khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

Tắm Mát Sông Đào - Tác giả Hoàng Hải Thủy



Năm 1976, 1977, sau hai năm tù vì tội gửi tác phẩm ra nước ngoài, khi trở về mái nhà xưa tôi còn viết bài gửi ra nước ngoài nhiều hơn trong những năm 1982, 1983. Tôi viết bài, gửi ra ngoại quốc qua đường bưu cục như mọi người, gửi đi mà không biết chắc thư mình gửi có đến tay những người bạn mình ở nước ngoài hay không. Và trong 20 năm sống mỏi mòn ở Sàigòn tôi không được hưởng niềm sung sướng được đọc những bài tôi viết in sáng đẹp trên giấy. Hai mươi năm sau năm 1975 bánh xe lãng tử đưa tôi đến Hoa Kỳ, tôi vẫn không được đọc những bài tôi viết gửi sang Hoa Kỳ những năm 1981, 1982. Những năm ấy tôi ký tên rởm dưới những bài tôi viết: Con Trai Bà Cả Ðọi, Yên Ba, Ngụy Công Tử, Văn Kỳ Thanh, Hồ Thành Nhân, tôi gửi bài nhiều nhất cho hai tờ Văn Nghệ Tiền Phong của Hồ Anh, và tờ Ðất Mới do Thanh Nam chủ biên ở Seattle. Năm 1994 khi tôi đến Hoa Kỳ, tờ Ðất Mới đã đình bản từ lâu, Thanh Nam đã qua đời, tôi không có điều kiện lục tìm trong những kho báo cũ những bài tôi viết ở trong nước từ mười mấy năm trước.

Mới đây Nhà Văn Nữ Trùng Dương, chủ nhiệm Nhật báo Sóng Thần năm xưa ở Sàigòn, gửi cho tôi bài chị viết về một, hai bài viết của tôi chị đọc ở Mỹ những năm 1977, 1978. Tôi đăng lại bài viết của Trùng Dương như một bằng chứng về việc tôi đã viết và gửi tác phẩm ra nước ngoài ngay từ năm 1977.


o O o

TRÙNG DƯƠNG đọc “Tắm Mát Ngọn Sông Ðào”

Sàigòn nói riêng và Việt Nam nói chung, với tôi, luôn là một người tình mà tôi đã không được sống chung. Ðịnh mệnh, hay ai đó muốn gọi bằng một cái tên nào khác tùy ý, đã cưỡng gả Sàigòn vào bàn tay thô bạo của Cộng sản. Và tôi đã phải ôm mối hận lòng ra đi; song lòng vẫn hướng về đó, dõi theo từng bước đổi đời, ngóng nghe từng chút tin về đời sống của người yêu dấu.

Vào năm 1979 tôi đã được đọc Hoàng Hải Thủy qua “Phần Dư Tập” của anh viết vào tháng 5-77 gửi ra từ Việt Nam trước khi anh bị bắt, và Tạp Chí Thời Tập đã đăng (Thời Tập, Số 1, Tháng 4 năm 1979). Hoàng Hải Thủy không viết về Sàigòn bằng xương, bằng thịt. Anh viết về mối cảm hoài nhân đọc lại Nguyễn Du. Nhưng cả bài viết đã bàng bạc cái thân phận đã sa cơ, lỡ thế của Người Tình Sàigòn của tôi. Tôi đã lạnh người đến tê tái khi đọc bài “Tại sao” của họ Hoàng khi anh  cảm xúc vì bài thơ “Ðộc Tiểu Thanh ký” Nguyễn Du làm để “khóc người thiếu phụ đã chết tự bao giờ nhưng bút thơ và thiên tài còn để lại”. Và, với cái trào lộng cố hữu cộng thêm nỗi uất hận đúc kết từ sau biến cố 75, họ Hoàng đã hạ bút kết:

“Có điều tôi biết chắc là nếu anh hồn Tố Như còn cảm, còn biết đời có kẻ khóc ông, thì với những gì đang xẩy ra bây giờ, Tố Như có thể nói: Thôi! Khổ lắm, chúng mày đừng khóc tao nữa, để tao khóc chúng mày!”

Nếu “Phần Dư Tập” của Hoàng Hải Thủy là bức tranh mang tính cách trưù tượng mô tả Sàigòn từ sau cuộc cưỡng duyên 75 thì tập “Tắm mát ngọn sông đào” do Nhà Xuất Bản Lá Bối ấn hành lần thứ nhất năm 1981 tại Paris, qui tụ những bài thơ, văn, nhạc sáng tác từ quốc nội sau 1975, chính là những bức tranh hiện thực sống động với thật nhiều mầu sắc và cũng đầy những bi thương.

Bằng mọi hình thức văn nghệ, những người cầm bút tại miền Nam hơn bao giờ hết vẫn tiếp tục ghi chép lại những đổi thay của đời sống hàng ngày quanh họ. Họ ghi nhận không vì nhu cầu lợi danh hay vì đó là cái “nghề” hay cái “nghiệp”. Họ ghi chép bởi vì hơn bao giờ hết, đặc biệt trong một xã hội đầy dẫy sự nghi kỵ và do thám lẫn nhau, hở môi là đi tù như bỡn, văn nghệ trở thành ngưòi bạn tri kỷ. Cũng như tác giả “Tiếng vọng từ đáy vực”, họ viết vì nhu cầu tâm sự. Những bài văn, thơ, nhạc có đến tay người đọc hay không, đó không phải là điều họ quan tâm khi họ đặt bút viết. Và có lẽ chính vì thế mà những áng thơ văn của họ có được cái tinh khiết của những đợt nắng ban mai làm xốn xang những người như tôi có được cái may mắn chiêm ngưỡng những đưá con tinh thần của họ. Bằng cách nào những bài văn đã được chuyển ra nước ngoài, tôi không biết. Nhưng tôi có thể hình dung ra nỗi niềm đòi đoạn cuả những người mẹ, người cha đã chắt bóp những của cải sau cùng để những đưá con của mình xuất ngoại hầu cho chúng được nhìn thấy ánh sáng tự do. Tôi xin được mở rộng vòng tay của tâm hồn đón những đưá con tinh thần của những người cầm bút, và nói với những người Việt hải ngoại về sự hiện diện đầy tình cảm sứ điệp của chúng.

Trước hết, mời bạn đọc theo chân ký giả Con Trai Bà Cả Ðọi trở về thăm lại Sàigòn 1981 qua bài phóng sự “Chà đồ nhôm” kê khai tất cả những nghề hiện được dân Sàigòn làm để kiếm sống qua ngày.

Tại sao người viết ký tên “Con Trai Bà Cả Ðọi”, chắc nhiều độc giả tự hỏi.“Ðọi”, tiếng lóng cuả miền Bắc, có nghĩa là đói, là rách, là nghèo. Danh từ “Bà Cả Ðọi” là câu để gọi tầng lớp dân nghèo luôn chiếm đại đa số ở Việt Nam. Hồi trứơc 1975 trong một hẻm đường Nguyễn Huệ, Sàigòn, có một quán ăn không tên, do một bà có tuổi người Bắc di cư làm chủ, bán cơm rất rẻ và cũng khá ngon. Bà chủ quán có một cái tính đặc biệt: bà đối với thực khách như..con cháu trong nhà. Thức ăn bỏ thưà nhiều là bà không bằng lòng, bà tỏ ý bất bình ra mặt. Khách hàng của bà không thiếu dân làm báo, viết văn, vốn là những người “họ hàng gần xa với Bà Cả Ðọi”. Quán ăn của bà vì không tên nên đã được giới viết văn, làm báo gọi là quán Bà Cả Ðọi. Tôi không được biết quán ăn Bà Cả Ðọi ở Sàigòn nay có còn không. Nhưng hiển nhiên anh Con Trai Bà Cả Ðọi vẫn ngược xuôi đi lại khắp Saigòn để chúng ta có dịp đọc bài “Chà Ðồ Nhôm” hôm nay. Và cũng để cho xứng đáng với bút hiệu, Con Trai Bà Cả Ðọi đã có một cái nhìn trào lộng cười ra nước mắt rất độc đáo của anh.

Tôi đã nghe, và đọc, nhiều bài nói và viết về đời sống ở thành phố Hồ chí Minh, của những người mới vượt biên hoặc của những ký giả ngoại quốc được phép đến thăm Sàigòn. Có một điều mà chỉ khi đọc “Chà Ðồ Nhôm” (viết vào tháng 7-1981) của Con Trai Bà Cả Ðọi, tôi mới biết một hiện tượng chưa hề được nhắc tới, đó là ở thành phố Hồ chí Minh ngày nay, nhờ ơn Bác và Ðảng “từ năm 1980 trong cuộc sống của một nước xã hội chủ nghĩa đang lên, non trẻ, đầy sức sống, xổ số không phải chỉ nửa tháng một kỳ mà là một ngày ba kỳ”.

Trích Tắm Mát Ngọn Sông Ðào, trang 88, 90:


Ở thành phố Hồ chí Minh hiện nay (1980) người ta xổ số mỗi ngày hai lần, có những ngày đặc biệt sổ ba lần, kể cả ngày chủ nhật. Một tháng trung bình 80 kỳ xổ số. Kỹ nghệ phồn thịnh này do nhà nước chủ trương và khai thác. Nó phát triển sâu rộng khắp miền Nam, đi sâu vào mọi ngõ ngách, vào từng nhà, ở thành cũng như ở tỉnh. Người ta nói một trong những nguyên nhân làm cho giá giấy đắt, học trò thiếu tập chép bài – một quyển vở một trăm trang giấy đen hiẹân giá bốn đồng – là vì nhà nước dùng quá nhiều giấy để in vé số và giấy ban khen, tuyên dương công nhân tiên tiến (…) Ngành xổ số hiện cung cấp công ăn, việc làm cho cả trăm ngàn người dân thành Hồ (,,,) Vì xổ số phát hành đều mỗi ngày nên kỹ nghệ phụ của nó là Xổ Ðề, đánh Ðề cũng theo nó bành trướng mạnh. Dân Thành Hồ có câu “cả nước xổ số, toàn dân đánh đề” nói lên một cách rất đúng hiên thực xã hội thời đại này. Trẻ con cũng chơi đề, nuôi số đề, và việc chơi đề, nói lái là “chê đời, đời chê”, đem lại niềm vui, an ủi và hy vọng cho nhiều triệu người ở miền Nam.

Bên cạnh nghề bán mua xổ số, huyện đề, chơi đề, sau đây là những nghề mới cũ do xã hội và thời cuộc tạo ra mà Con Trai Bà Cả Ðọi đã thu bắt được: những thùng bán thuốc lá đầy lề đường, cứ khoảng trăm thước lại có một chỗ sửa xe đạp ( vá một lỗ: 2 đồng, bơm hai bánh xe: 50 xu); nghề bơm mực vào bút bi cho học trò ở các cổng trường (1 đồng tiền bơm mực vào một bút bi trong khi giá một cây Bic ngoại quốc là 8 đồng), nghề bơm gaz vào những hộp quẹt gaz thứ dùng hết gaz là vứt đi, nghề bới rác  kiếm bao nylon, giấy, nghề đồ cũ đổi đồ mới, dĩ nhiên có các thêm tiền. Ðấy là những nghề ít vốn. Những nghề cần nhiều vốn, nhất là cần đến nguồn cung cấp ngoại viện, thì có thể kể như mở tiệm ăn, cà phê, chè đường, trái cây có nước đá bào gọi là cocktail, mua bán quần áo cũ ở những chợ trời, bán đồ xe đạp, thuốc tây, radio, cassette, quần áo ngoại quốc ..v..

Những nghề kể trên “đều là những nghề ít nhiều đã có từ trước ở Sàigòn”, tác giả viết tiếp: “Trước 1975 người Sàigòn đã bán xổ số, đánh đề, làm đĩ, ăn cướp, ăn xin, móc thùng rác, bán quần áo cũ, bán chợ trời, đạp xích lô, mua ve chai..vv..Chỉ có trước 1975 dân Sàigòn bị Mỹ Ngụy kìm kẹp nên có ít người làm những nghề đó, nay thì được làm thả dàn.”

Sau đó, tác giả liệt kê những nghề “chỉ Sàigòn xã hội chủ nghĩa hoặc thành phố Hồ chí Minh mới có, Sàigòn tiền 75 không có”, đó là : “nghề đứng ở cửa nhà Bưu Ðiện để mua lại thuốc tây của những người đi lãnh đồ”, mua để cung cấp thẳng cho các bác sĩ “vì y sĩ Saìgòn hành nghề được quyền bán thuốc tây cho khách”, và “bán thuốc tây là nguồn lợi chính của y sĩ, không phải tiền coi mạch hay khám bệnh”; kế là nghề cho vay tiền đóng thuế lãnh đồ ở Bưu điện và Kho Hàng Nước Ngoài ở Phi cảng Tân Sơn Nhất, dĩ nhiên là xanh xít, đít đui, 500 trả thành 600, 1000 trả thành 1200; nghề mua đồ đạc cũ, đồ điện cũ về sơn phết, sửa sang để bán lại; nghề ve chai cũng bị dân Thành Hồ hớt tay trên các chú thím Ba Tầu. “Ngày nào trong các xóm cũng có cả chục người đi rao mua đủ thứ: kiếng bể, kiếng mi-ca, ống nước, cây sắt, tôn cũ, nệm mousse mới cũ, lọ cổ, tranh sơn mài, dây điện, dây kẽm gai.” Một hôm buồn tình, Con Trai Bà Cả Ðọi ngồi gãi râu trên căn gác nhỏ, nhìn xuống con đường hẹp  trong cư xá nghèo, thấy các em đi mua đồ, bèn làm một bài Sẩm Xoang:


Tay Em xách túi,
Trên đầu Em đội cái mũ Dzăng-gô
Em vào xóm hẹp mua đồ.
_ Tivi, tủ lạnh, ra-dzô
Bếp ga, nồi điện, đồng hồ, máy may
Dây chuyền, cà rá, bông tai
Tiền xưa, lọ cổ, sơn mài.. Bán.. Mua..!
Nhà anh đà nhẵn như chuà
Còn anh, em có chịu mua thì mời..!
Mua đồ, em chẳng mua người.
Trao nhau đôi nửa nụ cười, Em dông.
Anh ra anh đứng bờ sông
Anh ôm cây sắt, anh tông xuống sình.
Cây sắt nặng, cây sắt chìm
Còn anh quá nhẹ lình bình anh trôi..
Ối Em ơi… cuả nặng hơn người!


Sau nghề ve chai Sàigòn còn một nghề độc đáo chắc chắn không thành phố nào trên thế giới có là nghề cho người ta đứng lên cân lấy tiền. Lý do là tất cả các tiệm thuốc tây bị đóng cửa hết, những bàn cân trong các tiệm thuốc tây đều không còn, người Sàigòn không còn cách nào đo đạc để xem mình nặng nhẹ bao nhiêu ký, một số người đem mấy cái bàn cân nhỏ, loại để trong phòng tắm những nhà sang, ra ngồi ở công viên, sở thú, đầu chợ, những nơi đông người qua lại, cho người ta đứng lên cân, để kiếm bạc cắc.

“Nghề coi bói, tử vi, gọi hồn, đồng cô, xác cậu, Quan Công, Ðức Thánh Trần, trừ tà, bắt ma, chữa bệnh…”, theo Con Trai Bà Cả Ðọi, “vẫn còn nhưng không khá mấy vì những trò này bị cấm”. Tuy nhiên “nghề đạp xích lô rất phổ biến ở Thành Hồ…Ðể tiết kiệm xăng dầu và giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân thành phố, xích lô đạp là cần thiết. Quận nào cũng có quyền cấp giấy phép cho ra xe xích lô mới. Người ta chế tạo xe xích lô khắp nơi. Xe mới được cải tiến, tiếp thu kinh nghiệm năm mươi năm xích lô đạp ở xứ này nên bây giờ xe xích lô mới rất đẹp. Giới đạp xích lô bây giờ lại là giới kiếm được tiền hơn nhiều người nhà cao, cửa rộng. Hai bố con có thể khai thác ngày đêm một chiếc xích lô: anh con đạp xe từ bốn giờ sáng đến 2 giờ trưa, ông bố đạp xe từ 2 giờ trưa đến 11 giờ đêm. Giá chế tạo một xe xích lô mới tinh là 7.000 đồng, vẫn rẻ so với giá vàng. Một cây vàng 18.000 đồng có thể làm được ba chiếc xích lô mới.” Ngưng trích.

Thế nhưng, theo Con Trai Bà Cả Ðọi, tất cả những nghề trên chưa thấm vào đâu với cái nghề rất ly kỳ là nghề “Chà Ðồ Nhôm”, một cái nghề “ai cũng có thể làm được dễ dàng”, một nghề hoàn toàn không cần vốn và “có thể kiếm được vài ngàn trong một buổi sáng.” “Chà đồ nhôm” là “chôm đồ nhà”. Từ sau 1975, ngôn ngữ nhân dân Sàigòn có thêm hai câu tiếng lóng “chôm chiã, mánh mung”, “chôm” là lấy, lấy bừa, có thể là lấy trộm, lấy mà người có của không biết hoặc biết mà không bằng lòng nhưng cũng không ngăn được, “chôm” thường đi với tiếng “đồ: chôm đồ”, “chiã” là cướp, chĩa dao, dí dao vào bụng người ta để cướp đồ, lột tiền. “Chôm đồ nhà, chà đồ nhôm” là lấy đồ ở nhà mình, hoặc nhà người quen, đem đi bán. Sau ngày VC vào Sàigòn, dân Sàigòn hành nghề chà đồ nhôm hơi đông. Và đến năm nay – 1981 – mà còn chà đồ nhôm được là một điều may mắn.


Ði đâu bỏ con ở nhà?
Hỏi Em, Em nói đi chà đồ nhôm.
Ði đâu tay xách, nách ôm?
Hỏi Em,. Em nói đi chôm đồ nhà!


Cũng với giọng trào phúng, mỉa mai đó Con Trai Bà Cả Ðọi viết tiếp bài “Em đi Anh ở lại thành”, một thể ký sự pha lẫn phóng sự, hay đúng hơn, phải gọi đây là một bài tiểu luận kiểu phóng sự, xen kẽ những bài thơ ngắn làm theo lối Phong Dao cuả Tản Ðà mà tác giả gọi là “Phóng Dao” vì “mỗi bài như một lưỡi dao phóng vào cuộc đời, trước nhất là phóng vào trái tim người sáng tác..”

Nội dung “Em đi Anh ở lại thành” nói lên nỗi niềm chua xót, bâng khuâng cuả người ở lại, tình nguyện hoặc kẹt lại, ở Sàigòn, sau khi người thân yêu của mình đã đi ra nước ngoài. Tác giả viết đề tài của những bài Phóng Dao “quanh quẩn ở mấy chuyện quen thuộc của người Thành Hồ: nhớ thương, ly cách, kẻ ở, người đi, nhắn tin, đi lãnh đồ, đi chui ..vv..Sự kiện đó rất logic và có tính biện chứng. Bác Hồ đã nói: “Xã hội nào thì có văn chương ấy!” Bác nói chí lý thay. Câu nào Bác nói cũng đúng, cũng ngời ngời chân lý!

Sau đây là vài câu Phóng Dao tiêu biểu, nói về chuyện vượt biên, vượt biên có lẽ là đề tài thường hằng nhất hiện nay tại xứ sở nơi mà “cái cột đèn mà biết đi nó cũng đi vượt biên” :


Thái Lan đi dễ, khó về
Trai đi có vợ, gái về có con.
Thái Lan đi có, về không.
Biển xanh mộ vợ, mồ chồng là đây.
Nhà Bè nước chẩy chia hai
Ai về Băng Cốc, Mã Lai thì về.
Nhớ Anh cũng muốn vê bê
Sợ thằng hải tặc nó bề lại thôi.
Nhớ Anh Em cũng muốn chui
Sợ thành hải tặc nó dùi, Anh chê.
Lòng rằng lòng chẳng sợ ai
Sợ thằng hải tặc làm dai đau lòng.
Muốn mau thì chịu đò đông
Em muốn sang Mỹ lấy chồng thì chui.
Một cây mười mấy ngàn đồng
Em tui chắt bóp cho chồng Em chui.
Chồng Em sang Xứ Chồn Lùi
Nó lấy vợ khác, Em tui mất chồng.
Lầu nào cao bằng lầu Ông Chánh?
Bánh nào trắng bằng bánh bò bông?
Anh thương Em từ thủa Mẹ bồng
Bây giờ sang Mỹ lấy chồng bỏ Anh!

Từ giã bầu không khí trào lộng mặn đắng, mặn chát của Con Trai Bà Cả Ðọi, ta bước vào thế giới của thi sĩ Yên Ba qua bút ký “Áo Vàng Hoa”. Nơi đây chỉ có sự thinh lặng đan vào với nỗi chua xót tận cùng của kẻ sa cơ lỡ thế, đến nỗi những phẫn nộ cũng trở thành một phản ứng thưà thãi chỉ tổ làm hao mòn thêm chút sinh lực tàn. Nhưng cũng chính ở thái độ thâm trầm điềm tình dẫu rất não nề của người viết mà người đọc có thể đo lường được tính chất xác thực của những sự việc ông trình bày.
“Áo Vàng Hoa” thực ra là những trang nhật ký viết cách nhật, ghi lại những cảm nghĩ, những việc xẩy ra ở những nơi tác giả sống cũng như những nơi tác giả đặt chân đến ở Sàigòn, xen kẽ là những bài thơ tác giả sáng tác, điều mà từ lâu tác giả không làm vì – theo lời tác giả “không còn thì giờ và tâm hồn để làm thơ nữa” hoặc “chỉ thỉnh thoảng tôi mới làm vài câu thơ nhưng cũng không ra hồn”. Thế nhưng, “từ 1976 bỗng dưng tôi làm thơ. Tôi không có gì khác hơn hai mươi triệu người Việt Nam bỗng dưng làm thơ từ sau 1975. Hay hoặc dở, tôi không nói. Chỉ biết rằng có rất nhiều người trước kia chẳng để ý gì đến thi ca, văn nghệ, từ mấy năm nay, bỗng làm thơ, người vài chục bài, người vài ba câu. Và tôi thấy rằng Thơ là tiếng nói cao đẹp nhất của tâm hồn con người, Thơ là hình thức cao nhất, là tinh hoa của văn nghệ..(…) Không phải Thơ làm cho người làm thơ khốn khổ, chính vì có khốn khổ mới thành Thơ”. (Ghi trong nhật ký ngày 19.4.81.)

Như đa số những người cầm bút miền Nam sau 75, Yên Ba bị cưỡng bách “về hưu” vì chế độ xã hội chủ nghĩa không có chỗ cho họ chen chân. Ðời sống đó đã được thi sĩ mô tả qua bài “Cực Tả” (có thể hiểu theo cả hai nghĩa: cực tả chân dung mình, và cực tả chủ nghĩa, có nghĩa là nghèo hơn cả vô sản chính thống.)


Cửa đóng, màn che đã mấy thu
Ðời tàn ngõ hẹp, sống như tù.
Quẩn quanh học lại Thiền Ðông độ,
Vào ra luyện mãi Pháp Tây du.
Rầu rĩ Giáng Tiên ngồi gãi háng,
Nẫu nà Từ Thức đứng xoa khu.
Ăn chỉ rau cà, chê thịt cá,
Số chẳng tu hành cũng hoá tu!


Thi sĩ thương mình sa cơ, thất thế, lâm cảnh cùng quẫn, thương người vợ hiền phải vất vả vì lo cơm áo cho các con, chẳng còn biết nói gì, đành thương xót vỗ về, an ủi nhau:


Dìu nhau vượt Suối Ưu Phiền
.. Anh non tay chống cho thuyền Em chao!
Thương thì thôi, xót xa nhau.
Cho nhau trọn kiếp, kiếp sau anh đền!


Niềm vui duy nhất, mà cũng thảm nhất, của những người ở nhà bây giờ là mong chờ bác phát thư đi qua với hy vọng bác sẽ ngừng xe đạp trước nhà mình để đưa cho mình tấm giấy báo đi lãnh đồ ở Bưu Ðiện:


Anh không biết ngày xưa Em trẻ,
Khi Em yêu, Em đợi, Em chờ
Có bao giờ Em buồn như thể

Sáng nay Em trong cửa mong thơ.
Niềm hy vọng trong Em chợt hé,
Người phát thư xe đạp đi qua.
Chưa bao giờ thấy Em buồn thế,
Khi nghiêng vai Em trở vào nhà.
……
Niềm mơ ước sáng nay thật bé
Em chờ mong chỉ một thùng đồ!


Nhưng thỉnh thoảng vợ chồng thi sĩ cũng vớ được mảnh giấy gọi đi lãnh đồ ở Bưu Ðiện. Nhưng niềm vui chưa trọn thì nỗi chua chát đã thành hình khi thi sĩ nhìn thấy những hoạït cảnh quanh mình ở nơi lãnh đồ, chen lẫn trong đó là nỗi bồi hồi trước những tấm tình của những người  xa nước gửi  về:


Xú cheng, si-líp, sơ-mi,
Quần jeans, soa Pháp, bút bi đủ mầu.
Thuốc Tây, thuốc Mỹ, thuốc Tầu
Tình yêu từ khắp năm châu gửi về!


Hoặc:


Một lọ thuốc, hai lọ thuốc, ba lọ thuốc
Em nói Em yêu Anh bằng tiếng Bécozym ngọt lịm.
Em hôn Anh bằng những nụ hôm Alka-Seltzer.
Anh ngửi mùi da thịt Em trong những mét soa,
Anh uống từng giọt nước mắt Em trong lòng cây bút Bic!


Có lẽ chưa có đời sống nào, thời nào, ở đâu, thê thảm bằng đời sống ngày nay ở Thành Hồ, thành phố mà nơi nơi, chỗ chỗ đều ghi dấu cảnh sinh ly, tử biệt. Ngay cả những vật vô tri dường như cũng chia sẻ nỗi đau khổ  của con người, như những chiếc bàn Bưu điện, nơi những bà mẹ già, những người vợ trẻ, bận rộn, chen chúc gửi những gói quà nuôi chồng con ở những trại cải tạo, nơi những thiếu phụ ngồi cắm cúi viết thư. Mặt những chiếc bàn gỗ ở nhà Bưu Ðiện Sàigòn loang lổ vết hồ dán tem. Thi sĩ mơ mộng và thấy mặt bàn hoen vết nước mắt của những người vợ, người tình trẻ bị chia ly ấy. Và dường như tình yêu cuả họ đặt trên bàn quá nặng lamø cho thi sĩ thấy những chiếc bàn ấy nghiêng đi trong bóng chiều…


Em viết thư cho người tình cũ
Cho chồng Em phiêu bạt sông hồ
Người bên kia biển, người ngồi rũ
Trong lao tù? Người sống tự do?
……….
Bao nhiêu đau khổ, bao ly tán
Nhiều nhớ thương và ít lãng quên
Ðã về trên mặt bàn Bưu Ðiện
Tự thủa trời long, đất ngả nghiêng.
Em thưng sầu, Em thấy không Em?
Lệ Em rơi nên mặt bàn hoen.
Vì Em trên giấy nghiêng âu yếm
Nên mặt bàn Bưu Ðiện cũng nghiêng!


Dù xót xa, dù tuyệt vọng, người đọc vẫn thấy phảng phất trong lời thơ những nét sáng ngời của viên ngọc tình người: lòng chung thủy, tình nghĩa vợ chồng, những hình ảnh đẹp như kỷ niệm về chiếc Áo Vàng Hoa mà thi sĩ đã mua tặng vợ từ trước 75, chiếc áo được vợ chàng thỉnh thoảng đem ra ngắm như thể qua đó, nàng nhìn thấy được cả một thời dĩ vãng xa xưa. Nhưng liệu nàng có thể giữ tấm Áo Vàng Hoa ấy đến bao giờ trong cảnh cùng quẫn lo chạy gạo từng bữa cho các con của họ? Nếu phải bán áo, lấy đâu Áo Vàng Hoa để thi sĩ mặc cho vợ khi nàng trở về tiên giới như chàng đã mơ mộng hưá với nàng:


Em lại hỏi có ngày ta phải
Chia áo này cho các con ta?
Em yêu dấu… Em ơi đừng ngại
Mặc cho đời tháng lại, ngày qua
Trong xương thịt ta còn giữ mãi
Những cái gì riêng của đôi ta!
Khi Em nằm xuống, khi tàn lửa
Trong hào quang của những tiên nga
Khi xe hạc vàng nhung đến cửa
Ðón Em về xa cõi trời xa
Anh sẽ mở hồn Anh lấy áo
Mặc cho Em chiếc Áo Vàng Hoa!


Ngưng trích bài viết của Trùng Dương


o O o

Trong “Sổ Tay Trùng Dương” viết khoảng năm 1982, bài “Anh không chết đâu anh” có đoạn:
Trùng Dương viết:

“Nói về Thơ, từ bước vào làng văn, làng báo, và quen biết với nhà văn Hoàng Hải Thủy, tôi (Trùng Dương) chưa hề được đọc một câu thơ nào của anh và cũng không biết được bên dưới tài viết báo, nghệ thuật phóng tác tiểu thuyết tuyệt vời của họ Hoàng còn có một nhà thơ với những bài thơ đã làm tôi ưá nước mắt. Cũng như Yên Ba, họ Hoàng đã “không có gì khác hơn hai mươi triệu người Việt Nam bỗng dưng làm thơ sau 1975”. Khác với Yên Ba tâm sự với vợ con, với những người phụ nữ không quen biết anh gặp ở nhà Bưu Ðiện đang lo viết thư gửi cho chồng, cho người yêu đang bị tù đày hay đang sống tha hương, Hoàng Hải Thủy làm thơ tâm sự với người xưa như Tố Như Nguyễn Du hoặc Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu. Một trong những bài thơ của họ Hoàng đã làm tôi chua xót đến ngẩn ngơ nhiều ngày; đó là bài “Tại sao?”, có đoạn như sau:


Hỡi ơi…!
Hà kỳ nhất bách dư niên hậu
Ngã đoạn trường bi khốc Tố Như!
Ai ngờ trăm lẻ năm sau
Ðoạn trường ta khóc, ta sầu Tố Như.
Tại sao, sao lệ ngàn xưa
Ngàn năm chảy mãi bên bờ thời gian?
Tố Như ơi… Biết cùng chăng
Tại sao ngọc nát mà vàng lại phai?
Tại sao còn một chút này
Chẳng cầm cho sạch lại giày cho dơ?
Tại sao Thơ đoạn trường Thơ?
Tấm lòng trinh bạch bao giờ mới thôi?”

Thơ làm ngày 2 Tháng 7, 1977 ở Saigon.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét