khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

Vượt biển Đông bằng thuyền buồm - Tác giả Vũ Đoàn





Khoảng tháng 7 năm 1982 tôi ra tù, về nhà thì vợ con tôi đã qua Mỹ. Tôi đã biết quá rõ về Cộng Sản, nên không có lý do gì để ở lại với bọn chúng. Không có chế độ nào tệ hại như chế độ cộng sản từ ngày lập quốc đến nay. Bộ đội, Công an, cướp của dân, xem dân như súc vật.

Mẹ tôi nói trước khi tôi ra tù đã có 2 nhóm tổ chức vượt biên đến nhà để hỏi thăm tìm người lái tàu cho họ. Phong trào vượt biên coi như công khai, tôi đi đâu cũng nghe nói tới các tổ chức vượt biên bằng đường bộ, đường thủy, ngay cả những người bạn hải quân của tôi,khi gặp tôi họ cũng rủ tôi đi với họ,hay giới thiệu tôi với các tổ chức vượt biên mà họ quen biết.

Mẹ tôi biết thế nào tôi cũng sẽ đi, nên mua cho tôi một chiếc xe đạp, bảo tôi nên đi chơi để tránh sự dòm ngó của công an địa phương, mọi việc ở nhà để mẹ lo.

Tôi đi qua nhà ông Cậu của tôi để xem lại bản đồ và định hướng lộ trình, thích hợp (Cậu tôi có tàu đi Miền Trung).

Tôi có hai người bạn thân trong gia đình đến nói với tôi là nếu có đi thì hãy giúp họ với. Một anh là Huỳnh Hữu Thế bạn cùng học tiểu học với tôi ở Cần Giuộc. Anh học rất giỏi, đỗ thủ khoa ban toán ở đại học Sư Phạm, bị động viên, anh được biệt phái về trường Võ Bị Đà Lạt (lúc học tiểu học tôi thì gầy gò ốm yếu trong khi anh Thế thì mập mạp, nên Thày hay chọc chúng tôi gọi lên bảng, dậy là “Vous êtes maigre, il est gros…” Đó là một kỷ niệm không bao giờ quên trong đời tôi.

Hai là anh Trần Trọng Ngọc - Tiểu Đoàn Trưởng – anh là anh của em rể tôi Trần Trọng Ngà cùng khóa Hải Quân với tôi. Ngà đã hết lòng giúp đỡ con tôi khi nó mới qua Mỹ.

Tôi nghe mẹ tôi nói rất nhiều về các tàu vượt biên, vậy mà cũng không hình dung được các chuyến vượt biên như thế nào. Bà nói, bãi bị bể, bị bắt lại, hoặc ra đi song bị hải tặc cướp của, hãm hiếp và giết người trên biển thì nhiều lắm – Con phải hết sức cẩn thận!

Tôi sẽ phải chọn một trong hai nhóm đến nhà tôi để đi.Nhóm 1 do một người đàn bà tổ chức đi tại Sài Gòn.Nhóm 2 do một người đàn ông tổ chức tại Cần Thơ, bạn Thế của tôi có nhà ở Cần Thơ nên tôi chọn đi tại Cần Thơ, hơn nữa song Cửu Long, dù Tiền Giang hay Hậu Giang, tôi khá rành nhờ ba năm tôi ở Giang Đoàn thuộc Vùng 4 Sông Ngòi.


Ngày 15 tháng 10 âm lịch tôi xuống Cần Thơ do một anh chở tôi bằng xe Honda, tôi mang tên và giấy tờ giả. Muốn sống được với Cộng Sản cái gì cũng giả hết. Anh ta dặn nếu công an có hỏi tôi cứ nói đi Cần Thơ thăm gia đình, mọi việc khác đã có anh lo, xong anh đưa cho tôi mấy cái nhẫn đeo tay nói đây là bùa hộ mệnh anh đừng lo.

Tôi ở nhà anh Thế 2 ngày, ngày nào cũng có người tổ chức vượt biên đến cho tôi đi ăn nhà hàng và hỏi tôi cần gì anh ta sẽ lo. Anh cho tôi biết là sẽ có khoảng 60 người cùng đi trong chuyến này và giá được tăng lên 8 cây thay vì 6 cây vì tàu sẽ do cựu Hải Quân VNCH lái.

Tôi chỉ cần 8 bao gạo, 2 tấm vải nylon, 4 cây cột dài và dây nhợ, vì linh tính tôi thấy đến 82 tàu vượt biên còn lại toàn tàu cũ, nếu có tắt máy tôi sẽ dương buồm để đi.

Chủ tàu (nói là tàu, chớ thật ra chỉ là một ghe máy chở gạo đi miền trung) là chủ một tiệm vàng ở Cần Thơ tàu dài khoảng 12 m. ngang 4m. (12x4) có mui để chở gạo.

Khoảng 10 giờ sáng ngày 19 tháng 10 âm lịch chúng tôi xuống tàu ngay bến Ninh Kiều, có người lái ra bến đông người, tôi xem qua tàu và ngồi nói chuyện với người tổ chức. Ông ta có lẽ là một cựu cán bộ nên nói chuyện có vẻ tự tin, khoảng 4 giờ chiều tàu ra gần đến cửa biển và đó cũng là điểm hẹn rước khách, 5, 6 ghe nhỏ từ trong bờ bơi ra chở đầy người xem ra có tới hơn 80 người vì có nhiều người căn me theo.

Khoảng 5 giờ thì ông tổ chức đến bắt tay tôi, để từ giã và chúc tôi lên đường may mắn, ông hỏi tôi cần súng ông tặng tôi một cây sung ngắn, tôi từ chối.

Tôi làm lễ xuất phát bằng cách đặt tên tàu là tên một bé gái nhỏ nhứt chừng một năm tuổi tên là Ái Linh, và đổ rượu xuống sông “thề quyết đi không trở lại”.

Trời bắt đầu xế chiều nước sông bắt đầu ròng, sóng gió nổi lên rất mạnh, người ngồi trong tàu bị lắc ói mửa. Trong cảnh lặng im, nương theo ngọn sóng, tôi lái tàu ra biển suốt đêm, đến sáng tôi bắt đầu chuyển tàu về hướng nam.

Đến trưa ngày 20, tôi thấy hòn Khoai, trên hải đồ đảo này có tên là Poulo Obi, một hòn đảo nhỏ nằm phía nam của Mũi Cà Mau, khoảng 20 cây số (trước đây tôi đã làm duyên đoàn trưởng duyên đoàn 41 đóng quân trên đảo này). Và đây cũng là là lúc tai họa đến với chúng tôi, tàu bỗng dưng chết máy!

Máy sửa mãi không chạy vì không có thợ máy rành nghề trên tàu. Đúng như linh tính, tôi gọi anh em trên tàu phụ tôi căng hai tấm nylon làm buồm tấm nylon xếp chéo góc hình tam giác, một đầu cột trên ngọn hai cây cột dựng thật chắc ở mũi tàu, đáy tam giác cột vào mũi và thân tàu (theo hình vẽ). Để làm buồm, đưa tay lái cho anh phụ lái, tàu quay vòng vòng vì anh chưa hề lái thuyền buồm.


Bắt đầu từ đây tôi phải tự lái một mình.

Tôi chia các thanh niên khỏe mạnh trên tàu làm 2 tổ, an ninh và tát nước do anh Ngọc chỉ huy và một tổ lo nấu ăn.

Ngày 20 & 21 tháng 10 biển êm sóng lặng bà con tỉnh ngủ lên sàn tàu chơi,. Anh trưởng bếp lên phòng lái chơi, nói chuyện với tôi anh kể toàn chuyện xui xẻo, anh đã vượt biển 7 lần rồi mà không thoát rồi hỏi tôi có đi được không? Nếu bị bắt tôi là tù cải tạo vượt biên có thể bị tử hình. Tôi khuyên anh ta nên bình tĩnh cầu nguyện.

Đến sang ngày thứ tư 23 tháng 10 đã có chút gió từ phương Nam. Ông bà ta nói:

“Ông tha thì Bà cũng chẳng tha,
Thế nào cũng bão 23 tháng 10".

Đó là lý do tại sao tôi lần lựa chọn ngày 19 tháng 10 để ra đi.

- Gió sẽ đẩy thuyền đi

- Mưa giông sẽ có nước ngọt cho người uống, đi biển chết vì khát nhiều hơn chết vì đói.

- Có bão sẽ không có hải tặc.

- Khi có giông bão tàu Việt Cộng cũng ít ra khơi.

Đến chiều trời bắt đầu đổ mưa to, gió mạnh, tôi phải nương theo sóng mà đi, tàu trên biển lắc như trứng hột vịt thả trong nước, hơn nữa tàu này là loại tàu chở gạo nên lườn tàu hình tròn rất khó lái, tàu ngang sóng là bị lật úp, tàu theo ngọn sóng sẽ bị đẩy chúi mũi vô nước bị nhận chìm. Học lái thuyền buồm và lái đi trong giông bão là hai chuyện khác nhau phải có kinh nghiệm và từng trải qua lái ghe trong bão mới có thể nương theo sóng và gió mà đi. Chỉ có cảm nhận (feeling) tàu chạy như thế nào để cầm tay lái, nhất là lúc về đêm, trời tối đen không còn nhìn thấy gì, chỉ còn cầu Trời! Không ai dám nhận mình tài giỏi vượt thoát qua cơn bão. May là mẹ tôi có đưa cho tôi mấy miếng sâm nên tôi ngậm sâm để tỉnh táo qua đêm, trên phòng lái có mấy quyển kinh Phật do con ông chủ tàu mang theo, em này tu từ lúc bé, tôi dựa vào đó để đỡ mệt.

Trong khoang tàu tất cả đều im lặng cầu nguyện, vật lộn với những đợt sóng lớn dồn dập, không có ai còn biết đói là gì. Con tàu trong bão giông giống như cảnh đưa võng.

Sau hai ngày giông bão tàu đi khá xa.Tổ ẩm thực báo cáo chỉ còn một bao gạo (thay vì mang theo 8 bao chủ tàu chỉ mang theo 3 bao cho 60 người) vậy là đành phải húp cháo.

Có một bé gái khoảng 10 tuổi có lẽ vì đói và hôi hám, nên khóc la suốt đêm, tiếng khóc của em thật khủng khiếp. Đêm khuya canh vắng mà nghe em khóc ai cũng lạnh cả gáy, con chủ tàu nói có mang theo tàu 15 hộp sữa khi tìm chỉ còn 5 hộp, lục soát trong tàu thấy mấy lon sữa không ở chỗ em bé khóc, vặn hỏi mãi mẹ em mới cho biết là em khóc quá nên bà đã lấy trom sữa cho em uống. Dù sao cũng còn lại 5 hộp tổng cộng là 10 hộp, mỗi ngày pha 2 hộp sữa với cháo để sống qua ngày.


Đến ngày thứ 5 thì trời êm biển lặng, bà con lên sàn tàu chơi, sau mấy ngày nôn mửa dưới hầm tàu, ai cũng hôi thối không chịu được. Khoảng 10 giờ có một tàu đánh cá Thái Lan chạy tới, mấy bà trên tàu mừng lắm, nhất định đòi gọi họ lại, tôi cảnh cáo là coi chừng bị cướp, họ nói không chúng tôi đói lắm rồi, dơ nữa cứ gọi họ lại.

Kết quả là tàu đánh cá Thái Lan ghé lại. Mấy ngư phủ Thái Lan ai cũng trẻ khỏe mạnh, chúng tôi thanh niên trên tàu qua cơn bão đói rét yếu như cộng bún thiu, họ bảo gì phải nghe vậy.

Họ bắt tất cả lên tàu để họ lục soát vàng bạc, đàn bà họ cho qua ghe đánh cá tắm rửa và cho ăn. Chủ ghe đánh cá gọi tôi lên phòng lái, tôi đưa cho ông xem một tấm hình tôi chụp chung với 2 sĩ quan Thái lúc tôi học ở San Diego. Ông ta nói được chút tiếng Anh, thấy hình ông nhận ngay ra Sĩ quan Thái, ông nói ông không phải là hải tặc ông cùng với đoàn tàu đánh cá 4 chiếc, tầu của ông ta đi sau cùng nên phải đi ngay không thể ở lâu được. Sau đó ông ta bảo nhân viên thả hết mọi người về ghe để tiếp tục đi. Cách cư xử của chủ ghe người Thái với đám thuyền nhân chúng tôi sau câu chuyện có vẻ êm hơn nhưng vẫn có một cô trên ghe bị cưỡng hiếp. Khi được thả về ghe, kiểm soát lại, tôi còn thấy cái la bàn của tôi đã bị họ lấy mất.

Khi ở nhà anh Thế anh có đưa cho tôi một cái địa bàn, mà anh dấu rất kỹ, tôi đã chỉnh hướng của địa bàn và la bàn: ngày ngắm hướng mặt trời, đêm nhìn sao bắc đẩu.

Ghe chết máy, cánh buồm tự chế tả tơi, người người đói khát, la bàn bị lấy mất, tôi hiểu mình đang bị lâm vào cảnh tuyệt vọng.

Ngày thứ 6 tôi ngủ thiếp đi vì quá mệt, tôi thấy một ông mặc áo thụng đen, khoát tay chỉ cho tôi đi xuống Đông Nam (240 Độ). Nhớ lúc ở nhà mẹ tôi có kể cho tôi nghe, là mấy người vượt biển đã có thấy một ông thánh da đen giúp đỡ họ đó là ông Thánh Martin. Chuyện này làm tôi nhớ lúc ở tù trại Thanh Hóa gần đêm Noel, đêm ngũ tôi đưa tay lên đầu nằm, lại lấy được một cây Thánh Giá. Sau đó, tôi đưa lại cho một anh tu xuất cùng phòng, anh ta rất mừng và Noel năm đó chúng tôi có cây Thánh Giá để làm lễ.

Sáng ngày thứ 7 tôi thấy hải âu, tôi nói với anh em là chúng ta đã đến quần đảo hay là đất liền rồi vì hải âu không đi xa quá bờ trên 200 hải lý. Từ xa, tôi thấy hình dạng một hòn đảo, khi thấy đã gần tới nên tôi ra lệnh neo tàu lại nghỉ vì trời sắp tối.

Đêm đó nằm xuống là tôi ngủ ngay, gần sáng tôi lại nằm mơ thấy Phật Bà Quan Âm hiện ra khoát tay chỉ về hướng Nam (từ bé tôi đã coi Phật Bà Quan Âm là cứu tinh của linh hồn tôi mỗi khi tôi gặp khó khăn).

Sáng ra tôi cho kéo neo chuyển hướng về hướng Nam thay vì ghé vào đảo. Ai cũng ngạc nhiên, hỏi tại sao tôi không vào đảo. Tôi chỉ bảo là tàu bị dạt về hướng Bắc vì gió bão. Sau này tôi mới biết là nhờ giấc mơ, chúng tôi đã không tự dẫn vào nạp mạng, vì đó là hòn Cọp nơi giam giữ thuyền nhân bị hải tặc bắt.

Hai giờ trưa ngày thứ 8 tôi cho ghe ủi vào bãi đá của một hòn đảo lớn. Thấy trên đảo có nhiều người chạy ra tàu lại nói tiếng Việt, bà con trên ghe quá mừng, lội nước vào bờ, tôi thì quá kiệt sức không đi được, phải nhờ 2 anh phụ bếp dìu lên bờ.


Chúng tôi đã đến bờ Tự Do sau 8 ngày đêm phiêu lưu bằng thuyền buồm trên biển và bão tố, vì nơi ghe cập bờ đúng là đảo Pulau Bidong. Vậy là chuyện vượt biển bằng buồm của chúng tôi giống như một chuyến du hành của Robinson Crusoe.

Trên đảo Pulau Bidong

Sáng hôm sau chúng tôi tập họp trước văn phòng cao ủy để kiểm điểm tôi mới biết trên tàu có tới 85 người kể cả tôi. Tàu được đánh số thứ tự là 836B (có lẽ là đã có 1836 tàu tới đảo).

Một tuần sau họp văn phòng trại của người tỵ nạn, Anh trưởng trại xin từ chức vì anh sắp chuyển trại vào đất liền, Anh đề nghị tôi thay thế. Từ đây, tôi bắt đầu lo công việc của một thuyền nhân trưởng trại.

Đảo Pulau Bidông là một đảo rộng khoảng 2 square kilometer cách bờ Tenengganu Mã Lai 30 miles.

Chuyến tàu vượt biển từ Việt Nam tới đảo ngày 7/5/1975 mang theo 87 người và được gọi là "boat people" và đảo Bidong được hưởng qui chế tị nạn vào ngày 8/8/1975. Trại có thể chứa đến 8.500 người. Năm 1976 số thuyền nhân lên đến 18.000 người rồi tới 40.000 người vào tháng 6/1979. Đây là nơi đông dân nhất thế giới, nếu tính theo mật độ dân số.

Ngày 10/10/1991, khi trại đóng cửa, đã có 250.000 người đến đảo và 9000 người bị trả về Việt Nam… Số người bị chết và bị hải tặc bắt cao hơn con số người đến đảo.

Sang tuần thứ ba phái đoàn cao ủy đến trại, thường thì mỗi tháng họ tới một lần ở lại đảo để xem hồ sơ 1 tuần rồi lại vào đất liền, Ông Trưởng đảo người Mã Lai cũng vậy, ông đi theo phái đoàn.

Ông mời tôi lên gặp ông, ông thấy tôi nói được tiếng Anh ông rất thích (có lẽ trước tôi cung còn có nhiều người nói tiếng Anh giỏi hơn tôi) hỏi thăm tôi đủ thứ. Tôi nói tôi ở tù CS 8 năm mới ra tù là vượt biên ngay. Mỗi ngày ông và tôi đều đi dạo khắp đảo để xem tình hình sinh hoạt trên đảo. Tôi nói với ông là tôi nghe sau giờ giới nghiêm có nhiều cô gái bị gọi ra và bị hiếp, ông rất tức giận cho gọi ông Phó trại ra hỏi và ông này bị la rầy dữ dội, ông còn lấy gậy đánh ông phó ngay trước mặt tôi. Tôi đề nghị thành lập toán tuần tiễu hỗn hợp Mã Việt, mỗi khi đi tuần. Ông Ngọc được giao nhiệm vụ thành lập toán tuần tiễu đêm với Mã Lai. Ông Ngọc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và từ đó không còn nghe tiếng than trách.

Ông trưởng trại còn nói với tôi. Ông là người Mã Lai cấp tá, Phó trại là người Tàu lai Mã Lai chỉ được lên cấp úy mà thôi. Chúng tôi đi xem nhà thờ, chùa trên đảo và xem cầu tàu có nhiều xác tàu ở bãi trước ông kể là co 1 xác chiếc tàu sắt đến đảo năm 1975 khi chưa có qui chế tị nạn nên không được vào đảo. Tàu bị bắn đắm và kéo ra khỏi đảo 3 lần, tàu bị chìm 800 người trên tàu đều bị chết, tàu lại được sóng đưa vào bờ, vậy mà vẫn còn một ông già còn sống. Khi được đưa vào đảo, ông buồn quá ngày nào cũng ngồi dưới gốc cây dừa nhìn ra biển, một hôm gió nổi lên dừa rụng xuống trúng ngay đầu ông, ông đã chết theo bạn bè của ông. Thuyền nhân sau đó đã lấy một tảng đá đẽo một bức tượng lấy tên "Thương Tiếc" nhìn ra biển để kỷ niệm con tàu bất hạnh.


Tôi được làm việc với văn phòng Cao ủy, được vào xem phỏng vấn cũng như coi hồ sơ thuyền nhân. Hồ sơ thuyền nhân la một văn phòng nhỏ chứa tất cả hồ sơ tàu đến đảo từ năm 1975, có 1 cuốn sổ bìa cứng dầy gấp đôi so thường ghi có bao nhiêu tàu đến đảo, bao nhiêu người bị chết trên đường vượt biển bao nhiêu người bị hải tặc bắt và hãm hiếp. Tàu tôi mang số 836 B. Rất tiếc tôi không đọc kỹ xem trước tôi có bao nhiêu tàu..

Ông còn cho tôi biết là trại sắp bị đóng cửa, nên phải phá hết xác tàu để trả lại nguyên trạng cho Mã Lai, và quan trọng hơn cả là còn hơn 400 cô nhi trên đảo không ai bảo lãnh “Có lẽ phải trả về Việt Nam,” tôi phải lo liệu lấy.

Hơn 400 cô nhi trên đảo không ai trông nom nên hay tụ tập nghịch ngợm phá phách đủ thứ, ban ngày đi cưa ván ép cũ đóng xuồng, làm thủ công nghệ, đồ chơi (trại có lúc lên tới 40.000 người bây giờ chỉ còn hơn 2000 người nên có rất nhiều nhà bỏ hoang) gần sáng các em lớn ra phía nam đảo để đánh cá bán lại cho bà con trong trại, thức ăn trong trại do đó rất phong phú, có tiền là có đồ ăn (lính Mã Lai cũng đem đồ ăn từ đất liền ra đảo để bán lại cho thuyền nhân).

Hôm sau tôi họp hội đồng trại để thông báo tin các cô nhi có thể bị trả về VN, chúng tôi phân công để huấn luyện các em sao cho ngoan, có kỷ luật để trình diện phái đoàn cấp cao của Cao Ủy sẽ vào đầu tháng tới (tháng 11/1982)

Anh Thế lãnh trách nhiệm giáo dục văn hóa cho các em dậy cho các em mấy câu tiếng Anh đàm thoại thông dụng…..

Anh Ngọc tập cho các em cách xếp hang chào kính theo cung cách thiếu sinh quân mà anh đã học trước đây, anh cũng lập ra các đội bóng chuyền, bóng rổ, giờ chơi thể thao là các em lanh lẹ và thich lắm.

Anh Hải phó trại cho các em ăn mặc gọn gàng sạch sẽ, hớt tóc ngắn, kỷ luật và dọn dẹp trại cho ngăn nắp.

Tôi cũng tập họp cả trại cho biết tin trên và yêu cầu mọi người phải khéo léo, nhã nhặn khi tiếp xúc với phái đoàn cấp cao của Cao Ủy để họ co thiện cảm chấp nhận các em cô nhi.

Một tháng qua rất nhanh. Được tin phái đoàn tới đảo, chúng tôi cho các em ra làm dàn chào đón tiếp, phái đoàn có vẻ hài lòng, trong phái đoàn có một anh bác sĩ người Hoà Lan tên Peter nói có quen với tôi. Tôi gặp anh ta, anh ta là con rể ông Nguyễn Thanh Niên chủ hãng xuất nhập cảng Hưng Đạo Sài Gòn (như vậy là tin tôi tới đảo đã được báo với gia đình tôi bên Mỹ rồi) anh cho tôi 100 đô, bắt tay chúc mừng, tôi đáp lại tôi xin anh hãy giúp dùm các cô nhi đừng bị trả về Việt Nam, Cộng Sản tàn ác lắm.

Đến trưa tôi mời phái đoàn ra sân vận động xem các em đánh bóng chuyền, các em rất giản dị, xi xô xi xào với phái đoàn cười đùa rất tự nhiên, phái đoàn phân tán ra ngồi với các em. Đến chiều phái đoàn rời trại.

Hai tuần sau (giữa tháng 11/82) chúng tôi được tin vui. Tất cả các em đều được vào Mỹ, cuối tháng 11 các em đi trực tiếp qua Phi Luật Tân không qua thanh lọc.

Các em qua Mỹ sớm hơn tất cả chúng tôi, nhưng khi các em đi rồi thì trại lại thấy vắng vẻ và buồn… Vì thiếu tiếng cười đùa phá phách hồn nhiên của các em, không còn cá để ăn.


Đầu tháng 12/1982, một số chúng tôi được chuyển qua Sangei Besi để thanh lọc. Ai xin đi Úc đi Châu Âu hay Mỹ thì làm hồ sơ để được bảo lãnh đi.

Sau 3 -4 tháng anh Thế và anh Ngọc được anh em bảo lãnh rời trại để đi Mỹ.

Riêng tôi có đủ tất cả hồ sơ nhưng kẹt người bảo lãnh, nên phải qua Phi làm trưởng trại ở Bataan mãi đến tháng 3/1984 tôi mới được vào Mỹ.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét