khktmd 2015
Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018
Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018
Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018
Ếch nhảy qua khỏi miệng giếng: Tiến sĩ VN phát biểu về khả năng tiếng Anh của ông trong lần đầu sang Mỹ
Năm 2004 tôi thi tuyển được sang Mỹ. Ở Hà Nội mình nghĩ tiếng Anh của mình siêu rồi, nói gì Tây cũng hiểu, email ngày viết chục cái, nhưng than ôi…
GS cứ giảng, sinh viên hiểu hay không không quan trọng
Mấy chục năm về trước ai trúng tuyển đi AIT (Asian Institute of Technology - Viện Công nghệ châu Á Bangkok, Thái Lan) được coi là giỏi, bởi ngoài chuyên môn còn phải thi tiếng Anh - khá khó đối với người Việt mới bắt đầu thời mở cửa.
Hàng năm AIT nhận vài chục cán bộ từ Việt Nam và số này được coi là trí thức tinh hoa thời đó. Sang đó học ngày học đêm, đọc, viết, nói tiếng Anh phải thạo mới mong qua khỏi 2 năm dùi mài đèn sách để có bằng Master.
Một số được cơ quan cử đi do chuyên môn nhưng tiếng Anh yếu, AIT nhận rồi sang đó phải bồi dưỡng thêm vì họ thực sự muốn giúp cán bộ VN đi học công nghệ để xây dựng đất nước.
So với thời nay sinh viên du học Mỹ thi IELT hay TOEFL với số lượng 30 ngàn đang du học ở hầu hết các nước nói tiếng Anh so với lứa vài chục người sang AIT hàng năm đủ nói lên tiếng Anh thời xưa còn rất "hồng hoang".
Tôi biết một giáo sư bên ta được mời đi giảng bên AIT với lương trên 1.000$/tháng những năm 1990 là khủng lắm. Vài người biết trình độ tiếng Anh và cả chuyên môn của giáo sư ấy thì hơi băn khoăn: Làm sao ông có thể đánh vật với ngoại ngữ này để đứng giảng đường thuần tiếng Anh cho học sinh quốc tế?
Hỏi ông có vấn đề gì không thì ông thản nhiên nói rất tự tin: "Việc mình giảng thì cứ giảng thôi, hiểu hay không là việc của bọn sinh viên". Thế mà ông cũng qua hai năm, về nước và giầu sụ. Cho tới giờ tôi chưa tìm được bài báo nào của ông tự viết tiếng Anh.
Bác sĩ Việt làm bảo vệ ở World bank và những người làm cho McNamara
Thời đó biết kha khá tiếng Anh kiếm tiền dễ, du học dễ và đi các nước phương Tây như đi chợ. Khi đi làm cho sở Mỹ, Anh, Tây Âu, Nhật, thì tiếng Anh gần như bắt buộc phải thạo.
Một số quốc gia yêu cầu thi chứng chỉ chuẩn quốc tế, khó có chuyện "châm chước" như giáo sư trên.
Thời nay người bán hàng rong ở Hà Nội, Tp. HCM hay tận Sapa cũng học tiếng Anh để đủ giao tiếp và kiếm tiền Tây. Có những cậu bé ngoài bờ Hồ liến thoắng những từ thuộc lòng dù chẳng hiểu gì khi khách muốn giải thích.
Có lẽ vì thế mà chỉ số thạo tiếng Anh (EF English Proficiency Index - EF EPI), Việt Nam xếp hang 41 (loại khá) về thông thạo tiếng Anh trong số 88 quốc gia không nói tiếng Anh, hơn Trung Quốc, Nhật, Thái Lan, Indonesia và Cambodia.
Đây là một điều khá bất ngờ. Top 3 nước luôn là Thụy Điển, Hà Lan và Singapore.
Sau năm 1975, nhiều người Việt đã đến Mỹ. Từ quê nhà họ là những quan chức, tướng tá của chính quyền Sài Gòn, có số má, bỗng đặt chân tới nước Mỹ không khỏi ngỡ ngàng vì sự đổi thay.
Nhiều người trong số họ có biết tiếng Anh nhưng chỉ đủ giao tiếp và không ít người chả hiểu từ nào. Sau khi từ nhiệm ở Lầu Năm Góc, cựu Bộ trưởng Bộ QP McNamara đã chuyển sang làm chủ tịch World Bank từ năm 1968 tới năm 1983.
Trong 13 năm ấy ông nhớ lỗi lầm của chiến tranh Việt Nam nên cố giúp những người Việt sang Mỹ.
Một đồng nghiệp cho biết, anh và khoảng 150 người khác được nhận vào tổ chức Quốc tế này, ngoài chuyên môn cũng phải khá tiếng Anh.
Anh kể, từ Việt Nam sang chân ướt chân ráo, có học tiếng Anh ở phổ thông, có bằng kinh tế ở Sài Gòn, nhưng sang Mỹ coi như bắt đầu từ con số không.
Học lại tiếng Anh, thêm bằng đại học tài chính, thay vì ngồi đợi tiền trợ cấp, anh đã thi đỗ vào đây, làm ở đó cho tới khi về hưu. Các anh chị khác cũng yên ổn nơi đây, họ cảm ơn McNamara rất nhiều, nhưng một phần vì họ biết tiếng Anh.
Nhưng số đi "tham quan, cọ sát, tìm hiểu" với vốn tiếng Anh lơ mơ mà sang Mỹ không bắt đầu cuộc đời bằng cố gắng học thêm ngoại ngữ, quên đi bằng cấp nơi quê nhà, thì cuộc đời luôn là bóng tối, không có đường ra.
Gặp một bác làm bảo vệ ở World Bank, người từng có bằng đại học về y ở Sài Gòn, nhưng sang Mỹ thì không được công nhận, không được hành nghề. Để học lại nghề y phải đầu tư số tiền quá lớn, nhưng quan trọng rào cản tiếng Anh khi đã lớn tuổi khiến bác phải bỏ nghề.
Bác chỉ tập trung học tiếng Anh ở quận mở vào buổi tối, thường là miễn phí hoặc rất rẻ. Thế là có việc đủ ăn, nuôi con lớn và sau này các cháu rất thành đạt.
Giờ đã qua tuổi hưu nhưng bác đi làm cho vui, có đồng ra đồng vào, biết tiếng Anh khá nên tìm việc phổ thông dễ. Nhưng để lên cao hơn, thì tiếng Mỹ phải rất tốt. Thấy tôi liến thoắng với Tây, bác thích lắm và bảo, anh cố lên sẽ giỏi đấy.
Tiếng Anh vỡ lòng dự án bị giao cho người khác
Bác bảo vệ nói tôi mới nhớ ra số phận đưa đẩy mình tới nước Mỹ. Năm 1995 khi thi tuyển vào World Bank Hà Nội cho chức danh trợ lý IT như các đồng nghiệp giễu đùa "chui gầm bàn lần dây mạng và ngắm chân dài", tôi thắng 60 ứng viên không phải do bằng cấp, do nhiều năm nghiên cứu hay trình độ cao hơn, mà do tôi thạo tiếng Anh hơn chút.
Thế rồi năm 2004 tôi thi tuyển được sang Mỹ. Ở Hà Nội mình nghĩ tiếng Anh của mình siêu rồi, nói gì tây cũng hiểu, email ngày viết chục cái, nhưng than ôi, sang Washington DC thì mới hiểu vốn tiếng Anh của mình chỉ là vỡ lòng, từ nói, đọc, viết và giao tiếp nói chung. Dù cố gắng đến đâu, dù học thêm ở nhà, nghe đài, xem tivi, học thêm kỹ năng viết, nói, nhưng trình cũng không hơn.
Có lần tôi đã gặp phải một trải nghiệm rất đắng: Trình bày về một dự án cấp smartphone rất hot cho 1500 nhân viên World Bank vùng Đông Á – Thái Bình Dương.
Tất cả các con số, lợi ích và, bất cập… đều được viết rõ ràng trên các slides, nhưng tôi đánh vật với thứ tiếng Anh miền núi của mình dù chuẩn bị kỹ gần như thuộc lòng.
Ông sếp to ở khu vực rất vui và nói, dự án này rất thuyết phục, nhưng trình lên tiếp để áp dụng cho 15.000 nhân viên (gấp 10 lần) toàn World Bank với số tiền vài triệu đô la, cần nói tiếng Anh tốt hơn. Và ông chỉ định một người Mỹ làm việc này.
Tôi chuẩn bị số liệu, hồ sơ, gần như từ con số không cho người trình bày và dường như anh ấy được mọi người nhớ như là tác giả của dự án.
Rào cản ngôn ngữ là một nhược điểm khá cơ bản của người đi xa dù chuyên môn giỏi thế nào cũng khó mà thuyết phục nếu mình không thạo tiếng.
Ông McNamara đã mất năm 2009, không còn ai giúp người Việt như sau 1975. Thời của AIT tuyển sinh cũng không còn dễ.
Và không thể còn cơ hội cho vị giáo sư đi giảng đại học, kiếm tiền xứ người, mà tự tin "mình giảng thì cứ giảng, hiểu hay không là vấn đề của sinh viên".
Trăm đường chạy trốn, chung một tủi hờn - Tác giả Nguyễn Ngọc Chu
Chiếc áo quốc thể duy nhất còn lại của họ là do tổ tiên truyền đời. Để mỗi lần đất nước lâm nguy, họ lại tự nguyện khoác lên mình hiến dâng cả tính mạng…
Chưa kịp giãi bày cuộc “trốn chạy” về phương Đông – nơi “Đất nước mặt trời mọc”, thì bàng hoàng nghe tin cuộc trốn chạy của 152 đồng bào đến Trung Hoa Dân Quốc.
Họ trốn chạy đến đó không phải để làm bộ trưởng, cũng không phải để làm giáo sư, giám đốc. Họ trốn chạy để làm những việc cơ cực, nặng nhọc, vì một đồng lương ngược đãi, cam chịu một thân phận rẻ rúng.
Thì vẫn biết hàng ngày hàng giờ, nhiều đồng bào phải rứt ruột bỏ quê hương mà đi. Nhưng vẫn nuốt nước mắt tự an ủi vì không nghe, không thấy. Điếc mù câm – đôi khi cũng có chút hữu dụng. Nhưng phải tự điếc, tự mù, tự câm, thì đó là khổ nạn.
Cửa ải nhập cảnh
Bước xuống phi trường Kansai, dẫu có visa nhập cảnh, đã chụp ảnh, lăn tay, photocopy hộ chiếu, người Việt Nam vẫn phải qua một cuộc sát hạch tại trạm xuất nhập cảnh. Người có hộ chiếu nhiều lần xuất nhập cảnh, đặc biệt là visa vào Nhật Bản và các nước Âu Mỹ, biết khá tiếng Anh thì cuộc sát hạch nhanh chóng kết thúc. Ngược lại là chuỗi dài những câu hỏi.
Ngay cả những doanh nhân, có tiền, đến để làm việc, hay tham quan, mà xuất ngoại ít, yếu tiếng Anh, đều bị phỏng vấn dài. Trước khi cho qua, cảnh sát biên phòng còn dặn dò, đừng làm điều gì để ảnh hưởng đến người Nhật viết thư mời xin Visa. Không phải họ lo cho mình. Mà họ lo cho chính đồng bào của họ. Tính cách Nhật đã tỏa sáng ngay từ biên giới nước Nhật.
Chạnh lòng, tìm hiểu nguyên nhân, thì biết rằng trước đó đã có người Việt bỏ trốn. Vừa đến “Đất nước mặt trời mọc” mà mặt trời đã lặn trong tâm. Ngoài trời thì mới bình minh, mà trong lòng thì đã hoàng hôn.
Học không xuể
Muốn đánh giá đời sống và nhịp sống của một nước, hãy đến ga tàu điện ngầm. Tàu điện ngầm ở Tokyo có hơn 300 ga. Tàu đi đúng từng giây. Phục vụ ở ga tàu điện ngầm khá nhiều người đứng tuổi. Những dòng người hối hả xuôi ngược liên tục cho đến đêm khuya. Hàng triệu người đi lại mà nhà ga và trên tàu sạch bong. Người Nhật không để lại thứ gì nơi mình ngồi. Tất cả được gói gém trong túi nilon mang theo người khi rời khỏi chỗ. Điều mà ngay cả ở trên máy bay ở Việt Nam cũng chưa làm được.
Những tòa nhà cao tầng xây nhiều chục năm vẫn đẹp. Trong khi khu vực mới của Hà Nội ở đường Phạm Hùng không tìm thấy được một tòa nhà bắt mắt. Để thấy sự cách biệt không bắt kịp, ngoài tự sướng bằng những sáo từ.
Người Nhật không nói đến Công Nghiệp 4.0, mà đâu đâu cũng ngập tràn công nghệ. Ngay cả trên đồng ruộng vùng nông thôn bao la cũng đan chen những “cánh đồng” pin mặt trời. Sự sáng tạo có mặt khắp mọi nơi. Không phải chỉ ở trong các phòng sáng chế của các tập đoàn lớn. Không chỉ ở các trường đại học và các viện nghiên cứu. Mà từ người làm bánh đến người trồng rau, người Nhật không ngừng sáng chế. Ở đâu, sản phẩm của người Nhật cũng không ngừng được hoàn thiện.
Là kẻ bại chiến, thế mà người Nhật đã trở thành đối thủ của bất cứ cường quốc nào. Tính kỷ luật của người Nhật cũng không kém tính nguyên tắc của người Đức. Có khác chăng là ở hình thức thể hiện.
Đến bố mẹ mà còn không trung lập được với con cái, còn cảm tình người con này, ưu tiên người con kia, thì đối với người dưng làm sao mà trung lập như nhau? Làm sao mà chúng ta có thể không có bạn bè, người thân, đứng một mình trong một thế giới biến động không ngừng?
Người Nhật luôn tìm kiếm cơ hội, tìm kiếm bạn bè, tìm kiếm đồng minh. Họ tìm kiếm cơ hội, bạn bè, đồng minh ở cả nước giàu lẫn nước nghèo, ở cả nước lớn lẫn nước bé, bao gồm cả nước mạnh lẫn nước yếu. Người Nhật là bậc thầy về tìm kiếm cơ hội, bạn bè, đồng minh. Vì thế mà họ đã hùng cường lại còn hùng cường hơn.
Người Nhật chu đáo với khách, nhưng càng rất chu đáo với chính người Nhật. Không ai nói ra, càng không hô khẩu hiệu, nhưng máu giống nòi mãnh liệt cuộn chảy trong máu mỗi người Nhật.
Chữ Nhật nhiều chữ giống Trung Quốc. Nhiều nơi người Nhật đề cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung Quốc. Có khá nhiều người Trung Quốc. Nhưng những người Trung Quốc ở Nhật đã cam chịu tính cách Nhật. Không lỗ mãng nghênh ngang, ồn ào, bẩn, trắng trợn đòi trả nhân dân tệ như ở Đà Nẵng hay Nha Trang. Người Trung Quốc ở Nhật đã nhập gia tùy tục, nép mình trong khuôn mẫu của pháp luật và luân lý Nhật.
Đi đến đâu cũng thấy phải học. Học không xuể.
Trăm đường trốn chạy, chung một tủi hờn
Trong chiến tranh, chúng ta có dòng người trốn chạy. Hòa bình vẫn tiếp tục trốn chạy. Đến bây giờ vẫn không ngừng trốn chạy.
Trong chiến tranh, dòng người trốn chạy chủ yếu là do chính trị. Thì nay, không chỉ vì chính trị, mà còn những nguyên do khác.
Kẻ có tiền trốn chạy bằng thẻ xanh.
Kẻ ít tiền trốn chạy để bán sức lao động.
Kẻ vay tiền trốn chạy bằng mạo hiểm sinh mạng.
Kẻ trốn chạy cầu mong tình duyên.
Kẻ trốn chạy kiếp đời nô lệ tình dục.
Kẻ trốn chạy bán cả giọt máu đào nòi giống.
Kẻ trốn chạy bị cướp đi nội tạng.
Kẻ trốn chạy kiếp đời nô lệ tình dục.
Kẻ trốn chạy bán cả giọt máu đào nòi giống.
Kẻ trốn chạy bị cướp đi nội tạng.
Kẻ trốn chạy để tìm cơ hội hợp tác.
Kẻ trốn chạy để tìm kiếm kiến thức.
Kẻ trốn chạy vì đời sống an toàn…
Kẻ trốn chạy để tìm kiếm kiến thức.
Kẻ trốn chạy vì đời sống an toàn…
Trăm đường trốn chạy. Chung một tủi hờn.
Vậy bao giờ thì đồng bào thôi khỏi phải trốn chạy?
Khi mà xuất khẩu lao động còn là chỉ tiêu góp phần tăng GDP và ngoại tệ cho Chính phủ, thì chừng đó đồng bào còn mãi phải trốn chạy.
Tại sao phải trốn chạy?
Một dân tộc đã vượt qua những năm dài chiến tranh khốc liệt thì không thể không vượt qua được những khó khăn mưu sinh. Cái gốc, với nhiều người trốn chạy, là do môi trường mưu sinh chưa tốt, chưa tốt đến nỗi phải thúc ép họ đi tìm môi trường mưu sinh ở xứ người.
Từ đó để thấy được, cải thiện môi trường mưu sinh là cực kỳ quan trọng và cấp bách. Đừng tự ru ngủ bằng những bình chọn mơ hồ “thành phố đáng sống”, “đất nước đáng sống”, “con hổ”, “con rồng” – trong khi hàng ngàn đồng bào phải kéo nhau vượt biên xa xứ.
Chúng ta vui mừng vì lần đầu tiên tăng trưởng GDP vượt 7%. Chúng ta vui mừng vì GDP đạt 245 tỷ USD. Những điều đó không sai.
Nhưng một đất nước 95 triệu dân mà đạt GDP chỉ có 245 tỷ USD, trong khi Singapore chỉ có dân số 5 triệu 638 ngàn 700 người lại có GDP là 349 tỷ 659 triệu USD. Quốc thể chúng ta ở đâu?
Trong cuộc trốn chạy của hàng chục ngàn đồng bào có lỗi của mỗi chúng ta. Chúng ta đã không chung tay để thay đổi môi trường sống về hướng tốt hơn. Chúng ta cam chịu một môi trường sống ngày càng thêm ô nhiễm.
Môi trường mưu sinh trùm chứa nhiều bình diện của một kiếp người, không đơn thuần chỉ là miếng ăn, kiếm sống.
Nhìn đồng bào của mình bị còng tay dắt đi trong con mắt khinh rẻ của người, một nỗi xót thương quặn thắt trào dâng nghẹn họng. Cũng là cùng kiếp người, sao thân phận đồng bào mình bị đẩy trôi đến lớp đáy của xứ người? Ai đã buộc họ đến nông nỗi này?
Nhớ lại đoạn phim thời sự. Tổng thống Kennedy đã bỏ họp ra khỏi phòng khi nhìn thấy cảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Ông tự nói rằng, bên đó chính quyền phải làm những điều gì đó mới đẩy nhà sư đến hoàn cảnh tự thiêu như thế này.
Khi người Đông Đức vượt tường Berlin sang Tây Berlin bị phơi xác trên tường, nghĩa là có điều gì ở Đông Đức buộc họ phải mạo hiểm tính mạng sang Tây Đức.
Khi người Duy Ngô Nhĩ phải trốn sang Móng Cái để đến nước thứ ba, nghĩa là chính quyền Trung Quốc đã làm điều gì đó ở Tân Cương buộc họ phải rời bỏ quê hương.
Người có tầm nhìn là thấy nguyên nhân qua hiện tượng. Người Đài Loan và thế giới sẽ hỏi tại sao người Việt Nam phải vay mượn, bán tài sản để trốn sang Đài Loan làm những việc cặn đáy? Người đánh mất quốc thể không phải là những người bỏ trốn!
Mà chính chúng ta mới là người đánh mất quốc thể. Chính chúng ta, những kẻ có tiền, có quyền, có chữ – những kẻ uống chai rượu mười tấn thóc, đi chiếc xe trăm con trâu, lại may cho người dân chiếc áo quốc thể mạng nhện, chưa khoác đã tan biến trong gió mưa đói rét.
Chiếc áo quốc thể duy nhất còn lại của họ là do tổ tiên truyền đời. Để mỗi lần đất nước lâm nguy, họ lại tự nguyện khoác lên mình hiến dâng cả tính mạng.
Hãy yêu lấy đồng bào của mình. Hãy yêu lấy giống nòi của mình. Chỉ khi người cầm quyền biết thở không khí của nhiều kiếp phận, không thở không khí của phòng họp nhiều ngàn tỷ, thì dòng người trốn chạy tất sẽ tự dừng, chiếc áo quốc thể tự nhiên sẽ chói sáng.
Niểng mê… vòng! - Tác giả Trần Văn
Thập niên 1990, lúc “sinh đẻ có kế hoạch” còn là quốc kế, triệt sản trên cả nam giới (thắt ống dẫn tinh) lẫn nữ giới (thắt ống dẫn trứng) và đặt vòng còn là một thứ chỉ tiêu mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương phải phấn đấu để đạt hoặc vượt, tại nhiều nơi, đặc biệt là các bàn nhậu, rất nhiều người nghêu ngao “Bài ca đặt vòng” với lời thế này: Rủ nhau ta đi đặt vòng. Rủ nhau ta đi đặt vòng. Vòng… số 8 hay vòng… số 9, vòng nào… vừa thì… ta đặt! A… á… a… anh chị em ơi, tổ quốc ơi, từ nay… tự do, thoải mái!
Dẫu nhiều người hát, hát nhiều lần nhưng không ai biết tường tận về nguồn gốc của “Bài ca đặt vòng”. Có người bảo đó là tác phẩm phục vụ một hội thi - hội diễn văn nghệ quần chúng nào đó. Có người thì xem nó như phản ứng trước sự bất nhân, bất trí của “sinh đẻ có kế hoạch”: Do chỉ tiêu, nhân viên y tế tự tiện thắt ống dẫn trứng của những phụ nữ phải sinh mổ. Do chỉ tiêu, chính quyền các địa phương không cấp giấy khai sinh cho những đứa trẻ là con thứ ba, buộc cha mẹ chúng phải nộp phạt, thậm chí tổ chức kiểm điểm, buộc thôi việc những người chủ động hoặc chẳng may có đứa con thứ ba... - song bất kể thế nào, “Bài ca đặt vòng”, dùng những ý tưởng ngô nghê, ngốc nghếch để gây cười cũng là một tác phẩm đại chúng.
“Bài ca đặt vòng” tưởng chừng đã quá vãng bỗng nhiên bật dậy, ngân vang trong đầu một số người, kể cả đầu kẻ viết bài này, sau khi đọc tường thuật về hội nghị giữa chính phủ và các địa phương vừa diễn ra sáng 28 tháng 12 để “triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019” …
***
Một ngày trước khi diễn ra hội nghị giữa chính phủ và giới lãnh đạo các địa phương để “triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019”, tại phiên họp cuối cùng trong năm 2018 của chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc hoan hỉ loan báo, tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08% - mức cao nhất trong tám năm vừa qua. Đó là tiền đề để ngày hôm sau, ông Phúc tuyên bố với lãnh đạo chính quyền các địa phương rằng: “Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.
Ai cũng biết, vòng nguyệt quế là một thứ biểu tượng thường được đặt trên đầu, thi thoảng được khoác trên cổ người chiến thắng nhằm chúc mừng họ. Thủ tướng Việt Nam có lẽ là người đầu tiên sáng tạo ra loại vòng nguyệt quế đủ lớn để… nằm, thành ra ông sợ sẽ phát sinh tình huống… ngủ quên! Dẫu ý tưởng có tính sáng tạo ấy hết sức khác thường nhưng giống như nhiều đồng chí đồng đảng, ông Phúc đã từng có rất nhiều ví von phi lý, phản khoa học, trái tự nhiên, thành ra không chủ động gạt bỏ, cả đời sẽ sống trong hoang mang do ông Phúc và các đồng chí gieo rắc.
Gạt bỏ thắc mắc về “vòng nguyệt quế” đủ lớn để… nằm, những yếu tố tạo ra “vòng nguyệt quế” cho ông Phúc nói riêng và chính phủ nói chung - tăng trưởng GDP năm 2018 của Việt Nam đạt 7,08% - cũng là lý do khiến người ta cảm thấy lấn cấn. Chẳng hạn tại sao tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt mức cao nhất trong tám năm vừa qua khi số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động trong năm 2018 tăng 49,7% so với năm ngoái? Chẳng hạn tại sao vốn đầu tư của nước ngooài (tính cả vốn mà các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký) giảm khoảng 14% so với năm ngoái mà tăng trưởng GDP năm 2018 vẫn có thể ấn tượng như vậy?..
Người ta kinh ngạc khi hiện trạng rừng đang như thế, tác động từ hiện trạng này tới môi trường sống đã rất rõ ràng như vậy, hậu quả của thiên tai (cả lũ, lụt, sạt lở lẫn hạn hán) càng ngày càng thảm khốc, mà ông Phúc vẫn xem kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2018 đạt 10 tỉ Mỹ kim – giúp Việt Nam lọt vào nhóm năm quốc gia dẫn đầu toàn cầu về bán gỗ - là một trong những bằng chứng về những “tiềm năng” có tính… “chủ lực”, có thể “kiến tạo sức bật mới cho phát triển”!
***
GDP là cách gọi tắt Gross Domestic Product (tổng sản phẩm nội địa – diễn đạt ngắn gọn là toàn bộ chi tiêu của một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định). Bởi GDP thường được dùng để đánh giá mức độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia nên trong vài thập niên vừa qua, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam luôn đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm và “phấn đấu” đạt cho bằng được, nhằm chứng minh cả khả năng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của mình, lẫn kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là… ưu việt.
Theo thời gian, các chuyên gia kinh tế nhận ra, những số liệu liên quan đến tăng trưởng GDP không đồng nghĩa với ấm no, hạnh phúc. Tăng trưởng GDP của một quốc gia có thể rất cao nhưng theo sau đó, khoảng cách giữa giàu và nghèo có thể trở thành rất lớn, bất bình đẳng xã hội có thể tăng vọt, tài nguyên cạn kiệt, môi trường sống có thể bị hủy hoại trên diện rộng. Đó là lý do khái niệm tăng trưởng bền vững, phát triển bền vững xuất hiện. Trong thực tế, chẳng riêng các chuyên gia kinh tế mà một số viên chức hữu trách ở Việt Nam cũng thú nhận, dù luôn đạt hoặc vượt chỉ tiêu tăng trưởng GDP nhưng tiến trình phát triển ở Việt Nam càng ngày càng… thiếu bền vững.
Cho dù đã có không ít cơ quan truyền thông tại Việt Nam giới thiệu hàng loạt tài liệu, nhận định của các chuyên gia kinh tế trên thế giới, cảnh báo “mặt trái” của tăng trưởng GDP, chẳng hạn Nhịp Cầu Đầu Tư tóm tắt và giới thiệu cuốn “Wellbeing Economy: Success in a World Without Growth” (Nền kinh tế hạnh phúc: Thành công trong một thế giới không tăng trưởng) của Lorenzo Fioramonti, nhằm giúp người ta thôi ngộ nhận về tăng trưởng GDP (ví dụ đốn toàn bộ cây cối để bán sẽ giúp tăng trưởng GDP, còn giữ - chăm bón cây cối thì không và khác biệt thế nào, ai cũng có thể hình dung được). Hoặc những chuyên gia kinh tế trong nước như Vũ Thành Tự Anh từng phân tích về hiệu quả đầu tư của Việt Nam với các quốc gia khác, so sánh chúng để chứng minh giá mà Việt Nam phải trả cho tăng trưởng GDP quá cao, rồi nhắc nhở GDP chỉ là phương tiện chứ không phải và không bao giờ là mục đích cuối cùng của nền kinh tế. Nếu tính cả những thiệt hại và chi phí do ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, căng thẳng xã hội... gây ra thì số liệu về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khó mà có thể như đã công bố (4)... Song hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn đổ tiền vào các cổng chào, tượng đài, quảng trường, trụ sở hành chánh và soạn – duyệt – triển khai đủ loại dự án, công trình khác, nếu không vô bổ thì chất lượng cũng thuộc loại “trời ơi, đất hỡi” để tăng trưởng GDP hàng năm đạt hay vượt… chỉ tiêu.
“Vòng nguyệt quế” của ông Phúc – tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08% - chắc chắn có sự góp phần của 8.000 tỉ đã rót vào Dự án mở rộng Quốc lộ 1 ở đoạn chạy ngang hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. “Vòng nguyệt quế” ấy mang lại vinh quang cho chính phủ do ông lãnh đạo, củng cố niềm tin vào sự tài tình, sáng suốt của tổ chức chính trị mà ông là một trong 16 trụ cột, còn hơn 5.000 hố, ổ đang hiện hữu trên bề mặt đoạn quốc lộ vừa kể, cũng như nghĩa vụ thanh toán cả vốn lẫn lãi cho các khoản vay trong lẫn ngoài nước để thực hiện thì thuộc về nhân dân Việt Nam… anh hùng! Đâu chỉ có thế, “vòng nguyệt quế” kiểu Nguyễn Xuân Phúc còn được kết bằng hết chục ngàn tỉ này, tới chục ngàn tỉ khác cho những dự án mà tổng vốn đầu tư liên tục tăng gấp đôi, gấp ba, ở vô số dự án kiểu như metro Cát Linh – Hà Đông, metro Bến Thành – Suối Tiên,…
***
Mê… vòng, đầu năm nay, ông Phúc từng gieo hoang mang cho các chuyên gia kinh tế trong và ngoài Việt Nam khi chỉ đạo Tổng cục Thống kê, đưa các dữ liệu liên quan đến hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp vào việc tính toán GDP, bất kể các chuyên gia kinh tế trong và ngoài Việt Nam cảnh báo, tính toán GDP theo kiểu đó vừa vô giá trị, vừa có thể làm lệch định hướng phát triển . Cũng vì mê… vòng, ông Phúc dõng dạc tuyên bố: Nếu tăng trưởng thấp thì đó là một cái tát vào mặt chính phủ .
Thủ tướng Việt Nam và các đồng chí của ông đã có cái… vòng mà họ muốn. Còn những cảnh báo kiểu như cảnh báo của Fioramonti (Chạy theo tăng trưởng GDP là dại dột, hệ thống kinh tế tốt là hệ thống trao cho dân chúng quyền lựa chọn hạnh phúc phù hợp với giá trị và động cơ của họ), hay Tôn Thất Nguyễn Thiêm (Động lực thúc đẩy tăng trưởng chỉ có thể thật sự lớn mạnh nếu bản thân tiến trình tạo dựng tài sản kinh tế được xây dựng trên cơ sở những cảm thụ có thật về hạnh phúc của con người. Tăng trưởng là điều kiện cần cho hạnh phúc nhưng mặt khác, tăng trưởng cần có hạnh phúc để trở thành phát triển bền vững! Tăng trưởng không thể đơn thuần chỉ là tạo ra của cải vật chất mà nhất thiết phải mang đến một luân lý tinh thần, bồi đắp các mối quan hệ giữa người với người trong công cuộc mưu cầu hạnh phúc của mỗi một cá nhân. Thiếu yếu tố đó, tăng trưởng vật chất sẽ dẫn đến khủng hoảng xã hội trầm kha, gây rối loạn nghiêm trọng, cản trở việc khởi động một tiến trình phát triển thật sự) – thì ông Phúc cũng như các đồng chí không màng!
Tuy “vòng nguyệt quế” đủ lớn để hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam… nằm, kèm cam kết... không ngủ quên, dẫu cuối cùng, chính phủ không bị… tát vào mặt nhưng còn nhân dân? Ai sẽ đỡ cho hơn 90 triệu người những cái tát nảy lửa, liên tục giáng vào mặt họ từ đủ loại thuế, phí, giá xăng tăng, giá điện tăng, từ những rủi ro càng ngày càng khó lường định ở đủ mọi khía cạnh của đời sống? “Vòng nguyệt quế” kiểu Nguyễn Xuân Phúc có thể khiến hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam… tự do, thoải mái, vậy kiểu vòng nào phù hợp với ước vọng tự do, thoải mái của dân chúng Việt Nam?
"Niềm vui vỡ òa": Nếu cái cột điện biết đi…- Tác giả Mạnh Kim-
Không như giai đoạn sau 1975 kéo dài đến tận đầu thập niên 1990, khi những người chạy trốn cộng sản lén lút thu vén tiền bạc, vàng vòng để vượt biên, những chuyến “vượt biên” ngày nay công khai và rất rầm rộ. Ly hương chưa bao giờ là câu chuyện vui. Rời bỏ quê hương và gia đình không bao giờ là một chọn lựa dễ dàng. Thế nhưng người ta vẫn đi, nhất quyết phải đi, bằng mọi giá phải đi, khó cách mấy cũng đi, “chết” cũng đi, nuốt nước mắt mà đi!
Thử search nhanh trên mạng về dịch vụ visa Hoa Kỳ, visa Úc, visa Canada…, sẽ thấy vô số quảng cáo “cam đoan bảo đảm đậu”. Một công ty dịch vụ visa thậm chí “treo” slogan: “Đi Mỹ không suy nghĩ!”. Làm thế nào không thể không suy nghĩ khi quyết định phải đi, một quyết định làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời, một quyết định có thể biến mình từ một người có của ăn của để thành một người tay trắng lạc lõng nơi xứ người. Tuy nhiên, vô số người vẫn chấp nhận lấy số phận đặt cược cho ván bài lớn nhất đời người: bằng mọi giá phải đi, sẵn sàng đón chờ tất cả may rủi để đi. Có người thậm chí nói, đi đâu cũng được, nước nào cũng được, miễn thoát khỏi Việt Nam! Nghe đau không?
Những câu chuyện “làm thế nào để đi” đang được chia sẻ công khai hàng ngày. Dịch vụ du học mọc như nấm. Dịch vụ ngân hàng “hỗ trợ vốn” du học quảng cáo nhan nhản. Các chương trình EB1, EB3, EB5 giờ được nhiều người thuộc nằm lòng. Đó là những tấm vé vượt biên hợp pháp. Những tấm vé thay đổi số phận. Những “lá phiếu cử tri” minh chứng cho sự thất bại “toàn tập” của một chế độ. Những bằng chứng rõ ràng và cụ thể cho thấy chính sách cai trị của chế độ có kết quả ê hề và thảm hại như thế nào.
Có quá nhiều lý do để đi. Có người nói họ đi (hoặc muốn đi) vì đất nước không còn thuộc về dân tộc nữa. Có người nói thẳng rằng “Việt Nam bán nước cho Tàu rồi, ở lại làm gì!”. Có người nói, họ đi vì ngày càng “căm thù chế độ cộng sản”. Dù cảm tính hay không thì đó vẫn là những lý do có thực. Tuy nhiên, lý do lớn nhất và phổ biến nhất vẫn là vì tương lai con cái. Chẳng ai muốn con cái họ lớn lên trong môi trường giáo dục-y tế tồi tệ như vậy. Chẳng ai muốn tương lai con mình u ám và đen tối như số phận quốc gia. Không ai muốn để con mình trôi trên chiếc tàu vô vọng và vô định. Chẳng ai muốn con cái phải gánh chịu những hậu quả mà chính những kẻ có trách nhiệm trực tiếp và lớn nhất cũng đang phủi tay tháo chạy.
Một người bạn nói với tôi rằng, tôi có thể mua mọi thứ ở Việt Nam, tôi có thể sắm gần như bất kỳ chiếc xe nào, tôi có thể tậu gần như bất kỳ căn nhà nào, tôi có thể ăn bất kỳ nhà hàng sang trọng nào… nhưng có những thứ mà tôi không bao giờ có thể mua: tôi không thể mua được môi trường trong sạch, tôi không mua được ngôi trường có những giáo viên tử tế, tôi không mua được bệnh viện nơi tôi và con tôi không phải nằm vật vờ ở hành lang, tôi không mua được những con đường không bao giờ chứng kiến cảnh ngập lụt, tôi không mua được hệ thống công quyền tận tụy vì dân; và trên hết, tôi không thể mua được sự tự do – tự do cho cá nhân cũng như tự do cho tương lai con cái tôi.
“Chúc mừng bạn và gia đình đã lấy được visa định cư Hoa Kỳ!” – không có lời chúc nào nghe mỉa mai hơn vậy. Vì sao mà sau hơn bốn thập niên người ta vẫn mừng khi rời bỏ quê hương lên đường tha phương? Vì sao mà gần nửa thế kỷ trôi qua người ta vẫn phải “vượt biên” tỵ nạn cộng sản và “tỵ nạn” những hậu quả mà cộng sản gây ra? Vì sao mà sau những tuyên bố khẳng định chế độ đạt được hết thành tựu này đến thành công khác mà “cán bộ” cộng sản và đảng viên cộng sản vẫn bằng mọi giá đưa con cái họ ra nước ngoài?
“Chúc mừng bạn đã thoát được khỏi Việt Nam!” – không có lời chúc nào buồn và đau hơn. Một cách chính xác, lời chúc này không dành để nâng ly cho sự rời bỏ đất nước. Nó dành cho sự thoát được khỏi chế độ cai trị trên đất nước đó. Lời chúc đó là một cáo trạng cho chế độ. Chẳng ai vui (trừ “cán bộ” cộng sản) khi rời bỏ quê hương. Chẳng ai thoải mái khi bỏ hết tài sản lẫn thân nhân mà gạt nước mắt ra đi. Sự chọn lựa của họ quá khắc nghiệt: hoặc là một quê hương đang bị chế độ cộng sản tàn phá tan nát, hoặc là xứ lạ quê người nơi họ có thể dùng những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời để gieo những mầm hạt hy vọng cho tương lai con em mình.
Khi tôi viết những dòng này, ngoài kia, trước cổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ hoặc lãnh sự quán nào đó, hàng đoàn người dài dằng dặc vẫn đang xếp hàng chờ phỏng vấn visa. Trời nắng chang chang hoặc mưa mịt mù, họ vẫn kiên nhẫn. Họ nắm chặt sấp hồ sơ trong tay. Họ đang cố nắm chặt số phận mình. Con đường phía trước dù mờ mịt như thế nào thì ít nhất nó cũng dẫn đến một lối thoát cho tương lai con em họ…
Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi bị kiểm duyệt !
Bài báo làm cho độc giả giật mình. Một tuần sau, lại xuất hiện một bài viết tiếp, lần này thì tác giả Vũ Linh không nêu câu hỏi nữa mà đòi hỏi: “Không nên cắt bỏ bất cứ câu nào trong “Bình Ngô Đại Cáo”.
Cả bài báo nêu câu hỏi có hay không có cái sự kiểm duyệt bỏ cũng như bài bảo vệ quyền tự do ngôn luận của cụ Nguyễn Trãi làm ta phải toát mồ hôi hột. Chẳng lẽ mà lại có chuyện giật gân đến thế sao?
Hoá ra là chuyện thật.
Thì ra cụ Nguyễn Trãi trong bài thiên cổ hùng văn được con cháu ca tụng gần 6 thế kỷ liên tiếp đã … mất lập trường nghiêm trọng. Vì vậy mà những đấng bậc cầm cân nẩy mực cho cách suy nghĩ của cả dân tộc phải cắt béng một câu mà không thèm nói cho ai biết, nếu không bị mấy tác giả kia nêu ra. Rành rành không phải lỗi của nhà in. Cái câu bị kiểm duyệt bỏ ấy nằm trong cuốn Lịch sử Việt Nam tập 1 (năm 1971), và cuốn “Khởi nghĩa Lam Sơn” (năm 1977), cùng một nhà xuất bản Khoa học xã hội (của Nhà nước) ấn hành.
Vậy cụ Nguyễn Trãi đã mất lập trường như thế nào mà bị các nhà cầm quyền văn hoá đối xử như với một anh tập tọng nghề cầm bút vậy?
Cái câu bị cắt đi là:
“Thị do thiên địa tổ tông chi linh, hữu dĩ mặc tướng âm hựu, nhi trí nhiên dã”. Câu này được cụ Trần Trọng Kim dịch nghĩa như sau: “Thế là nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy.”
Hoặc
“Là bởi anh linh của trời đất tổ tông có ngầm giúp đỡ mà được thế vậy.”
Theo lời dịch của Cao Huy Giu, được Đào Duy Anh hiệu đính, trong cuốn Đại Việt Sử ký Toàn thư (in ở miền Bắc năm 1977.
May cho cụ Nguyễn Trãi. Cụ không bị kiểm duyệt bỏ tràn lan, ở bất cứ nơi nào. Cụ chỉ bị kiểm duyệt bỏ bởi những nhà văn hoá mác-xít mà thôi! Và cũng chỉ ở những nơi mà bọn bồi bút dốc lòng nghe theo lời vàng chữ ngọc của các vị mà thôi. Cũng vẫn còn những người cứng đầu cứng cổ không chịu bỏ dù chỉ một chữ của tiền nhân. Cũng vẫn còn những người dám vạch cái tội phỉ báng của các vị ra, tuy bằng những lời lẽ cực kỳ nhã nhặn. Mà cũng chỉ tới năm nay họ mới dám khui ra. Âu cũng là một dấu hiệu của thời mới, khi các nhà cầm quyền văn hoá không còn được trang bị các thứ không mấy văn hoá như còng tay và dùi cui như trong thời cực thịnh của chế độ toàn trị. Vào thời ấy mà mất lập trường thì ôi thôi, không thể biết hậu quả sẽ là cái gì?
Một câu hỏi tất yếu được đặt ra: vì lẽ gì những vị cầm quyền văn hoá lại dám ngang nhiên làm tàng như vậy? Hai ông Nguyễn Trương Đàn và Trần Danh Lân, theo tác giả Vũ Linh, “đã phán đoán ý của các tác giả biên soạn cuốn Lịch sử Việt Nam tập 1 và cuốn Khởi nghĩa Lam Sơn (in tới lần thứ ba) nên ngại đưa ra câu văn (và quan điểm thể hiện trong đó) của Nguyễn Trãi sẽ làm mất giá trị của Bình Ngô Đại Cáo.” Ông Vũ Linh nhấn mạnh rằng dù các soạn giả có quan điểm đúng đắn đến thế nào đi nữa thì cũng không nên tự tiện cắt bỏ như vậy. Cùng lắm thì chỉ nên uốn nắn tư tưởng của tiền nhân bằng một lời bình.
Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018
Đức Chúa Trời cũng thành gián điệp - Tác giả Duyên Phạm
Cơ duyên
Năm 1984 Kevin Garratt và vợ Julia Garratt vừa làm đám cưới. Họ sống bình ổn tại thành phố Vancouver, tỉnh British Colombia, miền tây Canada.
Đang tuổi đôi mươi, tràn đầy sức sống, giàu nghị lực, thương người, mến yêu Đức Chúa Trời, họ dấn thân vào công việc tông đồ.
Có một ngày, một người Trung Quốc mời họ dậy tiếng Anh cho Đại học Kỹ thuật Quân sự Quốc gia Trung Quốc. Vợ chồng Garratts nhận lời.
Ông Garratt sau này hồi tưởng lại câu chuyện đùa “gián điệp” ngày vợ chồng ông tới nhận nhiệm sở. Viên sỹ quan bỗ bã: “Từ ngày Cách mạng Vô sản thành công, chưa có một người ngoại bang nào được đặt chân vào ngôi trường đào tạo sỹ quan này. Nay, tụi bay còn trẻ, không có gan làm “gián điệp”. Nên tụi tao tin.”
Từ đó, vợ chồng Garratts chăm chỉ dậy tiếng Anh, mở quán café, giúp trẻ mồ côi, người tàn tật, vô gia cư ngoài phố. Họ tự nhận là những Cơ Đốc nhân, chỉ làm công việc thiện, bất vụ lợi, không thuộc tổ chức truyền giáo nào.
Bữa ăn cạm bẫy
Giữa 2007, vợ chồng Garratts dọn tới là thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh. Họ mưu sinh bằng cách mở một quán café. Lấy tên con trai đầu lòng đặt tên quán “Peter’s Coffee House.” Thời gian còn lại, họ nuôi con, làm việc bác ái, dậy tiếng Anh, giảng Thánh Kinh cho dân địa phương.
Peter’s Coffee House nằm bên bờ sông Áp Lục, dưới chân cầu Hữu Nghị, ngó qua bờ kia là Bắc Hàn. Cây cầu đã trở thành tâm điểm cho khách thập phương.
Café ngon, giá bình dân, ân cần, chu đáo, chẳng mấy chốc, Peter’s Coffee House trở nên nổi tiếng. Dân địa phương và cả du khách đến thăm sông Áp Lục đều ghé. Thỉnh thoảng có cả những công chức ngoại giao cao cấp của Mỹ, Canada, Úc, Âu châu ghé uống café, ngắm dòng Áp Lục, nhòm qua bờ bắc, chụp hình, tán dóc.
Một hôm, vợ chồng Garratts được một cặp vợ chồng người địa phương mời đi ăn tối. Họ muốn Garratts tư vấn, giúp đỡ cho con gái họ vào Đại học Toronto. Đúng hẹn, Vợ chồng Garratts tới, thấy họ đang chờ, nhưng không thấy cô “con gái.”
Bữa ăn tối sượng sùng qua mau. Chia tay về, vợ chồng Garratts định đi xuống bằng cầu thang. Cặp vợ chồng kia níu kéo và đẩy họ vào thang máy “cho đỡ mệt chân.”
Thang máy chạm đất. Cửa mở. Hai xe an ninh chờ sẵn. Vợ chồng Garratts bị tách ra, bị sốc nách. Mỗi người bị tống lên một xe. Mỗi xe một hướng khác nhau, lao vào màn đêm mù mịt.
Hôm đó là ngày 14/8/2014 tròn 30 năm trên Hoa lục, 30 năm làm việc bác ái, 30 lăn lộn nuôi bốn đứa con, 30 sống thánh thiện.
Chuyện của Su Bin tại Vancouver
Sáu tuần trước ngày vợ chồng Garratts bị bắt, tại thành phố quê hương Vancouver, có một công dân Trung Quốc tên là Su Bin bị tư pháp Canada bắt theo lệnh truy nã của FBI.
Su Bin sinh 1965, sở hữu 13 triệu Mỹ kim, chủ công ty Lode-Tech chuyên về kỹ thuật hàng không dân dụng. Lode-tech có văn phòng đại diện tại Vancouver.
Năm 2012, Su Bin mua căn nhà 2 triệu Gia kim tại Vancouver và đưa gia đình đến Canada sống theo quy chế thường trú.
Su bị bắt vào tháng 7/2014, đang hưởng quyền tại ngoại, chờ đối mặt với phiên tòa dẫn độ qua Mỹ.
Trong lúc chờ đợi, Trung Quốc giăng bẫy, gài độ bắt vợ chồng Garretts. Dùng họ làm con tin, gây sức ép, mặc cả, chạy tội cho Su.
“Góc chụp” là nhậy cảm
Giữa đêm khuya, họ lệnh cho bà ký vào một tờ giấy đã viết sẵn. Bà Garratt hỏi ký cái gì? “Ký đồng ý bị “thẩm vấn,” họ trả lời. Bà hỏi tiếp: “Tại sao thẩm vấn?” “Tội gián điệp,” bà nghe qua giọng người phiên dịch.
Bà tái tê, run sợ, hoảng hốt, rồi ký. Bà cho rằng họ nhầm. Rồi vợ chồng bà sẽ được thả, sẽ nhận được lời xin lỗi.
Còn ông Garratt kể: Mỗi nhóm gồm hai cai ngục, hai giờ một lần, họ thay nhau ngồi ngoài xà lim, nhìn chằm chằm vào ông qua song sắt, viết liên tục, tường thuật cả những động tác đơn giản giơ tay gãi ngứa. Đèn cao áp chói lòa, dọi thẳng vào đồng tử, suốt 24 giờ, bừng bừng thiêu đốt.
Bà Garratt chỉ còn biết cầu nguyện, vẽ, đọc sách do Lãnh sự Canada mang vào, đừng có viết gì nếu không muốn bị tịch thu.
Vợ chồng Garratts phải chịu đựng sáu tiếng thẩm vấn mỗi ngày, vào bất kể lúc nào. Mỗi nhóm thẩm vấn gồm ba người đàn ông. Họ đưa ra những e-mails, tin nhắn, băng thu lén những cuộc gọi điện của vợ chồng Garratts.
Nhóm thẩm vấn muốn chứng minh rằng vợ chồng bà là gián điệp nằm vùng, vâng lệnh tình báo Canada, đánh cắp những thông tin “vô cùng nhậy cảm” của Trung Quốc, rồi chuyển cho các điệp viên phương tây dưới vai nhà ngoại giao tại Peter’s Coffee House.
Ông Garratt cãi, “Bằng chứng?”
Viên sỹ quan hỏi cung rút từ trong tủ ra một tấm hình Garratt chụp trên đường phố Đan Đông, phía sau là dòng Áp Lục, cây cầu Hữu Nghị vắt ngang, xa xa là đất Bắc Triều Tiên.
Garratt cãi tiếp, “Mọi du khách đều chụp cây cầu này, có gì là nhậy cảm?”
Viên sỹ quan lạnh lùng, “Nhậy cảm ở góc độ chụp.”
Vợ chồng Garratts luôn bị dọa: Hoặc bị tử hình hoặc bị đầy vào trại lao cải chung thân khổ sai bên Bắc Triều Tiên.
Cả hai vợ chồng thường xuyên bị ép cung, phải viết lời thú tội, nếu không họ sẽ bắt Peter con trai đầu lòng đang học tại đại học Trung Quốc vào thời điểm đó.
Rồi bỗng nhiên, tháng 2/2015, bà Garratt được tại ngoại, còn chồng vẫn bị biệt giam. Thì ra, tại Vancouver, Su Bin đổi ý.
Bắc Kinh cứng họng bẽ bang
Nếu xét thấy có tội, Su Bin phải đối mặt với bản án 50 tù giam. Lúc bị bắt, Su đã 50 tuổi.
Đột nhiên, Su không kháng án, mà mướn tới năm luật sư tài ba nhất Bắc Mỹ để đệ đơn thú tội, thương lượng với tòa giảm án xuống 5 năm, và giữ quy chế “thường trú nhân.”
Su Bin công nhận đã cộng tác với tình báo quân đội Trung Quốc từ 2008 cho tới khi bị bắt 2014. Su đã đánh cắp thông tin về động cơ của các dòng máy bay chiến đấu F-22, F-35, và Boeing’s C -17 vận tải quân sự rồi chuyển cho quân đội Trung Quốc. Tòa có trong tay, hình Su Bin chụp chung với sỹ quan tình báo quân đội Trung Quốc có số quân nhân, có quân hàm, quân hiệu.
Ngoài thời gian thụ án, Su phải bồi thường thiệt hại lên tới nhiều triệu Mỹ kim. Sau thời gian thụ án, Su phải đối mặt với lệnh trục xuất khỏi Canada.
Mười ba triệu Mỹ kim và căn nhà hai triệu (bây giờ chắc lên tới bốn triệu) tại Vancouver cũng đi toi vào khoản đền bù và tiền luật sư.
Trung Quốc vừa cứng họng vừa mất mặt. Những thủ đoạn gán ghép, thêu dệt tội “gián điệp” cho vợ chồng Garratts thật bẽ bàng, nhục nhã cho thể diện của một “cường quốc”.
Đức Chúa Trời cũng thành gián điệp
Tháng 2/2015, Su chủ động thú tội. Cùng tháng bà Garratt được tại ngoại. Chồng bà vẫn bị giam.
Tháng 8/2015 Thủ tướng Canada Justin Trudeau tới dự Thượng đỉnh G-20, bà Marratt được phép rời Trung Quốc. Hai tháng sau, ông Garratt tới hầu tòa, được nghe một bản cáo trạng dài tám trang bằng tiếng Quan Thoại. Ông chẳng hiểu mẹ gì.
Sáng sau, ông được hướng dẫn phải nộp phạt 14,000 Mỹ kim, phải cam kết không được tiết lộ bất cứ điều gì cho truyền thông, rồi bị tống lên một chuyến bay trực chỉ Tokyo.
Sau 775 ngày cay đắng nhọc nhằn, vợ chồng, gia đình Garratts gặp lại nhau tại Vancouver. Họ ôm nhau trong nước mắt. “Nỗi buồn khôn tả cứ trùm lên gia đình tôi,” ông Garratt tâm sự.
Còn bà, trong cuốn sách “Two Tears on the Window” (Hai Giọt Nước Mắt Trên Cửa Sổ) vừa xuất bản với muôn vàn chi tiết sống động về những gì mà vợ chồng bà đã trải qua hơn hai năm trong nhà tù Trung Quốc.
Đến bây giờ, bà không dám đụng vào phone vì sợ bị nghe lén, không dám cầm máy chụp hình vì sợ buộc tội “chụp hình nhậy cảm”, thấy xe lạ trước nhà bà tưởng xe mật vụ. Ai ai cũng thấy hao hao như gián điệp.
Bà kể lại. Bà cố trình bày cho người thẩm vấn hiểu rằng vợ chồng bà chỉ làm một phần rất nhỏ công việc của Đức Chúa Trời giúp đỡ tha nhân. Viên sỹ quan Trung Quốc đáp: Đức Chúa Trời cũng có thể thành gián điệp.
Mỹ vẫn là lựa chọn đầu tiên của những người di cư - Source The Economist
Ngày 10 tháng 12, 164 thành viên của Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết Global Compact for Safe, Orderly and Regular Migration bảo đảm an toàn giữ trật tự cho những cuộc di cư thường xuyên. Tài liệu dài 34 trang không ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng nó khuyến khích các chính phủ đối xử với người di cư một cách nhân đạo, thông báo cho họ biết về quyền của người di cư và đón nhận họ vào xã hội. Tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi những cuộc đàm phán Global Compact một năm trước. Giải thích về quyết định này, đại sứ của ông tại Liên Hiệp Quốc cho biết, các quyết định về chính sách nhập cư của người Mỹ “phải luôn được người Mỹ đưa ra và chỉ người Mỹ mà thôi.”
Cho đến tháng 7, khi bản dự thảo cuối cùng của Global Compact được công bố, Mỹ vẫn là nước duy nhất trong số 193 thành viên UN đã tẩy chay nó. Từ đó, có một số chính phủ khác đã theo với ông Trump. Trong số những nước vắng mặt trong hội nghị ngày hôm qua tại Morocco, có một số nước giàu đang bận tâm với việc bảo vệ biên giới (như Úc, Thụy Sĩ và Israel) và một số quốc gia Đông Âu có người dân thường không thích người nước ngoài (như Hungary, Cộng hòa Séc và Bulgaria).
Sự vắng mặt của những quốc gia đó là một sự xấu hổ. Nghị quyết Global Compact không phải là tuyệt hảo. Nó vẫn mơ hồ về cách các quốc gia nên hợp tác trong nhiều vấn đề, chẳng hạn như quản lý biên giới và các dịch vụ công cộng. Nó không cung cấp giải pháp căn cơ nào để làm cho việc nhập cư trở nên dễ chấp nhận hơn đối với người dân địa phương (chẳng hạn như thuế bổ túc trên mức thu nhập của người nhập cư, mà tạp chí này đã ủng hộ như một phần của thỏa thuận rộng hơn để cho phép di cư nhiều hơn). Nhưng nó, Global Compact, đưa ra một số quy tắc cơ bản hợp lý: bảo đảm rằng tất cả người di cư và người tị nạn mang theo thẻ căn cước, nêu lý xin cầu nhập cảnh rõ ràng, ghi lại các kỹ năng của họ và không giữ họ ở những trung tâm giam giữ nếu có thể. Trên hết, nghị quyết Global Compact khẳng định rằng cách tốt nhất để chính phủ cải thiện sự kiểm soát ở biên giới của họ là các chinh phủ liên hệ cần hợp tác với nhau.
Thật thú vị, sự khinh miệt của tổng thống Mỹ đối với người di cư và chủ nghĩa toàn cầu đã không làm giảm sức hấp dẫn toàn cầu của việc di cư sang Mỹ. Kết quả thăm dò năm nay của Gallup, đã cho thấy rằng nếu có cơ hội, 158 triệu người sẽ di cư vĩnh viễn sang Hoa Kỳ và tỷ lệ người di cư sẽ chọn quốc gia này đầu tiên vẫn không đổi kể từ năm 2010.
Hơn nữa, người Mỹ dường như ngày càng thân thiện với người nước ngoài. Năm nay Gallup thông báo cho biết rằng 75% người Mỹ nghĩ rằng nhập cư là tốt cho đất nước, tỷ lệ này năm 2012 là 66%. Về chỉ số chấp nhận người di cư của số người được thăm dò, đo lường mức độ thoải mái của mọi người với hàng xóm người nước ngoài hoặc hàng xóm là gia đình chồng (hay vợ), Mỹ xếp hạng thứ chín trên thế giới.
Chính quyền hiện tại không có khả năng bị ảnh hưởng vì kết quả thăm dò này của Gallup. Nhưng nếu khuynh hướng chấp nhận người di cư vẫn tiếp tục tăng, thì có thể tưởng tượng một vị tổng thống tương lai sẽ ký kết hiệp định mới với Liên Hiệp Quốc.
Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018
Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018
TRẦN VĂN TOÀN: TRIẾT HỌC THÌ DÙNG LÀM GÌ?- Thục hiện phỏng vấn Lý Đợi
Trần Văn Toàn tại quê hương Phát Diệm, 2006. |
Trần Văn Toàn sinh năm 1931 tại Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình. Bảo vệ cao học về thần học Công giáo (1954) và tiến sĩ triết học (1960). Ông từng dạy luận lý học, triết học, lịch sử khoa học và thần học Công giáo tại: ĐH Huế và thỉnh giảng ĐH Sài Gòn, Đà Lạt trong các năm 1960-1965; ĐH Công giáo Lovanium / Kinshasa / Congo , 1965-1973; ĐH Công giáo Lille (Pháp), 1973-1996. Ông cũng dành thời gian nghiên cứu K.Marx và các triết gia vô thần, cũng như nghiên cứu về triết lý và lịch sử khoa học (philosophie et histoire et des sciences). Nhân cuốn sách Hành trình vào triết học - cuốn “hành trình” đầu tiên do chính người Việt viết (?) - được tái bản sau 44 năm, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông, không chỉ về cuốn sách này.
Tại Việt Nam , ông được độc giả quan tâm nhiều nhất, có lẽ là cuốn sách mỏng Tìm hiểu triết học Karl Marx (Nam Sơn, Sài Gòn, 1967) – bởi tính khách quan của nó. Sau hơn 40 năm, đáng lẽ cuốn này nên được tái bản đầu tiên, nhưng thực tế thì chưa. Xin hỏi, là người học bài bản về thần học, lúc ấy ông viết cuốn này vì lý do gì?
Về vấn đề tư tưởng, thì năm 1954, sau khi học xong cử nhân triết học ở ĐH Công giáo Louvain (Bỉ), với tiểu-luận-văn về một triết gia duy linh, thì đất nước chia đôi, tôi thấy cần phải nghiên cứu về K.Marx, để hiểu cho đúng, một là vì miền Bắc đi theo chủ nghĩa Marx, hai là vì tôi cũng đã được mấy giáo sư ở Louvain chuyên môn về Marx chỉ dẫn cho. Vào thời đó nhóm sinh viên Việt Nam ở Louvain, trong đó có ông bạn Lý Chánh Trung, đã có học tập với nhau về tư tưởng của Emmanuel Mounier, có khuynh hướng xã hội, dân chủ, nhân bản. Về hai điểm này chúng tôi thấy gần Marx. Vẫn biết là ông vô thần, nhưng ở Âu châu người ta đã tách rời tôn giáo với chính trị, cho nên tôi không thấy vấn đề là nan giải. Trong khi soạn luận văn tiến sĩ, tôi có làm việc ít lâu ở Viện Nghiên cứu xã hội (Institut fuer Sozialforschung) tại
Độc giả trẻ ngày nay chưa có dịp để đọc lại cuốn sách này quả là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, Hành trình vào triết học – thì có những lý thú riêng của nó, bởi tính bao quát, tường minh và dễ tiếp cận hơn. Lý do của việc tái bản cuốn sách này thì ông đã viết trong “Lời nói đầu”; chỉ xin hỏi, theo ông, những cuốn sách tương tự như thế này sẽ giúp ích gì cho những độc giả trẻ thời nay?
Triết học thì dùng làm gì? Vấn đề không phải là để biết nhiều hệ thống tư tưởng Đông - Tây, vì giữa các môn phái có thể có nhiều cái khác nhau và mâu thuẫn nhau. Nhồi sọ như thế, ngoài mục đích dạy học, thì có lẽ là vô ích đối với cá nhân, mà còn có thể sa vào cái bệnh “ngộ chữ”. Có người rất uyên bác, biết nhiều, viết nhiều, dạy nhiều, ví dụ những người đọc hay là soạn tự điển triết học, nhưng khó mà biết họ tin cái gì là phải. Cho nên giáo sư triết học chưa chắc đã là triết gia, mà triết gia chưa chắc đã là giáo sư triết học. Vấn đề không phải là học lấy một giáo điều, hễ có bậc thượng trí anh minh sáng suốt nào lên tiếng thì mình phải theo. Vấn đề là xem người xưa suy nghĩ, đặt vấn đề nhân sinh như thế nào, lý sự làm sao, để rồi mình suy nghĩ lấy cho mình, lấy cái lý mà xét, mà phê bình, tự phê bình, để tìm ra cái phải điều trái. Đó là lối triết lý của người Âu châu, đã bắt đầu từ Hy Lạp thời thượng cổ: họ bắt đầu bằng những bài đối thoại của Platon, chứ không bắt đầu từ câu “Tử viết”.
Có tính chất “tiếp thị” trực tiếp hơn một chút, nếu phải nói riêng với độc giả trẻ của cuốn sách này, ngày hôm nay, ông sẽ nói như thế nào?
Có mấy đề tài đáng được suy nghĩ: 1) Ngày nay ta học nhiều về khoa học và kỹ thuật: khoa học là để làm chủ vũ trụ một cách lý thuyết, kỹ thuật là để làm chủ vũ trụ một cách thiết thực. Cho nên một đàng thì cần suy nghĩ về cái bản chất và cái lý sự trong khoa học, một đàng thì tìm xem kỹ thuật có ý nghĩa gì đối với con người cá nhân cũng như đối với xã hội. 2) Người ta sống là sống trong xã hội. Thầy Khổng dạy trong sách Trung dung rằng “nhân (chữ nhân và chữ nhị) giả nhân dã”, nghĩa là: có được sống với người khác, và có sống được với người khác, thì mới thành người. Cho nên cần suy nghĩ về cuộc sống chung giữa người ta với nhau, về bản chất của xã hội và về liên quan giữa cá nhân và xã hội. Đó là vấn đề đạo đức xã hội, bao trùm những suy nghĩ về lòng “nhân ái”, và về những định chế công bình.
Con người ta khác con vật là ở chỗ có văn hóa, mà văn hóa thì căn cứ vào ngôn ngữ. Ngôn ngữ làm cho ta vượt ra ngoài cái cá nhân của ta mà thông tin, thông cảm, thông đồng với người khác. Nó còn làm cho ta vượt được ra ngoài giây phút hiện tại, để nhớ đến cái quá khứ không còn nữa, để nói về những cái bây giờ đang làm cho ta chú ý, và về cái tương lai chưa có mà ta đang dự tính. Cho nên thiết tưởng cần suy nghĩ về tiếng nói, về các loại lời nói, về các công dụng của nó, và về giới hạn của nó.
==========
Giáo sư Trần Văn Toàn từng dạy triết học tại các đại học ở Huế, Sài Gòn và Đà Lạt trong thập niên 1960, ở Kinshasa (Congo) trong những thập niên 1960 và 1970 và ở Lille (Pháp) những thập niên 1970-1990. Ông là tác giả của Tìm hiểu triết học của Karl Marx (Sài Gòn, Nhà xuất bản Nam Sơn, 1965), (Sài Gòn, Nhà xuất bản Nam Sơn, 1965), Xã hội và con người Hành trình vào triết học (Hà Nội, Nhà xuất bản Tri Thức và Đại học Hoa Sen tái bản, 2009), Tìm về ý nghĩa của lao động và kỹ thuật (Nhà xuất bản Tri Thức và Đại học Hoa Sen, 2011).
Ông bảo vệ Cao học về Thần học Công giáo năm 1954 và Tiến sĩ Triết học năm 1960. Ông đã dành thời gian nghiên cứu Karl Marx và đã viết nên tác phẩm đặc sắc Tìm hiểu triết học Karl Marx, xuất bản năm 1967 tại Sài Gòn. Ngoài ra, với lập trường phê bình ông cũng nghiên cứu chủ trương vô thần của Marx và của một số triết gia khác, như Feuerbach, Nietzsche, v.v… Ông cho rằng có một điều ít ai để ý là chính Marx cũng luôn giữ lập trường phê bình như thế, vì phần lớn các bài vở hay sách vở do Marx viết đều lấy đầu đề là “phê bình”.
Ông cũng nghiên cứu về triết lý và lịch sử khoa học (philosophie et histoire et des sciences). Trong thời gian dạy học tại Đại học Huế, ông viết Hành trình vào triết học như một hướng dẫn nhập môn triết học cho các lớp dự bị văn khoa mà ông phụ trách. Và mãi 44 năm sau, cuốn sách này mới được tái bản như là tựa sách đầu tiên đánh dấu sự ra đời của Ban Tu thư Đại học Hoa Sen.
Trong tác phẩm này, dường như thấu hiểu nỗi e ngại của những người đang đứng trước ngưỡng cửa triết học, tác giả đã chọn cách viết giản dị, khúc chiết với nhiều dẫn chứng nôm na sinh động (khác hẳn với văn phong hàn lâm và hết sức tư biện trong cuốn Tìm hiểu triết học của Karl Marx) như để cầm tay chỉ cho người đọc thấy “ngôi đền triết học” nằm ngay trong tâm trí mình, và triết học không phải là cái gì diệu vợi cao siêu ngoài ý thức của con người nhìn thẳng vào thân phận mình.
Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn nhận định : “Hành trình vào triết học, được viết cách đây hơn 40 năm, vẫn nguyên vẹn là một trong những cuốn sách nhập môn triết học hay nhất không chỉ cho người đọc Việt Nam. Có thể nói, cuốn sách cung cấp những tri thức văn hóa nền tảng, cần thiết cho mọi người”.
Năm 2010, ông đến thuyết trình tại Đại học Hoa Sen, gây một tiếng vang cho học giới lúc bấy giờ.
Ban Tu thư Đại học Hoa Sen sau đó vào năm 2011 đã xuất bản tác phẩm Tìm về ý nghĩa của lao động và kỹ thuật của ông. Đây là thiên khảo luận được viết với một văn phong hết sức sáng sủa và dễ đọc, cung cấp cho độc giả một cái nhìn triết học mang tính phân tích và phê phán, không chỉ về “ý nghĩa của lao động và kỹ thuật”, mà còn khai mở một cách phong phú và bổ ích cho những ý tưởng khái quát về triết lý tổ chức đời sống xã hội. (Trần Hữu Quang)
Hồi tháng 7 năm 2014 giáo sư Trần Văn Toàn viết thư về cho biết, nguyện vọng của ông là được thấy tác phẩm Tìm hiểu triết học của Karl Marx của ông được tái bản, và một tuyển tập những bài tiểu luận về thần học căn bản được xuất bản tại Việt Nam. Ông còn tâm sự, “sau này được Chúa cho khỏe mạnh” thì sẽ viết tiếp về thần học và vô thần.
Tiếc thay, sức khỏe đã không cho phép ông chờ đợi để hi vọng nhìn thấy mơ ước của mình thành sự thực. Mặt khác, chúng ta, những độc giả, học trò của ông sẽ không còn cơ hội nào thưởng thức những trang sách triết khúc chiết, sâu xa mà trong sáng dí dỏm của ông nữa.
Giáo sư Antoine Trần Văn Toàn (sinh ngày 7.11.1931) đã từ trần ngày 13.9.2014 tạị Lille, thọ 83 tuổi. Lễ tang sẽ cử hành ngày 18.9.2014, lúc 14g30 tại nhà thờ Saint Gérard, Lambesart, sau đó là lễ an táng tại Nghĩa trang des Ormes, Lambersart.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)