Cuối tuần rồi, sau 16 ngày tranh tài với trên 11 ngàn lực sĩ đến từ 206 quốc gia, Thế Vận Hội 2016 kỳ thứ 31 tại Ba Tây (Brazil) đã chính thức chấm dứt. Về diễn tiến thể thao đặc biệt năm nay này đã được giới truyền thông báo chí khắp nơi trên thế giới đã tốn công vô cùng để tường thuật cũng như bình luận. Chê trách chỉ trích cũng nhiều mà ca ngợi cũng không ít.
1) Chỉ trích những gì ?
Phần lớn là từ phía giới lực sĩ tham dự khi so sánh với Thế Vận Hội 2012 kỳ thứ 30 tại Anh Quốc. Chẳng hạn phẩm chất xấu của hạ tầng cơ sở về giao thông, di chuyển, cư ngụ, ăn uống, vệ sinh, an ninh ... còn nhiều luộm thuộm lắm. Khán giả bản xứ thì quá ít rất nhiều lần vắng hoe cả trên nửa hội trường khiến làm mất vui. Đã vậy khán giả còn tỏ ra bất công ủng hộ phe mình quá độ, không cư xử công bằng trong tinh thần thể thao thượng võ. Tốn kém tổ chức quá nhiều đè nặng sức chịu đựng quá mức của dân chúng và tạo cơ hội cho giới tài phiệt đạt kỹ lục về lợi nhuận.
2) Tại sao được ca ngợi ?
Trái lại về phía Ban Tổ Chức qua sự phát biểu của Tiến sĩ Thomas Bach với tư cách Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho rằng:
"Đây là một Thế Vận Hội tuyệt vời ở một thành phố tuyệt diệu. Trong 16 ngày qua đã biểu dương một nước Ba Tây đoàn kết với sức sống mạnh mẽ truyền hứng khởi cho toàn thế giới trong thời kỳ đầy khó khăn như hiện nay"
Khách quan mà nói Ba Tây đã thành công tổ chức được một Thế Vận Hội không bị khủng bố đẫm máu, không bị bịnh dịch Zika hoặc tai nạn nguy hiểm tập thể nào cả, mà trước đó đã có rất nhiều tiên đoán từng lo sợ. Đây có lẽ là điểm son lớn nhứt cho Ba Tây. Dĩ nhiên lần đầu tiên xứ này và vùng Nam Mỹ tổ chức thì không thể nào so sánh với Anh Quốc được - vốn đã nhiều lần được làm và đời sống giầu mạnh hơn nhiều -.
3) Phái đoàn quốc gia nào thành công nhứt ?
Tính tới thời điểm kết thúc thì Mỹ dẫn đầu với 46 huy chương vàng, kế tới Anh Quốc với 27 huy chương vàng và Trung Cộng đứng thứ ba với 26 huy chương vàng.
Tuy nhiên công tâm mà nói chính Anh Quốc được coi là quốc gia gặt hái thành công nhứt. Bởi lẽ tính theo tỷ lệ dân số cho 1 huy chương vàng thì Anh Quốc đứng đầu bảng với 65 triệu dân thì chỉ cần 2,4 triệu dân cho 1 huy chương vàng. Còn Mỹ thì cần 7 triệu và đứng chót Trung Cộng cần phải có 53 triệu dân mới lấy được 1 huy chương vàng. Tương tự nếu tính theo tỷ lệ sức mạnh kinh tế GDP cho một huy chương vàng thì Anh Quốc cũng dẫn đầu, kế tới Mỹ và sau chót là Trung Cộng.
4) Tại sao Trung Cộng có "Hội chứng huy chương vàng Olympic"
Trong dịp Olympic 2008 tại Bắc Kinh, Trong Cộng đã đoạt được 51 huy chương vàng (qua mặt Mỹ chỉ có 36 huy chương vàng). Sự kiện này gây kinh ngạc không ít cho dư luận. Thế nhưng từ trong nội bộ đã có những tiết lộ cho biết tại sao Trung Cộng lại thành công như vậy. Riêng tác giả Lưu Hiểu Ba đã cho biết một số bí mật qua bài viết "Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội chứng huy chương vàng Olympic" vào ngày 18 tháng 9 năm 2008 (xem phần Phụ đính 1 phía dưới).
Nên nhớ tác giả Lưu Hiểu Ba là một nhà tranh đấu nhân quyền nổi tiếng nhứt tại Trung Cộng và cũng vì thế ông bị cầm tù . Trước thành tích dũng cảm đó , ông đã được giải Nobel Hòa Bình cao quý vào năm 2010 . Nhà cầm quyền Bắc Kinh lo sợ & hèn nhát không dám cho đi lãnh giải và tiếp tục giam cầm cho đến nay (xem phần Nguồn 1 phía dưới).
Tác giả Lưu Hiểu Ba liệt kê ra 4 điểm sau:
a) Đoạt được càng nhiều huy chương vàng càng nhằm đánh bóng uy tín của nhà nước độc đảng
b) Để đoạt được huy chương vàng các vận động viên Trung Quốc đã chấp nhận đánh mất phẩm giá và quyền riêng tư của mình
c) Để đoạt được càng nhiều huy chương vàng phải huy động toàn bộ các hệ thống đảng, nhà nước, quân đội, nhân dân, thương mại, giáo dục vào cuộc
d) Đoạt được càng nhiều huy chương vàng càng tiếp sức cho những thế lực ngăn cản cải cách hệ thống chính trị lỗi thời tại Trung Quốc
5) Tại sao Trung Cộng bị thảm bại tại Olympic Rio 2016 ?
Tại Rio, Trung Cộng thua xa Mỹ với tỷ số huy chương vàng 26/44 và mất ngôi vị vô địch thế giới . Đã thế lại còn thua Anh Quốc với dân số chỉ bằng 5 % dân số Trung Cộng và sức mạnh kinh tế GDP chỉ bằng 20 % Trung Cộng. Đây là một trong những thất bại thê thảm nhứt của Bắc Kinh về phương diện tuyên truyền đánh bóng tính cách ưu việt của chế độ độc tài hiện có. Kết quả thảm bại của Trung Cộng đã khiến có nhiều phân tích đưa ra.
Riêng bản thân người viết có dịp theo dỏi sự thực về thành công Olympic của Đông Đức trước đây và có một số nhân xét liên quan. Nên nhớ Đông Đức trước đây dân số chỉ 17 triệu người, nhưng đã từng đứng thứ nhì với 37 huy chương vàng tại Olympic Seoul 1988 (hơn cả Mỹ với 36 huy chương vàng và còn Tây Đức thua xa đứng hạng 5 chỉ đoạt 11 huy chương vàng). Tại Olympic (mùa đông) Sarajevo 1984, Đông Đức vô địch thế giới với 9 huy chương vàng hơn Liên Xô (6 huy chương), Mỹ (4 huy chương) và Tây Đức (2 huy chương).
Với mục tiêu tối hậu là dùng thành công về thể thao để chứng tỏ chế độ độc tài của mình vượt hơn các nước khác - nhứt là Tây Đức có dân số đông hơn gấp 4 lần -, Đông Đức đã "đầu tư" tập trung vào chính sách này. Cuối cùng Đông Đức đã thành công "rực rỡ": không những vượt hơn Tây Đức mà còn có lúc dẫn đầu thế giới. Chính vậy, khi Bức tường Berlin sụp đỗ năm1989, Đông Đức tan rã xin gia nhập vào Tây Đức vào năm 1990, thì Trung Cộng đón một số huấn luyện viên Đông Đức qua làm việc. Nhờ vậy Trung Cộng có được kiến thức "quý báu" của các "chuyên viên" Đông Đức nhằm đoạt các huy chương vàng tại các thế vận hội. Điển hình, Trung Cộng đứng thứ 3 đoạt 28 huy chương vàng tại Olympic Sydney 2000, rồi đứng thứ 2 đoạt 32 huy chương vàng tại Olympic Athens 2004 và cuối cùng đã đứng đầu đoạt 51 huy chương vàng tại Olympic Bắc Kinh 2008. Nhưng bắt đầu từ đó Trung Cộng bị "tụt hậu" , đứng thứ nhì với 38 huy chương vàng tại Olympic London 2012 và lần này tại Rio chỉ đứng hạng 3 với 26 huy chương vàng.
Sự tụt dốc của Trung Cộng chỉ có thể giải thích 3 các lý do sau đây:
a) Phương pháp huấn luyện của chuyên viên Đông Đức đã lỗi thời rồi sau 25 năm. Khoa học càng ngày càng tiến bộ mà Trung Công chỉ biết ăn cắp copy nên không có sáng kiến gì theo kịp. Trong khi đó Anh Quốc với những sáng kiến huấn luyện thể thao mới mẽ đã qua mặt Trung Cộng.
b) Biện pháp tập trung bắt con nít hành hạ tập luyện ngày đêm và cô lập các lực sĩ với gia đình cả năm trời đã gây căm phẩn phản đối trong dư luận quần chúng. Không còn đam mê & lý tưởng để tập luyện nữa thì dù có cưỡng bách ngày đêm cũng chả đạt được hiệu quả mong muốn (xem Nguồn 3).
c) Quan trọng nhứt là phương pháp ma giáo áp dụng kích thích doping không còn dể dàng qua mặt kiểm soát như trước đây. Tại Olympic Sydney 2000 dư luận đã xầm xì khi thấy các nữ lực sĩ Trung Cộng có bắp thịt nổi "cuồn cuộn" như đàn ông - giống y chang như các nữ lực sĩ Đông Đức trước đây - . Để giải thích hiện tượng "lạ lùng" Bắc Kinh cho biết họ đã cho uống "máu con rùa". Thực tế sau này có phương pháp phân chất hữu hiệu hơn thì khám phá ra là Trung Cộng đã cho doping toàn diện các lực sĩ. Mới vừa qua Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã công bố kết quả khám nghiệm lại cho biết một số lực sĩ Trung Cộng đã doping trong Olympic Bắc Kinh 2008 - chậm trể sau 8 năm ! - (xem Nguồn 4). Chính vì biết càng ngày càng kiểm soát chặt chẻ , nên Trung Cộng không dám tung hoành doping như trước kia và đã khiến số huy chương vàng từ 51 xuống kỳ này chỉ còn 26.
.
Kết luận
Những gì độc tài Đông Đức "thành công" thể thao để chứng tỏ "ưu việt" hơn dân chủ Tây Đức, thì Trung Cộng cũng đã có thói quen ăn cắp vặt copy lại . Thế nhưng sự thực từ từ phô bày ra, lần lượt các lực sĩ Đông Đức đã tự động tiết lộ những bí mật ma giáo này và lên tiếng chỉ trích chính sách thể thao dã man đã tàn phá sức khỏe của giới lực sĩ. Trong tương lai chuyện này rất có thể xảy ra tương tự tại Trung Cộng nếu tình hình thay đổi khiến dân chúng có cơ hội lên tiếng đòi hỏi sự thực.
Sau hết cho thấy mặc dù huênh hoang đã thắng Tây Đức về thể thao nhưng cuối cùng Đông Đức cũng phải xin gia nhập vào Tây Đức vì thấy chỉ trong chế độ tự do dân chủ con người mới thực sự được sống hạnh phúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét