khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

Berlin Wall và những bức tường lòng - Tác giả Tưởng Năng Tiến



Khi còn bị bức tường Berlin phân chia, dân Ðức hay kể câu chuyện giễu sau:

“Có một con chó chui tường từ Ðông sang Tây. Thấy khách lạ nên lũ chó bên Tây Ðức xúm xít lại, tíu tít hỏi thăm:

– Bên ấy có hội bảo vệ súc vật không?

– Có chứ.

– Có bác sĩ thú y không?

– Có luôn.

– Có thẩm mỹ viện và nghĩa trang dành riêng cho chó không?

– Có tuốt.

– Thế thì việc gì đằng ấy phải vất vả chui tường sang đây?

– Tại vì bên ấy chúng cấm không cho… sủa!”

Tháng Chín, 1989, bức tường Berlin bị đập đổ. Dân Ðông Ðức được giải phóng. Từ đây, người được quyền ăn nói tự do, và chó có quyền… được sủa.

Sự thống nhất nước Ðức về thể chế, cũng như về nhân tâm, tuy không phải là một tiến trình toàn hảo nhưng có thể được coi như là ổn thỏa – ngoại trừ đối với một số người. Họ là những di dân đến từ Việt Nam, theo như tường thuật của Alisa Roth – qua bài báo “Bức Tường Ô Nhục Vẫn Ngăn Chia Người Việt,” như sau:

“Người Việt vẫn đang là nhóm Á Châu lớn nhất tại thành phố Berlin. Những nguời được mệnh danh là người Việt miền Tây là những người miền Nam Việt Nam, hầu hết là thuyền nhân mà trong những năm tiếp theo chiến thắng 1975 của Cộng Sản, họ đã đổ đến những vùng bây giờ là Tây Ðức.

Còn nguời Việt miền Ðông là những nguời đến Ðông Ðức vào thập niên 1960 và 1970 cùng với các công nhân xuất khẩu từ những quốc gia Cộng Sản đang phát triển tới làm việc trong các nhà máy.
“…Cái cộng đồng nhỏ bé này hãy còn duy trì sự chia cắt với hai thế giới, hai phương trời cách biệt. Những ý thức hệ – từng xé nát nước Ðức và nước Việt Nam ra làm đôi – hiện vẫn còn luân lưu mạnh mẽ tại nơi đây…”

Nó “mạnh mẽ” tới độ khiến một người dân bản xứ phải thốt lên rằng: “Bức tường Berlin nằm trong đầu óc của người Việt miền Ðông với người Việt miền Tây còn cao hơn cả bức tường của người dân Ðức đối với người dân Ðức.” (“Berlin’s Divide Lingers For Vietnamese Expatriates Capital’s East – West Gap Reflects Cold War Past,” San Jose Mercury News, 12 Jul. 2002:A1/ Việt Mercury 12 Jul. 2002: 1 + 69. Trans. Nguyễn Bá Trạc.)

Nói như thế, nghe đã phũ phàng nhưng (vẫn) chưa… hết ý! Trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn của Nguyễn Gia Kiểng – ấn bản 2001, Paris, nơi trang 70 – tác giả còn trích dẫn nhận xét của một người ngoại quốc khác về dân Việt – như sau: “Ils ne s’aiment pas.” (Chúng nó không ưa nhau đâu).
Cha nội Parisien nào đó nói bậy bạ vậy mà… trúng phóc. Những phương tiện truyền thông và giao thông của thời hiện đại quả có làm cho trái đất nhỏ lại, và khiến cho loài người gần gũi với nhau hơn. Nhưng riêng với với dân Việt thì không. Nhất định là không.

Người ngoài có vẻ “hơi” ngạc nhiên về thái độ “rất kém thân thiện” của dân Việt đối với nhau, trên bước đường lưu lạc. Họ sẽ ngạc nhiên chết (mẹ) luôn nếu biết rằng những “bức tường ô nhục” tương tự hiển hiện khắp chốn, kể cả ở Việt Nam, chứ chả riêng chi ở Berlin.

Dù đất nước đã “thống nhất” từ lâu, dân chúng giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam (rõ ràng) vẫn chưa gần nhau mấy. Đôi lúc, họ ăn ở cư xử với nhau cứ y như những kẻ phải sống trong một cuộc hôn nhân… cưỡng bách vậy.

Theo “truyền thống,” người Việt hay chia phe và họ thường nhìn nhau qua những “lỗ châu mai” từ những “pháo đài” của… phe mình. Họ hay gọi nhau là “tụi này” hay “tụi nọ” (tụi Công Giáo, tụi Phật Giáo, tụi Nam Kỳ, tụi Bắc Kỳ, tụi Trung Kỳ…). Gần đây, có thêm một “tụi mới” nữa – tụi… Bắc Cộng!

Và đó mới chỉ là những chuyện nhỏ, ở miền xuôi. Ở miền ngược, miền núi, hay còn gọi là miền cao, miền sơn cước (hoặc cao nguyên) thì còn nhiều chuyện… kỳ cục dữ nữa. Nơi đây, một phần dân tộc Việt vẫn chưa được nhìn nhận là người thường hay người Thượng. Họ bị coi là… “tụi mọi” và bị chính đồng bào mình (toa rập với cường quyền) cướp đoạt hết đất đai canh tác.

Nghèo đói quá hoá “sảng” chăng? Khổ cực quá, cùng quẫn quá, bị chèn ép quá nên đâm ra gấu ó, cấu xé lẫn nhau chăng? Không hẳn đã thế đâu.

Tại nước Ðức, ngay giữa một thành phố tự do và phú túc, “bức tường  Berlin nằm trong đầu óc của người Việt miền Ðông với người Việt miền Tây (vẫn) còn cao hơn bức tường của người dân Ðức đối với người dân Ðức” mà. Hơn nữa, như đã thưa, những bức tường lòng (ô nhục) tương tự hiển hiện ở khắp nơi chứ đâu có riêng chi ở Berlin.

Nơi đâu có người Việt quần tụ là tức khắc nẩy sinh những chuyện đố kỵ, chia cách, phân hoá, và đánh phá lẫn nhau túi bụi. Mỗi cộng đồng vẫn thường cần đến hơn một ban đại diện (dù tất cả những ban đại diện “dường như” không đại diện được cho bất cứ ai và cũng không mấy ai – thực sự- cần người đại diện).

Tương tự, mỗi hội đoàn đều có tới hai hay ba ông (bà) chủ tịch, dù cả hội đoàn đều không mấy ai biết rõ là họ hội họp lại với nhau để làm gì. Mọi tổ chức (không chóng thì chầy) nếu không vỡ tan tành thì cũng bể thành vài mảnh!

Người Nga có câu ngạn ngữ là nếu thiếu chó chăn, loài cừu không trở nên bầy đàn được. Cái khó của những cộng đồng người Việt hải ngoại là họ có dư loại chó này. Ðã thế, phần lớn, đều là… chó dại!
“Sự kiện vô vàn phi lý, cực độ vô nghĩa, và bất lợi không lường này, đang diễn tiến kết thành hiện tượng phân hoá hỗn loạn, phân liệt khắc nghiệt, chia rẽ trầm trọng giữa những cá nhân, nhóm cá nhân, cộng đồng người Việt” (Phan Nhật Nam, “Lời Khẩn Thiết Nhằm Chấm Dứt Hiện Tượng Phân Hoá”). Cũng theo tác giả bài báo vừa dẫn thì Cục Tình Báo Hải Ngoại, trực thuộc Ban Tổ Chức Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam, là nguyên nhân gây ra những hiện tượng phân hoá tiêu cực kể trên.

Những nhân viên của Cục Tình Báo Hải Ngoại e không tài ba đến thế. Chợ chiều rồi. Chúng nó (nếu có) cũng chỉ lo đánh quả mà thôi và chuẩn bị để chạy thôi.

Thủ phạm không đến từ bên ngoài. Chúng phục sẵn trong “thâm tâm” của tất cả chúng ta.
Khi còn nhỏ, tôi nhớ là đã đọc ở đâu đó – qua lời kể của Schopenhauer – một câu chuyện ngụ ngôn mà nội dung (đại khái) như sau:

Có một mùa Ðông lạnh đến độ muốn tồn tại muôn loài đều phải xích lại thật gần nhau để truyền cho nhau hơi ấm. Chỉ riêng có loài nhím vì lông quá nhiều, quá nhọn và không cách nào thu lại được nên đành… chờ chết!

Dân Việt đang trải qua một mùa Ðông khắc nghiệt. Nếu chúng ta không vượt qua được những bức tường lòng hiện hữu, không xếp lại được những lông nhọn tua tủa tự mỗi người, và mọi phe nhóm đều nhất định “tử thủ” trong pháo đài của riêng mình thì (e) khó mà qua khỏi được cơn quốc nạn này. Vấn đề không phải là mùa Ðông sẽ kéo dài vô tận mà vì đất nước (cũng như lòng người) sẽ bầm dập, te tua, và tan nát, tanh bành – sau đó.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét