Chiều chủ nhật mồng 9 tháng 4, tại phi trường Ohare Chicago sau khi hành khách đã lên ngồi trên chuyến bay UA 3411 Chicago Louisville chờ cất cánh thì nhân viên United cần người tình nguyện nhường chỗ cho 4 nhân viên phi hành, đổi lấy một số đô la bồi thường và tiền khách sạn một đêm để chờ đến chiều hôm sau đi chuyến khác. Vì không có người tình nguyện, nhân viên UA đã lên cưỡng bách 4 người hành khách đi ra. Ba người im lặng chấp nhận. Một người mặt Á châu không đồng ý vì ông là một bác sĩ cần về Louisville xem bệnh sáng ngày thứ hai ở Louisville. Nhân viên an ninh phi trường được gọi đến can thiệp. Người hành khách đã bị một nhân viên an ninh dùng sức mạnh lôi ra khỏi ghế, kéo ông ta qua các tay dựa ghế, làm môi sưng vù chẩy máu. Sau đó, ông bị đặt nằm ngửa trên sàn máy bay rồi bị nắm lấy hai tay kéo sềnh sệch ra khỏi máy bay, áo tuột lên đến ngực, để lộ trần toàn bộ bụng và rốn, trong tiếng la ó phản đối của nhiều hành khách. “Trời đất ơi?” “Mấy người làm gì ông ta vậy?” “Thật là sai quấy!” vân vân…
Tất cả những diễn tiến đã được thu lại bằng các điện thoại khôn, và tối chủ nhật được đưa lên mạng điện tử. Video này đã được lan truyền đi nhanh chóng, và tạo nhiều bất mãn. Một người quay video là bà Audra Bridges đã kể lại câu chuyện trên facebook và cho biết rằng sau đó người đàn ông đã chạy trở lại vào phía đuôi máy bay, có vẻ như mất định hướng. Các hành khách sau đó được lệnh rời máy bay để gọi là “làm sạch máy bay” và cho một toán y tế đến khám người đàn ông.
Truyền thông Mỹ cho biết rằng đoạn video đã được truyền đi rộng rãi trên mạng điện tử Weibo của Tầu, tương tự như mạng Facebook, với trên nửa triệu lời bình phẩm mà nói chung là chỉ trích sự kỳ thị đối với người hành khách vì mặt Á châu mà họ cho là người Tầu. Cũng đã có nhiều lời kêu gọi tẩy chay hãng United Airlines. Người ngoài cuộc, khi thấy đoạn videodù vô tình đến mấy cũng không khỏi bất nhẫn. Cho nên cả thế giới đã phản ứng bất bình.
Tổng giám đốc hãng United Airlines Oscar Munoz mới đầu đã coi chuyện này như không có gì đáng kể, tuyên bố hoàn toàn ủng hộ thái độ của nhân viên hãng máy bay làm đúng nguyên tắc và cáo buộc người hành khách là “khuấy động” và “gây xáo trộn”. Ủy ban hàng không của hội đồng thành phố Chicago đã lên tiếng cho biết yêu cầu tổng giám đốc United Airlines ra trình bày trước ủy ban. Vài dân biểu và hội viên hội đồng thành phố đã biểu tình tối thứ ba tại phi trường Ohare để phản đối cách cư xử của hãng United đối với hành khách. Trước dư luận phản đối gia tăng Munoz đã đổi giọng, xin lỗi và hứa hẹn điều tra ngọn ngành và sẽ công bố kết quả vào 30 tháng 4.
Sau chót thì người ta được biết rằng người hành khách không may này là bác sĩ Đào duy Anh, tên Mỹ là David Đào. Ông đang được điều trị tại một bệnh viện ở Chicago và gia đình qua luật sư riêng Stephen Golan đã ra một thư ngắn cám ơn sự quan tâm đối với trường hợp của ông trên toàn thế giới. Gia đình cũng được luật sư Thomas Demetrio của cơ quan hàng không thành phố Chicago bênh vực.
Ngày thứ ba 11 tháng 4/2017 phát ngôn viên Bạch cung Sean Spicer đã phải lên tiếng gọi vụ này là một “chuyện không may” và cách xử sự của United là “rõ ràng có vấn đề” (troubling). Khi phát ngôn viên của một chính phủ toàn là tỉ phú mà nói như vậy đối với Munoz, một tài phú là chủ tịch và tổng giám đốc điều hành một đại công ty hàng không lớn bậc nhất nước Mỹ thì là “có vấn đề” thật. Vấn đề nằm ở chỗ từ gần hai chục năm nay Munoz là người nắm toàn các chức vụ quan trọng về tài chính và chiến lược của rất nhiều đại công ty, và điều hành một cách hiệu quả. Một người thành công và giầu có với lợi tức trên 5 triệu đô la một năm như vậy, không khỏi nghĩ rằng lôi một tên hành khách không-da-trắng ra ngoài máy bay chẳng phải là việc đáng để ý. Chỉ cần vác cái quy lệ điều hành của đại công ty United Airlines ra và kết tội đương sự “khuấy động” và :gây xáo trộn” là xong. Nhưng không may cho y ta là cả thế giới đã lên tiếng. Nhiều hành khách đã cắt bỏ thẻ tín dụng của United và thẻ hội viên tích lũy dặm bay, quyết định không đi máy bay của United airlines nữa. Stocks của công ty trong nhấp nháy mất 2% tức là gần 1 tỉ đô la. Sau chót, ngày thứ tư 12 tháng 4/2017, Munoz đã phải thu xếp để lên đài truyền hình ABC xin lỗi và hứa hẹn sẽ không xử dụng an ninh phi trường đuổi hành khách ra khỏi máy bay. Đó là hứa hẹn, vì người ta đã biết rằng tài phú Munoz đã lẻo mép thay đổi giọng điệu, từng ngày, từ kẻ cả coi thường, đến giải thích cho có, và sau cùng nhún nhịn nhận lỗi và xin lỗi. Và trong cái não trạng “In gold we trust”, (chúng tôi tin ở vàng) của thế giới tư bản, Munoz đã cho lệnh trả lại tiền cho tất cả hành khách trện chuyến bay 3411, là những người chứng kiến cách đối xử mất dạy này đối với hành khách để hy vọng họ tiếp tục dùng United airlines.
Nhận định về những phản ứng trên toàn thế giới đối với United Airlines, người ta có thể chia ra làm 4 loại:
Một là cho rằng đó là hành động kỳ thị chủng tộc, vì người bị bạo hành là mặt Á châu,- có thể là người Trung hoa, như trong dư luận trên mạng điện tử Weibo Trung quốc
Hai là bất đồng ý với tính man rợ không tưởng tượng nổi của sự bạo hành vô lối vô lý đối với một hành khách ở trong một chiếc máy bay của một công ty lớn Mỹ là United Airlines, biểu lộ ra bởi những hành khách trên phi cơ và những người Mỹ xem video trên mạng điện tử
Ba là sự phản đối, và định rõ trách nhiệm cho United của các giới chức liên hệ trong ngành hàng không và những dân cử và các nhà hoạt động xã hội ở Chicago, cũng như của các dân cử liên bang đòi hỏi điều trần trước quốc hội
Bốn là hoàn cảnh không nói không được, nhưng nói một cách chính trị của phát ngôn viên Bạch cung Sean Spicer, cho rằng là “một vụ không may” và “cách hành xử có vấn đề”, vì yêu cầu “vuốt mặt nhưng cần nể mũi”, bởi vì chuyện liên quan đến một đại tài phú bề thế, là Oscar Munoz
Điều thứ năm đáng chú ý hơn cả, là tình trạng tương đối im lìm của công đồng Việt Nam, khi biết nạn nhân là bác sĩ Đào Duy Anh. Đáng chú ý ở chỗ là có sự âm thầm chia buồn và phàn nàn trong một số thư điện tử tiếng Việt, vì thấy nạn nhân là một bác sĩ Việt Nam. Nhưng trên truyền thông tiếng Việt chỉ có những bản tin và bình luận sao chép như thường lệ của những nguồn ngoại quốc, mà không có những bình luận. Cũng không thấy bao nhiêu các nhà lãnh đạo cộng đồng hay giới chính trị đấu tranh cho nhân quyền tại Việt nam lên tiếng, phê phán hay thúc đẩy phong trào trong cộng đồng hải ngoại thi hành những biện pháp đối phó khả thi mà dư luận đã đề ra và đã làm trong phạm vi cá nhân rồi. Tuy rằng là những nhà đấu tranh và lãnh đạo này hay đòi hỏi“nhân quyền cho Việt Nam” hoặc là “kêu gọi quyên góp ủng hộ người trong nước đấu tranh cho nhân quyền”. Hình ảnh người bác sĩ, mặt sưng vù chẩy máu, bị tên an ninh phi cảng kéo lê trên sàn máy bay, như kéo một con vật, không khác gì hình ảnh tên Công an VC đá vào mặt người dân biểu tình đòi nhân quyền ở VN bị khiêng vất lên xe buýt công an để chở đi, mà các nhà chính trị và đấu tranh nhân quyền cho Việt nam thường trưng ra tố giác với thế giới.
Câu hỏi ở đây là nhân quyền của ông bác sĩ này có không? Hay là những nhà hoạt động nghĩ rằng dư luận Mỹ và thế giới lên tiếng đủ rồi, cứ ngồi yên rung đùi khoan khoái hưởng cái trường hợp hi hữu “bất chiến tự nhiên thành”này?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét