Ngày 7/1 hàng năm được kỷ niệm là ngày Toàn thắng nhân ngày Campuchia giải phóng khỏi chế độ Khmer đỏ.
Và năm nay, Thủ tướng Samdech Hunsen đã có bài phát biểu dài, nhấn mạnh: "Đây là ngày sinh thứ hai của đất nước."
Tuy nhiên, với nhiều người dân Campuchia, ngày 7/1/1979 cũng là ngày đánh dấu "kỷ nguyên lệ thuộc của Campuchia vào người Việt".
VN giải phóng Campuchia để lập nhà nước thân Hà Nội
Tờ báo New York Times vào 1988 ghi nhận rằng, các nước Mỹ, Trung Quốc, và nhiều nước phương Tây khác đều biết đến tội ác này và họ đã không làm gì, thậm chí còn hỗ trợ Pol Pot súng ống, đạn dược, vũ khí, lương thực, và ủng hộ đại diện Khmer đỏ trên trường quốc tế.Việt Nam - và duy nhất Việt Nam, tờ báo này nhấn mạnh - là lực lượng duy nhất đẩy Pol Pot ra khỏi Campuchia và chấm dứt nạn diệt chủng.
Tuy nhiên, phần lớn sử gia thế giới đồng ý rằng việc quân đội Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh không phải nhằm mục đích nhân đạo, thay vào đó, là để lập nên một nhà nước "thân" với Việt Nam (thay cho Khmer Đỏ) sẽ hoàn toàn có lợi cho an ninh Việt Nam.
Với nhiều người Campuchia, 10 năm Việt Nam đóng quân tại Campuchia là khoảng thời gian Việt Nam "xâm lấn" Campuchia với tham vọng bá chủ Đông Dương.
"Giống như nhà hàng xóm của bạn bị dột. Bạn sang giúp, giúp xong rồi về chứ chớ ở lại lâu quá thì…," một người dân Campuchia nói.
Một người lính Việt Nam trở về TP Hồ Chí Minh sau khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia vào tháng 9/1989
Từ "Đội quân Nhà Phật", chỉ trong vòng vài tháng, quân đội Việt Nam đã không được chào đón hay hoan nghênh ở Campuchia.
Một nhà nước mới được dựng lên, bao gồm Heng Samrin, tướng cũ Khmer Đỏ, Issarak, viên chức từng có thời gian làm việc lâu năm ở Hà Nội, và Pen Sovann, Thư ký của Đảng Nhân dân Giải phóng Campuchia.
Tất cả được điều hành bởi Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua nhóm làm việc được biết đến tên A-40. Bộ máy hành chính từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh luôn có một viên chức Việt Nam, hay "cố vấn" Việt Nam đi kèm với một viên chức Campuchia. Mọi chính sách đều phải được thông qua cố vấn Việt Nam, và quyết định bởi Hà Nội.
Những viên chức và nhân viên chế độ cũ được tuyển dụng vào làm việc ở bộ nội các mới. Trong những buổi làm việc định hướng đầu tiên, họ được làm rõ tư tưởng. Phải có "thái độ đúng đắn" với những đồng chí người Việt, hoặc có thể bị bỏ tù vì tội chống đối hoặc chịu các hình thức trừng phạt khác.
Sau ngày "Giải phóng", những người dân Phnom Penh trở lại thành phố với hy vọng tìm lại nơi chốn của mình, chỉ để nhận ra rằng nhà của họ đã bị chiếm đóng bởi các đồng chí Việt Nam hoặc thành viên trong nội các mới.
Tờ báo Far Eastern Economic Review năm 1979, tác giả Nayan Chanda viết: "Từ một trung tâm thương mại Trung Quốc sầm uất, Phnom Penh được dọn sạch như một cơn bão vừa qua…Hàng dài các xe tải chở hàng, tủ lạnh, máy điều hoà, đồ gia dụng, điện tử, máy móc, và những tượng điêu khắc đắt tiền nối đuôi nhau về hướng thành phố Hồ Chí Minh...
"Nhà cửa và các cửa hàng tạp hoá chỉ còn lại những đồ nội thất hư hỏng, những mẩu vật dụng trong nhà hàng ngày bị tống ra cả đường phố. Vỏ cotton từ lớp chăn nệm xé toạc phủ đầy đường phố. Rõ ràng là đã có một cuộc càn quét lật tung hết từng nhà, tìm kiếm vàng và đồ trang sức."
"Bất kể Việt Nam làm gì ở Campuchia, họ đều không được lòng dân", tác giả Philip Short kết luận, trong cuốn Pol Pot - Chân dung một cơn ác mộng (Pol Pot - The History of a Nightmare).
Campuchia bị liên lụy từ cuộc chiến Việt Nam
Trước đó, trong cuộc chiến Việt Nam, lãnh thổ Campuchia đã được sử dụng để vận chuyển vũ khí, lương thực, quân lương dọc theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh khi miền Bắc viện trợ cho miền Nam.Điều này dẫn đến việc Mỹ thả bom ở Campuchia, số bom này còn lớn hơn tổng số bom Mỹ thả vào Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai.
Trong khi đó, Campuchia được xem là quốc gia trung lập và không can dự vào cuộc chiến Việt Nam.
Sự bất phản kháng của quốc vương Sihanouk thuận theo Hà Nội đã tạo nên làn sóng không hài lòng trong người dân, một trong những nguyên nhân bùng phát phong trào Khmer Đỏ (mặc dù khi mới thành lập Khmer đỏ có mối quan hệ khá tốt với Hà Nội và Hà Nội có những hỗ trợ cho Khmer Đỏ, nhưng mối quan hệ nhanh chóng trở nên tồi tệ và chuyển sang đối đầu).
VN giành viện trợ với Campuchia
Bốn tháng sau ngày giải phóng, tức tháng 5/1979, hơn 10.000 người Campuchia đã chạy tị nạn đến biên giới Thái Lan - Campuchia.Đến tháng 10/1979, con số này đã lên đến 150.000 và đến cuối năm là 750.000. Phần lớn trong số họ là những binh lính cũ của chế độ Khmer đỏ cũ, còn lại là nhóm phong trào chống cộng Campuchia biết đến tên gọi Khmer Serei (Khmer tự do), số khác là những dân thường, nhà buôn, và những tầng lớp khác.
Hầu hết mọi người khi đến nơi đều trong tình trạng "đói khát, bị sốt xuất huyết, và trong điều kiện sức khoẻ rất tồi tệ". Thái Lan, trong khi đó, nhắm mắt "làm ngơ".
Trong khi đó, trên lãnh thổ Campuchia, mọi việc không khá hơn nhiều. Các cuộc xung đột giữa quân đội Việt Nam và quân phản kháng đã làm cản trở việc sản xuất lúa gạo. Đến năm 1980, nạn đói đã lan ra toàn quốc.
Việt Nam ban đầu từ chối nhận viện trợ thực phẩm từ các nước không phải Cộng sản, lo sợ rằng, nguồn viện trợ này có thể được chuyển lên biên giới cho đội quân Khmer Đỏ.
Kết quả sau đó, viện trợ phải được tiến hành ở cả Hà Nội và Phnom Penh.
Với số lượng hàng viện trợ cho Campuchia phải chia với cả Hà Nội.
Người Campuchia nghĩ gì về người Việt?
Phỏng vấn một du học sinh người Campuchia tại Anh, cô đồng tình: "Mặc dù Trung Quốc hỗ trợ Khmer Đỏ xuyên suốt thời kỳ trên nhưng nhìn chung, người Trung Quốc được chào đón ở Campuchia hơn là người Việt."Khi được hỏi lý do vì sao, cô trả lời "Đảng đối lập Chính phủ Hun Sen luôn duy trì chính sách bài Việt Nam. Các chương trình tuyên truyền đều nhắm vào cộng đồng người Việt, với phần lớn dân số Campuchia sống tại nông thôn, họ rất dễ bị ảnh hưởng bởi các thông tin truyền bá này."
Các nghiên cứu về Nhân quyền và Nhóm các dân tộc thiểu số ở Campuchia cũng đồng tình rằng cộng đồng Việt ở Campuchia được sử dụng là con bài chính trị để phê phán chính phủ Hun Sen và giành lấy phiếu bầu của người dân.
Một nạn nhân sống sót sau nạn diệt chủng ở thôn quê, khi được hỏi "Bà có nghĩ có ai đó chống lưng cho Pol Pot không? Pol Pot một mình không thể giết cả triệu người Campuchia như vậy? Có thể là Việt Nam, là Trung Quốc...?"
Bà trả lời, "Không, nếu là người Việt thì chúng tôi đã tận mắt chứng kiến rồi. Đây là người Campuchia giết chính người Campuchia".
Hầu hết các thước phim lịch sử và tư liệu nhắc lại thời kỳ Khmer Đỏ tập trung nhắc lại câu chuyện công lý và nỗi đau của gia đình nạn nhân hơn là câu chuyện chính trị - lịch sử giữa Việt Nam - Campuchia và vai trò của Việt Nam, Trung Quốc, hay các bên thứ ba trong cuộc chiến.
Tuy nhiên, phần lớn dân số Campuchia "không ưa" người Việt và miệt thị gọi bằng từ Youn. Một thợ sửa khoá người Việt sinh sống lâu năm tại Campuchia kể lại, "Đầu tiên họ kính nể mình lắm, sau dần họi coi mình không ra gì, sau đó thường xuyên đến quấy phá, làm rối. Sống trên đất họ thì phải chịu thôi."
Hầu hết những người Việt sinh sống tại Campuchia đều trải nghiệm bị miệt thị.
"Họ (cảnh sát) không kiếm chuyện với người Hoa, người Chăm đâu, chỉ người Việt Nam thôi."
Người Hoa và người Chăm, hai cộng đồng dân tộc thiểu số lớn thứ hai và thứ ba sau Việt Nam ít gặp phải tình trạng trên. Nhiều trường hợp ghi nhận trẻ em Việt Nam khi đến trường Campuchia bị phân biệt đối xử, nhiều em trong số đó giấu danh tính gốc Việt, hoặc chọn các trường đông học sinh Trung Quốc để theo học.
Những gì cộng đồng người Việt đang đối mặt hiện nay có phải là những hậu quả tất yếu từ cuộc chiếm đóng 40 năm về trước?
Ai chịu trách nhiệm cho cuộc sống của những kiều bào Việt Nam ở Campuchia khi không một tổ chức chính thức lên tiếng bảo vệ quyền của họ.
Bài học lịch sử nào cho thế hệ tiếp nối?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét