Hôm nay ngày giỗ ba! Mới đó mà cũng gần 50 năm rồi. Mỗi lần giỗ ba, nhang khói ngập trời cả thành phố Huế. Gần 6,000 anh linh, nạn nhân của một cuộc tàn sát đẫm máu, vất vưởng đâu đây trên những bãi cát vùng Diên Đại, Xuân Ổ, Xuân Đại, Phú Thứ. Những oan hồn lẫn khuất quanh sân trường Gia Hội, Kiểu Mẫu. Những người vô tội bị xử tử ngay tại nhà, trước mặt người thân. Những vị bác sĩ từ tâm người Đức bị sát hại sau chùa Từ Đàm, và hàng ngàn người dân vô tội ở vùng Phủ Cam bị lùa xuống khe Đá Mài.
Cả thành phố chìm ngập trong màu khăn sô trắng. Ôi! Tôi không muốn nhớ đến cảm giác hãi hùng ấy nhưng sao nó vẫn cứ khắc sâu trong tâm khảm. Phải chăng những anh linh ấy không siêu thoát được vì cái chết đau thương của họ đã bị lịch sử bóp méo? Thoang thoảng đâu đây như tiếng kêu gào “Trả sự thật lại cho chúng tôi.”
Ba! Con sẽ không quên. Lịch sử sẽ không quên và mọi người trên thế giới này sẽ không quên dù ai đó cố tình đổi trắng thay đen để chạy tội cho cuộc tàn sát man rợ đó. Ngày đó, tuy còn nhỏ nhưng con đã biết nhận xét mọi chuyện. Gia đình mình gần như là nơi tụ tập của Ủy Ban Truy Tầm Nạn Nhân Mậu Thân. Mỗi buổi sáng là hai chiếc xe GMC đậu trước nhà để chở dân và nhân công đi tìm kiếm mồ chọn tập thể. Mấy dì trong ban tổ chức có chồng mất tích 68 như cô Tôn Thất Lang, dì Quýnh, dì An, dì Dương, dì Mại, mạ… lo sửa soạn vật dụng mà chú Thuyên (phó quận trưởng quận Phú Vang) và mấy chú lính chở tới như những cây vải nylon để bó hài cốt, dây cột, thẻ bìa carton trắng để ghi chi tiết nhận dạng mỗi thi hài. Sáng nào mấy dì và tụi con cũng cắt, xếp những mảnh ni lông khoảng hai thước để bó thi hài.
Ông Noại trong làng ra bắt đầu một ngày làm việc bằng ly rượu trắng nhỏ (ông là người phụ trách việc hốt cốt.) Ông cẩn thận lượm từng mảnh xương nhỏ của mỗi thi hài nằm chồng lên nhau trong những cái hố chật hẹp. Có thi hài còn đủ áo quần (như hầm ba mình) nhưng cũng có những thi hài chỉ trần xì cái quần đùi, rất khó nhận diện. Mình nghe được nhiều mẫu chuyện cười ra nước mắt bởi ông và mấy chú bác. Có một bà nhận được xác chồng nhưng không có đầu (bị xử tử). Bà đi theo và nói nhỏ với ông: “Chú ơi! Chú có cái đầu mô dư cho con một cái.” Ông nạt ngang: “Người mô thì đầu nấy, dư mô mà cho, nói tào lao!” Vậy mà mấy hôm sau, đi vùng khác, ông lại tìm được một cái đầu lâu trong bụi rậm. Ông nhắn: “Chôn chưa, về chú cho cái đầu nè.” Bà ta tất tả mừng rỡ chạy về, gói đầu lâu chồng lên làm đám. Rồi còn có một chị trong xóm, đi tìm xác chồng nhưng không được vào trong bèn ngồi ở địa điểm tập trung an toàn và nghe nhận diện qua phóng thanh. Chị xin làm thiện nguyện bằng cách vào rồi phụ gánh thi hài ra xe. Cứ hai người gánh một thi hài đã được bọc nylon và bó dây kỹ lưỡng. Đi được vài chục bước thì thi hài rớt ra, chị phải dừng để buộc lại, đi thêm vài chục bước thì thi hài rớt thêm lần nữa, lại buộc và đi, qua lần thứ ba lại rớt và xổ tung ra, chị phải nhặt gom lại và chợt thấy mảnh vải quần đùi của chồng mà chi tự tay may lấy. Chị dở ra xem lại và oà khóc nức nở, chị đã gánh đúng xác của chồng chị mà không biết.
Còn nhiều mẫu chuyện “trời đất dun dủi” như thế nữa nghe rất thương tâm. Cực khổ rứa đó mà ngày nào mạ cũng đi, sáng đi chiều tối về. Ngày nào cũng lê la bên mấy mồ chôn để mong nhận diện chồng. Ngày nào cũng hít thở mùi xác chết thối rửa trong cái nắng mùa hè vậy mà không bệnh hoạn chi hết. Sáng mua ít đồ ăn vất lại cho bầy con ở nhà tự xoay xở lấy, cả hàng quán cũng vất liều luôn. Mạ mua ít gói xôi hay vài trái bắp làm thức ăn trưa rồi dang nắng suốt ngày ở những vùng đất cát trắng ghê người ấy. Bác cũng đi theo để phụ mạ tìm người em trai duy nhất của mình. Thấy cực khổ quá nên bác khuyên mạ nên ở nhà để lo con rồi thỉnh thoảng thay phiên với bác cũng được. Thế nhưng, ở nhà một hôm thì bị thôi thúc, ruột gan không yên, cả ngày cứ ngửi thấy đâu đây mùi xác người chết. Trời đất phù hộ, lăn lóc với các hầm chôn người thì không cảm thấy gì hết. Mạ lại nhập vào cuộc kiếm tìm và nhờ vậy, khi tìm ra xác ba, cả mạ và bác có thể lo chu toàn hơn. Hầm chôn xác ba gồm có 27 người toàn là người trong xóm ra “trình diện học tập.” Từ đầu xóm đến cuối xóm đèn đuốc sáng rực vì phải làm rạp chứa đám bên ngoài nhà. Hai mươi bảy bà góa phụ với đám con nhỏ mồ côi cha khăn áo tang trắng nguyên cả xóm. Riêng hầm này may mắn biết được ngày mất vì có một chú lận cái đồng hồ lên tận nách nên không bị tước đoạt. Ngày xưa đồng hồ phải lên giây mỗi ngày vì vậy khi đồng hồ đứng là biết chết trước đó một ngày. Cả nhóm bị bắt ngày mùng 6 Âm Lịch thì bị giết ngày mùng 8 vì đồng hồ đứng ngày mùng 9 Âm Lịch.
Giờ đây, con ở nơi phương xa hơn nửa vòng quả đất với mâm cơm chay đạm bạc, nén hương chân thành nguyện cầu ba sớm siêu sinh miền tịnh độ.
Nam Mô Siêu Lạc Độ Bồ Tát Ma Ha Tát! |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét