khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Đạo Chúa Của Tôi - Tác giả Sơn Hà



Sơn Hà là bút hiệu của một cựu sinh viên khóa 4 trường KHKT - MĐ. Trường mình khởi thủy do mấy ông linh mục công giáo thành lập từ năm 1970 cho đến ngày mất vào tay giặc CSVN ngày 30/4/1975. Từ giảng đường đến phòng thí nghiệm, xưởng, tìm không ra được một cuốn sách giáo lý, tranh ảnh chúa, đến cả một cây thánh giá . Không thấy những bộ áo chùng đen lãng vãng trong sân trường. Nhưng, như Sơn Hà viết, chúng ta đã thừa hưởng một nền giáo dục KHAI PHÓNG; chính nhờ đó mà chúng ta đã vượt qua những trở ngại trong đời sống trong suốt 42 năm sau khi rời trường. Cảm ơn Sơn Hà đã nói hộ lời cảm ơn của anh em KHKT-MĐ với nhà trường. Vô thần đưa con cháu và dân tộc chúng ta đến vong thân!


Đạo công giáo chiếm 6-7% dân số Việt Nam, là thiểu số trong dân chúng Việt Nam, nhưng sao công giáo cứ bị chống đối như một thứ thuốc phiện sắp sửa tiêu huỷ dân tộc Việt Nam. Luận điệu này vẫn còn đây đó trong các bài viết trên báo, trên Internet, kể cả báo do Phật Giáo chủ trương. Trong bài này, có khi tôi dùng chữ Kitô giáo, hay đạo công giáo, hay Thiên Chúa giáo La Mã, thì cũng chỉ nói đến một Giáo Hội Công Giáo, có giáo đô đặt tại La Mã. Tất cả có cùng một ý nghĩa và cách dùng chữ chỉ là thói quen.

Lần dở lại ký ức, những năm học tiểu học ở quê tôi, nhà tôi ở cách trường khoảng chừng 3 cây số, ngang qua khu Kiến Thiết. Khu Kiến Thiết là khu mới thành lập, nơi định cư của người di cư từ miền Bắc, sau hiệp định Genève năm 1954 chia hai đất nước, cộng sản chiếm miền Bắc, miền Nam còn được tự do. Họ chạy trốn cộng sản vào Nam, tìm nơi nương náu. Ở đó, tôi có mấy đứa bạn học cùng lớp. Dư luận chung quanh cứ xem khu Kiến Thiết là khu của người công giáo. Tôi chẳng bao giờ tìm hiểu tại sao ấy là điều mặc nhiên. Người Bắc di cư không phải ai cũng theo đạo công giáo. Nhưng mỗi lần bọn trẻ lên cơn chọc phá thì chúng nó gọi hết cả những đứa học trò cư ngụ trong khu Kiến Thiết là “bọn công giáo”. Cũng có lúc chúng nó chọc là “bọn Bắc Kỳ”.

Giờ tan học là khoảnh khắc thích thú của bọn con nít chúng tôi sau một ngày học mệt mỏi. Nhưng, giờ tan học cũng là lúc lo âu vì sẽ bị bọn lâu la ba gai gọi tên những đứa công giáo và Bắc Kỳ ra mà chọc phá. Tôi không dám bênh vực đứa nào vì sợ vạ lây. Lại càng không thể nhẫn tâm chạy theo bọn đầu trâu mặt ngựa để hò hát những câu vè chọc bọn trẻ công giáo. Cái tâm trạng kỳ cục này cứ đeo đuổi tôi suốt mấy mươi năm cho đến nay. Số người theo đạo công giáo tại Việt Nam vẫn là thiểu số trong tổng số dân số, mà vẫn còn bị cho là thành phần có thể làm thay đổi xã hội. Nào là ngoại lai, nào là vọng ngoại, nào là quên cội nguồn dân tộc, nào là tiếp tay với ngoại bang phá hủy đạo của dân tộc, v.v…

Hồi ấy, những lần bị chọc phá thường không gây tai hại gì về mặt thể xác nhưng về mặt tinh thần thì đầy tủi hổ. Lúc bấy giờ, tôi chưa phải là người theo đạo công giáo mà cũng cảm thấy đau đớn lây, huống gì những đứa theo đạo công giáo bạn tôi.

Sau gần nửa thế kỷ mà tôi còn nhớ rất rõ những câu chọc phá của bọn con nít trêu chọc những đứa trẻ con nhà đạo. Nó kêu tên Chúa Trời, Chúa Giê-xu, Mẹ Maria ra mà chọc thì ai mà chịu nổi. Vậy mà, những thằng bạn tôi cuối gầm mặt mà đi mau về nhà trong khu Kiến Thiết; mặc cho chúng nó chọc. Tôi cảm thấy vô cùng ái ngại cho bạn tôi. Nếu tôi bị chọc như nó chắc tôi đau khổ lắm. Vậy mà bạn tôi đã phải trải qua những ngày đau khổ ấy, của cái tuổi thơ ấu đáng lẽ phải được vui đùa hồn nhiên hơn, thơ mộng hơn. Cái nỗi đày đọa in sâu trong óc tuổi thơ khó có thể xóa được.

Giờ này nghĩ lại, làm sao bọn con nít tiểu học, dưới 10 tuổi, lại có thể đặt ra những câu vè để chọc phá người công giáo hay chọc người Bắc di cư, nếu không có bàn tay của người lớn. Càng nghĩ càng thông cảm với những người theo đạo công giáo. Càng nghĩ càng thắc mắc sao xã hội Việt Nam có nhiều người lúc nào cũng có sẵn một khoảng cách rất lớn đối với người khác, vốn là người chưa quen chưa biết. Làm sao có chuyện lấp đầy các khoảng cách ấy bên trong những con người sẵn có sự kỳ thị? Tôi nghĩ chuyện đội đá vá trời ấy chỉ có phép lạ mới làm được.

Về sau, khi lên trung học tôi vào học trường công giáo, rồi được xem những cuốn phim về các cuộc bắt đạo dã man của mấy thế kỷ trước, tôi càng nghiệm thấy, người công giáo chịu đựng được những khổ nạn vì họ có đức tin. Đức tin của người công giáo mãnh liệt và cao cả hơn tất cả mọi chuyện. Họ không phải chỉ theo đạo mà họ sống với đạo của họ. Sống với đức tin mỗi ngày. Tôi đã có cảm tình với đạo Chúa từ lúc quen biết với những đứa bạn trong khu Kiến Thiết. Không phải đến lúc lớn lên, khi hiểu biết và suy luận nhiều hơn rồi mới tìm hiểu đạo Chúa. Sự cảm nhận về đạo Chúa đến từ trái tim của tôi.

Sự chọc ghẹo của bọn con nít có vẻ như người lớn không lưu tâm. Lẽ nào người lớn không biết, không nghe bọn con nít hò reo ngoài đường, khi mà chúng nó chọc ghẹo bọn trẻ công giáo ầm ĩ như thế. Nó xảy ra rất thường xuyên chứ không phải chỉ một lần rồi thôi. Nó cứ lặp đi lặp lại mà không ai can ngăn, và nó tiếp tục lặp lại dài dài. Bọn con nít mua vui một khoảnh khắc nhưng chắc nó nằm trong kế hoạch của người lớn. Khi lớn lên, tôi tin rằng, những cuộc chọc ghẹo này thể hiện tính xấu “kỳ thị công giáo” của những người lớn trong vùng. Sự kỳ thị không chỉ là để chọc cho vui mà họ muốn người công giáo biến mất trên quê hương Việt Nam.

Điểm lại những thằng bạn cùng lớp ở trung học, có tới 85% không phải người công giáo. Trong số những đứa không công giáo, có đứa đã từng ở trong đám chuyên chọc phá trước kia. Hoá ra, trường công giáo được lập ra không chỉ dành riêng cho những gia đình công giáo mà cho tất cả. Và những đứa học trò bây giờ lớn hơn không còn thấy cái tính kỳ thị ấy nữa.

Rồi khi lớn hơn nữa, đi đây đi đó nhiều mới thấy cái “kỳ thị công giáo” chỉ có bên trong những con người kém suy nghĩ và những người không có tôn giáo. Tôi đi vào vùng của người theo đạo Phật Giáo Hoà Hảo và nhận thấy các tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo tin vào lời dạy của Đức Giáo Chủ của họ. Họ có thể ngồi nói chuyện hàng giờ về tín lý của đạo PGHH. Vào vùng của đạo Cao Đài cũng vậy. Các tín đồ Cao Đài sẵn lòng và vui vẻ nói về đạo của mình bao lâu cũng được. Ngay cả đạo Hoà Đồng Tôn Giáo của ông Đạo Dừa, các tín đồ rất kiên nhẫn diễn giải về đạo của mình và không có dấu hiệu nào cho thấy có sự kỳ thị tôn giáo. Họ hãnh diện với nét đặc thù của tôn giáo của mình. Họ chấp nhận sự khác biệt của các tôn giáo khác. Dù đạo Phật không sống tập trung như những đạo vừa kể nhưng tôi tin đạo Phật cũng thế. Ai có niềm tin và hãnh diện với tôn giáo của mình thì không có tính xấu kỳ thị tôn giáo.

Ngày nay, các bài viết đánh phá đạo công giáo được xào đi nấu lại rồi truyền đi trên Internet. Sự việc diễn ra giống như một hành động vô thức, cứ ném ra tới đâu thì tới, không cần biết hậu quả ra sao. Nhưng xét ra nó rất gần với chủ trương của đảng cộng sản. Các bài viết không có những câu vè rẻ tiền như khi xưa. Nó được trang điểm bộ mặt dân tộc nhưng mang nặng tư tưởng mặc cảm. Cứ làm như đạo công giáo sắp sửa ăn tươi nuốt sống các đạo khác. Có khi người đọc bắt gặp các ý niệm quái đãn: “Thà sống với cộng sản còn hơn sống với người theo đạo Chúa”. Hay: “Đạo công giáo theo gót giày xâm lược của đế quốc đi vào Việt Nam”.

Lịch sử còn đó. Sao họ không đọc lại lịch sử để xem khi nào thì đạo công giáo du nhập vào Việt Nam? Khi nào thì đế quốc xâm lăng Việt Nam. Lịch sử cũng cho ta biết khi nào thì các đạo khác du nhập vào Việt Nam? Vào như thế nào? Có theo gót giày xâm lược không? Họ không đọc, không tìm hiểu và họ thiếu kiến thức. Họ chỉ chống phá giống như bọn nhỏ khi xưa.

Người Bồ Đào Nha Đem Đạo Công Giáo Vào Việt Nam - năm 1583

Đọc lại lịch sử, ta có thể tìm thấy những năm cuối của thế kỷ 15 sang đầu thế kỷ thứ 16, các thương gia đường biển người Bồ Đào Nha, được bảo trợ bởi triều đình Bồ Đào Nha hướng về Á châu. Từ sau năm 1511, các thuyền nhân Bồ Đào Nha vượt eo biển Malacca đi lên hướng bắc, nhắm đến Nhật Bản và Trung Hoa, là hai đế quốc lớn. Một chuỗi các nước nhỏ giữa Malacca và Macao được xem là các trạm tiếp tế. Từ năm 1498 đến 1651, dài hơn 150 năm, người Bồ Đào Nha độc quyền có mặt tại Á châu. Trong lúc người Pháp hoàn toàn vắng mặt trong khoảng thời gian này thì các nhà truyền giáo gốc Ý có mặt trong đoàn thương nhân, nhưng phải chịu sự chi phối bởi Bồ Đào Nha. Alexandre de Rhode, thường được xem là người có công nhiều trong việc tạo ra chữ quốc ngữ Việt Nam; sinh ra ở nước Pháp nhưng là thần dân của Roma, có mặt trong đoàn người này.

Khởi đi từ linh mục Francisco Javier (Phanxico Xavie – dòng Tên), những nhà truyền giáo đi theo các thương thuyền, với mục đích mang đạo công giáo đến Trung Hoa và Nhật Bản. Trong sứ mạng ấy, các nước nhỏ như Việt Nam, không được xem là ưu tiên. Tuy nhiên, công cuộc truyền giáo ở Nhật Bản và Trung Hoa không mấy khả quan vì trở ngại ngôn ngữ.

Năm 2004, linh mục Roland Jacques, thuộc dòng Anh Em Hiến Sĩ Đức Mẹ (O.M.I.), tiến sĩ Luật Học tại Đại Học Paris-XI và tiến sĩ Giáo Luật Học tại Học Viện Công Giáo Paris, Khoa Trưởng Phân Khoa Giáo Luật, Đại Học St Paul, Ottawa, Canada; là tác giả và đã xuất bản cuốn sách mang tựa “Các Nhà Truyền Giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam”, với sự bảo trợ của Đại Học St Paul, là thành quả của nhiều năm nghiên cứu với các tài liệu chưa từng được các sử gia Việt Nam cũng như Tây phương nhắc đến. Trong cuốn cách này, có tài liệu dẫn chứng về sự tiếp xúc giữa người Việt và các giáo sĩ Bồ Đào Nha, hơn 150 năm, trước khi người Pháp đặt chân đến Việt Nam.

Theo linh mục Roland, người ta tìm thấy một bia đá dựng ở Cù Lao Chàm vào năm 1533, có dấu vết cho thấy các giáo sĩ Bồ Đào Nha đã đến Việt Nam. Những năm đầu của công cuộc truyền giáo tại Á châu, duy nhất Dòng Tên truyền giáo ở Trung Hoa và Nhật Bản và khuyến khích các dòng khác truyền giáo ở Việt Nam. Đến năm 1583, có đoàn truyền giáo thuộc Dòng Francisco người Tây Ban Nha đặt chân đến Đàng Trong. Năm sau đó có một đợt khác vào Đà Nẵng và cả mấy năm sau. Nhưng kết quả rất khiêm tốn. Ký sự của các tu sĩ Dòng Francisco và Dòng Augustinô cho rằng các cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa như các “cuộc đối thoại giữa những người điếc”. Lúc này vẫn chưa có người Pháp.

Từ kinh nghiệm hơn hai mươi năm nghiên cứu và sáng chế ngôn ngữ, các linh mục Dòng Tên của tỉnh dòng Nhật Bản đã tìm cách phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin và đã vượt qua trở ngại về ngôn ngữ. Từ đó việc truyền giáo ở Việt Nam trở nên dễ dàng hơn. Đến năm 1615 ở Đàng Trong, và năm 1627 ở Đàng Ngoài, chính thức thành lập miền truyền giáo thuộc Tỉnh Dòng Tên Nhật Bản, liên hệ với các tòa giám mục ở Malacca và Macao. Tỉnh Dòng Nhật Bản hoàn toàn thuộc quyền Bồ Đào Nha trong khuôn khổ bảo trợ của hoàng gia. Lúc này cũng chưa có người Pháp đến Việt Nam. Các chi tiết này được linh mục Roland ghi lại trong sách vừa kể ở trên.

Đàng Trong và Đàng Ngoài là hai miền nam bắc của Việt Nam bị chia hai do hai Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn cai quản hai miền Nam Bắc, lấy sông Gianh phân chia ranh giới. Cả hai Chúa nhân danh phò vua Lê nhưng không thể hòa hợp nhau. Quân Tây Sơn là một lực lượng khác, dấy lên miền Trung, từng chinh phạt cả Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn bị quân Tây Sơn đánh đuổi chạy xuống tận Phú Quốc. Nguyễn Ánh, tức là vua Gia Long sau này, đã nhiều lần cầu viện quân Thái Lan đã bị quân Tây Sơn đánh bại. Giai đoạn này, dù dưới sự cai trị của ai, đạo công giáo bị bách hại rất tàn nhẫn. Có giáo sĩ đã bị hành hung và bị trục xuất. Giáo dân thì bị giết nếu không chịu bỏ đạo. Việc bắt đạo đã trở nên tàn khốc hơn khi triều đình nhúng tay vào. Việc bách hại đạo đã được báo cáo cho triều đình Bồ Đào Nha nhưng không có hành động cứu giúp nào từ phía triều đình Bồ Đào Nha. Mấy mươi năm sau, khi Nguyễn Ánh cầu cứu Pháp để đánh lại quân Tây Sơn thì Pháp nhân cơ hội đem quân đánh chiếm Việt Nam. Chẳng có gì liên hệ tới tôn giáo.

Pháp Giúp Nguyễn Ánh Đánh Tây Sơn – năm 1787

Người Pháp mang súng đạn đến Việt Nam giúp Nguyễn Ánh đánh với quân Tây Sơn. Giám mục Pierre-Joseph-Georges Pigneau de Béhaine, còn gọi là Giám Mục Bá Đa Lộc là người giúp cho Nguyễn Ánh mua súng đạn của Pháp. Năm ấy là năm 1787. Sau khi thắng Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi vua là Gia Long, tiếp tục tình trạng cấm đạo. Giám mục Bá Đa Lộc thất vọng vì không ngờ sau khi nắm trọn quyền hành, vua Gia Long không giúp cho công cuộc truyền giáo mà lại còn tỏ vẻ lo sợ mất ngai vàng.

Cuốn sách mang tựa đề “Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ” là một tác phẩm Hán Nôm Công Giáo do đức giám mục Bá Đa Lộc viết và xuất bản năm 1774 ở Quảng Đông. Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837. Năm 2001, La Vang Tùng Thư tái bản ở hải ngoại với chú giải của Y Doãn Ninh và Lê Bảo Tịnh. Sách này ghi lại các vụ bắt đạo trong thời Gia Long cho đến Tự Đức. Các triều đại này xem Khổng giáo là quốc giáo và cho công giáo là tà giáo. Vua Gia Long cho rằng: “…đạo Gia Tô là tôn giáo nước khác truyền vào nước ta, bịa đặt ra thuyết thiên đường, địa ngục khiến người ngu phu ngu phụ chạy vạy như điên, tiêm nhiễm thành thói quen, mê mà không biết”. Đến vua Thiệu Trị còn nặng lời hơn miệt thị công giáo và hết lòng đề cao Khổng Mạnh. Đến đời vua Minh Mạng thì mạnh mẽ hơn trong việc chống đạo công giáo. Dưới đời Minh Mạng có đến 58 vị tử đạo được hiển thánh và nhiều vị khác chưa được Hội Thánh cứu xét.

Vua Minh Mạng, năm 1834, đã ban hành bản Thập Điều, trong đó điều thứ bảy ghi rằng: “…Đạo Gia Tô lại càng vô lý: trai gái chung đụng nôm tạp, việc lầm giống như cầm thú. Gây vây cánh, cổ động gian tà, tự sa vào tội chết… Nếu người nào đã bị dỗ dành thì nên mau chóng bỏ đi…”. Đạo công giáo bị liệt vào loại “tả đạo”, nghĩa là đạo bất chính. Giáo dân thì bị gọi là “dửu dân” là dân xấu như loại “cỏ lùng” làm hại lúa, cần phải diệt đi. Mãi đến năm 1868 mới được vua Tự Đức hủy bỏ bản Thập Điều này.

Khi Kitô giáo du nhập vào Việt Nam thì đã có các tôn giáo khác như Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo. Cả ba tôn giáo này cũng đều là du nhập từ nước ngoài. Nhưng, chỉ riêng Kitô giáo tức công giáo, bị xem là loại tôn giáo ngoại lai. Ngoài các tôn giáo vừa kể, người Việt Nam còn người thờ thần sông, thần núi, thờ danh nhân được nhà vua phong sắc; và có người thờ cả Quan Công của Tàu. Ngoài ra còn có các miếu thờ ở gốc cây đa, lên đồng lên bóng, xin xăm, bói toán,…

Đức giám mục Bá Đa Lộc xuất bản sách “Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ” vào năm 1774 và tái bản năm 1782 là để trình bày cho giáo dân hiểu về đạo công giáo và cũng giới thiệu với người ngoại giáo. Kitô giáo tìm về nước Trời không ở thế gian này, trong khi Nguyễn Ánh thì lo xây dựng vương quốc ở đời này, không phải lo lắng các Kitô hữu sẽ tranh giành với mình. Nhưng khi nắm được quyền hành thì vua Gia Long lại quay sang chống Kitô giáo và hết lòng tin tưởng Khổng giáo vì chính nó sẽ giúp mình giữ vững ngai vàng. Lòng trung với vua được coi trọng tuyệt đối, trên cả chữ hiếu đối với cha mẹ. Trong khi đó, Học Thuyết Công Giáo thì buộc người lãnh đạo phải phục vụ quần chúng. Đạo công giáo đòi mỗi người phải từ bỏ dục vọng bất chính, cấm đàn ông có nhiều vợ (đa thê), cấm ham muốn sở hữu của người khác. Trong khi đó luật của nhà Lê cho đến luật Gia Long thì đều cho phép đàn ông có nhiều vợ. Nhà vua tự cho mình là con Trời, toàn quyền sinh sát trong tay, bắt mọi người phải tuân thủ. Luật của đạo công giáo ghi rõ, phải tôn trọng người khác, phải “thảo kính cha mẹ”, tức là coi trọng ông bà cha mẹ, và thờ một Chúa Trời, chứ không thờ ông vua. Vua quan Việt Nam thì đòi làm cha làm mẹ nhân dân, nhưng đạo công giáo thì lại đòi công bằng và bác ái cho mọi người. Cái mâu thuẫn này là mấu chốt của vấn đề kỳ thị rồi đi đến tàn sát người theo Kitô giáo. Vì những luật nhà đạo không làm hài lòng nhà vua nên nhà vua miệt thị Kitô giáo rồi đi đến các cuộc bắt đạo khốc liệt, kéo dài cho đến thời Tự Đức. Sau khi thấy máu đổ nhiều, vua Tự Đức cho bãi bỏ lệnh cấm đạo nhưng các đời vua sau đó (Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi) vẫn còn bắt đạo, vẫn cứ âm ỉ kéo dài.

Máu của hàng trăm ngàn Kitô hữu đã đổ ra, trong đó có giáo sĩ và giáo dân. Họ thà chết chứ không bỏ đức tin. Rồi, phong trào Văn Thân ra đời từ những người nho học, tự gọi là trí thức bị ảnh hưởng Khổng giáo, là phong trào tàn sát người công giáo cũng khốc liệt không kém, với khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả”, tức là đuổi Tây và giết người theo đạo công giáo. Những bài vè châm biếm, trêu chọc người công giáo đến từ những ông thầy đồ nho “trí thức” này, vẫn còn được tiếp tục bởi những người kém học thức, tiếp tục truyền đi trong dân gian.

Bọn con nít thời nay học những bài vè truyền miệng này, lưu truyền từ những ông thầy đồ, được làng xem là người biết chữ. Mỗi lần có dịp tụ tập sinh hoạt trong làng, các ông biết chữ sáng tác những câu vè cho con nít, cho cả người lớn, ca hát trong những dịp này. Có bài vè dùng để vui chơi hội hè, có bài chọc ghẹo người công giáo, rất hạ cấp; sỉ nhục người công giáo nặng nề không khác gì thời bắt đạo của nhà Nguyễn. Mấy ông đồ hiện thân của Nho giáo và Khổng giáo của Tàu, e sợ đối diện với luồng văn minh Thiên Chúa giáo đến từ Âu Châu chăng?

Cụ Phan Bội Châu đã từng thốt lên: “Từ đời Lê Huyền Tôn (1663-1671), niên hiệu Cảnh Trị đến bản triều Tự Đức (1847-1883) khoảng những năm đầu, đều có cái tệ cấm dương giáo, giết giáo đồ. Than ôi! Thời đại chưa khai hoá, có những việc như vậy, nay cũng không nỡ nhắc lại nữa”. (Việt Nam Quốc Sử Khảo, tr146).

Ngày nay, cộng sản tiếp tục khai thác sự bất đồng trong dân chúng và dạy đảng viên cộng sản chống lại đạo công giáo. Cộng sản thừa nhận đạo công giáo có tổ chức chặt chẽ và khó xâm nhập. Giáo dân công giáo nghe lời các vị linh mục chăn dắt họ nên đảng cộng sản đã nỗ lực lung lạc các linh mục nhưng không thành công. Tuy nhiên, hiện tượng “kỳ thị công giáo” vẫn là lợi thế cho đảng cộng sản. Do đó, đảng cộng sản lợi dụng tối đa cho mục tiêu của chúng. Đó là lủng đoạn rồi dần dần đi đến tiêu diệt tất cả các tôn giáo, không riêng gì công giáo.

Ai cũng có thể thấy rõ sự việc đảng cộng sản chống Vatican. Nó bới móc những hiện tượng xấu xa của vài phần tử ở Vatican rồi cho đó là bản chất của đạo công giáo. Chúng nó cho cò mồi thập thò rồi cho bọn “dư luận viên” thổi bùng ngọn lửa chống phá Vatican. Một hành động xúi trẻ “ăn cứt gà”. Nhiều người tưởng kiểu này không còn ăn khách nên tỏ ra thờ ơ để cho bọn cộng sản và tay sai múa gậy vườn hoang.

Có những cú tuyên truyền tức cười, người nào theo đạo công giáo thì người ấy bị cho là nối giáo cho giặc. Nếu người công giáo tham gia các cuộc tranh đấu do cộng sản lãnh đạo thì người ấy là Công Giáo Yêu Nước. Các đạo khác cũng chịu chung số phận. Bọn cộng sản tự ý phân chia những người có đạo thành ra hai thành phần. Yêu nước và không yêu nước. Cho nên trong chế độ cộng sản, người ta thấy có Công Giáo Yêu Nước, Phật Giáo Yêu Nước, Cao Đài Yêu Nước,… Ai tham gia vào các tập thể có tên Yêu Nước để chịu sự khống chế của đảng cộng sản thì chúng để cho yên thân. Ai theo đạo mà không vào với tập thể Yêu Nước do đảng cộng sản dựng lên thì bị xem là “thành phần phản động, chống lại nhà nước XHCN”. Có một số người theo Phật giáo thuộc loại quá khích còn nặn ra một thành phần khác trong Kitô giáo, gọi là “công giáo tiến bộ”, tức là theo công giáo cũng chấp nhận được nhưng phải chống lại Vatican thì mới coi là “tiến bộ”.

Không Ai Có Thể Tiêu Diệt Tôn Giáo

Chống Vatican thì đã có nhiều người công giáo chống từ lâu rồi, đâu phải người không công giáo mới chống. Có nhiều bài phân tích rõ ràng và nghiêm chỉnh để trình bày các sai trái của Vatican. Các vị Giáo Hoàng đã lắng nghe những đóng góp nghiêm chỉnh ngay thẳng ấy và đã đáp ứng sửa đổi. Lịch sử ghi lại rõ ràng như thế.

Nhìn từ phía con người, tôi tin rằng, từ khi có loài người, tín ngưỡng và tôn giáo đã là nhu cầu tâm linh của con người. Căn nguyên của các đạo rất giống nhau. Chẳng hạn như Đức Giê-xu nói: “Anh em phải nên Thánh như Cha anh em trên trời…”, và đức Phật cũng nói “…chúng sinh là Phật chưa thành”. Nghĩa là trong mỗi con người đều có đức tính hướng thượng, muốn tâm hồn được nâng lên. Ai cũng muốn trở nên người tốt.

Nơi nào có đời sống hợp quần thì nơi đó người ta sẽ ghi trong văn bản cao nhất là hiến pháp, về quyền tôn giáo và tín ngưỡng. Từ quốc gia văn minh cho đến các quốc gia đang phát triển họ đều ghi nhận con người có quyền tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo. Chỉ khi nào con người không còn nữa thì tôn giáo mới bị triệt tiêu. Và như thế, đạo công giáo hay bất cứ đạo nào, rồi cũng sẽ trường tồn cho đến khi không còn con người nữa. Chẳng có tôn giáo nào theo gót giầy đế quốc để vào Việt Nam cả.

Cái thời bách hại đạo công giáo đã qua. Những hành vi của thời đại chưa khai hóa đã thuộc về quá khứ của mấy trăm năm trước không thể dung dưỡng trong thời đại hôm nay. Những thái độ chống Kitô giáo hay công giáo là thái độ của con người thuở man rợ chưa khai hóa, nay cũng không nỡ nhắc lại nữa.

Sơn Hà – tháng Mười Một năm 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét