Sự tàn độc và ác ôn của trại 6 trong cách ứng xử với tù nhân chính trị, một lần nữa được nhắc đến qua đợt tuyệt thực vừa rồi của Trần Huỳnh Duy Thức.
Trước đó là trường hợp Hải Điếu Cày.
Biệt giam. Cắt bỏ, ngăn cản và tước đoạt nhiều quyền lợi về thăm gặp, tiếp tế lương thực, sách báo, thuốc men…
Là trường hợp nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, bị bịt mồm trong cuộc thăm gặp thân nhân, khi anh cố đưa tin Hải Điếu Cày tuyệt thực.
Là hành hung, đánh đập dã man bà con nông dân Dương Nội khi họ vào đón anh Trịnh Bá Khiêm mãn hạn tù. Con trai anh Khiêm (cháu Trịnh Bá Tư) bị đánh toét đầu rách mắt.
Là trường hợp tôi, Trương Duy Nhất, trọng bệnh nằm liệt một chỗ suốt 25 ngày. Đến khi phải bò lết ra, nằm chắn ngang cửa phòng giam đấu tranh mới được chuyển viện cấp cứu.
Khi mãn hạn tù, đã tổ chức cướp đoạt hết những tập nhật ký tôi viết. Chở vứt tại một đoạn đường rừng cách trại hơn 4 km rồi hăm dọa “xin tí huyết” cho tôi “hết đường về.”
…
Tôi đã đi qua 3 trại, từ B 14, Hòa Sơn, đến trại 6. Mỗi trại mỗi sự khắc nghiệt và ác ôn riêng. B 14 không tước đoạt quyền nhận-đọc sách báo, nhưng bịt bùng đến ngộp thở. Hòa Sơn thì điều kiện ăn uống, sinh hoạt, giam cầm như súc vật.
Mỗi nơi mỗi vẻ.
B14, với điều kiện ăn uống và sách báo hơn các nơi khác nên thường được ví là “thiên đường trại tạm giam Việt Nam.” Có lẽ nó được vậy, bởi là trại chuyên biệt dành giam các nhân vật cao cấp và những án lớn thuộc an ninh quốc gia, liên đới tới chuyện “triều đình.”
Hòa Sơn, dù ít bịt bùng hơn, mỗi ngày được ra tựa cửa “hơ nắng” 30 phút, nhưng cơ bản mọi điều kiện ăn uống sinh hoạt không khác gì… trại lợn.
Trại 6, khác B14 với Hòa Sơn vì nó là trại giam (không phải trại tạm giam), nên điều kiện ăn uống có khá hơn. Nhưng cách ứng xử và trừng trị tù nhân khi có chuyện thì cực kỳ tàn độc và man rợ. Đến mức, đợt thả anh Trịnh Bá Khiêm, họ còn dùng cả lực lượng “cảnh sát chó” (cảnh khuyển) để uy hiếp, trấn áp đoàn người đến đón.
Những hành vi xâm phạm đến quyền lợi tù nhân, thậm chí chà đạp quyền con người, có thể nói là phổ biến trong nhiều trại, chứ không gì các trại nêu trên. Bạn đọc hẳn nhớ trường hợp Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh khi ở trại tạm giam công an Khánh Hòa, thậm chí còn không được mặc quần lót và không băng vệ sinh.
Việc duy trì trại tạm giam, trại giam thuộc Bộ Công An khiến không thể kiểm soát để hạn chế được các tình trạng vi phạm thô bạo và man rợ, như kể trên.
Nhiều ý kiến, kể cả Quốc Hội, cũng nhiều lần đặt vấn đề, đòi tách hệ thống giam giữ giao cho Bộ Tư Pháp quản. Nhưng rốt cuộc đâu vẫn hoàn đấy.
Hiện, ngoài vai trò “cấp trên” là Tổng Cục (nay là Cục) cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, thì vai trò kiểm tra giám sát việc giam giữ thuộc về Viện Kiểm Sát nơi trại giam đóng.
Ở bài viết khác, tôi sẽ kể hầu bạn đọc một chuyện khá… vui, về một nhân vật được giao quyền kiểm sát giam giữ: Nguyễn Cảnh Nga, trưởng phòng kiểm sát giam giữ VKSND tỉnh Nghệ An. Nhân vật đụng độ khá nhiều với khu tù chính trị trại 6. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét