khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2018

Mối tình ba năm giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du




Nguyễn Du sinh năm 1766, Hồ Xuân Hương sinh năm 1772, hai người cùng lứa (chênh nhau 7 tuổi), có những khoảng thời gian cùng sống ở kinh thành Thăng Long. Nguyễn Du là con nhà đại quý tộc, Hồ Xuân Hương cũng con nhà trâm anh. Đời sống của cả hai đều có nhiều lận đận, trong khi Nguyễn Du sớm mất cha, rồi mồ côi mẹ, thì Hồ Xuân Hương cũng là con vợ lẽ, cha mất, mẹ tái giá.

Điều quan trọng nhất, cả hai đều là những tao nhân mặc khách sống cùng thời, những văn nhân, thi hào nổi tiếng của dân tộc. Vì thế, có nhiều người đặt ra giả thiết, cho rằng giữa bà chúa thơ Nôm và đại thi hào dân tộc thực sự đã có mối tình riêng.


Mối tình chốc đã ba năm vẹn


Câu chuyện có lẽ bắt nguồn từ một bài thơ có trong tập Lưu Hương ký của Hồ Xuân Hương. Bài thơ có tên bằng chữ Hán: Cảm cựu kiêm trình Cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu, nghĩa là Nhớ bạn cũ, viết gửi cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu; dưới tên bài thơ còn ghi chú: “Hầu Nghi Xuân Tiên Điền Nhân”.

Nguyễn Hầu ở đây chính là Nguyễn Du, quê ở Nghi Xuân, Tiên Điền, năm 1805 được phong Du Đức Hầu, đến năm 1813 được thăng Cần chánh học sĩ sung Chánh sứ sang nhà Thanh.

Bài thơ được Hồ Xuân Hương được viết năm 1813, năm Nguyễn Du được phong làm Cần Chánh học sĩ, như sau:“Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung/ Mượn ai tới đấy gửi cho cùng/ Chữ tình chốc đã ba năm vẹn/ Giấc mộng rồi ra nửa khắc không/ Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập/ Phấn son càng tủi phận long đong/ Biết còn mảy chút sương đeo mái/ Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong”.

Phân tích bài thơ, có thể thấy rõ tình cảm của Hồ Xuân Hương. Hai câu “Chữ tình chốc đã ba năm vẹn/ Giấc mộng rồi ra nửa khắc không” cho thấy hai người có tình cảm trong ba năm tròn. Giả thiết đặt ra hai người gặp nhau ở một trong những lần Nguyễn Du qua Thăng Long và nảy sinh tình cảm.

Với hai câu thơ “Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập/ Phấn son càng tủi phận long đong” có nhiều cách lý giải khác nhau. Có ý kiến cho rằng “mừng duyên tấp nập” ở đây là chỉ chuyện Nguyễn Du được thăng chức Cần chính Học sĩ và đi sứ. Nhưng cũng có ý kiến nói “duyên tấp nập” ở đây là nói chuyện Nguyễn Du cưới vợ; còn Xuân Hương thấy vậy chỉ chạnh nghĩ đến duyên phận long đong của mình mà tủi phận.

Về phía Nguyễn Du, không có bất cứ một tác phẩm nào lưu lại cho thấy ông nhắc trực diện tới tình cảm với Hồ Xuân Hương. Trong những lần Nguyễn Du qua lại Thăng Long, thi hào có để lại bài thơ Long thành cầm giả ca, cảm thương tiếng đàn, nhan sắc của người con gái đất Thăng Long.


Theo Nguyễn Trọng Tạo, Hồ Xuân Hương chính là nhân vật trong bài thơ Mộng Đắc thái liên (Mộng thấy hoa sen) của Nguyễn Du. Căn cứ vào những câu thơ trong bài “Hái, hái sen Hồ Tây… Sáng nay đi hái sen/ Nên mới hẹn cô láng giềng xóm Đông” khiến nhiều người cho rằng Nguyễn Du và Xuân Hương là hàng xóm của nhau, nảy sinh tình cảm qua lại trong ba năm. Để rồi sau đó tình cảm của họ vấn vương mãi, như lời thơ Nguyễn Du viết: “Hoa sen ai cũng ưa/ Cuống sen chẳng ai thích/ Trong cuống có mành tơ/ Vấn vương không thể dứt”.     



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét