khktmd 2015
Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016
Cuộc săn bắt điệp viên KGB cuối cùng trên đất Mỹ - Tác giả Thạch Đạt Lang
Khi bức tường Berlin sụp đổ ngày 09 tháng 11 năm 1989, kéo theo sự tan rã của khối Đông Âu và Liên Bang Xô Viết, một số các điệp viên KGB của Liên Xô đã bỏ chạy ra nước ngoài vì lo sợ bị trả thù.
Wasilij Mitrochin, nhân viên lưu trữ hồ sơ trong thư khố KGB chạy qua London năm 1992, cung cấp cho CIA tên tuổi của hàng ngàn điệp viên KGB đang hoạt động trên toàn thế giới.
Một điệp viên trong danh sách này, Albrecht Dittrich, người Đức sinh trưởng ở Jena, Đông Đức cũ, qua Mỹ từ năm 1978, sau gần 20 năm, chính xác hơn là 6794 ngày, mới bị bắt vào một ngày thứ sáu, tháng 5.1997 tại New York.
Thật ra trước đó ba năm, nhờ vào những dữ kiện, tin tức do Wassilij Mitrochin cung cấp, cơ quan phản gián nội địa cùng với FBI đã bắt đầu theo dõi Albrecht Dittrich, hiện mang tên Jack Barsky.
Để có thể đến gần, theo dõi hoạt động của Albrecht Dittrich mà không bị lộ, sở phản gián đã cử Joe Reilly, một nhân viên FBI với 23 năm kinh nghiệm về phản gián, phụ trách theo dõi, săn bắt Albrecht Dittrich.
Joe Reilly đã cho chuyên viên cài đặt trong nhà bếp, phòng làm việc của Albrecht Dittrich, ( bắt đầu từ đây xin gọi là Jack Barsky ) các microphone cũng như theo dõi từ xa bằng ống dòm mọi di chuyển của Barsky, sau đó còn mua hẳn một căn nhà kế cận gia đình của Barsky để tiện việc quan sát.
Từ căn nhà mới mua bên cạnh gia đình Barsky – Joe Reilly, một nhân viên FBI lỗi lạc, đã thành công rất nhiều trong việc lột mặt nạ những kẻ đang tìm cách phá hoại, ăn cắp tin tức kỹ nghệ, quốc phòng, thương mại…của nước Mỹ dưới danh nghĩa các nhân viên ngoại giao, nghiên cứu sinh ngoại quốc…- bắt đầu tìm cách tiếp xúc, làm quen với Barsky.
Cho tới nay, Jack Barsky là vụ lớn nhất, quan trọng nhất trong đời của Reilly.
Tuy vụ điệp viên Jack Barsky sau gần 20 năm hoạt động gián điệp mới bị phát giác không làm chính quyền Mỹ bị rúng động như trường hợp Günter Karl-Heinz Guillaume – điệp viên DDR làm lung lay nội các chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Đức dưới thời Thủ tướng Willy Brandt thập niên 70 nhưng cũng làm cho FBI và sở phản gián Mỹ bị tai tiếng nặng nề.
Reilly theo dõi, quan sát Barsky nhiều tháng dài, làm quen, trò chuyện với Barsky. Reilly đóng vai người nghiên cứu về chim chóc, cùng lúc giương bẫy, chờ đợi Barsky mắc phải lỗi lầm.
Dịp may đến trong một lần vợ chồng cãi nhau, Jack Barsky đã giận dữ gầm lên với vợ:-Tôi là gián điệp!
Lệnh bắt Jack Barsky được ban hành sau đó không lâu. Một buổi sáng thứ sáu trong tháng 05-1997, Barsky vừa lái chiếc Mazda 323 qua khỏi cầu bắc ngang qua giòng sông, một người cảnh sát đứng ngay sau chiếc cầu ngoắc tay ra hiệu cho ông ta dừng lại.
Ngay sau đó, một người mặc thường phục tiến đến gần xe, cúi người về phía Barsky:
„-FBI! Ông Barsky, chúng ta cần phải nói chuyện với nhau“.
Nhìn thẻ hành sự cùng huy hiệu của cảnh sát FBI, câu hỏi đầu tiên bật ra khỏi miệng Barsky:“- Tôi có bị bắt không?“ Câu hỏi thứ hai là: „-Sao đến bây giờ các ông mới ra tay?“
Trong một cuộc thẩm vấn dài ở tại một Motel ngay sau đó, Barsky thú nhận mọi chuyện với các nhân viên thẩm vấn FBI, từ code giải Morse đến cách mã hóa tin tức chuyển đi, kỹ thuật đào tạo đến phương thức suy nghĩ của nhân viên KGB.
Reilly cho biết, một lúc nào đó tất cả các điệp viên này sẽ bị bắt, bị bắn hoặc sẽ treo cổ, uống thuốc độc tự tử. Tuy nhiên, trường hợp Jack Barsky thì khác, sau cuộc điều tra, thẩm vấn kéo dài hơn hai ngày, ông ta được trả tự do. Reilly tin rằng việc kết án, giam giữ Barsky lâu dài không có lợi bằng để ông ta tự do.
Jack Barsky vì thế không phải ra tòa hay ở tù. Nhưng bằng cách nào một người dân Đông Đức, sinh trưởng ở Jena trở thành một điệp viên KGB, vì lợi ích nước Nga, lại có thể hoạt động trên đất Mỹ gần 2 thập kỷ không bị phát giác nếu không có Wassilij Mitrochin cung cấp tin tức?
Muốn hiểu rõ chuyện này, phải quay trở lại thời điểm của cuộc chiến tranh lạnh Nga- Mỹ trong thập niên 60, khi Jack Barsky còn là Albrecht Dittrich, một sinh viên xuất sắc, cực kỳ thông minh, đẹp trai nhưng ham danh vọng trong ngành hóa học tại Friedrich-Schiller University ở Jena. Thời gian đó là cao điểm của chủ nghĩa cộng sản, lý thuyết của Karl Marx đang được khối cộng sản tuyên truyền rầm rộ khắp thế giới. Chế độ tư bản đang bị những người cộng sản lên án gắt gao. Dittrich dù thông minh nhưng do bị tuyên truyền, tin tưởng sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản là điều không thể tránh khỏi.
Khi một người khoảng 40 tuổi, mũi nhọn, quặp như mỏ diều hâu, áo jacket xanh-xám, tự giới thiệu là nhân viên của nhà máy sản xuất kính Carl-Zeiss-Werke đến tìm gặp Dittrich để bàn về tương lai của ông ta, linh cảm cho Dittrich biết đó là nhân viên của Stasi ( viết tắt của Staatssicherheit ) – An ninh quốc gia.
Vào lúc đó Albrecht Dittrich đang bị thất bại trong tình yêu với Rosi, một sinh viên đồng học. Hai người yêu nhau và Dittrich đã có ý định lấy Rosi làm vợ nhưng rồi Rosi bỏ đi, yêu một sinh viên y khoa lớn tuổi hơn.
Chán nản, tuyệt vọng, Dittrich cắm đầu vào chuyện học hành, nghiên cứu, mong muốn vượt qua đám đông, trở thành một Professor về hóa.
„Trở thành điệp viên hoạt động ở các nước tư bản phương Tây“: -Một đề nghị thay đổi cuộc đời thật đúng lúc, không có gì quyến rũ Dittrich hơn.
Nhân viên Stasi giới thiệu Dittrich với một điệp viên KGB, người Nga phụ trách cơ sở ở Jena, thường tự xưng là German. Họ gặp nhau ở quán ăn Mặt Trời, quán đầu tiên được phép mở ở địa phương.
Chỉ vài lần gặp gỡ, German nhận ra khả năng hiếm có của Dittrich, do đó nhân viên KGB này gửi Dittrich đến Berlin-Karlshorst, trung tâm đào tạo, huấn luyện gián điệp của Nga nằm ở Đông Berlin thuộc Đông Đức cũ.
Tại đó Dittrich bắt đầu được huấn luyện những kỹ thuật căn bản, cần thiết trong ngành gián điệp như giải mã thư bí mật, mã hóa tin tức chuyển đi, theo dõi mục tiêu, kỹ thuật nghe lén, cắt đuôi khi bị theo dõi…Đồng thời cũng được học thêm nhiều về Anh ngữ.
Trong một buổi khiêu vũ sau khóa huấn luyện, Dittrich quen Gerlinde, một cô gái tóc vàng, đẹp, nhậy cảm, nhưng tinh thần yếu duối. Hai người yêu nhau, Dittrich dự định lấy Gerlinde làm vợ nhưng German đã có dự tính cho tương lại của Dittrich, gửi Dittrich qua Moscow huấn luyện thêm 2 năm về gián điệp, sau đó đưa đi hoạt động ở các nước phương Tây.
Biết liên hệ tình cảm giữa Dittrich và Gerlinde, German cho Dittrich sự chọn lựa, một là trở thành điệp viên hoạt động tại ngoại quốc, hai là Dittrich sẽ phải sống hết đời của một nhân viên sai vặt trong môt hợp tác xã nào đó ở nông thôn.
Dittrich đành phải cắt đứt liên hệ với Gerlinde. Tuy nhiên vì quá yêu Dittrich, Gerlinde chấp nhận chia sẻ cuộc đời mình với một điệp viên KGB. Hai người làm đám cưới sau khi Dittrich được huấn luyện tại Nga và trước khi qua Mỹ thi hành nhiệm vụ.
Tháng 10 năm 1978, Dittrich 29 tuổi, đặt chân xuống Chicago với $6.000 trong hành lý và một giấy khai sinh mang tên Jack Barsky, tên một trẻ em sinh năm 1955, chết năm 10 tuổi trong một ngôi mộ ở New York. Một nhân viên sứ quán Nga đã ghi nhận điều này và làm một khai sinh giả cho Dittrich với tên, tuổi đó.
Với giấy khai sinh này, Barsky có kế hoạch phải cố gắng kiếm cho được một thông hành mang quốc tịch Mỹ, sau đó sẽ trở thành một thương gia, tìm cách làm bạn với các chính trị gia, những người nổi tiếng, có ảnh hưởng với xã hội, từ đó làm quen, kết thân với Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Carter, tìm hiểu đường lối, khuynh hướng chính trị của nhân vật này.
Kế hoạch này thật hoàn hảo nhưng thất bại ngay từ bước đầu. KGB không chuẩn bị trước được những nhiêu khê, trở ngại, rắc rối trong nền hành chánh Mỹ. Dittrich không nhận được Passport Mỹ.
Tuy nhiên, Dittrich không nản lòng, tiếp tục tự nhận mình là Jack Barsky, bắt đầu làm việc bằng cách giao hàng bằng xe đạp ở New York. Một thời gian sau, Barsky chạy chọt, lo lót xin được số an sinh xã hội SSN (Social Security Number), viên đá đầu tiên làm nền tảng cho việc trở thành công dân Mỹ.
Sau đó, Barsky nghiên cứu khoa học điện toán, trở thành một thảo chương viên (programmer) làm việc cho một công ty bảo hiểm ở New York. Nếu có ai hỏi ông ta từ đâu đến, Barsky trả lời:- New Jersey. Nếu có ai tò mò, hỏi thêm về thổ âm tiếng Anh của mình, Barsky cho biết mẹ ông ta là người Đức.
Sau này khi bị bắt, Barsky tự nhận mình là một người nói láo giỏi.
Trả lời FBI về công việc của mình, Barsky cho biết ông ta có nhiệm vụ thiết lập hồ sơ cá nhân của những người có thể tuyển mộ làm điệp viên mới, đánh cắp kỹ thuật, công nghệ điện toán…
Baesky thường dùng những hộp thư chết, tự chế biến bằng những hộp sắt nhỏ, ngụy trang như những hòn đá xây nhà để chuyển giao tin tức, hình ảnh vi phim (microfilm) các hồ sơ, tài liệu kỹ thuật đánh cắp được. Những hộp thư chết này thường được đặt ở các công viên, ngoại ô thành phố và sẽ được một điệp viên khác đến lấy đi. Mỗi tối thứ năm, lúc 21:15g, Barsky ngồi nhà, dùng radio làn sóng ngắn để nhận tin tức từ trung tâm ở Moscow. Khi thì có lệnh tìm cho ra một điệp viên ở Canada đã bỏ trốn, lúc thì đánh giá sự nhận định của người Mỹ về tổ chức RAF (Red Army Fraction) ở Afghanistan…
Theo lời thú nhận của Barsky, thành công lớn nhất trong đời của ông ta là đánh cắp được một Programmer-Code rất quan trọng cho nền kinh tế của Liên Bang Xô Viết, nhưng hỏi thêm là Programmer-Code nào thì Barsky không tiết lộ.
Nói tóm lại Barsky chú trọng nhiều đến việc đánh cắp các phát triển kỹ thuật, điện tử. Mục tiêu tiến đến gần Brzezinski, cố vấn an ninh của tổng thống Carter hầu như vô vọng, Barsky chưa bao giờ có cơ hội gặp gỡ hay đến gần nhân vật này.
Trong thời gian hoạt động từ 1978 đến 1986, Barsky có hai đời sống riêng biệt: Jack Barsky ở Mỹ và Albrecht Dittrich ở Đức.
Ở Đức, Dittrich đã lấy vơ là Gerlinde trước khi qua Mỹ hoạt động và có một con trai là Mathias. Cứ hai năm một lần, Dittrich trở về Đông Đức nghỉ hè 3 tuần với Gerlinde và Mathias. Mỗi lần về đem theo nhiều món quá đắt giá của Âu Mỹ.
Trong thời gian sống ở Mỹ, Barsky quen với Penelope, một di dân từ Guyana qua mục rao vặt, tìm bạn trên báo. Hai người lấy nhau năm 1986, có hai con là Chelsea và Jessie, nhưng li dị sau đó về chuyện tiền bạc.
Sự đi đi, về về giữa New York – East Berlin chấm dứt năm 1986 sau khi nghỉ hè với Gerlinde và Mathias, Dittrich bay qua Moscow nhận nhiệm vụ mới, rồi dùng thông hành giả đi qua Belgrade, Vienna, Rome, Mexico, từ Mexico trở về New York.
Nhưng bất ngờ ngay sau đó, KGB ra lệnh cho Barsky phải trở về Đức lập tức, họ nghi ngờ rằng Barsky đã bị lộ. Barsky sẽ nhận được tiền và thông hành trong một can dầu nằm trên đường đi dạo ở một công viên.
Tuy nhiên, Barsky quyết định không trở về Đông Đức. Ông giải thích với KGB, lý do không tìm thấy can dầu có tiền và thông hành theo lời chỉ dẫn, đồng thời cho biết đã mắc bệnh HIV và chỉ ở Mỹ mới có đủ khả năng điều trị bệnh.
Rõ ràng Barsky không muốn quay trở lại đất nước, dù làm việc cho KGB, Barsky đã quá quen hưởng thụ đời sống vật chất dư thừa, sinh hoạt đầy đủ tiện nghi ở xã hội tư bản. Barsky biết rằng trở về Đức lần này, sẽ khó có cơ hội qua Mỹ hoạt động trở lại.
Cũng theo lời kể với nhân viên FBI, năm 1988 một nhân viên KGB đã tìm gặp Barsky, hăm dọa rằng nếu ông ta không trở về nước ngay thì sẽ bị thanh toán. Barsky tin rằng FBI chưa phát giác ra mình cũng như KGB sẽ không trả thù mà chỉ hăm dọa xuông.
Cuộc sống của Barsky sau cuối tuần bị FBI bắt giữ, điều tra cũng không dễ dàng, thoải mái về mặt tinh thần. Việc bỏ rơi Gerlinde và Mathias ở Đông Berlin làm cho Barsky bị dằn vặt, ân hận lâu dài. Barsky hiện nay là chuyên viên IT cho một công ty cung cấp năng lượng ở New York, đã sống trong sự giằng xé lương tâm khi gặp lại một nửa gia đình bên Đức. Năm 2005 Mathias qua Mỹ thăm những đứa em cùng cha, khác mẹ, gặp lại cha sau gần 20 năm. Một sự bắt đầu mới tràn ngập giận dữ được đè nén, những câu hỏi không có lời giải thích chỉ làm cho Barsky muốn quên hết quá khứ.
Barsky thú nhận vô cùng ân hận vì đã sống một cuộc đời chỉ toàn nói dối, lừa gạt. Cuộc hôn nhân thứ ba với Shawna, một người Thiên Chúa giáo có đức tin mạnh mẽ đã cải hóa Barsky tin vào Thượng Đế.
Một điều lý thú trong vụ gián điệp này là Jack Barsky, từ một kẻ thù bị Joe Reilly săn bắt, hai người đã trở thành bạn và hay đi đánh golf với nhau. Barsky thường tâm sự:
- Người thành thật nhất là người nói dối hay nhất. Tôi luôn luôn cởi mở, thân thiện với mọi người. Điều đó khiến cho tôi đạt được những thành công lớn trong đời.
Tuy nhiên cũng phải đợi đến năm 2014, nhờ vào sự giúp đỡ tận tình của Joe Reilly, Albrecht Dittrich mới chính thức trở thành Jack Barsky, công dân Mỹ, 36 năm sau khi đặt chân đến Chicago năm 1978
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét