Năm Bính Thân khởi đầu với một cỗ xe. Năm Đinh Dậu, thiên hạ tự hỏi cỗ xe đó đi về đâu. Khi chúng ta cúng ông Táo năm Thân – còn ai cúng không đây – thì cỗ xe đã có bác tài mới. Người Mỹ gọi bác tài đó là Tổng thống.
Cỗ xe năm Thân gây sóng gió ngay từ đầu năm. Nó bất ngờ lao vào đám đông và lần lượt dập lên kính xe là 16 con thiêu thân nát nhẹp. Đấy là 16 ứng cử viên Cộng Hoa ra tranh cử Tổng thống! Bị văng lên kính, họ tri hô là cỗ xe chạy ngược với một bác tài bất cẩn, vừa lao xe vừa chửi thề, vung nước bọt tung tóe. Ngược xuôi gì chưa biết, cỗ xe cứ chồm tới, vượt qua mặt đảng Dân Chủ để vớt luôn ứng cử viên Dân Chủ và chiếm giải Vô Địch.
Đấy là khi bác tài bước xuống xe, bỗng dưng ăn nói lễ độ, Tổng thống Tân cử chớ bộ! Donald Trump là bác tài quái dị vì chưa khi nào cầm tay lái của một cỗ xe chính trị. Và ngày 20 Tháng Giêng 2017, ông tuyên thệ nhậm chức là Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ….
Giới bình luận quốc nội hay quốc tế đều đã và sẽ còn nói về hiện tượng đó, nhưng ngày Xuân con én đưa thoi, chúng ta nên coi chuyện khác để kết thúc bằng con gà cho phải phép.
*
Con người ta sinh và sống trong một không gian nhất định, xin tạm gọi là địa dư. Với một quốc gia thì đấy là một định mệnh, có khi xấu, có khi tốt.
Hoa Kỳ là quốc gia có loại định mệnh trời cho là một vùng địa dư quá thuận lợi về kinh tế, chính trị và an ninh. Trên địa cầu, không xứ nào được như vậy. Nhưng con người ta vẫn có thể cải sửa định mệnh trời cho hay trời hành, giả dụ như bằng khoa học kỹ thuật. Hoa Kỳ cũng lại dẫn đầu thế giới trong lãnh vực đó. Hoa Kỳ Dị!
Từ ngàn xưa, sông và núi, hay giang sơn, là cõi sống của các quốc gia hay đế chế lớn nhỏ.
Sông Mississipi, từ Minnesota ở miền Bắc chảy xuống Vịnh Mễ Tây Cơ. |
Địa dư trời cho nước Mỹ là mạng lưới sông ngòi nằm giữa hai rặng núi Đông Tây được hai đại dương lớn nhất địa cầu bảo vệ. Mạng lưới đó có trung tâm là lưu vực sông Mississipi, từ Minnesota ở miền Bắc chảy xuống Vịnh Mễ Tây Cơ tại miền Nam. Sông ngòi tiêu tưới cho canh nông ở cả hai bờ, tại Mỹ lại còn đủ sâu, ít ra ba thước, cho việc vận chuyển người và vật nên nối vòng tay lớn cho việc thống nhất quốc gia. Hãy nghĩ đến nước Nam với hai lưu vực sông Hồng và Cửu Long ở hai cực Nam-Bắc thì ta hiểu thế nào về nỗi gian nan của thống nhất!
Đế quốc Trung Hoa chỉ có Dương Tử là tạm được như vậy – mà sắp chết khô. Sông ngòi của Đế quốc Nga bát ngát thì quá nông quá lạnh, chưa thể sánh với các con sông trên Bình nguyên miền Bắc của Âu Châu qua nước Đức, Pháp hay Hòa Lan, chứ đừng nói tới sáu dòng sông đan kết của Hoa Kỳ. Gần nước Mỹ, xứ Ba Tây hay Brazil cũng có sông lớn, nhưng chảy vào rừng già qua xứ khác chứ không ra biển, ở giữa là quá nhiều vực sâu, bất lợi cho vận tải!
Nhờ phát minh của Malcom McLean, thùng containers có thể chuyển bằng tầu hỏa, xe vận tải. Tầu thủy có thể chất lên cả ngàn thùng containers. |
Nói về khoa học, gần 200 năm sau khi lập quốc, dân Mỹ còn phát minh thùng “container” lớn bằng cả gian nhà để chất lên tầu thủy hay tầu hỏa cho cần cẩu và xe vận tải chở đi khắp nơi.
Áp dụng đúng 60 năm trước, phát minh đó của ông Malcom McLean giải phóng bài toán vận chuyển quốc nội và quốc tế, rồi mở ra cơ hội hợp tác kinh tế cho các nước nên dẫn đến hiện tượng toàn cầu hóa. Các nước sản xuất và trao đổi dễ dàng hơn. Khốn nỗi, dễ dàng là giữa các nước với nhau, chứ bên trong thì chưa chắc, nếu những cách trở địa dư đòi hỏi hạ tầng cơ sở thích hợp. Nhiều nước gọi là tân hưng vẫn chưa có hạ tầng vận chuyển đó nên càng buôn bán với bên ngoài lại càng khó thống nhất bên trong. Đấy là trường hợp của một quốc gia đang đòi qua mặt Hoa Kỳ, là Trung Quốc, với hai phần ba diện tích lãnh thổ chưa có hạ tầng vận chuyển nội địa thích hợp cho hệ thống kinh tế mới!
Nhưng khoa học kỹ thuật Hoa Kỳ không dừng ở phát minh đó. Nước Mỹ đã vượt qua thời kỹ nghệ và ngày nay, nền kinh tế hậu công nghiệp càng tùy thuộc vào hai nền tảng mới lạ là dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ của các phát minh.
Add caption |
Ít người mà sản xuất nhiều hơn: Khi một người sản xuất bằng ba thì… có hai người mất việc. Chưa hết. Đang bắt đầu cuộc cách mạng kỹ nghệ thứ tư của nhân loại. |
Trong nền kinh tế hậu công nghiệp, khu vực chế biến kỹ nghệ đã tăng sản lượng tới mức cao nhất mà lại sử dụng ít nhân công hơn. Người ta gọi đó là “ít người mà sản xuất nhiều hơn”.
Năng suất vượt trội ấy có mặt trái về xã hội chính trị là làm nhiều người khó kiếm việc hơn xưa. Nó thành chủ điểm của cuộc tranh cử vừa qua mà nhiều chính trị gia lại không để ý. Trừ bác tài Donald Trump! Bác cứ phom phom lái xe và quạt xác thiêu thân trên kính trước sự cổ võ của khối người hậm hực vì mức sống sa sút trong khu vực chế biến và sự ngẩn ngơ của truyền thông cùng các bậc thức giả.
Chúng ta còn cả năm để xem Tổng thống Hoa Kỳ có thể làm gì để giải quyết bài toán của “nền văn minh hậu công nghiệp”. Y như đối thủ Hillary Clinton mà ông đã đánh bại, Donald Trump nói đến việc gia tăng đầu tư vào hạ tầng cơ sở để tạo thêm công ăn việc làm và yểm trợ công cuộc sản xuất của quốc gia. Đây là điều hợp lý mà hơi tốn kém vì hạ tầng ấy quá già nua và suy sụp.
Nhưng lãnh đạo Mỹ cũng sẽ sớm biết rằng Hoa Kỳ đang bước vào một cuộc cách mạng khác. Khu vực chế biến Hoa Kỳ đã khởi sự cuộc cách mạng kỹ nghệ thứ tư của nhân loại.
Khu vực chế biến mới đòi hỏi nguồn nhân lực mới vì tận dụng kỹ thuật số (digitization) và cách sản xuất tự động bằng nhu liệu điện toán để sản xuất qua không gian ba chiều và vận trù các vật liệu chỉ bằng một phần ngàn của một ly, v.v… Khu vực chế biến ấy cũng đòi hỏi một loại hạ tầng cơ sở khác.
Hạ tầng đó hết là hỏa xa, thủy vận hay xa lộ mà là mạng điện toán nối kết thông tin và chỉ thị với tốc độ tức thời. Và mạng nối vô hình mà vạn trạng này còn cần một hạ tầng vô hình nữa, đó là hệ thống luật lệ cho một xã hội mới. Nói tới luật lệ thì ai cũng có thể nghĩ đến luật lệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, một nền tảng mới và thường xuyên đổi thay theo đà sáng tạo của nước Mỹ. Nhưng mà không chỉ có vậy.
Tổng thống thứ 45 và Quốc hội khóa 115 có kịp thảo luận và làm luật cho hạ tầng cơ sở quá mới đó hay chăng?
Khi nhìn ra ngoài, vài nước công nghiệp Tây Âu và Đông Bắc Á còn có thể sánh vai với Mỹ trong cuộc cách mạng này, như Anh, Đức, Thụy Điển, Nhật Bản và Đại Hàn. Các quốc gia đang phát triển thì chưa hoàn tất việc xây dựng hạ tầng cơ sở cho hàng hóa và người ngợm của hình thái sản xuất cũ. Họa may chỉ có Ấn Độ là theo kịp nhờ có khu vực dịch vụ năng động và rất nhiều chuyên gia điện toán trên hạ tầng vật chất chưa hội nhập làm một và kém hiệu năng.
Hoa Kỳ vẫn cứ dẫn đầu thế giới nên mới được gọi là dị!
Bốn đợt cách mạng kỹ nghệ, từ cơ giới hóa, sản xuất hóa, điện toán & tự động hóa đến hệ thống mạng hóa. |
Trong khung cảnh mới, giới tiêu thụ Hoa Kỳ cũng dẫn đầu thiên hạ vì khó tính như… cử tri. Người Mỹ đòi có hàng đẹp, rẻ, bền, được gửi rất nhanh bằng dịch vụ lịch thiệp lễ phép.
Nhu cầu đó mở ra ngành “thương mại điện tử”, e-commerce, với máy bay tự động giao hàng tận cửa! Từ Đông Bắc Á, Nam Hàn sớm nói tới “không lộ của máy bay tự động”, những drone highways tưởng chừng như trong truyện khoa học giả tưởng. Những sáng kiến ấy đã là thực tế kinh doanh của Hoa Kỳ Dị, với loại hình kinh tế gọi là “chia sẻ”, ngồi nhà hay gọi xe Uber cũng có thể chia sẻ tiện ích và thịnh vượng.
Hoa Kỳ là quốc gia có lịch sử khá mỏng trên một vùng địa dư rất dầy và đầy tài nguyên phong phú nên sớm trở thành cường quốc. Nhưng sức mạnh của nước Mỹ không chỉ có vậy. Người Mỹ ít khi hài lòng với hiện tại, họ luôn luôn đặt lại vấn đề và đòi tìm giải pháp khác. Hơn thiên hạ, họ có cái quyền đó và đã tìm ra nhiều giải pháp làm thay đổi lối sống! Nghĩa là họ có lối suy nghĩ chẳng giống ai!
Khi nói về vị Tổng thống chẳng giống ai là Donald Trump, chúng ta nên nghĩ về một nhân vật chẳng củng giống ai là… “Đại tá Sanders”.
Ông Harland David Sanders chưa hề đi lính một ngày, nhưng lãnh hàm Đại tá của Tiểu bang Kentucky vì một cống hiến khác. Là doanh gia có thời rách rưới thảm hại, ông Sanders phát minh ra loại thực phẩm tẩm bột chiên và dựng lên một biểu tượng dễ thương nhất của Hoa Kỳ. Đó là món gà chiên với thương hiệu Kentucky Fried Chicken. Mừng Xuân Năm Dậu thì sao không nhớ con gà của một ông Đại tá?
Có phải là Hoa Kỳ Cục hay Kỳ Dị?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét