sự thay đổi” chứ không phải là “hết/ hay chấm dứt.” Con người có phần xác và phần hồn. Chỉ có phần xác chết; còn phần hồn sẽ trở về Nước Chúa Vĩnh Cửu hay Vãng Sanh Tịnh độ… Thánh Therese of Lisieux có nói: “Sự chết là con đường thật đẹp dẫn đến thiên đàng.” (Death is the magnificent gateway to Paradise)..
Thứ hai, Không làm gì phải sợ bị bỏ quên; ngoại trừ người già tự ý nhất định muốn bị bỏ quên thì tôi đành chịu! Bởi vì người già có nhiều thời giờ, thành ra có rất nhiều người, nhiều tổ chức cần sự đóng góp công sức của họ.. Ở ngoài xã hội thì có các hội thiện nguyện, “Soup Kitchens,” các mục vụ của nhà thờ; các việc công quả ở chùa, đền thờ, nhà thờ v..v... Ở trong phạm vi gia đình (ở nhà) thì các con các cháu luôn luôn cần sự giúp đỡ của ông bà để giữ nhà, chăm sóc đưa đón con trẻ còn nhỏ, trong lúc phải con cháu phải đi làm kiếm sống trong hoàn cảnh chật vật mà không đủ phương tiện tài chính để thuê người chăm sóc hay đem gởi con nhỏ ở các nhà trẻ tốn kém.
Thứ ba, lúc còn trẻ phải sống cần kiệm không hoang phí để khi về già có thể tự sống với “tiền để dành” (saving) cũng như trợ cấp hưu trí giới hạn của chính mình. Có thể dùng tiền tiết kiệm của mình để sống trong cơ sở khang trang, không cần phải tráng lệ, dành riêng cho người cao niên có khả năng tài chánh tối thiểu. Thăm viếng bạn bè, thân nhân ... một cách nhau thường xuyên nếu có điều kiện... Con cháu nếu có muốn giúp thêm thì rất quý; nhưng nếu đã có dự tính từ trước là cố sống “độc lập, tự lo hạnh phúc” thì dầu sao cũng khó có thể trở thành gánh nặng của người khác, kể cả con cháu.
Vài lời thô thiển..
Đơn giản thế, người già sẽ thoải mái!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét