khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Hồi ký của một thầy dòng La San về những ngày ở tù CSVN sau 30/4/1975



Đang mê man trong giấc ngủ sau 3 ngày đêm không chợp mắt, bỗng tiếng xôn xao ồn ào làm tôi tỉnh giấc. “Thêm con mới! Những hai con lận!” Phòng 4 đã chật ứ, nay nhét thêm hai con nữa! Tôi nhìn hai con mới: một người trên dưới 60, tuy dáng người hơi xương xẩu nhưng thấy còn mạnh khoẻ, và một tráng niên khoảng 23, 24 tuổi thân hình vạm vỡ cao lớn. Mới nhìn qua, tôi đoán ngay “tù chính trị”, nghĩa là như tôi, bị bắt vì tình nghi liên quan đến một “tổ chức phản động” nào đó, tuy họ không bị còng tay.

Quả thật sau vài lần ăn không ngồi rồi suốt ngày trong phòng giam, tôi nói chuyện với người bạn tù già. Ông nói: “Tôi và anh bạn này thuộc dòng Chúa Cứu Thế, ở An Phong Học Viện ngã tư Xa Lộ-Thủ Đức.” Thấy hai tay tôi mang còng, ông nói tiếp: “Anh chắc là... Frère Lasan ở Mossard!” Cả hai nhìn nhau nhoẻn miệng cười thông cảm, và bắt đầu tâm sự thoải mái cởi mở.

“Tôi tên Lễ, làm thầy việc ở An Phong Học Viện trên 30 năm nay. Từ trước 75, tôi đã bất bình với một số linh mục dòng Chúa Cứu Thế ‘đua đòi’ làm chính trị, thật không hợp với chức năng linh mục của mình. Tôi không muốn nói về những ông linh mục triều hay các dòng khác như mấy ông cha Thiện Cẩm, Phan Khắc Từ, Huỳnh Công Minh, v.v... Không biết mấy ông ‘ăn nhằm thứ gì’ mà nhảy ra làm chính chị chính em, gây rối loạn cho chính quyền đã rồi, mà xáo trộn xã hội nữa! Mình lo việc nhà thờ và phụng vụ mà thôi cũng đủ mệt rồi! Thôi, kệ mấy ông.
Riêng với dòng Chúa Cứu Thế, Frère thấy sao chứ tôi rất bực mình với ông cha Ngọc Lan. Frère biết không, nhà dòng cho đi du học về liền ‘đổi màu’ hồng hồng rồi. Nếu là hồng hồng thì còn được: lên tiếng bảo vệ người nghèo, kẻ bị áp bức, cho công bằng xã hội... là điều tốt, nhưng tôi nghi ông ta chẳng những hồng hồng mà từ từ thành đo đỏ nữa. Frère tưởng tượng được là ông ‘liên lạc hội họp’ với cộng sản và còn ‘bao che’ nữa không?

Một buổi tối vào khoảng giữa năm 1972, ông Lan mời ba người đàn ông đến ăn cơm tối tại An Phong Học Viện, sau đó bàn bạc chuyện gì không biết. Đến hơn 11 giờ đêm, sắp ra về thì nghe đâu cảnh sát quốc gia đang bao vây quanh cổng chính. Ông Lan đem 3 bộ áo dòng đến ‘phong chức’ cho 3 người đàn ông, và chính ông Lan cũng mặc áo dòng, đích thân lái xe Jeep đưa ra khỏi khu vực An Phong Học Viện. Cảnh sát quốc gia thấy cha Lan lái xe và trong xe có 3 ‘linh mục’ nữa, nên không dám phản ứng gì... Frère thấy đó!

Còn những chuyện lên đường xuống đường thì... hết nước nói. Cái ông cha Trần Hữu Thanh nữa! Bao nhiêu năm tích lũy công đức nào là “Tuần Đại Phúc”, nào là “Ân Xá Đại Xá”... đem cho giáo dân biết bao nhiêu công đức thiêng liêng, thế mà không biết ‘ma xui quỉ khiến’ thế nào lại xách động dân chúng hoan hô đả đảo tùm lum, càng gây xáo trộn xã hội trong thời buổi khó khăn như vậy. Ông tưởng rằng chỉ có chính quyền quốc gia mới có tham nhũng, bày điều ‘bản cáo trạng 6 điểm’, rồi cáo trạng tùm lum... điểm. Thiệt tình! Bây giờ cách mạng thành công, lật đổ được ’ông quốc gia tham nhũng’, ông cha Thanh - một cách nào đó đã tiếp tay cho cách mạng mau thành công, tưởng sẽ được cách mạng tưởng thưởng xứng đáng, nào ngờ đâu cách thức tưởng thưởng của cách mạng không phải như mình tưởng, ông cha Thanh cũng vẫn phải đi ‘học tập cải tạo’...

Frère chắc đã biết vụ ông cha Chân Tín? Coi vậy mà ông ta ‘khôn’ hơn mấy ông cha kia! Mặt nổi thì ít người biết đến ông ta. Tin tức báo chí, truyền thanh truyền hình ít nói đến ông ta vì ông ta đâu dại ra mặt lên đường xuống đường công khai, thế mà sau khi cách mạng thành công, ông ta chễm trệ được ‘bác và đảng’ chiếu cố cho một ghế làm ‘nghị vỗ’ trong quốc hội.”

Tôi nghe thầy Lễ thao thao bất tuyệt kể lại chuyện nhà như thể trút bao nhiêu tâm sự dồn nén bấy lâu, mà trí lòng liên nghĩ đến Huynh niên trưởng Etienne Toàn của tôi - và chắc là cũng giống tâm sự của nhiều vị Đàn Anh khác. Tôi chợt nhớ tới tờ truyền đơn - một trong những nguyên nhân đưa đến cho cộng đoàn Lasan Mossard quá nhiều điều không may - tôi hỏi thầy Lễ: “ À, thầy có biết tin tức gì về linh mục Vàng không?”

Tôi cảm thấy thầy Lễ có vẻ khựng lại, nhìn tôi với cặp mắt nghi ngại. Tôi đoán hiểu tại sao, vừa giơ đôi tay mang còng vừa cười vội nói: “ Xin thầy yên tâm! Chắc thầy biết lý do tại sao tôi và cả cộng đoàn Lasan Mossard bị bắt...” Thầy Lễ chăm chú nhìn tôi rồi nói: “Frère tên là An phải không? Frère Hồng ở đâu? Frère già Đào ở đâu? Frère bề trên Ánh ở đâu?” Tôi chưa kịp trả lời, thầy Lễ nói tiếp: “Frère khỏi cần trả lời! Tôi tin Frère chứ!” Nói rồi thầy Lễ cầm lấy hai tay tôi, gật gật đầu lộ vẻ xúc động, rồi tiếp tục tâm sự: “Tôi thấy hình Frère cầm lá cờ đỏ sao vàng, phía sau là vài phòng vệ sinh mở toang cánh cửa, với lời ghi chú: “Tên An phản động để cờ nước trong cầu tiêu và treo cờ nước từ cầu tiêu ra ngoài”!

Thầy Lễ lắc đầu cười mỉm chi, nói tiếp: “Tôi còn thấy nhiều hình khác của bề trên Ánh, Frère Đào và Frère Hồng với những tang vật như đạn, súng đủ loại, nhất là một số truyền đơn nghe đâu là của Phong Trào Liên Tôn chống cộng do linh mục Vàng đứng đầu.” Tôi lên tiếng: “Ngày đầu tiên bị chấp pháp, tôi nghe nói linh mục Vàng và toàn nhóm Liên Tôn đã bị bắt hơn tháng nay phải không? Thú thật tôi không hề biết và không có liên lạc gì hết với nhóm Liên Tôn này.” Thầy Lễ thở dài, kể tiếp:

“Tôi cũng làm lạ tại sao linh mục Vàng lập nhóm Liên Tôn chống cộng, vì trước 75, linh mục thường chỉ trích phê bình chính phủ quốc gia trong các bài giảng ở nhà thờ. Nói thật, đó là điều tôi không đồng ý, vì trong thánh lễ nghe Lời Chúa, giảng và suy niệm về Lời Chúa là để giúp giáo dân sống đạo chứ đâu có được lợi dụng toà giảng để xách động làm chính trị?

Sau 75, linh mục Vàng thay đổi mục tiêu: không còn chính phủ quốc gia, ông không dám dùng toà giảng để xách động giáo dân chỉ trích phê bình chính phủ cộng sản, mà lại lập tổ chức chống đối cộng sản bằng chính trị vũ lực... Thật không hiểu nổi. Frère coi đó, dòng các Frère chỉ chuyên lo việc giáo dục, mở trường học, đào tạo thanh thiếu niên nên người tốt, sống đạo tốt, và không ai phủ nhận được là các Frère đã đào tạo cho miền Nam hai tổng thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, và nhiều giám mục, linh mục tu sĩ cùng không thiếu tướng tá nữa, nghe đâu ở miền Bắc có vài ông như Võ Nguyên Giáp, Hà Văn Lâu cũng là cựu học sinh của các Frère, thế mà bây giờ các cơ sở giáo dục Lasan, trước mắt là trường Lasan Mossard cũng bị tịch thu, và Frère thì ngồi đây, hai tay bị còng.

Dòng Lasan chưa bao giờ bị mang tiếng là làm chính chị chính em, lợi dụng học đường để xách động phản đối phê bình chỉ trích bất kỳ chính phủ nào, mà còn bị đối xử như vậy thì huống chi mấy ông cha ‘làm tầm bậy tầm bạ’ lại không làm liên lụy chẳng những cho bản thân mình mà còn liên hại đến các nhà dòng chứ!”

Thầy Lễ liếc mắt nhìn người trẻ đồng môn bị bắt cùng ngày, đang ngồi ủ rũ chán nản tựa lưng vào tường gần “phi đạo” rồi lại nhìn tôi lắc đầu nói tiếp:

“Frère thấy đó! Kinh nghiệm của mấy ‘ông cha đàn anh’ nhảy vào làm chính chị chính em những năm trước với những hậu quả trước mắt cũng không làm cho giới trẻ bây giờ ‘sáng mắt sáng lòng’. Ông này đã hăng hái gia nhập ‘thanh niên xung phong’ ngay sau biến cố 75; ông còn hăng say ‘lập thành tích để làm đối tượng Đoàn’ hơn hai năm nay, và đã sinh hoạt rất tích cực trong phong trào ‘triệt tiêu tất cả tàn tích văn hoá đồi trụy Mỹ-Ngụy để lại’, nay đã là Đoàn viên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh; kết quả là bây giờ... ngồi đây mà than với thở!”

Hai ba ngày nay, người bạn đồng môn với thầy Lễ tỏ ra rất bất mãn về việc bị bắt “vô lý” này. Thầy Tuấn, đã theo học lớp thần học và tu đức theo tôn chỉ dòng Chúa Cứu Thế tại An Phong Học Viện hơn 3 năm nay, thường hay lầm lì không nói chuyện với ai, lại hay lẩm bẩm: “Không thể được! Họ bắt lầm người rồi!”
Lúc đầu, tôi suy nghĩ những lời thầy Lễ kể lại về ông thầy trẻ này như là một lời khuyên “hãy cẩn thận”, nhưng sau hai ngày để ý theo dõi diễn biến tâm trạng, tôi đoán hiểu được rằng “sự bị bắt quả là một shock quá mạnh” cho thầy Tuấn - có thể nhờ cú shock này mà thầy Tuấn “sáng mắt sáng lòng” chăng, chứ không phải thầy Tuấn “được gài” vào để theo dõi bất kỳ một tù nhân nào trong phòng giam. Thầy Lễ cũng đồng ý với suy diễn của tôi.

Một buổi sáng, công an cai tù dẫn phòng số 4 đi cầu, tôi thấy linh mục Tiến Lộc đứng trong phòng số 10 - cũng gương mặt luôn luôn tươi cười, cũng cái miệng móm sọm nhưng rất có duyên! Mặt tiền các phòng số 5 đến số 10 đều hướng về sân ximăng, và bức tường là những song sắt từ trên mái xuống tận đất. Linh mục Tiến Lộc thấy tôi, thoáng ngạc nhiên. Tôi giơ hai tay mang còng cho ông thấy, ông chau mày rồi quay vào trong nói gì đó; Huynh Đào bước ra song sắt nhìn tôi - gương mặt bơ phờ, râu tóc dựng đứng muối nhiều hơn tiêu, nhưng môi miệng vẫn mở hé như cười cười lạc quan. Tôi không biết là Huynh Đào có trông thấy tôi hay không vì đôi kiến dày cộm đã bị tên công an giựt khỏi mắt ngay ngày đầu tiên. Tôi mỉm cười nhìn hai người, không dám vi phạm nội quy điều 5: “Tuyệt Đối không được liên lạc nói chuyện với các phạm nhân trong các phòng giam khác”.

Quanh qua phòng số 10 là dãy cầu tiêu, dọc theo tường sau của các phòng số 5 đến số 10. Cho đến hôm nay đã là ngày thứ 10 bị bắt giam mà tôi vẫn chưa đi cầu được. Khoảng 5 phút sau, tất cả đi trở về phòng mình. Ngang qua phòng số 10, tôi liếc nhìn thấy linh mục Tiến Lộc nhóp nhép PAX CHRISTI, tôi mỉm cười khẻ cúi đầu thì thầm AMEN! Kể từ ngày đó, mỗi lần đi ngang qua phòng số 10, Huynh Đào và linh mục Tiến đứng sẵn trong song sắt nhìn tôi, và linh mục Lộc lén giơ tay phải lên làm dấu như “ban phép lành” và tôi cúi đầu lén giơ hai tay lên như vuốt mặt, nhưng thật ra là làm dấu thánh giá miệng thì thầm AMEN!

Sau lần thấy linh mục Tiến Lộc, tôi quyết tâm tìm dịp ngồi tâm sự với thầy Tuấn. Thầy Lễ chưa nói lý do tại sao An Phong Học Viện “được thăm viếng” , và các tu viện khác có “được chiếu cố đặc biệt” như Lasan Mossard không? Dịp may đến: 6 “ma cũ” được thả tự do (?) và 3 “ma mới” - chắc là thuộc diện xã hội - đến thay chỗ. Theo thông lệ “ma mới” phải nằm ngay “phi đạo”, vì vậy mà thầy Tuấn được đôn lên nằm cạnh tôi, ở hàng trên. Chắc hẳn thầy Tuấn biết rất rõ trường hợp cơ sở Lasan Mossard bị “thăm viếng” và tôi là một nạn nhân; thầy Tuấn cũng thừa biết là thầy Lễ đã tâm sự với tôi nhiều chuyện về gia đình An Phong Học Viện. Tuy nhiên, tôi biết thầy Tuấn còn ấm ức nhiều chuyện cá nhân, nên tôi khơi chuyện “đúng tầng số” và thầy Tuấn tự động tuôn trào:

- Em được vào Đoàn cuối năm 1976, và bắt đầu hoạt động cho Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh từ lúc đó đến nay. Anh cũng biết trước 75, nhiều linh mục trong dòng có lý tưởng rất phù hợp với tinh thần Công Đồng Vatican II - Giáo Hội chăm lo đến người nghèo khổ, bênh vực kẻ bị áp bức, tranh đấu cho ‘Công Lý & Hoà Bình’ theo Hiến Chương Mục Vụ ‘Lumen Gentium’ - và qua đó đã tích cực góp phần cho cách mạng chóng thành công. Hai ngày sau khi các Anh bị bắt, tụi em đã học tập lại về đường lối, chủ trương của bác và đảng, về chính sách tôn giáo ‘tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng’. Bài học tập gồm có 2 phần: mặt tích cực và mặt tiêu cực của dòng Lasan, cách riêng dòng Lasan Mossard Thủ Đức.

1. Mặt tích cực. Em được biết là từ trước tới nay, dòng Lasan không hề tham gia bất kỳ một tổ chức đảng phái chính trị nào, chỉ đơn thuần lo việc giáo dục thanh thiếu niên trong các trường học do chính dòng gầy dựng. Em nghĩ rằng đó là điểm son của dòng Lasan đối với dân tộc Việt.

2. Mặt tiêu cực. Một nhóm tu sĩ và tu sinh tại Lasan Mossard ‘trở mặt’ chống đối cách mạng, đi ngược lại tôn chỉ của dòng, bằng cách in truyền đơn phản động, tích trữ đạn dược và phim ảnh chống cách mạng, thiếu tôn trọng tính uy nghiêm trang trọng đối với lá cờ của nước nhà.

Thoạt tiên, em hơi nghi ngờ tính trung thực của bài học tập, nhưng chiều tối Chúa Nhật vừa qua, truyền thanh và truyền hình cũng như báo chí đăng tải những hình ảnh thật sự là phản động với tang chứng tang vật đầy đủ như súng M2, súng garant, súng Thompson và một số đạn dược - đặc biệt hình Frère Hồng kèm theo giọng nói phỏng vấn truyền thanh truyền hình đã thú nhận “chính tôi thu góp những súng này, tôi và chỉ một mình tôi làm, không ai trong Anh Em tôi biết việc này” - , dưới sự chứng giám của bề trên giám tỉnh và giám mục Mẫm... Bây giờ thấy Frère ngồi ở đây, hai tay bị còng, em mới tin là sự thật.

- Thì ra vụ án Lasan Mossard... rùm beng như vậy! Nhưng tại sao dòng Chúa Cứu Thế cũng bị liên lụy?

- Quả thật bất ngờ, và em cũng không thể tưởng tượng được! Sáng hôm kia, công an trang bị súng ống bỗng dưng đến bao vây An Phong Học Viện. Một số khá đông vào lục xét tất cả các phòng ốc. Cha Tiến Lộc là người đầu tiên bị bắt giữ riêng một chỗ, còn tụi em thì bị dồn vào phòng khách. Em trình thẻ đoàn viên và nói với một anh công an: “Tôi là Đoàn viên, tôi cần phải đi họp bây giờ tại trụ sở Đoàn ở thành phố Hồ Chí Minh.” Nhưng anh ta gạt qua một bên, bảo em đứng yên tại chỗ. Không biết họ tìm đâu được một súng lục đã rỉ sét - nghe đâu họ tìm được trong hồ nuôi cá ở hòn non bộ - và cha Tiến Lộc bị dẫn đi ngay; còn tụi em thì từng người đứng cầm bảng tên mình, chụp hình lăn tay, rồi bị tống giam vào đây!

- Thầy có nghi ngờ gì về sự trung thực của vụ này không?

- Cho đến bây giờ, em có suy nghĩ hao hao giống như trường hợp lúc ban đầu của các Frère tại Mossard; về sau ra sao em không dám nghĩ tới. Tuy nhiên, trường hợp các Frère có tiếng là không theo một đảng phái chính trị nào, còn trường hợp tụi em thì dù ít dù nhiều cũng “có công với cách mạng”, lại nữa em đang là đoàn viên, thì em vẫn hy vọng chắc chắn Đoàn sẽ đem em ra.

Đã hai tuần trôi qua. Tôi nghĩ cuộc điều tra về vụ án Lasan Mossard kết thúc với chứng từ và tang vật của Huynh Hồng. Thầy Tuấn tin chắc “ai làm nấy chịu”, tôi cũng hy vọng như vậy cho tôi và các Anh Em của tôi. Dù sao trong cơn đau khổ thể xác - và nhất là khủng hoảng tinh thần vì lo âu suy nghĩ - cứ nuôi hy vọng để bình thản tâm linh.

***

Một chiều trong giờ tắm, đến gần bể nước, tôi thấy em Tiến giơ tay vẫy vẫy ngoài song sắt phòng số 5. Mừng quá quên bẵng nội quy trại giam điều số 5, tôi chạy đến phòng số 5. Tiến nói nhỏ: “Frère An!” Tôi khom lưng hỏi: “Khoẻ không? Anh Hà đâu?” Bỗng em Tiến bỏ chạy lui sâu vào phòng. Chưa hết ngạc nhiên thì chùm chìa khoá của công an cai tù bủa xuống đầu tôi. Đau buốt. Tên công an vừa kéo hai tay mang còng vừa hét lớn tiếng: “Mầy ra đây!” Bồi thêm hai búa xâu chìa khoá vào đầu. Tôi đứng giữa sân ximăng, thất thần. Tất cả tù nhân phòng số 4 đã vào phòng, tên công an đến lôi kéo tôi vào phòng, khóa cửa, rồi bỏ đi không một phản ứng bất thường nào khác. Khoảng 5 phút sau, tên công an lúc nãy đứng ngoài cửa sổ kêu tôi lại gần, hỏi:

- Khi nãy ‘anh’ gặp ai trong phòng số 5?

- Tôi gặp em Tiến, học trò của tôi,

- ‘Anh’ đã nói gì với ‘thằng’ Tiến?

- Tôi nhép miệng hỏi “Em có savon tắm không?”

Tên công an khựng lại vài giây, rồi giận dữ nói lớn: “Chứ không phải hỏi ‘thằng’ Tiến là “Anh Hà ở đâu” há?” Tôi nghĩ thầm trong bụng: “thì ra em Tiến đã khai hết sự thật! - Cũng không trách được vì nếu em khai khác thì lỡ mình khai thiệt rồi sao?” Bụng thì nghĩ vậy, nhưng miệng tôi vẫn cứng rắn trả lời: “Chết chưa? Em Tiến nghe lầm rồi đó! Tôi chỉ nhép miệng không ra tiếng thì làm sao em đoán được!” Tên công an im lặng vài giây rồi hét lớn: “Coi chừng đó!” rồi nói với anh trưởng phòng: “Anh trưởng phòng, kêu ‘anh’ An học thuộc lòng bản nội quy - nhất là điều số 5 nghe!”

Ai nấy trong phòng thở phào nhẹ nhỏm. Anh trưởng phòng nói: “Anh An ơi, may mà anh gặp cán bộ Hoá trực hôm nay đó. Anh Hóa tuy la hét to tiếng vậy, nhưng anh là cán bộ hiền lành nhất ở đây; nếu gặp phải mấy ông cán bộ khác chắc là anh bị đánh đập tàn bạo lắm.” Tưởng mọi chuyện êm xuôi và trở lại bình thường, nào ngờ đâu tiếng gọi tên “Nguyễn Văn An đi làm việc!” của công an cai tù làm tôi giật mình, miệng lẩm bẩm “Gì nữa đây? Hay là vụ án đã điều tra xong, mình được phóng thích?” Hai em Cường và Hán chạy đến cạnh tôi nói nhỏ: “Mong anh được mọi sự bình an!”. Tôi nhìn hai em gật đầu nói nhỏ: “Mong hai em sớm được về với gia đình!”

Ông công an chấp pháp ngồi sẵn đợi tôi. Không biết ông nghĩ gì khi thấy tôi, với đôi tay mang còng nhưng rất trầm tĩnh, lộ vẻ hy vọng được “giải phóng”. Ông nhìn tôi, gương mặt dửng dưng, hất hàm hỏi: “Còn gì để khai báo không?” Thoáng ngạc nhiên. Tâm trí như nghe câu hỏi dưới khía cạnh tràn trề hy vọng, tôi trả lời: “Tôi đã khai báo tất cả những gì tôi biết.” Ông chìa hai mảnh giấy có những hàng chữ đánh máy, nói: “Vậy thì ký tên vào đây!” Tôi mừng rỡ giơ hai tay lấy cây viết, chẳng thèm đọc nội dung nói những gì, ký tên một mạch cả hai tờ. Ông chấp pháp lấy cây viết và hai tờ giấy, lạnh lùng nói với công an cai tù đứng hai bên: “Treo cửa sổ 3 ngày 3 đêm!” Tôi nghe như tiếng sét đánh ngang tai... Mãi khi hai tay bị còng ngoài song sắt cửa sổ, và em Cường cầm tay tôi nói “Anh An!” tôi mới hoàng hồn. “Thì ra mình lại bị treo cửa sổ!” Bàn tay em Hán vuốt nhẹ trên hai má lau nước mắt, tôi mới biết là mình đã khóc, nhưng không biết nước mắt tuôn ra lúc nào, và tại sao mình khóc?

Trong đêm yên tĩnh, mọi anh em ... tù đều an giấc - chắc hẳn không ít người đầy mộng mị, tôi đứng tựa hai cùi chỏ trên bức tường cửa sổ, hồi tưởng lại hai tờ giấy trắng đã có nội dung đánh máy sẵn mà tôi ký tên không chút đắn đo. Không biết nội dung đánh máy bao gồm những gì? Chẳng lẽ lời “nhận tội”? Mình có khai báo gì có thể gọi là “phản động” đâu? Trong suốt tháng 12/1977, mình “may mắn” có giấy tạm vắng do ty công an Thủ Đức cấp [về quê lo tang lễ cho người cha thân yêu vừa qua đời]; sau lễ Giáng Sinh mình lại có giấy “đi công tác miền Trung” của công ty công trình 471 đàng hoàng... Vả lại chính trong tháng 12 này mới xảy ra bao nhiêu chuyện... động trời! Có ai trong Anh Em mình đã khai tên mình ra về những “công tác... tối mật”(88) trong những tháng trước? - Chắc không phải, vì nếu có khai tên mình thì công an chấp pháp “sức mấy” mà bỏ qua! “Có tội thì đánh cho chừa - Không có tội thì đánh cho có” mà, huống chi là có người khai báo tố giác! Mà tại sao lại đánh máy sẵn nội dung lời khai báo rồi bảo mình ký nhận? Tôi hối tiếc là đã “chẳng thèm đọc nội dung” trước khi ký tên, nhưng tôi lại tự trấn an nhớ lại câu nói của tên cai tù trưởng với Huynh trưởng Ánh: “Ký nhận hay không cũng vậy!”

Tôi thiếp đi một lúc, và trong giấc mơ ngủ, tôi thấy gương mặt của Cha tôi. Một gương mặt nhân ái hiền hậu, mỉm cười mà không phải mỉm cười, đôi mắt hiền từ nhìn tôi, giang đôi tay rộng mở như thể bảo vệ tôi. [Sau khi được thả tự do, gia đình anh Hiển Rémy tại Phước Tường Phát tận tình giúp tôi “tìm đường cứu nước”. Nhiều lần thất bại, xém bị bắt, anh Hiển mời một bà chiêm tinh gia coi bói xem “số mạng” của tôi ra sao. Một trong những điều bà bói cho tôi biết: “Anh rất may mắn: có một người đàn ông - hình như đã qua đời - rất thương mến anh, luôn luôn bảo vệ anh...” Tôi tin chắc đó là Cha tôi.

Nguyên cha tôi cũng bị bắt đi học tập cải tạo vì trong thời cố tổng thống Ngô Đình Diệm, đã gia nhập đảng Cần Lao, thường hội họp các đảng viên trong tư gia... Ông già 70 tuổi không chịu đựng nổi cảnh tù tội... cải tạo, mang bệnh trầm trọng, được thả tự do, và hơn 1 tháng sau qua đời.
] Tôi giật mình thức giấc vì khi ngủ gật, thân hình tôi như bị níu kéo xuống và đôi tay bị còng ngoài song sắt cửa sổ giựt trở lại làm tôi trở về với hiện thực. Tôi khóc. Khóc không phải vì đau đớn thân xác, mà khóc vì thương nhớ người Cha, phải “để tang cho Cha... trong tù!”

Hai đêm hai ngày trôi qua, không có gì đặc biệt ngoại trừ sự thay đổi “nhân sự” trong phòng số 4: kẻ đến người đi. Gần qua đêm thứ ba, chắc cũng khoảng 4,5 giờ sáng, công an đi trước dẫn theo một tù nhân hai tay mang còng mà còn khệ nệ và cẩn thận khiêng thùng đạn ngang qua cửa sổ trước mặt tôi. Thoáng thấy người tù nhân ốm yếu tương đối nhỏ con, tôi liền nhớ đến một người mà trong nhất thời tôi chưa xác định được là người nào.

“Mình đã gặp người này ở đâu?” Tôi cố moi trí nhớ và hình dung dáng người như vậy. Tôi tạm thời bôi xóa khỏi ký ức nhiều anh em bạn hữu thoáng hiện ra trong trí, nhưng cũng không thể hình dung được người này. Chừng 5 phút sau, công an dẫn tù nhân quay lại đường cũ, về phía các phòng biệt giam. Tù nhân đi ngang qua, tôi chăm chú nhìn kỹ gương mặt và bắt gặp ánh mắt rất quen thuộc, tuy ánh mắt lúc bấy giờ lộ vẻ ngạc nhiên và đau thương - có thể vì thấy hai tay tôi bị còng ngoài song sắt cửa sổ - như muốn chia sẻ điều gì. ”A phải rồi! chính là linh mục Hiền, giám đốc trường Thiên Chúa Học Đường tại dòng Phước Sơn”. Tôi nhắm mắt hồi tưởng lại. Sau biến cố 75, Huynh Archange Minh xin chuyển dòng và nhập vào Đan Viện Phước Sơn. Cuối năm 75, tôi có dịp đến Phước Sơn thăm ông Cậu người gốc Ngọc Hồ bên quê ngoại của tôi, đã tu ở đây hơn 30 năm trước, và luôn dịp thăm Huynh Archange Minh. Ông Cậu dẫn tôi đi một vòng tham quan sinh hoạt của Đan Viện sau 75, dẫn tôi đến gặp linh mục Hiền, mới đi du học ở Mỹ về đầu năm 75, đảm nhận giám đốc kiêm hiệu trưởng trường Thiên Chúa Học Đường. Qua sự tiếp xúc đối thoại ngắn ngủi, tôi cảm nhận được linh mục Hiền có cái nhìn rất rộng về việc giáo dục. Tuy không phải là cựu học sinh Lasan, nhưng linh mục nghiên cứu khá nhiều về đời sống thánh Lasan, nhất là cuốn sách “La Conduite des Ecoles” mà linh mục cho là “bất biến”, có thể đem ra áp dụng cho mọi thời mọi xã hội bất kể tôn giáo hay địa vị xã hội.

Đích thực là linh mục Hiền rồi! Như vậy cả Đan Viện thay vì “khổ tu” trong tu viện Phước Sơn “được mời tiếp tục khổ tu” trong nhà tù sao? Thế là 3 dòng tu được thăm viếng trong vòng 3 tuần: Lasan - Chúa Cứu Thế - Phước Sơn. Theo nhịp độ này thì chắc là mỗi tuần sẽ có một tu viện trong Huyện Thủ Đức “lên đường”. Không biết các tu viện khác tại các địa phương khác ra sao?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét