khktmd 2015
Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018
Chào quốc kỳ dưới mái trường làng - Tác giả An Tiêm Mai Lý Cang
Trường làng tôi đi học thuở thiếu thời tọa lạc trên cánh đồng bên cạnh một dòng sông, xa xa nhìn thấy bóng dáng sắc màu của dãy rừng xanh, và núi thẫm.
Tướng tôi hơi gầy, nhưng nhờ cao giò cho nên lúc ấy thường được các thầy cô chiếu cố thường xuyên vào những buổi lễ chào cờ buổi sáng trước khi vào lớp học. Có nghĩa là nhiệm vụ của tôi, là đứng kéo cờ theo tiếng hát quốc ca của học sinh các lớp trong trường. Công việc nầy, chỉ cần nhẹ nhàng khéo tay là chu toàn nhiệm vụ. Ấy thế mà có những anh chàng học sinh vụng về, không làm được. Thí dụ, như khi bài hát đã chấm dứt rồi mà lá cờ hãy còn ở lửng lơ chưa lên tới ngọn, hoặc rút cờ lên quá sớm khi bài hát chưa xong. Chính chỗ đó, cho nên ông hiệu trưởng đề nghị các thầy cô đặt sát cho tôi có bổn phận là...thằng kéo cờ. Nhận được chức nầy, tôi cũng cảm thấy rằng mình có oai ra phết! Do vậy, sáng nào tôi cũng phải săn sóc từ cái áo, cái quần cho đến cái đầu sao cho có đường rẽ tươm tất, để khi bài hát cất lên dưới kỳ đài thì mình sẽ được hãnh diện trong tư thế đàng hoàng. Mặc dù khi ấy còn là đầu xanh tuổi trẻ, nhưng tôi cũng biết ý thức được phần nào về biểu tượng hồn thiêng sông núi của lá quốc kỳ. Và tôi cũng cảm thấy có đôi chút tự hào, khi đứng một mình giữa những hàng thứ tự của các học trò vây quanh. Tuy nhiên, điều làm cho tôi có ấn tượng hơn, là khi bắt gặp có những ông thầy giáo xứng đáng thể hiện động thái của mình qua phần hành điều khiển những buổi lễ chào cờ. Thực vậy, không phải không khí của các buổi lễ chào cờ nào cũng đều giống như nhau. Có hôm gặp ông thầy giáo điều khiển lễ chào cờ không có giọng nói tốt, thì không khí của buổi lễ chào cờ bị kém phần linh thiêng, tẻ nhạt. Còn hôm nào gặp ông thầy giáo có giọng trầm hùng điều khiển lễ chào cờ, thì bầu không khí oai nghiêm ở sân trường dường như đã được biến thành sức sống của một chiến khu, để cất lên tiếng những hát xuất quân xông trận. Chính tác dụng sinh động của hình ảnh không gian đó, là những lời hiệu triệu sắt son gởi trọn vào tâm hồn của tuổi thơ và hun đúc đá vàng theo thời gian ngày tháng. Sau khi từ giã những mái trường làng để về thành đô theo học ở các lớp cao hơn, tôi thấy mình có dịp được mở mang kiến thức nhiều hơn với tương lai mới. Nhưng sao những kỷ niệm bây giờ, không được giống như thời buổi bấy giờ. Bên cạnh cái sàng khôn, tôi vô tình ôm mang theo một niềm suy tư trăn trở. Vì rằng, ảnh hưỏng của chốn phồn hoa phố thị nơi đây đã làm cho tình bạn không còn trong sáng, tình yêu đâu còn với tuổi mộng mơ, nghĩa sư đệ còn biết lấy chi làm chừng mực? Tất cả, dường như có một biên cương giới hạn! Và ngậm ngùi hơn, là tôi cảm thấy rằng mình không còn có dịp để được thể hiện ra tình yêu quê hương tổ quốc một cách đơn sơ, chân thành, mộc mạc của thuở dại khờ. Đó chính là hình ảnh của những buổi sáng trời trong nắng đẹp, có tiếng chim kêu, bò rống ở ruộng đồng hòa lẫn với tiếng hát quốc ca của học trò dưới mái trường làng. Vào khoảnh khắc mà tất cả ánh mắt rực sáng của tuổi thơ, đều hướng nhìn lên kỳ đài.
Từ đỉnh cao có ngọn cờ tổ quốc thiêng liêng phất phới tung bay, như quyện bóng hình vào hồn thiêng sông núi…
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét